Hôm nay, chở mẹ đi công việc, đứng chờ mẹ, tui nói chuyện với bác xe ôm đậu ven đường. Bác kể:"Từ khi có tụi Gờ gờ chi đó mà không còn ai đi xe ôm nữa. Nên bác khốn khó lắm con à". Tui chợt nhớ đến những clip ẩu đả của xe ôm "cổ" và xe ôm "hiện đại", âu cũng chỉ vì miếng cơm manh áo như thế này...
Hôm đó, tui đi vào một shop bán quần áo, shop ở cái xó xỉnh trong một con hẻm nhỏ, quán trang trí rất đẹp, quần áo cũng rất chất nhưng hiếm ai biết vì không pr trên mạng xã hội. Tui hỏi chị sao thời buổi này chị không pr lên mấy trang đó, chớ như thế này chắc ko nhiều người biết. Chị bảo:" người ta muốn biết người ta sẽ biết, khách chị toàn khách quen mà, đã đến chị thì sẽ đến hoài à"
Tui cũng có quen một người bạn, nhà cực giàu, nhưng suốt ngày cậu ta chỉ chui vào những quán cf cũ, cf cóc, ngồi nghe dăm bài nhạc cũ ngày xưa, lảng tránh phong vị xô bồ của cuộc đời.
Cái thời buổi người người Internet, nhà nhà Internet thì những người đi ngược lại với sự phát triển ấy thường hay bị gọi là lạc hậu. Nhưng cái "lạc hậu" ấy không phải lúc nào cũng không tốt. Thay vì cứ phải đi theo những đường kẻ trong Google map của mấy bác Grab thì mấy bác xe ôm cũ chẳng cần gì cũng biết đủ ngóc ngách, chỉ cần nói tên đường là chỉ vèo vèo. Thay vì cứ PR sản phẩm trên mạng, cô chủ nhỏ của shop ấy đã tự cho mình một lượng khách ổn định, với một chất lượng sản phẩm riêng và shop cũng chả bao giờ rơi vào tình trạng gọi là quá "ế"... Và anh bạn tui nhờ ngồi ở mấy quán cf "cổ" ấy mà quen được khá nhiều người hay ho, thú vị
Nhiều lúc cũng thắc mắc, giữa cái xã hội hiện đại, cuộc cách mạng 4.0 đang đến rất gần vậy tại sao những con người ấy lại hoài cổ đến vậy?Bác xe ôm già quá không thể sử dụng công nghệ, đúng...Nhưng còn chị chủ shop và cậu bạn tui? Rồi sau đó cũng tự có câu trả lời cho bản thân khi có quãng thời gian trốn khỏi tất cả các mạng xã hội, chui đầu vào mấy chỗ như cậu bạn tui tìm thú vui. Câu trả lời duy nhất mà tui có thể trả lời được: đó là đi tìm sự an yên cho chính tâm hồn.
Giữa một đống thông tin ồn ào, xô bồ, giữa hàng loạt việc thật, giả lẫn lộn, chạy theo đồng tiền mà đánh mất giá trị bản thân ấy, thì những con người sống xa "thế giới ảo"
(Gọi là "xưa nay hiếm") ,họ chọn cho mình cách sống yên bình, gặp những con người thật, làm việc thật, sống thật và tìm được giá trị thật cho riêng mình. Chả trách tại sao Mark Zuckerberg tạo ra một mạng xã hội làm thay đổi cả một thế hệ rồi cùng vợ đọc báo giấy mỗi ngày, Huế, Kyoto dù là thành phố cổ nhưng vẫn thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm. Âu cũng vì lý do ấy :)

Ngồi vắt vẻo trên xe, tui tưởng tượng một ngày sẽ chả còn một bác xe ôm nào còn dựng xe ven đường chờ khách, báo giấy sẽ chẳng còn tồn tại, chẳng còn những gánh hàng rong, chợ xổm. Tự nhiên lại thấy cô độc, chẳng biết sau này con cái mình có những thú vui nào khác, có biết đến những thứ đã làm nên bao thế hệ như thế này không, có còn bóng dáng con người trong những việc hằng ngày hay chỉ là những robot vô tri và còn nơi nào bình yên để mà mình bám víu nữa hay không. Tự nhiên buồn ghê gớm ( À mà cái ngày tưởng tượng ấy đang đến rất gần rồi, những thứ gọi là cũ kỹ ấy giờ đã rơi vào vùng ký ức, như Yahoo, Paint đã bị chính ba mẹ mình "khai tử" )

Tui không thích gọi những thứ đang nói là cũ vì cũ được thay mới là quy luật tất yếu của xã hội, phải phát triển thì mới tồn tại được. Còn cái cổ thì nó thuộc về phạm trù rất riêng, có giá trị rất riêng không thể và không bao giờ có cái gì khác có thể thay thế.
Giờ tui chỉ mong cái hiện đại sẽ luôn tồn tại song hành với cái cổ để cân bằng, điều hòa cái xã hội đầy nhiễu loạn này...