Việc ở đời, mười việc thì có đến tám việc không vừa ý, và không hiểu sao, nó thường xuyên diễn ra theo định luật Murphy: Những chuyện xấu sẽ có xu hướng tồi tệ hơn, và nó thường đến cùng lúc như muốn trêu ngươi ta vậy.
Ta bán hàng, ta gặp những ngày có doanh số kém liên tục, và những ngày đó máy móc lại trục trặc.
Ta đi làm, ta gặp ngay những ngày kẹt xe, nhiều đèn đỏ, tới công ty thì đồng nghiệp “hãm”, sếp la mắng, công việc không trôi chảy, thị trường chứng khoán giảm 40 điểm làm ta bay mất tiền ăn tết.
Ta về nhà, gặp trục trặc với gia đình ta, cãi nhau, ngay sau khi có một ngày làm việc tồi tệ như trên.
Ti tỉ các việc xấu đến liên tục và dồn dập. Có những ngày ta nhìn đâu cũng không thấy thuận mắt, đụng đâu hư đó.
Có lẽ, những lúc ta gặp định luật Murphy, là những lúc ta quên mất càng cần phải tỉnh táo để có RoL (Return of Luck) tốt.
RoL của Jim Collins được bàn đến trong quyển “Vĩ đại do lựa chọn”, khi ông nghiên cứu những công ty vĩ đại và phát hiện ra: Hên xui – may rủi luôn song hành cùng nhau. Vấn đề không nằm ở chỗ ta gặp nhiều may mắn hay xui rủi hơn, mà phản ứng của ta trong những tình huống May – Rủi đó: RoL cao, mới quan trọng, và nó làm ta khác biệt với những người không có RoL tốt.
Muốn gặp toàn may mắn mà không muốn gặp xui rủi là một ảo vọng, cố tình không hiểu những thứ đó luôn đi đôi và tuần hoàn, làm ta quá kỳ vọng vào một cuộc sống toàn điều tích cực. Khi cuộc sống không diễn ra như kỳ vọng đó, ta đau khổ.
Lấy chuyện đi xe máy là một ví dụ. Ta thường xuyên nghĩ về những ngày ta gặp đèn đỏ, dừng xe liên tục. Những ngày đó thật khó chịu, và ta nghĩ bản thân ta như một nam châm “Hút” mọi xui xẻo.
Nhưng những ngày ta gặp đèn xanh liên tục và tới chỗ làm đúng giờ, công việc cực kỳ thuận lợi và trôi chảy, chắc chắn phải có những ngày như vậy. Những ngày đó đâu rồi, ta có nhớ và ấn tượng gì với nó không? Người ta thường nhớ những trải nghiệm tiêu cực, bi quan nhiều hơn, và sâu đậm hơn.
Hiểu được chuyện Hên xui – May rủi luôn song hành với nhau như vậy, ta chỉ còn cách là nhìn vào bản thân mình và tự trả lời câu hỏi:
“Mình đã làm tốt, và tốt hơn mỗi ngày chưa?” (Phan Văn Trường).
Tức là sự chuẩn bị, và rèn luyện theo kiểu tự lực. Được như vậy, ta sẽ giữ được tính bình thản, dù cho phải đối diện với May – rủi. Nếu đã làm hết sức và không thành công, thì sao ta phải lo lắng buồn bực nhỉ? Ta chỉ có quyền buồn bực khi ta không cố gắng hết sức để đạt kết quả tốt nhất trong trí năng của ta. Ta không kiểm soát được những thứ ta không thể kiểm soát. Trong trường hợp này, cái ta kiểm soát được, chỉ là cố gắng cá nhân và quan sát xem nó dẫn ta đến đâu, không phải kết quả khách quan ta muốn đạt được. Ngược lại, nếu không làm hết sức mà đạt đươc thành tựu, thì ta nên lo lắng mới đúng. “May mắn mà thành, người trí lấy làm lo”.
Bình thản cần sự rèn luyện, giống như chạy bộ vậy. Giai đoạn đầu luôn cực kỳ đau đớn và khó chịu. Làm sao có thể giữ được sự bình thản khi ta trước giờ luôn cáu giận với mọi thứ khó chịu ta gặp phải? Ta chỉ cần thử quan sát và tự vấn một chút, và ta sẽ phát hiện ra ta có thể rèn luyện để không mất kiểm soát, ngay khoảnh khắc ta bắt đầu cảm nhận giai đoạn Xui rủi kéo đến. Những lúc đó, cần bình tĩnh để mọi chuyện không trở nên quá tệ.
Và nó sẽ qua.
Bình thản có khiến ta trả thành người vô cảm không? Không hẳn, vì ta vẫn có cảm xúc vui – buồn, nhưng ta giống như người quan sát cảm xúc đó, nhiều hơn là chìm đắm vào nó. Khi đó, ta đạt được trạng thái điềm tĩnh: gặp chuyện tốt, ta không quá vui đến mức phát rồ, nhưng gặp chuyện buồn, ta không tiêu cực đến mức tuyệt vọng, vì ta hiểu đó là những thứ phải đến, rồi đi.
Tư tưởng này khá giống tính “Không” của Phật giáo: Mọi sự không có Tốt – Xấu, Nó trung tính.
Hay giống như Kinh Thánh: “Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).
Hay giống Epictetus với triết học Khắc kỷ: Khi trời mưa, tức là trời mưa, ta nhìn sự vật như cái nó đang là.
Bình thản đối diện với mọi giông bão cuộc đời, tựa như cái “Dũng” mà Thu Giang – Nguyễn Duy cần đề cập đến trong những quyển sách của ông:
"Chỗ mà người xưa gọi là hào kiệt ắt phải có khí tiết hơn người. Nhưng nhân tình có chỗ không nhịn được. Bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh. Cái đó chưa gọi là dũng. Kẻ đại dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc phi thường cũng không khinh, vô cớ bị những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy" (Tô Đông Pha).
Muốn sống mà không đau khổ là một ảo vọng. Gặp nhiều nghịch cảnh, cố gắng đương đầu với nó và sống một cuộc đời bình thường, cũng đã vĩ đại như một Siêu nhân (Nietzsche).