Blinkist Sống Thanh Thản Như Người Thụy Điển
Sống Thanh Thản Như Người Thuỵ Điển là quyển cẩm nang hữu ích hướng dẫn bạn xem xét lại vật dụng của mình và bỏ bớt những thứ bạn không...
Sống Thanh Thản Như Người Thuỵ Điển là quyển cẩm nang hữu ích hướng dẫn bạn xem xét lại vật dụng của mình và bỏ bớt những thứ bạn không cần đến cũng như thứ có thể gây phiền toái cho người thân của bạn. Việc này đặc biệt quan trọng khi bạn lớn tuổi và đối mặt với cái chết. Thay vì để lại gánh nặng sắp xếp và loại bỏ đồ đạc cho con cháu mình, bạn có thể không chỉ kiểm soát việc dọn dẹp, mà còn chậm rãi ôn lại những ký ức cuộc đời.
Quyển sách này dành cho:
- Những ai thích tích trữ đồ đạc và đang cần một phương pháp cứng rắn để loại bớt đồ
- Những người đang có nhiều không gian tích trữ đồ đạc hơn là không gian sống
- Và bất kỳ ai mong muốn hướng đến một cuộc sống ngăn nắp và thanh thản.
Tóm tắt:
Học cách xem xét lại toàn bộ đồ đạc của bản thân
Có lẽ bạn từng nghe đến lợi ích của việc giữ nhà cửa ngăn nắp, dù là với mục đích theo đuổi lối sống tối giản hay vì bạn cho rằng môi trường trong lành sẽ giúp tâm trí sáng suốt. Thế nhưng có một lý do quan trọng khác để bạn làm vậy, đó là bảo đảm sau này người khác không phải thay bạn làm việc này.
Bạn có thể cho rằng việc dọn dẹp hoặc sắp xếp lại cuộc sống là phiền phức và tốt nhất là nên tránh né hoặc trì hoãn việc đó. Nhìn chung, chúng ta hay cất đồ đạc ở tầng hầm, trên gác mái hoặc nhà kho để khỏi phải suy nghĩ về chúng nữa. Nhưng thử nghĩ mà xem, nếu chính bạn còn không muốn dọn dẹp các thùng đồ để xem vật nào đáng giữ lại và thứ nào nên bỏ đi, vậy tại sao bạn lại muốn người thân của mình phải làm việc đó sau khi bạn qua đời?
Nếu bạn không phải là tuýp người thích dọn dẹp, quyển sách này sẽ cho bạn thấy dọn dẹp không nhất thiết phải là một thử thách khó nhọc. Việc thường xuyên xem xét lại đồ đạc và giữ nhà cửa gọn gàng có thể đem lại cho bạn cảm giác dễ chịu và an tâm.
Qua quyển sách này, bạn sẽ rút ra:
- Lý do bán đi vật gia truyền thì tốt hơn là giữ lại;
- Dọn dẹp là cơ hội để gắn kết gia đình; và
- Một chiếc hộp đựng đồ bỏ đi sẽ giúp gia đình bạn tránh bị xấu hổ.
Döstädning hay “dọn dẹp để chuẩn bị trước cho hậu sự” là cách người Thuỵ Điển bỏ đi những vật dụng thừa trước khi qua đời.
Bạn đã bao giờ bạn tự hỏi các món đồ của mình sẽ đi về đâu sau khi bạn qua đời? Bất cứ thứ gì bạn để lại chắn chắn sẽ trở thành trách nhiệm đối với người thân của bạn. Việc phải xem lại đồ đạc của người thân đã qua đời không chỉ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, mà còn là một sự hành hạ tâm lý.
Dĩ nhiên, thật không dễ chịu gì khi thừa nhận rằng mình sẽ phải chết, thế nhưng khi suy nghĩ về cái chết, việc bạn cần làm là tranh thủ dọn dẹp và sắp xếp đồ đạc của mình. Người Thuỵ Điển gọi việc làm này là döstädning.
Có nhiều lý do khiến bạn dọn dẹp nhà cửa và bỏ bớt đồ đạc. Có thể bạn vừa mất người thân, vừa chia tay hoặc ly hôn, chuyển sang một căn nhà nhỏ hơn hoặc chuyển đến viện dưỡng lão.
Là người đã sống cả cuộc đời đằng đẵng với 17 lần chuyển nhà, tác giả cũng ít nhiều hiểu biết nghệ thuật dọn dẹp. Sau mỗi lần chuyển nhà, bà càng nhận thức rõ hơn về thứ xứng đáng được mang theo.
Bạn không cần đợi đến lúc bệnh tật hay già cả thì mới bắt đầu dọn dẹp và làm nhẹ bớt gánh nặng cho người thân. Trên thực tế, lựa chọn khôn ngoan là bắt tay vào dọn dẹp ngay lúc này.
Nghệ thuật döstädning không chỉ là phủi bụi và sắp xếp gọn gàng mọi thứ. Về cơ bản, đó là hành động lược bỏ những vật dụng không cần thiết từ đống đồ của bạn. Không chỉ vậy, đây còn là hình thức sắp xếp cố định có thể giúp cuộc sống hàng ngày của bạn trôi chảy hơn.
Có thể bạn cảm thấy việc này thật khó khăn, nhưng có một số cách giúp bạn chuẩn bị về mặt tinh thần cũng như thực hiện việc này nhanh chóng và thoải mái nhất có thể.
Ví dụ, khi cha mẹ của tác giả qua đời, bà thừa hưởng chiếc vòng tay xinh xắn của mẹ. Nếu bây giờ bà còn giữ chiếc vòng đó thì có khả năng sẽ xảy ra mẫu thuẫn về việc ai trong năm người con của bà sẽ được thừa hưởng chiếc vòng.
Khi thực hiện döstädning, bà tránh được vấn đề trên bằng cách bán chiếc vòng tay đi. Suy cho cùng, các con của bà đều đã được thừa hưởng món đồ gì đó từ ông bà mình, vậy tại sao phải phức tạp hoá mọi chuyện với sự tị nạnh và cảm giác khó xử?
Bắt đầu quá trình döstädning bằng cách giải quyết các không gian nhỏ trước, cho bớt đồ đạc và tạm thời bỏ qua những bức ảnh
Sắp xếp đồ đạc của bạn sau khi bạn qua đời là gánh nặng đau lòng đối với người thân, nhưng việc tìm cách giảm bớt đồ đạc cũng sẽ tốn khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, càng trì hoãn thì mọi chuyện sẽ chỉ càng tệ hơn.
Do đó, hãy bắt đầu tìm hiểu các phương pháp để quá trình dọn dẹp diễn ra dễ dàng hơn.
Nơi tốt nhất để bắt đầu döstädning chính là tầng trên cùng hoặc dưới cùng, tuỳ thuộc vào việc bạn có gác mái, tầng hầm hay cả hai, bởi lẽ những món đồ không cần thiết thường được chất đống ở đây. Có thể bạn cũng sẽ tìm thấy cả đống đồ lặt vặt bị lãng quên chồng chất trong tủ trước cửa nhà.
Dù đó là dụng cụ thể thao mà nhiều năm nay bạn không đụng đến hay ngôi nhà búp bê bám đầy bụi, hãy nghĩ xem ai có thể sử dụng hoặc thích món đồ đó. Nếu không chắc, bạn có thể mời mọi người đến nhà để xem qua sách, đồ chơi hoặc dụng cụ mà bạn không dùng nữa.
Đây cũng là cơ hội tốt để gắn kết các thành viên gia đình lại với nhau, đặc biệt là những đứa cháu không biết nhiều về thời trẻ của ông bà mình. Khi xem lại đồ đạc, bạn có thể gợi lại những câu chuyện, ký ức cũ gắn liền với món đồ đó. Việc này lợi cả đôi đường, bạn có dịp gần gũi hơn với người thân, còn họ có thể tìm thấy những món đồ mình yêu thích.
Càng dành nhiều thời gian kiểm tra và sắp xếp lại đồ đạc, bạn càng dễ dàng biết được món nào cần giữ lại, món nào nên bỏ đi hoặc đem tặng ai đó.
Ví dụ, mẹ chồng của tác giả sở hữu cửa hàng bán đồ nhập khẩu từ Nhật Bản, bao gồm các giỏ đan thủ công, đồ sứ quý giá và khăn trải bàn. Những năm sau đó, bà bắt đầu tặng mỗi thành viên trong gia đình một món từ kho đồ của mình, góp phần làm đẹp cho cho tổ ấm của người thân mình.
Mặc dù gác mái hoặc tầng hầm là nơi tốt để bắt đầu dọn dẹp, bạn sẽ không muốn bắt đầu với những lá thư, giấy tờ hay bức ảnh đâu.
