Bốn nghệ thuật của viết lách tiếng Việt
Trong bài này, chúng ta sẽ cắt nghĩa thật mạch lạc những gì luôn được coi là phần huyền ảo, đẹp đẽ của sự viết.
“Ta như chim trong tiếng Việt như rừng” (Lưu Quang Vũ)
Mở đầu
Môn văn trong nhà trường - dù có hay bị chỉ trích bao nhiêu - cũng đã hữu dụng ở khá nhiều điểm. Điểm đúng đắn lớn nhất của nó, ấy là những bài tập miêu tả.
Cốt lõi của văn chương là ngôn ngữ. Và không gì khác. Ngôn ngữ tạo nên một hiện thực riêng, tạo ra một khoảnh khắc tràn đầy cảm tình và hạnh phúc tự nhiên của người đọc. (Chừng nào AI chưa hiểu được điều này thì còn rất xa mới thực sự là viết)
Những bài tập miêu tả của chúng ta thời đi học đã làm rất đúng phận sự ngôn ngữ của văn học. Học trò phải tìm tòi các phương cách tu từ độc đáo: tiếng chổi khóc, ngọn đèn đêm sám hối, con mèo già ngồi rình thời gian đi… Cái tìm tòi đó không phải chỉ đẩy cao trí tưởng tượng mà còn bắt người ta phải quan sát, phải sống, yêu và cảm nhận được thế giới bằng toàn bộ cơ thể sinh học của mình. Nét sống ấy nhất thiết đi kèm một thái độ rõ ràng.
Ngày xưa tôi đọc sách cốt để lấy nội dung cốt truyện, sau đó để tìm thưởng ngoạn các hành văn độc đáo. Giờ thì tôi còn muốn nhìn thấy cả tinh thần của người viết nữa. Có những sự viết bình yên trong thư thái, có những câu chữ độc dược, có những sự viết giản dị đến bực mình v.v… Nhưng tác giả có đang đón ta bằng một tâm tình chân thành hay đang nhấm nhẳng dúi vào tay ta một bí mật kinh người nào đó? Tác giả có đang hạnh phúc hay không khi viết?: tất cả những sự ấy đều nhìn được qua câu chữ. Câu chữ có thể che giấu được một cốt truyện li kì độc đáo nhưng không bao giờ đắp hộ được người viết một cái mạng che khuôn mặt khóc cười.
Trong nhiều năm trở lại đây, lối viết chú trọng sự thực dụng lên ngôi, mỹ cảm ngôn ngữ không được đặt đúng vị trí quan trọng của nó. Tìm đâu cũng thấy những lối viết theo kiểu báo bóng đá, không sáng tạo, không nỗ lực xâm nhập và đánh thức điều gì trong tim óc người đọc. Mà chỉ thông tin và thông tin.
Nhưng rất may thời gian gần đây người ta (nhất là các bạn đọc trẻ) bắt đầu trở lại chú trọng hành văn tiếng Việt; thậm chí “thuần Việt”. Chắc là do không hài lòng với ngôn ngữ dở Trung dở Tây trên một số truyện mạng. Rồi trào lưu “Wattpad không nói”. Và cứ như là ta lại học lại những bài học tiếng Việt đầu tiên, từ này nghĩa gì, là gốc Hán hay gốc Miên… Dẫu còn nhiều vấp váp, nhưng cũng là một tìm tòi đáng trân trọng, vừa ngây ngô vừa đáng yêu như một đứa trẻ hồi hộp di ngón tay trên mặt sách mới.
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa.
Về riêng chủ đề tiếng Việt trong văn học mạng, chúng ta sẽ bàn ở entry sau.
Giờ, chúng ta đi vào những phần quan trọng nhất của bài viết ngắn gọn này nhé: Art of writing - nghệ thuật viết.
