Điều tuyệt vời đầu tiên đưa những cậu bé đến với việc xem bóng đá, trước tiên, chắc chắc là những màu áo, màu cờ, huy hiệu. Trên màn hình CRT lúc ấy chỉ bật lên được mấy gam màu cơ bản, các cầu thủ mặc áo rộng thùng thình, đỏ trắng vàng như những quân cờ cá ngựa rực rỡ, giữa những màu sắc buồn thảm của các vùng quê nghèo.
Đội tuyển Việt Nam từng có những quả đồng phục rất độc đáo. Năm 1998, áo vàng - quần trắng - tất đỏ, trận đấu dưới trời mưa tầm tã trước Singapore. Trong ảnh bên còn có áo trắng với viền xanh đậm (viền này đã nhạt đi thành xanh lơ hải dương ở một giải gọi là Agribank Cup, quãng 2004 - thời mà các ngân hàng thi nhau làm bóng đá, giống như ngày nay làm chạy việt dã). Nhưng cũng có một bộ rất đặc biệt hình như chỉ có một lần, quần vàng - áo đỏ, tôi nhớ là một trận giao hữu với Hàn Quốc, thua 0-4.
img_0
Suốt từ bấy đến nay tôi không bao giờ tìm thấy màu vàng nào và màu xanh nào có cái sắc thái như thế nữa, chủ yếu do vải, và do cách thiết kế pattern hiện đại, làm cho có cảm giác đồng màu, nhưng nhìn kỹ thì không phải: áo đỏ Việt Nam mấy năm trước có một cái sắc đen chìm nhìn cũng độc đáo không kém.
Năm 2002, lúc mặc cái áo màu trắng trên đây, Việt Nam thua Thái Lan 0-4. Điều đó tác động đến tôi ghê gớm, đấy chắc là khoảnh khắc đau khổ đầu đời của một thằng bé chín tuổi: tất cả là tại Tiger Cup 98 thắng Thái Lan 3-0 ở Hàng Đẫy (đã thế năm 1999 còn thắng Nga, cũng lại tên loạt giải đấu rất bia rượu thuốc lá Dunhill Cup) và được khen đến mấy năm sau, làm bọn trẻ con như tôi mang một hiểu lầm tai hại. Hiểu lầm đấy không đùa được đâu, các nhân vật của tiểu thuyết Charles Dickens toàn bị hại bởi học theo những nhìn nhận lầm lẫn của người lớn. Và có khi cái sự “sợ Thái” là nguồn cơn ở đấy, chính ở trận thắng chứ không phải trận thua, một chấn thương tuổi thơ thì giống hơn là chuyên môn bóng đá: người ta có cảm giác trận thắng 1998 là một quả tát nhầm kẻ khổng lồ, nếu không muốn nói là “phạm thượng”.
Kỳ Seagames 2003, năm đầu tiên mà Việt Nam mặc bộ đỏ - trắng đồng màu như bây giờ, Việt Nam có Văn Quyến, năm ấy tôi học lớp 5. Đấy là một cái năm bản lề, không phải vì lần đầu tôi vút lên như một học sinh giỏi hạng premier. Mà là bởi ai cũng có một năm bản lề tức là một cái năm bị nguyền rủa: mọi hành động của bạn năm ấy sẽ trở thành một loại format, mà sau này suốt đời bạn sẽ lặp lại y chang, dù trông có vẻ hoàn toàn khác. Tôi hơn mười tuổi, rơi vào trường hợp rất Nguyễn Nhật Ánh, đấy là bắt đầu đủ tư cách để có một tình yêu bọ xít đầu tiên: cô bạn ấy cao nhất lớp, và đúng y như lời sấm truyền của Giacomo, rằng bọn con trai không bao giờ biết rằng nếu một cô bé nhận ra tình cảm sớm hơn bằng cách để cho sự chú ý của con trai tràn vào mãi, thì như thế cũng có nghĩa là đã có tình cảm ngược lại. Chả bao giờ biết được những thứ chuyện của khỉ như thế.
Rất tiếc, cô bạn ấy, với một lọn đuôi sam bện dày tuyên ngôn cho một thứ sinh lực đàn bà sắp có - và như thế khéo che giấu một con mắt thứ ba sau gáy, đã không chịu đi đâu cả. Giá mà cô bạn từ buổi ấy, từ mùa hè năm ấy, cái mùa hè tôi đã ra Hải Phòng và vì thế không nhận được một lá thư, giã biệt luôn mái trường mà đi đến một tỉnh lỵ nào đấy có phải hơn không.
Nhưng cô bạn cứ ở lỳ lại, đâm ra chẳng có gì đặc biệt nữa khi chạm mặt nhau suốt lúc lớn lên. Lẽ nào bắt tôi phải rặn ra một bâng khuâng. Dẫu gì, cô bạn đó, cũng đã để lại một di sản, đúng đặc tính của năm bản lề, là về sau tất cả những cô gái mà tôi thấy ấn tượng, thì hẳn nhiên đều có nét gì đó của nàng. (Vào năm bản lề còn xảy ra một sự kiện kinh điển: bạn sẽ gặp những mẫu người, những khuôn mặt mà sau này suốt đời bạn sẽ gặp đi gặp lại, không thoát nổi). Tuy vậy như một phản ứng bình thường, tôi chẳng yêu một ai như thế bao giờ.
Đặc điểm lớn nhất của bóng đá Việt Nam là gì nhỉ? Theo mình, nó lại nằm ở một chỗ rất hiểm, đó là khả năng dùng sai từ trên diện rộng - cái khả năng mà lại có hẳn một lực tâm linh. Vào thời điểm mươi năm trước, khi tất cả nhà báo đều dùng từ “cứu cánh” (có nghĩa là mục đích) với ý nghĩa gần như khắc phục hay chữa cháy; thì bóng đá Việt Nam đúng là không có cứu cánh nào cả, cả nghĩa này lẫn nghĩa kia. Vài năm trước, vị trí này dành cho từ “hậu duệ” (đúng ra phải dùng “hậu bối”) cũng lại vào cái lúc chẳng tìm đâu ra hậu bối. Còn bây giờ? Đồng loạt dùng từ “cựu binh” cho những cầu thủ kỳ cựu.
Mươi năm trước, những fans biết bình luận bóng đá học cách viết (hay nói đúng hơn là không thoát khỏi cách viết) của nhà báo Trương Anh Ngọc. Học xong xuôi, khi thấy không dùng được, thì cũng lại đồng loạt quay ra troll Trương Anh Ngọc. Hồi ấy, dẫu sao, vẫn có những bài đọc được trên Thể Thao Văn Hoá, giờ thì không còn gì, ngoài chuyện em vợ cầu thủ, chuyện võ mồm trước trận, có lúc mấy trang tin còn dùng cả ChatGPT để viết - chuyện đã được xem như đương nhiên. Giờ tôi kinh hãi khi nghe thấy những cụm từ kiểu như “kịch trần, phấp phới” hay “thấy xuân sang”. Tôi không thể hiểu nổi một thứ tiếng Việt như vậy mà người ta cũng khen nổi
Vậy thì đúng là chính một số nhà báo thể thao mới là fan phong trào: chính họ đại diện cho cái kiểu trở mặt ngay lập tức khi đội bóng thành tích kém, dẫu dưới hình thức nào, kể cả là trong sự bênh vực. Bênh vực chỉ là một cách khác của trở mặt. À, nhưng đây không phải là chê bai. Bởi vì càng sống ta càng biết rằng, muốn thấy một giá trị nào đó, thì thứ nhất phải thấy rõ những giá trị ngược lại. Muốn yêu nhân loại thì phải biết căm ghét con người. Và thứ hai, là thấy được rõ những giá trị gần giống đã trà trộn vào ngay cạnh.
Bóng đá quan trọng hơn chúng ta tưởng. Nó là “agent” của bạo lực, tưởng tượng và dục vọng. Theo tôi, mười năm vừa qua, thay đổi lớn nhất của con người, không phải là AI, không phải Mạng xã hội, mà chính là đưa công nghệ VAR vào bóng đá. Có một thế giới nào đó, trong sâu thẳm, đã mất kể từ thời điểm ấy. Cái thay đổi đó đáng nói hơn bất kỳ điều gì trong 21 bài học của Yulval Harari, tác động tiềm thức bao giờ cũng quan trọng hơn tác động vào ý thức.