Đó ắt hẳn là những món đồ hài hước, sâu sắc và chứa đựng nhiều tình cảm nhất và có thể làm bạn buồn nhất trong các món đồ. Chúng có thể khiến bạn phải tạm dừng việc dọn dẹp để lật từng trang giấy, nhấn chìm bạn trong biển ký ức và khiến bạn chậm trễ việc dọn dẹp những món đồ khác.
Vì thế, hãy chừa lại những món này cho đến khi bạn đã dọn dẹp được kha khá các món đồ khác như nội thất, sách vở và những vật dụng chiếm nhiều diện tích. Khi nói đến döstädning, kích thước thực sự đóng vai trò quan trọng!
Đề cập đến việc “dọn dẹp trước lúc chết” với người thân một cách khéo léo, chân thành và sáng tạo
Thời tác giả còn bé, một đứa trẻ sẽ bị coi là vô lễ nếu hỏi người lớn về cái chết. Kết quả là người trẻ thường không hiểu người lớn nghĩ gì về cái chết cũng như họ chuẩn bị cho điều đó như thế nào.
May mắn thay, ngày nay sự thành thật được xem trọng hơn lễ phép, việc hỏi người thân những câu như, “Ông/bà dự định làm gì với đồ đạc của mình khi không còn khả năng tự chăm lo cho bản thân?” có thể được chấp nhận. Vì vậy, bây giờ là lúc đặt ra cho người thân câu hỏi khó đó nếu bạn lo lắng về việc lo liệu vật dụng của họ sau khi họ qua đời.
Đó là nỗi lo chung của những người có cha mẹ lớn tuổi; ít ai mong đợi chuyện phải hoãn lại mọi thứ để phân loại đồ đạc của cha mẹ quá cố.
Nếu đây là vấn đề bạn quan tâm nhưng lại muốn đề cập đến nó một cách nhẹ nhàng, bạn có thể thử câu, “Chẳng phải nếu chúng ta cho bớt đồ đạc thì việc lau chùi và sắp xếp nhà cửa sẽ dễ dàng hơn sao?” hoặc “Con giúp bố mẹ sắp xếp một số thứ bây giờ nhé, như vậy sau này chúng ta đỡ phải dọn mọi thứ cùng một lúc.”
Nếu lần đầu tiên bố mẹ bạn không hiểu gợi ý, hãy thong thả và thử diễn giải lại vấn đề vào những lần sau.
Chắc chắn việc đề cập đến döstädning một cách thành thật và khéo léo là một thử thách. Do vậy, nếu mọi cách đều thất bại, có thể bạn sẽ thành công nếu đề cập đến truyền thống của người Viking!
Vào thời của người Viking, người vừa qua đời được chôn cùng đồ đạc của họ để đảm bảo họ không thiếu thứ gì ở môi trường mới sau khi chết. Ngoài ra, tập tục này có thêm lợi ích là giúp người ở lại tiếp tục sống mà không bị ám ảnh bởi đồ đạc và linh hồn của người đã khuất.
Dĩ nhiên, điều này không còn thiết thực trong cuộc sống hiện tại. Với đủ thứ món đồ linh tinh mà ta tích luỹ, có lẽ nấm mồ của chúng ta phải có kích thước tương đương một hồ bơi khổng lồ thì mới đủ sức chứa hết mọi thứ.
Chú ý đến những bí mật thầm kín trong lúc dọn dẹp
Nếu bạn có bí mật sâu kín nào đó chưa từng chia sẻ với ai, hãy nghĩ xem sẽ khó xử thế nào nếu người thân khám phá ra bí mật đó khi bạn qua đời. Hoặc hãy nghĩ đến việc bạn không muốn tình cờ bắt gặp bí mật mà có thể làm thay đổi suy nghĩ của bạn về một người thân.
Vì vậy, bạn hãy tránh cho người thân của mình tình huống đó bằng cách bỏ đi những lá thư riêng tư, nhật ký hoặc bất kỳ thứ gì có thể làm tổn thương họ. Và đừng chỉ giấu nó ở một nơi họ không thể tìm thấy, mà hãy đốt hoặc bỏ vào máy huỷ tài liệu.
Khi đang dọn nhà của bố mẹ sau khi họ qua đời, tác giả tìm thấy mấy món đồ bất ngờ, bao gồm những bao thuốc lá bí mật mà mẹ bà đã giấu trong tủ quần áo.
Nhưng có lẽ bí ẩn hơn hết là miếng thạch tín lớn mà bà tìm thấy trong ngăn bàn của cha. Hẳn là nó đã nằm ở đó hơn 30 năm, có khi là từ cái thời họ lo sợ quân Đức xâm chiếm Thuỵ Điển. Nhưng câu hỏi đặt ra, tại sao ông lại giữ nó lâu như vậy? Phải chăng ông nghĩ một ngày nào đó mình sẽ cần đến thứ chất độc này?
Sẽ chu đáo hơn nếu bạn có thể tránh cho người thân của mình khỏi những câu hỏi gây băn khoăn đó và tự mình bỏ đi những đồ vật như thế.
Nếu bạn không thể chịu được việc bỏ đi những đồ vật chứa đựng tình cảm nhưng có khả năng gây phiền toái, hãy cân nhắc gom chúng vào hộp đồ bỏ đi. Bằng cách này, bạn không cần đốt bỏ những món đồ yêu quý, và người thân của bạn cũng không cần sắp xếp lại vật dụng trong đó mà chỉ cần bỏ đi cả chiếc hộp. Bạn chỉ cần dùng một chiếc hộp nhỏ cỡ hộp giày và dán nhãn “vui lòng bỏ đi” để người khác dễ dàng xử lý.
Một trong những bài học quan trọng nhất mà tác giả rút ra là bà biết khi nào nên buông bỏ, dù đó là đồ vật, thú cưng hay con người.
Một khi đã giải quyết xong những món đồ lớn và bỏ đi các vật dụng cá nhân có khả năng gây phiền toái, giờ là lúc giải quyết những đồ vật tuy nhỏ đong đầy cảm xúc: những bức ảnh.
Các tấm ảnh là tài sản có ý nghĩa to lớn đối với gia đình sau khi bạn qua đời. Tuy nhiên, ký ức của mỗi người mỗi khác và bức ảnh bạn trân trọng chưa chắc có ý nghĩa đối với con cháu bạn.
Hướng dẫn của tác giả có thể giúp ích, đó là tặng mỗi người con một quyển album ảnh riêng. Bằng cách này, bạn có thể thỉnh thoảng gửi ảnh cho các con và để con tự quyết định nên giữ tấm nào trong album của mình. Cách này hiệu quả đối với tác giả vì các con của bà luôn háo hức mỗi khi nhận hình, còn bà không phải lo về việc giữa các con xảy ra xích mích vì mấy tấm hình.
Có một số mẹo giúp bạn ít đau buồn hơn khi việc xem lại các bứa ảnh của mình.
Trước hết, loại bỏ các bản sao thừa thãi và các bức ảnh chụp toàn những người bạn không nhớ nổi tên. Nếu người thân muốn có nhiều bản sao của một bức ảnh, hãy để họ tự làm điều đó. Và nếu bạn không nhớ tên những người trong ảnh, nhiều khả năng là người khác cũng sẽ không nhớ.
Số hoá các bức ảnh và lưu hết vào USB cũng là cách hữu ích để đưa nhiều ảnh vào một thiết bị nhỏ gọn tiện lợi.
Tác giả khuyên bạn nên bắt đầu quá trình dọn dẹp trước năm 65 tuổi. Đó là thời điểm bạn bắt đầu chấp nhận cái chết nhưng vẫn đủ minh mẫn để có thời gian sắp xếp mọi thứ một cách nhàn nhã.
Nên nhớ nghệ thuật döstädning cũng giống như việc cho phép bản thân bình thản hồi tưởng lại hồi ức đáng nhớ cả đời người, và đó cũng là hành động quan tâm đến người ở lại.
Tóm tắt cuối cùng
Thông điệp chính:
Thông qua việc sắp xếp lại đồ đạc của mình để chuẩn bị cho cái chết và xem xét những gì bạn bỏ lại để người khác giải quyết, bạn giúp người thân tiết kiệm thời gian và tránh khỏi đau lòng. Hơn nữa, đây cũng có thể là một trải nghiệm thú vị đối với bạn. Hãy sớm bắt tay vào quá trình döstädning và cho bản thân cũng như gia đình thời gian tận hưởng niềm vui từ các vật dụng và lịch sử đằng sau nó.
Lời khuyên hành động:
Hãy đặt ra cho bản thân câu hỏi quan trọng trước khi nhận nuôi thú cưng.
Nếu đang ở ngưỡng tuổi già và muốn nuôi thú cưng, hãy cân nhắc nhận nuôi con đã lớn tuổi và có mức năng lượng tương đương bạn. Và hãy đảm bảo sẽ có người tình nguyện chăm sóc nó khi bạn qua đời. Nếu không tìm được ai, hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi nhận nuôi.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất