Bức hoạ Dorian Gray: Khi vẻ đẹp không nằm ở nội dung câu chuyện (Phần 2/2)
Nguồn ảnh: Kpage Đây là phần thứ hai và cũng là phần cuối của loạt bài phân tích thủ pháp văn chương trong Bức hoạ Dorian Gray...
Đây là phần thứ hai và cũng là phần cuối của loạt bài phân tích thủ pháp văn chương trong Bức hoạ Dorian Gray. Tiếp tục đi theo tinh thần của phần một, phần hai này cũng sẽ không bàn về nội dung hay ý nghĩa đạo đức của tác phẩm, mà sẽ đi tìm những thủ pháp văn chương và nhìn ra chức năng của chúng.
Tài liệu để phân tích và khảo sát vẫn là bản dịch Bức hoạ Dorian Gray, Nguyễn Tuấn Linh dịch, xuất bản 2018.
Tác phẩm: Bức hoạ Dorian GrayNhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2018Tủ sách Book HunterNguyên tác: The Picture of Dorian GrayBản in đầu tiên của Ward Lock & Co, 1891Tác giả: Oscar WildeDịch giả: Nguyễn Tuấn Linh
Xem phần thứ nhất tại:
2. Nhóm thủ pháp làm sống động bối cảnh câu chuyện
Câu chuyện trong tiểu thuyết kéo dài trong nhiều năm và xảy ra ở nhiều địa điểm, mỗi địa điểm lại mang một không khí khác, mục này chúng ta sẽ xem những bối cảnh ấy sống động như thế nào dưới ngòi bút của Oscar Wilde.
2.1. Những cách lựa chọn từ ngữ
Câu chuyện mở đầu với không gian là phòng hoạ và vườn nhà Basil, như đã phân tích trên mục 1, Wilde rất chú trọng miêu tả không gian. Nhưng ông chú trọng đến mức nào, và ông dùng thủ pháp gì để hỗ trợ công việc ấy, thì mục này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
Phòng hoạ ngập trong mùi hương sực nức hoa hồng, và khi cơn gió thoảng mùa hạ khuấy động giữa tán cây ngoài vườn, nó đưa vào qua cửa phòng để ngỏ mùi ngào ngạt hoa tử đinh hương, hay phớt dịu hơn là hương thơm bụi hồng gai.[…]Hai người đàn ông trẻ bước ra vườn cùng nhau, và thu mình trên chiếc ghế tre dài đặt trong bóng râm một bụi nguyệt quế cao. Ánh mặt trời trượt trên tán lá láng bóng. Trong bãi cỏ, cúc trắng rung rinh.[…]Cơn gió giũ vài bông hoa trên cây xuống, và bông tử đinh hương nặng nề, với chùm sao của mình, rụng ra và đung đưa trong bầu không uể oải. Một con châu chấu bắt đầu rúc rích bên bức tường, và như sợi chỉ lam một con chuồn chuồn dài mảnh dẻ trôi lơ lửng trên đôi cánh nâu mỏng tang của nó.[…]Có tiếng ríu rít liên hồi của đàn sẻ trong tán lá xanh như sơn quét của dãy thường xuân, và những bóng mây màu lam nối đuôi nhau hắt trên bãi cỏ như đàn nhạn bay.[Ch1, tr14-27]
Một loạt các tính từ như sực nức, ngào ngạt… khi tả mùi hương trong phòng hoạ, cho đến loạt tính từ láng bóng, rung rinh… để tả cảnh ngoài vườn; chúng tác động trực tiếp vào tâm trí người đọc, gợi đến những giác quan vật lí ta có. Mùi hương trong phòng trở nên sống động hơn, ánh sáng và gió ngoài vườn cũng sinh động lên. Ngoài ra còn một loạt danh từ chỉ những loài hoa, các con côn trùng bé nhỏ như châu chấu và chuồn chuồn cho thấy con mắt tinh tế và tâm hồn nhạy cảm khi nhìn đời của nhà văn. Tu từ học gọi đây là thủ pháp gợi hình (imagery).
Gợi hình không chỉ tả một cách khách quan những sự vật tự nhiên, nó đôi khi được tác giả đặt dưới lăng kính của nhân vật, để giúp người đọc phần nào đồng cảm với tâm trạng nhân vật. Ví dụ:
Dorian Gray lắng nghe, mắt mở to hiếu kì. Chùm hoa tử đinh hương rơi khỏi tay chàng xuống nền sỏi. Một con ong xù xì bay đến và vo ve quanh đó một chốc. Rồi nó bắt đầu bò lên khắp khối cầu sao hình trái xoan của chùm hoa nhỏ xíu. […] Một lúc sau con ong bay đi. Chàng thấy nó bò vào miệng chiếc trôm-pét nhuộm màu của cây bìm bìm xứ Tyre. Bông hoa dường như run rẩy, và rồi khẽ khàng đưa qua đưa lại.[Ch2, tr39]
Đoạn này đang diễn ra sự biến chuyển tâm lí đầu tiên của Dorian Gray. Dorian, một chàng trai ngây thơ đã lần đầu tiên tiếp xúc với Ngài Henry, người vừa phát biểu một bài diễn thuyết về tuổi trẻ, khiến thế giới quan của chàng chấn động mạnh mẽ. Hoa tử đinh hương ở đây cũng có tính biểu tượng, ở thời Victoria tử đinh hương tượng trưng cho tình yêu đã mất, các goá phụ bấy giờ thường cài tử đinh hương trên áo. Ta có thể hiểu chi tiết Dorian đánh rơi bông tử đinh hương ngụ ý rằng Dorian đã từ bỏ những quan niệm cũ kể từ khoảnh khắc ấy.
Một cơn mưa lạnh bắt đầu trút, và những ngọn đèn đường mờ đi trông rùng rợn trong hơi sương nhỏ giọt. Các quán rượu vừa đóng cửa, và những đàn ông đàn bà lờ mờ túm tụm nhau lác đác quanh những cánh cửa. Từ vài quầy uống vọng lại tiếng cười ghê sợ. Chỗ khác, các bợm rượu gây gổ và gào thét.[…]Mặt trăng treo thấp trên trời như hộp sọ vàng. Chốc chốc đám mây méo mó khổng lồ lại dang cánh tay dài ngang lên và che mất.[Ch16, tr232]
Còn đoạn này, Wilde so sánh rất quái đản, mặt trăng như hộp sọ vàng. Điều này khác hẳn với lối so sánh của Wilde dành cho trăng, khi trong cùng tiểu thuyết ông đã từng ví trăng như chiếc vỏ sò bạc (chương 2) hay giọt mật vĩ đại (chương 19). Cạnh đó, các tính từ rùng rợn, lờ mờ, ghê sợ… cùng những tay bợm rượu gây gổ góp phần làm không khí thêm ngột ngạt.
Thảy chúng chính là tâm trạng của Dorian lúc ấy, theo nội dung truyện, lúc này chàng đang thèm thuốc phiện, còn tâm lí đang khủng hoảng vì một tội ác mình vừa phạm. Nguyên cả chương 16 ấy Wilde miêu tả mặt xấu xí của xã hội, và lối dùng từ của ông thật sự mang lại cảm giác ghê rợn.
Ngoài ra, không chỉ nằm trong những câu miêu tả, việc dùng từ cũng được thay đổi trong những câu thoại. Từ ain’t là một từ lóng, một từ không chính thức, ra đời từ thế kỉ mười tám và cho đến nay nó vẫn không được chấp nhận. Nó thậm chí bị kì thị và bị cho rằng đó là dấu hiệu của dân trí thấp. Vậy nên Oscar Wilde, một người duy mĩ và dùng tiếng Anh rất chỉn chu lại sử dụng từ ain’t là một chuyện đáng lưu tâm. Trong tác phẩm có cả thảy năm lần ông dùng nó, đều trong lời thoại của những nhân vật hoặc bỗ bã hoặc có chỗ đứng thấp trong xã hội như làm điếm hoặc phu xe. Điều này cho thấy khả năng dùng từ vựng của Wilde linh hoạt tuỳ bối cảnh.
“Ain't English girls good enough for him?” [Ch3] “Perhaps it is that they are foreigners. They all are, ain't they?” [Ch4] “Somewhere about here, sir, ain't it?” [Ch16] “Prince Charming is what you like to be called, ain't it?” [Ch16] “Strike me dumb if it ain't so.” [Ch16]
2.2. Những cách tạo ám chỉ trong truyện
“Khi anh thấy Sibyl Vane anh sẽ cảm nhận được kẻ nào tệ bạc với nàng hẳn phải là quái thú, con quái thú không có trái tim. Em không hiểu nổi làm sao có kẻ nào xấu hổ về điều hắn yêu.”[Ch6, tr104]
Câu thoại này của Dorian Gray sẽ thú vị hơn nếu ta biết về nội dung truyện. Đấy là lần đầu tiên Dorian kể với hai người bạn rằng chàng đang yêu Sibyl, và yêu đến mức nào, và khăng khăng rằng mình chẳng thể tệ bạc được với nàng như thế nào. Nhưng trớ trêu thay và mỉa mai thay, chỉ vài giờ sau (thời gian trong truyện) chàng sẽ làm việc độc ác nhất với Sibyl. Nếu ta để ý kĩ lời chàng nói, chàng có nhắc đến con quái thú không có trái tim, chính xác những lời này đã vận vào chàng, quái thú là ám chỉ đến bức hoạ của chàng lúc này đã xấu xí đi (nó bị biến đổi lần đầu tiên, và chàng chưa hề biết), không có trái tim chính là ám chỉ đến một loạt việc chàng làm sau này.
Đây là thủ pháp tiên báo (foreshadowing), đó là khi tác giả báo trước những thứ sẽ xảy ra sau đó trong truyện mà nhân vật truyện lẫn người đọc đều khó đoán trước được. Tiên báo tạo ra cảm giác thú vị khi người đọc đọc đến những trang sau, nhận ra nó quen thuộc và nhìn lại những trang trước để biết rằng điều này rõ là tác giả đã lấp lửng lộ trước rồi mà ta vẫn không biết.
Trong Bức hoạ Dorian Gray có khá nhiều tiên báo, trước đoạn được trích bên trên, em trai Sibyl Vane đã cảnh báo nàng có thể bị Dorian bạc đãi. Hay ngay từ chương 4 Dorian đã nói nếu chàng phạm tội ác chàng sẽ xưng thú với Ngài Henry, Ngài Henry cả cười nói rằng Dorian không bao giờ có khả năng phạm tội; mỉa mai thay gã đã sai, dù gã luôn được coi là thông thái, vì chàng đã phạm tội ác ở chương 13 sau đó.
2.3. Các ẩn dụ
Ẩn dụ (metaphor) là thủ pháp khi tác giả sử dụng một đối tượng khác xa với đối tượng muốn nói đến, tuy nhiên chúng vẫn có nét tương đồng và được tác giả gợi lên những tương đồng đó nhằm ngụ ý đến đối tượng muốn nói đến. Ẩn dụ mang lại cái nhìn mới trong việc so sánh hai thứ xa lạ, cũng như để thu hút quan tâm của người đọc hơn. Đây là thủ pháp được dùng vô cùng nhiều trong văn chương nói chung và tiểu thuyết này nói riêng.
Bức hoạ của Dorian Gray trong tiểu thuyết chính là một ẩn dụ cho linh hồn của Dorian Gray. Với những nét tương đồng như: ban đầu chàng vẫn ngây thơ thì nó đẹp đẽ, sau này chàng sa đoạ thì nó xấu xí ghê tởm, và hơn cả, một chi tiết quan trọng là chàng không thể phá huỷ nó, thời khắc chàng phá huỷ nó – cũng là phá huỷ linh hồn mình, chàng sẽ phải chết thay cho nó. Hay một ẩn dụ khác là bông huệ và bông hồng trong câu sau: “Thời gian ghen tị với cậu, và gây chiến với bông huệ và bông hồng của cậu. Cậu sẽ trở nên vàng da, và hóp má, và loà mắt.” [Ch2, tr38] Ở đây bông huệ tượng trưng cho tuổi thơ Dorian Gray với một ẩn dụ khác là nó màu trắng, chỉ đến sự ngây thơ; còn bông hồng tượng trưng cho tuổi trẻ của chàng, tuổi có nhiều xung năng và nhiều ham muốn mạnh mẽ. Ở một câu khác thì Wilde lại ẩn dụ hai đối tượng này với hồng nhung và hồng bạch: “Cậu, Cậu Gray, chính cậu, với tuổi trẻ hồng nhung và tuổi thơ hồng bạch, cậu có những đam mê khiến mình e sợ, những ý nghĩ khiến mình ngập tràn kinh khiếp, những giấc mơ thức và những giấc mơ ngủ mỗi khi nhớ về chỉ làm hoen má cậu bằng nỗi xấu hổ.” [Ch2, tr34] Chưa hết, trong câu trên ta còn thấy giấc mơ thức được ẩn dụ của ham muốn có ý thức, và giấc mơ ngủ được ẩn dụ của ham muốn vô thức.
Một thủ pháp khác dễ bị nhầm với ẩn dụ là biểu tượng (symbol). Biểu tượng là việc dùng một hình ảnh nhất định nhằm biểu hiện nhiều ý tưởng và phẩm chất khác được gán vào, chúng thường khác xa với nghĩa đen của những hình ảnh ấy. Một biểu tượng có thể mang những nghĩa khác nhau tuỳ văn cảnh. Biểu tượng khác với ẩn dụ ở chỗ nó không cần gợi lên nét tương đồng giữa hai đối tượng biểu hiện và được biểu hiện, nó được tượng trưng cho cái khác chỉ bởi nó được qui ước là như vậy chứ không bởi vì nó tương đồng.
Cuốn sách bìa vàng chính là biểu tượng cho những ảnh hưởng của Ngài Henry tác động lên Dorian Gray. Những ổ thuốc phiện là biểu tượng cho tâm trạng Dorian Gray lúc suy sụp. Sự biến đổi thành xấu xí của bức tranh (chứ không phải bức tranh) là biểu tượng của sự sa đoạ trong nhân cách chàng. Hay màu trắng là biểu tượng của ngây thơ và màu đỏ là biểu tượng của ham muốn mãnh liệt (nhưng khi ví ngây thơ với hoa huệ và ham muốn với hoa hồng thì lại là ẩn dụ).
3. Nhóm thủ pháp khắc hoạ đặc điểm nhân vật của truyện
Phần cuối cùng chúng ta sẽ đến với những thủ pháp xoay quanh đặc điểm nhân vật trong Bức hoạ Dorian Gray và phân tích từng nhân vật. Cụ thể chúng ta có sáu nhân vật được nhắc đến sau đây: Dorian Gray, Basil Hallward, Henry Wotton, Sibyl Vane, James Vane và Hetty Merton.
3.1. Dorian Gray, Basil Hallward, và Henry Wotton
Với nhóm nhân vật này ta thấy được thủ pháp tạo tương phản (juxtaposition). Đây là thủ pháp khi tác giả lấy hai hoặc nhiều ý tưởng hay nhân vật mang những phẩm chất trái ngược nhau đặt bên cạnh nhau, nhằm tăng lên sự trái ngược giữa họ và làm nổi bật họ lên trong câu chuyện.
Ta có cặp đôi Basil Hallward và Henry Wotton, hai người tuy là bạn nhưng tính nết hoàn toàn trái ngược. Basil đạo mạo nhưng Henry lém lỉnh và cay độc. Hơn nữa, có đôi chút mỉa mai khi người đạo mạo như Basil lại phạm vào một tội lỗi khủng khiếp thời bấy giờ, đó là yêu đương đồng tính (yêu đơn phương Dorian Gray); còn kẻ cay độc như Henry lại chẳng làm gì phạm vào qui tắc xã hội: gã luôn miệng nói những lí thuyết khoái lạc chủ nghĩa nhưng không bao giờ thực hành (Dorian mới là người thực hành chúng), gã nói những điều độc địa về hôn nhân, nhưng gã chưa hề ngoại tình (trớ trêu thay vợ gã lại ngoại tình, ấy thế mà gã vẫn còn nhớ ả).
Và Dorian Gray thì tương phản với cả hai người, chàng ngây thơ nhưng chàng được trải nghiệm nhiều cảm giác nhất so với cả hai người. Chàng sống cuộc đời mà Ngài Henry muốn nhưng không được. Chàng trải nghiệm những điều mà Basil ao ước mà không có, thậm chí anh ngại ngùng đến mức giấu kín.
3.2. Sibyl Vane, James Vane, và Hetty Merton
Nhóm nhân vật này là những nhân vật phụ, được Wilde cho vào nhằm hỗ trợ việc khắc hoạ tính cách của Dorian Gray. Ta có thủ pháp làm nền (foil) ở phần này. Làm nền là khi tác giả đặt thêm một nhân vật phụ làm nền, đôi khi tương phản, giúp người đọc hiểu rõ hơn tính cách của nhân vật mà tác giả muốn hướng vào.
Cả ba nhân vật phụ này đều làm nền cho Dorian. Sibyl Vane là người tình của Dorian và làm nổi bật khía cạnh tình yêu trong chàng. Qua Sibyl ta thấy Dorian không thật sự yêu nàng vì tình yêu tự thân; ban đầu chàng yêu nàng vì tài năng nghệ thuật ở nàng, sau khi nàng mất nó Dorian đã sỉ vả và từ mặt nàng; sau đó chàng muốn làm lành với Sibyl cũng không bởi tình yêu, mà chàng chỉ coi Sibyl như một công cụ để mình được coi là tử tế mà thôi.
“Con biết vì sao mình yêu chàng. Con yêu chàng vì chàng tựa hình hài chính Tình Yêu.” [Ch5, tr85] Lời thoại của Sibyl cho chúng ta thấy thấp thoáng có tư tưởng về giá trị tự thân của triết gia Kant. Sibyl yêu Dorian vì yêu là yêu thôi không vì gì khác, nhưng Dorian thì lại không như thế. Việc Dorian viết thư tình làm lành với Sibyl do đó, theo triết học Kant, chẳng phải là hành động đạo đức. Vì theo Kant, hành động đạo đức là đối xử với con người như một đích đến chứ không phải phương tiện. Dorian trước sau vẫn đều coi Sibyl như một phương tiện (để làm chàng được coi là tử tế), vậy nên bức tranh chỉ càng xấu thêm chứ chẳng đẹp lên.
Nhân vật thứ hai là James Vane, em trai Sibyl Vane. James mang ngoại hình trái ngược với Dorian – cậu xấu trai, dáng người thô kệch, tính nết cục cằn, nhưng cậu tương đồng với Dorian về xuất thân – cả hai đều là đứa con bị bỏ rơi của mối tình giữa một thường dân và một quí tộc. Hơn tất cả, James rất ghét Dorian, ghét theo trực giác, hay như Wilde viết là vì một thứ bản năng dòng dõi trong cậu: “Hắn là một quí tộc, và cậu ghét hắn bởi lẽ đó, ghét hắn vì một thứ bản năng dòng dõi kì lạ nào đó mà cậu không thể giải thích, và tất thảy lí lẽ ấy thống trị bên trong cậu.” [Ch5, tr91] Một cách sâu xa, James chính là toà án lương tâm của Dorian, James nhắc cho Dorian về tội ác mà chàng nghĩ là mình vô can, mà cả xã hội nghĩ là chàng vô can. Không những thế James còn định thay mặt tất cả để xử tội Dorian.
Nhân vật phụ cuối cùng là Hetty Merton, đây là nhân vật rất phụ, không xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm mà chỉ được biết qua lời kể của Dorian. Hetty là một cô gái ngoan hiền và xinh đẹp như Sibyl, nàng cũng yêu Dorian và được Dorian yêu, nhưng sau cùng Dorian buông tha cho nàng. Và chàng nghĩ đấy là hành động đạo đức của mình. Chàng háo hức nghĩ nhờ thế mà bức hoạ bây giờ sẽ đẹp lên. Nhưng chàng vỡ mộng, và câu chuyện đi đến hồi kết. Ta thấy ở Hetty cũng thấp thoáng bóng dáng đạo đức học Kant. Hetty tuy rất phụ nhưng vai trò của nàng lớn, nàng như giọt nước cuối cùng làm tràn li và góp phần khép lại câu chuyện.
Nhìn chung, cả ba nhân vật phụ đều có chức năng làm sáng tỏ khía cạnh đạo đức của Dorian Gray. Họ không được dùng để lên án chàng mà chỉ để tô đậm tính cách mà thôi.
III. LỜI KẾT
Trên đây là tất thảy những phân tích và thủ pháp mà tôi thấy trong kiệt tác Bức hoạ Dorian Gray. Mong bài viết này có thể giúp người đọc tiếp cận dễ dàng hơn với lối hành văn cầu kì của nghệ phẩm này, và phần nào lĩnh hội được cái đẹp trong những sáng tạo của Oscar Wilde, cũng như làm bước đệm để tìm hiểu sâu vào tư tưởng Nghệ thuật vị nghệ thuật của một trong những tác gia lớn hàng đầu trên thế giới.
Nguyễn Tuấn Linh
2/12/2018
Bài này được đăng lần đầu tiên tại Ipick
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất