Bình thường mới…Ba từ này nghe vẫn có chút gì đó thật bồi hồi. Bình thường mới là gì? Là thấy bình thường trong một trạng thái mới, có đúng không?
Thật sự mấy hôm nay mình vẫn còn chút bỡ ngỡ sau ngày 01/10. Ngày mà Sài Gòn thân thương khe khẽ thức giấc. Như một người bị thương lâu ngày ngồi dậy, Sài Gòn thật chậm rãi và vẫn còn đau nhức lắm.
Mới mấy tháng trước cuộc sống vẫn bộn bề chộn rộn ngược xuôi. Mà chỉ sau một đợt dịch đi qua, mọi thứ đều thay đổi. Một là không còn nữa, hoặc hai là đều dịch chuyển và vận hành trong một trật tự mới.
Chừng nào mới rộn ràng náo nhiệt như xưa…
Ảnh thiết kế từ Canva
Ảnh thiết kế từ Canva

 #1. Có hay không nguy cơ virus mới SARS-Cov-3?

Đây là tựa một bài báo mình mới đọc hôm qua (đọc bài báo tại đây). Theo các nhà khoa học thì chủng gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 tồn tại ở các loài dơi ở châu Á. Virus này sau đó truyền sang một động vật trung gian. Có thể là tê tê, cầy hương, trước khi lây truyền sang con người tại Vũ Hán cuối 2019.
Tiếp theo đó là sự lây truyền virus mạnh mẽ từ người sang người. Sẽ là điều đáng lo ngại nếu con người có thể lây nhiễm virus cho các vật chủ mới. Nó sẽ có những thay đổi lớn về mặt di truyền để thích nghi với vật chủ mới. Sau đó lây nhiễm ngược lại cho người với chủng virus mới SARS-Cov-3.
Mà ngay cả với SARS-Cov-2 hiện tại thì đã có vô vàn biến thể. Và có vài biến thể vô cùng nguy hiểm, đơn cử như biến thể DELTA. Như vậy thì zero-COVID như một vài giai đoạn của năm 2020 chắc chắn rất khó đạt được.
Vậy thì, ngay trong mỗi cá nhân chúng ta cũng phải xác định rõ tư tưởng “Sống chung với dịch”. Một cách an toàn nhất, vững chãi nhất.

#2. Bình thường mới rồi có được trở về bình thường cũ không?

Một vài hình mẫu hồi phục kinh tế mình tổng hợp được để hiểu một chút về vĩ mô. Có hiểu bức tranh lớn thì mới chọn cho mình một nét chấm phá phù hợp.

Phục hồi hình chữ V (V-shaped recovery)

Optimistic: steep decline, quick recovery.
Đây là kịch bản phục hồi tốt nhất nhờ vào tốc độ điều chỉnh và phục hồi kinh tế vĩ mô nhanh chóng. Như ví dụ suy thoái năm 1953 ở Mỹ. Suy thoáichỉ diễn ra trong 1 năm, sau đó là đà tăng trưởng trở lại.
Nguồn ảnh: Investopedia
Nguồn ảnh: Investopedia

Phục hồi hình chữ U (U-shaped recovery)

Somewhat pessimistic: period between decline and recovery
Đây là kịch bản mà kinh tế sẽ lình xình quanh quẩn mức đáy trong một vài quý trước khi phục hồi trở lại.
Nguồn ảnh: Investopedia
Nguồn ảnh: Investopedia

Phục hồi hình chữ W (W-shaped recovery)

Pessimistic: recovery, second decline
Kịch bản này còn có một tên gọi khác là suy thoái kép. Nghĩa là nền kinh tế vừa đi qua giai đoạn suy thoái và chỉ tăng trưởng trở lại một khoảng thời gian ngắn thì lại rơi vào cuộc suy thoái tiếp theo.Trường hợp này khá đau đớn cho các nhà đầu tư. Khi mà giai đoạn phục hồi chỉ xảy ra trong ngắn ngủi có thể dẫn dụ họ quay lại thị trường quá sớm và sập vào cái hố tiếp theo.
Nguồn ảnh: Investopedia
Nguồn ảnh: Investopedia

Phục hồi hình chữ L (L-shaped recovery)

Most pessimistic: extended downturn
Đây có thể được xem là trường hợp tồi tệ nhất. Bởi nó sẽ trải qua một thời gian dài tăng trưởng mờ nhạt. Việc phục hồi trở lại bằng mức trước đó có thể mất rất nhiều năm. “Thập kỷ bị đánh mất” trong giai đoạn 1987 – 1997 ở Nhật Bản là một ví dụ.
Nguồn ảnh: Investopedia
Nguồn ảnh: Investopedia

Bình thường mới sau các đợt sóng COVID đang theo hình mẫu hồi phục nào?

Gần đây, JP Morgan đã giới thiệu hình mẫu phục hồi hình chữ K. Vẽ nên một bức tranh thực tế hơn, nhưng khó chịu hơn.Theo phân tích của họ, con đường phục hồi covid-19 chia theo hai hướng. Các doanh nghiệp lớn và các tổ chức khu vực công tiếp cận trực tiếp với các gói kích thích của chính phủ và ngân hàng trung ương (quốc doanh) sẽ khiến một số khu vực của nền kinh tế phục hồi nhanh chóng nhưng lại khiến một số khu vực khác bị bỏ lại.Sự phục hồi hình chữ K dường như có tác động cấu trúc lên nền kinh tế. Một số lĩnh vực đã bị trọng thương chẳng hạn như khách sạn và giải trí. Trong khi điều ngược lại đang được kiểm chứng đối với công nghệ.Không giống như các hình mẫu khác là tập trung vào các tập hợp lớn. Sự phục hồi hình chữ K được mô tả dưới dạng dữ liệu được chia nhỏ trên các bộ phận khác nhau của nền kinh tế.
Nguồn ảnh: Nicolas Gavrilenko
Nguồn ảnh: Nicolas Gavrilenko

#3. Chọn cho mình một tâm thế vững chãi trong bình thường mới

Vì mình phải sống chung với dịch nên sẽ còn rất nhiều thứ hạn chế. Cơ hội việc làm cũng sẽ giới hạn ở một số ngành nghề (hiệu ứng chữ K). Vì thế, tư duy mở và tâm thế vững chãi sẽ giúp bản thân chuyển dịch trong “bình thường mới”. Không ngừng cập nhật và học hỏi những cái mới. tốt nhất là kiến thức nền tảng về công nghệ. Không bàn cãi, đó là xu hướng rồi. Gần đây trên linkedin, các post tuyển dụng thì hết 80% là các công việc về công nghệ.
Những trải nghiệm từ đại dịch giúp chúng ta đánh giá lại các ưu tiên trong cuộc sống. Người khích lệ và truyền cảm hứng thì rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ bản thân mình phải hiểu chính mình và lựa chọn hướng dịch chuyển một cách tỉnh táo. Thay đổi bản thân là một quá trình chuyển hoá bắt buộc phải thật chậm chạp và từ tốn.
Sự thay đổi này có thể đến từ sự khích lệ và truyền cảm hứng. Nhưng, … bản thân mình phải là người thật tâm muốn thay đổi. Và sự thay đổi đó là phù hợp và tốt cho mình. Vì thế, được truyền cảm hứng là một chuyện nhưng hiểu để tự tạo động lực hành động phải là do chính mình. Vì người truyền cảm hứng thì rất nhiều. Gặp ai truyền mình cũng hứng và chạy tứ phía thì rốt cuộc mình sẽ đi về đâu.
Chúc chúng ta thật bình yên và vững chãi trong bình thường mới!
Nguồn tham khảo: Investopedia, Weforum.org
Happy reading
Học vẽ cuộc sống