Một sự viết - trên bình diện hành văn - đạt được trình độ nghệ thuật nếu như chúng thoả mãn một trong các yếu tố sau đây (và thực ra là mỗi yếu tố một ít)
1. Giản dị, thuần khiết nhưng có một thái độ nhất quán và cái nhìn đời sắc sảo
2. Đánh thức ngữ cảm trong tiềm thức của người đọc bản xứ
3. Làm chủ tu từ, đặc biệt liên tưởng và ẩn dụ
4. Sáng tạo thực tại - thường dùng cho thơ
Không hề mơ hồ một chút nào, chúng ta cùng đến với từng phần một nhé
Giản dị, thuần khiết và sắc sảo
Hãy nghĩ đến Murakami, Higashino Keigo… trong các bản dịch tiếng Việt (tiếng Nhật thì không chắc), nghĩ đến hành văn đơn giản mà sắc lạnh ghê người của Nam Cao. Điểm chung của dạng hành văn này là: không dùng nhiều tu từ, tập trung vào nói đúng điều mình cần nói, và thi thoảng lại đưa ra một nhận định. Hành văn kiểu này dễ đọc và phù hợp với đại đa số cả người đọc lẫn người viết; nhưng để đạt đến trình độ tay nghề thì người viết phải là người sống nhiều, nhiều chiêm nghiệm và ít nhiều có những nhận định độc đáo.
Bài tập dạng này không quá khó: viết tất cả những gì tường minh và hiển hiện, không cố làm văn, câu đơn, tập trung vào hành động, sự kiện, cố ý khô khan một chút. Nhưng công đoạn sau mới cần luyện tập: tỉa xoá đi một cách bạo tay những gì mà bạn cho là không cần thiết, không cung cấp thông tin mới và ngay cả một số thông tin quan trọng cũng chỉ nói một nửa, để người đọc tự hình dung. Tạo nên một sự cô đọng nhiều ẩn ý.
Hãy nhớ người đọc không phải chỉ đọc văn của người viết, mà chủ yếu họ đang tự đọc ý nghĩ của mình, được người viết kích thích. Nên nhiều khi không cần tường minh hết mọi ý tứ.
Đánh thức ngữ cảm
Người bản ngữ luôn có một mối liên hệ rất thầm kín với tiếng mẹ đẻ của họ, và mối liên hệ này luôn khăng khít hơn ta tưởng.
Về mặt tự nhiên, một người đọc có thể cảm thấy một hành văn nào đó là hay hoặc không hay mà không cần học qua trường lớp nào cả. Một số độc giả còn có thể thấy rung động và hạnh phúc với ngôn ngữ của người viết, mà chưa cần xét đến ý tứ của câu. Đây là một khoái cảm nguyên thuỷ, bảo nó giống với nhục cảm giới tính thì hơi quá, nhưng cũng không phải hoàn toàn sai.
Người ta có thể yêu nhau chỉ bằng ngôn ngữ, đấy là sức mạnh của các anh giỏi tán gái.
Nguyễn Thị Hoàng miêu tả một người đàn bà, trong truyện vừa “Tan theo sương mù” như sau:
Trong khung mắt vương buồn, người đối diện vẫn tìm thấy một lấp lánh ánh sắc tươi vui, hân hoan, như một thứ ánh đèn lồng hò hẹn trong vườn cây làm tăm tối sao mờ, dấu hiệu của một giờ tình tự ngọt ngào đằm thắm… Nét mày cong thỉnh thoảng cau lại, như hỏi han ân cần, như hờn giận nũng nịu, như vòi vĩnh van lơn làm nõn nàng đôi gò má cao phơn phớt một thoảng hồng man mác toả xuống đôi môi san hô non mấp máy giấu che hai hàng răng màu lựu non hé hé từng lời nói tiếng cười. Giọng nàng nhỏ, thanh, nhưng nghe rõ, như tiếng vang xa được lọc qua những tầng thanh khí trong vắt vắng im, nghe xa vời như từ cõi nào vọng vang, mà gần gũi như thủ thỉ gần kề bên gối.
Ta nhìn thấy gì từ đoạn văn trên? Tất nhiên là thay vì viết thế, có thể viết luôn là “Nàng buồn, nhưng vẫn tươi đẹp”. Nhưng thế thì hỏng, còn gì là tiếng Việt, còn gì là quốc hồn quốc tuý cháo lòng chợ Đổ Hàng Bông. Phải bắt ta ở lâu trong xứ người, ta mới thấy những văn chương như trên cứu rỗi cuộc đời ta như thế nào.
Đúng vậy, duy mỹ trong hành văn không phải là bóng bẩy phông bạt, mà là nhắc nhở và đánh thức mỹ cảm ngôn ngữ mẹ đẻ của người đọc. Nếu không xin mời các anh dùng tiếng Anh. Giá trị của một ngôn ngữ nằm ở chỗ: có những lúc nó không thể chuyển ngữ, không thể dịch được. Nó nằm trong khối tình riêng tư của một dân tộc với thế giới tự nhiên. Ta có thể dịch được câu “Tay măng trôi trên vùng tóc dài”, nhưng hẳn nhiên chỉ có người Việt mới thấy trọn cái hay của nó, mà không thể giải thích nổi.
Ta thấy những ngữ cảm lại thường tiềm ẩn trong những chỗ rất nhỏ, làm người viết cần đọc nhiều, luyện tập một cách cực kỳ tinh. Tôi luôn khuyên người viết là tỉa đi còn quan trọng hơn viết thêm. Không phải là “đôi môi đỏ như san hô non”, cần gì phải đỏ như, mà đôi môi san hô là đủ. Nhìn ý này thì ta thấy đoạn văn không hề sáo rỗng, người viết được như vậy phải rất kỳ công. Phải kỳ công thì mới nhìn thấy nét mày cong, thấy ánh hồng của đôi má toả xuống và mới nghe được giọng người thiếu nữ như thì thầm bên gối.
Ngày nay rất nhiều câu chữ rườm rà, bài tập cho môn ngữ cảm này chắc chắn phải là bài tập tỉa xoá: trong câu của bạn có những hư từ hoàn toàn thừa. Chẳng hạn: “Anh ta cười để lộ hàm răng đều như hạt bắp”. Hàm răng hạt bắp là đủ rồi.
Ngữ cảm còn nằm ở nhạc tính của câu văn. Riêng với tiếng Việt, khi viết văn, đọc lên thấy có một giai điệu gì đó dắt ta đi, thì đã là một nửa thành công. Bài tập thứ hai chính là đọc bằng miệng cái mình đã viết. Điều này thì tôi rất chú trọng, còn không biết mọi người nghĩ ra sao. Hãy comment bên dưới.
Làm chủ tu từ, liên tưởng và ẩn dụ
Khi tả một người phụ nữ đối gương, một nhà văn viết “Nàng ngồi xuống im lặng, tự ngắm mình một lúc lâu. Tấm gương hắt trả một đường môi đỏ.”
Một thế giới hết sức sống động dậy lên chỉ trong vài chữ. Không chỉ là một tả cảnh, mà có thể cả một cơn bão trong tâm tình của nhân vật. Khi nói “tấm gương hắt trả một đường môi” nó hoàn toàn khác với "Nàng thấy nét môi đỏ của mình ánh trong gương". Tấm gương được trao một thái độ quyết liệt, tạo nên một ấn tượng thị giác và trong một khoảnh khắc, người đọc hiểu luôn là nhân vật đang dừng lại ở một ý nghĩ quyết đoán. Ở những câu tiếp theo (thôi khỏi trích), người phụ nữ ấy liền đứng phắt lên, thay xiêm y, rũ nỗi buồn.
Và ở đây là địa vực của tu từ.
Tu từ, nghĩa là nhìn thực tại bằng một trường liên tưởng. Nói thế vẫn hơi khó hiểu nhỉ. Để đơn giản hơn, đơn giản một cách chết người: bạn có một hộp kẹo và một hộp bánh, bạn dùng bánh để nói về kẹo. Bánh và kẹo ở đây là những trường tự vựng khác nhau. Đây là một đoạn trong “Chèn trà trong sương sớm” của Nguyễn Tuân, in trong Vang Bóng Một Thời.
Tôi không thấy cụ Nguyễn Tuân ngông ở chỗ nào cả: về cơ bản Nguyễn Tuân là một người bình thường với năng lực tu từ độc đáo. Chẳng hiểu vì sao văn học nhà trường cứ cố gắng tả Nguyễn Tuân ngông nghênh nọ kia, mà không tập trung vào đúng cái tài hoa chí mạng của ông về ngôn ngữ. Thế mới thấy đọc văn cho sạch nước cản còn khó hơn viết văn.
Trở lại với đoạn văn, ta thấy những viên than trong lò và nước trong ấm được miêu tả như những con người đang đi hết kiếp sống của mình. Nó được thổi hồn vào trong đấy. Nhóm từ vựng của trường liên tưởng này gồm: hấp hối, thăm hỏi, thở dài, biến thể… Và Nguyễn Tuân đã sử dụng các từ vựng đó để miêu tả một cuộc đun nước.
Bài tập cơ bản ở đây của chúng ta là hãy tìm giao điểm của những hình ảnh khác nhau, cố gắng là những hình ảnh mà bạn nhìn được rõ, thậm chí là yêu nó, và đùa được với nó. Thực ra phần này khá gần gũi với những người làm content. Các ý tưởng viết lách truyền thông và branding đều có nguồn gốc từ làm chủ liên tưởng hình ảnh, tìm được giao điểm, lấy cái này miêu tả cái kia và tạo ra một câu chuyện mới trên hình ảnh cũ. Nhưng ở trên bình diện viết, sự liên tưởng diễn ra với mật độ cao hơn, nhưng bình thản hơn. Cái bình thản của một người đang dí dỏm hầu chuyện những cụ già.
Trong một cuốn sách mà tôi cho rằng mọi người nên sở hữu, là “CHúng ta sống bằng ẩn dụ”, Lakoff và Johnson nhấn mạnh rằng ẩn dụ không chỉ là một công cụ ngôn ngữ, mà còn là một phần của cách con người tư duy và nhận thức về thế giới. Thực tế lời nói hằng ngày của chúng ta cũng đã có ít nhiều so sánh và ẩn dụ, ví dụ: Cứ làm thế này thì kéo nhau đi xuống. Ở đây cuộc sống được ẩn dụ như một hành trình lên và xuống.
Tuy nhiên, hai tác giả còn đưa ra sự phân biệt giữa ẩn dụ thông thường (conventional metaphors) và ẩn dụ sáng tạo (creative metaphors). Ẩn dụ thông thường định hình cách chúng ta hiểu các khái niệm trừu tượng, trong khi ẩn dụ sáng tạo mang đến sự đổi mới trong cách tư duy và biểu đạt. Vậy các phép so sánh, liên tưởng càng độc đáo càng giá trị, nhưng trước hết nó phải đúng đã, không thể so sánh bừa được. Sự so sánh, liên tưởng và tu từ phải bổ sung một ý nghĩa quan trọng cho thực tại, qua đó vật được so sánh phải đẹp hơn, kì vĩ hơn, bí ẩn hơn, vui hơn, buồn hơn vân vân…
Sáng tạo thực tại
Một đoạn tả mưa trong tuỳ bút của một nhà văn như sau (ai đoán được là ai?):
Kỷ niệm tôi có đổ xuống, bay qua, đọng lại, không biết bao nhiêu lần mưa Hà Nội. Những trận mưa vừa, lẫn giữa mùa nước. Những trận mưa phùn, thì thầm không dứt. Những trận mưa chiều, lẩn vào bóng tối. Ra trước điện đường. Đọng trên vành mũ. Những mưa đêm, mọi cửa ngõ hồn đón hết mưa vào một nghìn chân tóc, tới sáng rồi còn cái lưới mưa đan. Mưa Hà Nội của một tuổi còn lãng mạn, rỏ luôn từng giọt trong tách cà phê. Không đậu xuống mái mà đậu trong lòng
Thực ra không nhiều người viết có thể làm được điều ấy: nó là thiên tài thì đúng hơn là luyện tập. Người viết văn có cách nhìn cuộc đời độc đáo. À không, phải nói là cuộc đời hiện lên với người viết văn trong một hình dạng hoàn toàn khác. Cơn mưa không là cơn mưa, nó là những sợi tơ để kéo các cõi vào với nhau: ký ức, huyễn tưởng, tâm linh… Theo bước đi của cơn mưa, thế gian mới thực sự chuyển động: và chuyển động ở đây là chuyển động dọc theo tuyến tính của siêu hình trừu tượng. Không gian không tồn tại. Thực tại nhìn được bằng mắt thường được thay thế bằng một thực tại khác.
Thường thì hành văn duy mỹ kiểu này đúng với thơ hơn. Và thật ra nó chính là thứ được gọi là “chất thơ của sự viết”. Chất thơ nghĩa là năng lực nhìn thế giới theo một hình dung khác. Chúng ta hoàn toàn tự do: đâu nhất thiết ta đang trao nụ hôn, mà là cái hôn dẫn ta đi đấy chứ.
Đầu thế kỷ 20 có một người đàn ông ở Pháp, tên là Andre Breton, ông này đã viết ra một số câu thơ chẳng giống ai. Ví như: "Ma femme à la chevelure de feu de bois” (Vợ tôi có mái tóc lửa cháy trên củi). Năm 1924, André Breton xuất bản cuốn có tên Tuyên ngôn siêu thực (Manifesto of Surrealism). Từ đây ta có từ “siêu thực” để gợi nói về cách mà ngôn ngữ tạo ra thực tại riêng. Trong đó ông chính thức định nghĩa siêu thực là "một lối diễn đạt tự động thuần khiết, xuất phát từ suy nghĩ thực sự mà không có sự kiểm soát của lý trí, không quan tâm đến các giá trị đạo đức hay thẩm mỹ."
Lý luận thế đủ rồi. Thật ra thi thoảng ta nên bắt chước các hoạ sỹ. Thi thoảng cũng phải để cho cái năng lực tưởng tượng được thả bổng khỏi não bộ hẹp hòi của thời nay. Như một nhà bác học đã nói, tưởng tượng là dạng trí thông minh cao cấp nhất và bao giờ nó cũng là thứ dẫn dắt cho sự viết; cũng là thứ mà con người có thể chiến thắng trí tuệ nhân tạo trong lúc viết.
Các nguyên tắc luyện tập
Một số bài luyện tập sau đây có thể giúp ta cải thiện sự viết rất nhiều, tuỳ thuộc quan điểm, phong cách từng người:
Một là, Không sử dụng lại những cách hành văn quen thuộc. Gì chứ bạn cứ mô tả màn đêm đặc quánh mãi thì cũng hơi nhẫn tâm với độc giả. Sao màn đêm phải đặc quánh nhỉ, nó không loãng như hắc ín được à? Sao màn đêm không phải là một hội chứng mù thường nhật của nhân loại?
Hai là, cố gắng nhất quán trong sự viết, chủ động tạo ra phong cách riêng. Không thì cũng không sao, nhưng quá phí phạm nếu như câu chữ của bạn không có nét vân tay của bạn trong ấy.
Ba là, cái này rất quan trọng, những phép tu từ, nhãn tự, hành văn độc đáo không được phô trương. Phải cố gắng đẩy nó xuống những vùng phụ cận của trung tâm cú pháp: tức là nó càng xuất hiện trong phụ ngữ càng tốt. Tips này giúp chúng ta thoát được cảm giác viết lách hoa mỹ màu mè. Và điều quan trọng nhất là: ngôn ngữ sẽ có đủ độ hiểm hóc để tạo nên bất ngờ. Muốn như vậy hãy thử viết lách với một mật độ tu từ vừa phải, nhất là cách phép so sánh độc đáo, nhưng đặt vào những chỗ ít thôi.
Xong rồi, xin cảm ơn anh chị em đã đọc phần này của OnWriting. Chương trình Writing Program (có phí) của chúng tôi vẫn mở để đăng ký đến cuối tuần này, chúng ta sẽ dành hẳn 2 buổi đi sâu hơn vào vấn đề. Bạn có thể đăng ký full chương trình hoặc riêng cho phần Art Of Writing nhé
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất