Bóng đá Đông Đức kể từ ngày bức tường Berlin sụp đổ
Ngày 09 tháng 11 năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ và nước Đức chính thức thống nhất. Những tưởng những thành tựu kinh tế của Tây Đức...
Ngày 09 tháng 11 năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ và nước Đức chính thức thống nhất. Những tưởng những thành tựu kinh tế của Tây Đức sẽ giúp phần phía Đông nước Đức thoát khỏi tình trạng trì trệ dưới thời Liên Xô nhưng thực tế không phải như vậy và bóng đá cũng không thoát khỏi vòng xoáy đó.
Nguyên nhân tại sao lại xảy ra chuyện như thế? Vì lúc hai miền thống nhất, các câu lạc bộ của Đông Đức đều thuộc quyền sở hữu của những công ty quốc doanh và những cầu thủ Đông Đức được nhà nước trả lương, hình thức này khá giống với Việt Nam chúng ta thời bao cấp. Và tất nhiên vì sống ở một chế độ mà nhà nước bao trọn gói như thế, các câu lạc bộ Đông Đức không hề biết thế nào là marketing, tài trợ hoặc các hợp đồng. Thêm vào đó, kể từ ngày thống nhất, các công ty Đông Đức phần lớn đều đã đóng cửa khiến tình hình càng thêm khó khăn, hàng triệu người bị mất việc làm và nền kinh tế phía Đông gần như chạm đáy và nó đã khiến cả nền bóng đá phía Đông cũng thụt lùi theo. Chính phủ Tây Đức dường như bỏ mặc các đội bóng thuộc Đông Đức cũ, các đội bóng cũ của Đông Đức không có tiền để tái thiết và cứ thế lụi tàn dần. Đó là chưa kể đến việc các câu lạc bộ thuộc giải Bundesliga (Tây Đức) đã mua các cầu thủ siêu sao của các câu lạc bộ thuộc giải DDR-Oberliga (Đông Đức) và Bayer Leverkusen chính là câu lạc bộ đi tiên phong trong chuyện này. Một tháng sau khi bức tường Berlin sụp đổ, vào ngày 16 tháng 12 năm 1989, Andreas Thom trở thành cầu thủ Đông Đức đầu tiên ký hợp đồng với một câu lạc bộ thuộc giải Bundesliga. Andreas Thom chính là siêu sao của Berliner FC Dynamo, một đội mạnh của Đông Đức cũ, nay đã rớt xuống giải hạng tư. Theo sau bước tiến của của Thom, Ulf Kirsten cũng gia nhập Bayer Leverkusen và trở thành huyền thoại tại đó với hiệu suất ghi bàn khủng khiếp. Và trên hết phải là huyền thoại Matthias Sammer, người từ Dynamo Dresden chuyển đến VfB Stuttgart rồi đoạt danh hiệu Quả bóng vàng châu Âu vào năm 1996. Sau ngày thống nhất, các câu lạc bộ Tây Đức đến và săn đón hết các siêu sao của các câu lạc bộ Đông Đức cũ, ở chiều ngược lại thì các câu lạc bộ Đông Đức không nhận được số tiền họ đáng phải nhận (như đã đề cập ở trên) và cả nền bóng đá phía Đông nước Đức cứ thế thụt lùi dần, có thể nói đây là một thỏa thuận bất bình đẳng và những gì hứa hẹn từ phía Tây không những không thành hiện thực mà nó còn trở thành cơn cuồng phong hất tung các đội bóng thuộc Đông Đức cũ do các công ty Tây Đức không muốn đổ tiền đầu tư vào các câu lạc bộ Đông Đức. Lý giải cho điều này là vì người dân Tây Đức thời điểm đó thích đầu tư vào chứng khoáng và các công ty thay vì đầu tư vào bóng đá cho vùng phía Đông, vì họ cho rằng đầu tư vào những thứ đó thiết thực hơn là quan tâm đến những đội bóng quốc doanh vùng phía Đông. Tuy vậy, không hẳn là không có những doanh nhân Tây Đức giang tay cứu giúp các đội bóng phía Đông đang trên bờ vực khủng hoảng, điển hình là Michael Kölmel, ông đã giúp Union Berlin tránh phá sản và giúp RB Leipzig trở thành một thế lực của bóng đá Đức. Nhưng ông cũng chỉ là một trong số những trường hợp hiếm hoi những doanh nhân Tây Đức cứu các đội bóng quốc doanh ở phía Đông. Về phần các đội bóng Đông Đức, do vốn quen với việc được nhà nước bao thầu nên họ không biết phải quản lý chi tiêu của mình như thế nào. Các đội bóng Đông Đức ký kết hợp đồng với các huấn luyện viên và cầu thủ đến từ phía Tây với giá cả trên trời. Việc không có các kỹ năng kinh tế và quản lý thị trường là nguyên nhân chính khiến các đội bóng phía Đông tàn lụi.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến sự tàn lụi của bóng đá phía Đông, đó chính là sự hợp nhất không công bằng giữa Bundesliga và DDR-Oberliga. Vào năm 1991, khi hai bên bờ Đông và Tây vẫn phân ra hai giải riêng biệt gồm 18 đội Bundesliga và 14 đội thuộc DDR-Oberliga thì liên đoàn bóng đá Đức quyết định hợp nhất hai giải lại với nhau. Theo đó thì 18 đội thuộc giải Bundesliga vẫn giữ nguyên và chỉ thêm 2 đội thuộc giải DDR-Oberliga vào, 6 đội còn lại phải xuống hạng hai và những đội còn lại thì phải xuống hạng ba. Nó khiến cho sự chênh lệch thực lực giữa hai bên càng ngày càng lớn. Hậu quả là Stahl Brandenburg phải tuyên bố phá sản vào năm 1998 với các kế hoạch sát nhập và tái thiết bất thành do nhiều nguyên nhân tài chính và sự phản đối của người hâm mộ, Dynamo Dresden tuyên bố rời khỏi giải Bundesliga vào năm 1995 do nợ đến hàng triệu đô la. Quá khứ huy hoàng của những đội bóng như Berliner FC Dynamo, SG Dynamo Dresden, FC Vorwärts Frankfurt và FC Magdeburg dần chìm vào quá khứ. Bóng đá Đông Đức trước khi thống nhất không tệ thế này, họ thi đấu khá cứng cựa với các đội bóng ở phía Tây các nước tự do và Magdeburg từng đánh bại AC Milan danh tiếng với tỉ số 2-0 để lên ngôi vô địch UEFA Cup Winners' Cup. Đội tuyển quốc gia Olympic Đông Đức từng giành nhiều thành tích ấn tượng ở Olympic, trong đó nổi bật nhất là chiếc huy chương vàng môn bóng đá ở Thế vận hội Mùa hè 1976 ở Canada. Năm đó đội tuyển Olympic Đông Đức với sự xuất sắc của hậu vệ quét Hans-Jürgen Dörner đã lần lượt hạ gục các đối thủ sừng sỏ như Tây Ban Nha, Pháp, Liên Xô và cuối cùng đánh bại đội tuyển Olympic Ba Lan với tỉ số 3-1 ở trận chung kết, ấn tượng nhất chính là chiến thắng 4-0 trước tuyển Olympic Pháp mà người ta thấy rõ nhất vai trò của Dörner, Olympic Ba Lan cũng không kém cạnh khi họ đánh bại Brazil với tỉ số 2-0 ở bán kết, Olympic năm đó chứng kiến những màn trình diễn tuyệt vời của các đội bóng thuộc Khối Warszawa. Và đã 30 năm kể từ ngày thống nhất, những vinh quang của bóng đá Đông Đức giờ chỉ còn như những hoài niệm đẹp đẽ.
Một niềm an ủi cho bóng đá Đông Đức sau ngày thống nhất là họ vẫn đóng góp những con người đầy tài năng cho đội tuyển Đức hiện tại, có thể kể đến một vài cái tên như: Người đoạt quả bóng vàng châu Âu - Matthias Sammer, người đội trưởng mẫu mực - Michael Ballack, người đoạt nhiều danh hiệu ở cấp câu lạc bộ và đội tuyển - tiền vệ Toni Kroos, đấy là những con người vốn được sinh ra và lớn lên ở dải đất phía Đông nước Đức.
Ngày nay, vùng phía Đông nước Đức không còn nghèo nữa và mọi thứ đang dần trở nên tốt hơn. Với việc bà Angela Merkel, một công dân thuộc Đông Đức cũ, trở thành thủ tướng của một nước Đức thống nhất. Bằng tài năng và sự thấu hiểu của mình về Đông Đức, Merkel đã rút ngắn khoảng cách và sự chênh lệnh giữa hai bờ Đông và Tây lại. Qua đó, các câu lạc bộ ở phía Đông nước Đức cũng đã dần phục hồi. RB Leipzig, một câu lạc bộ ở phía Đông nước Đức, nay đã có đủ sức mạnh và nanh vuốt để cạnh tranh cùng những Bayern Munich hay Dortmund. Với việc RB Leipzig mới chỉ trong vài năm đã được thi đấu ở Champions League, nó đã tạo động lực cho các đội bóng khác ở phía Đông khác cũng cố gắng vươn lên và giờ Union Berlin cũng đã được chơi ở Bundesliga sau rất nhiều nỗ lực. Nhưng các thành công mới đây cũng chưa nói lên điều gì, các đội bóng phía Đông cần phải làm nhiều điều hơn nữa để có thể cạnh tranh được với các đội bóng ở phía Tây.
Bài phân tích được thực hiện bởi Lambdadelta Umineko
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất