BÌNH MINH ĐỎ: Những người sống mãi tuổi 20
"Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình, những tuổi 20 làm sao không tiếc. Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi tổ quốc" ...
"Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình, những tuổi 20 làm sao không tiếc. Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi tổ quốc"
Đó là hai câu thơ trong bài "Trường ca những người lính đi tới biển" nảy ra trong đầu khi mình xem bộ phim này. Vô tình trong môt lần lướt tiktok mình thấy đề xuất nên tra Youtube để xem ngay. Phim lấy cảm hứng từ những chiến công và tinh thần chiến đấu anh dũng của trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn.
Họ là những cô gái còn rất trẻ được giao nhiệm vụ lái xe vận chuyển hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến và chở thương bệnh binh, tử sĩ từ các chiến trường về hậu phương.
Mình khá bất ngờ vì đây là một bộ phim mới quay gần đây, toàn những gương mặt trẻ như Bảo Hân (Về nhà đi con), Hà Phương Anh, Bích Phượng,...và cũng có lẽ vì thế mà bộ phim chưa được biết đến rộng rãi như "Đào, Phở và Piano", thế nhưng mình thực sự đánh giá cao diễn xuất của các bạn trong bộ phim này. Những thước phim, cảm xúc chân thực, không lãng mạn hay bi kịch hóa chiến tranh, giữa sự khốc liệt ấy chúng ta vẫn thấy được tình yêu được đâm chồi nảy nở, tinh thần lạc quan quả cảm của những người lính trẻ.
Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, trở nên tình yêu tổ quốc
Tình yêu nước với những thanh niên trẻ đều bắt nguồn từ những cách rất khác nhau. Với Châu là mong muốn học lái xe tải để tham gia lực lượng vận chuyển hàng hóa cho tuyến đường Trường Sơn. Anh trai cô - Ngọc đã biền biệt trong chiến trường mấy năm trời, dù bị thầy bu phản đối nhưng cô nhất quyết viết đơn tình nguyện xin lên đường.
Với Hân là vì lấy lại danh dự cho gia đình, vì tương lai của em, rồi mới đến trách nhiệm với tổ quốc. Xuất thân là một cô gái nông thôn hiền lành vào bộ đội với sự động viên của bố, Hân xin vào đội lái xe tải vận chuyển quân tư trang. Gai góc và can trường là thế nhưng Hân cũng là một cô gái sống tình cảm, Hân yêu gia đình và em trai mình, Hân viết trong nhật ký: "Mong rằng đến năm em trai cô 18 tuổi thì hết chiến tranh".
Với Thương là mong muốn chiến đấu chờ một ngày hết chiến tranh cô có thể về quê cưới người yêu và cùng anh hát điệu quan họ Bắc Ninh mà lúc nào cô cũng ngân nga sau thùng xe.
Họ- những người lính mười tám đôi mươi đều vì những lý do rất riêng mà lên đường chiến đấu vì tổ quốc. Giống như Illya Ehrenburg nói về lòng yêu nước:
"Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu tổ quốc".
Họ đã đi không tiếc đời mình
Những chàng trai, cô gái rời vòng tay gia đình lập tức lên đường bảo vệ tổ quốc, họ còn trẻ, chẳng biết chiến tranh khốc liệt ra sao cho đến khi nhìn thấy bom rơi, đạn lạc trên đầu. Sự khốc liệt ấy được thể hiện qua sự sợ hãi, run rẩy của Châu khi tận mắt chứng kiến bom rơi trước mũi xe nhưng vẫn lao xuống kéo lại từng bao đựng xác của đồng đội bị cuốn trôi theo dòng suối.
Sự quả cảm của Hân rơi vội một giọt nước mắt khi tự nguyện cảm tử lái xe vào trận địa địch gài bom để mở đường cho đoàn xe tải.
Sự kiên định của Ngọc khi vừa mới gặp lại em gái nhưng đã nhận ngay nhiệm vụ cảm tử đi dò mìn lạ trên trục đường chính.
Và cả câu nói của Thương trước khi hy sinh với Sa:"Tao chưa muốn chết", cô cũng chưa kịp đọc lá thư của người yêu mà cô mòn mỏi trông ngóng, chưa kịp mặc lên mình bộ áo liền chị để hát điệu quan họ mà cô luôn ao ước.
Vì sao mình nói là chân thực vì không có phép màu nào xảy ra cả, cả Hân, Ngọc, Thương đều hy sinh ngay trước mắt người thân, đồng đội của mình, sự sinh ly tử biệt chỉ trong phút chốc, nhìn anh em đồng đội ngã xuống, người vừa cười nói với mình giây trước thôi mà giờ đã thịt nát xương tan.
Đối mặt với cái chết họ cũng sợ hãi, cũng run rẩy, muốn bỏ chạy, họ đều mơ về một ngày hết chiến tranh, gia đình và những người họ thương yêu được sống trong hòa bình. Vì lẽ ấy nên họ quyết định ở lại hy sinh thân mình vì tổ quốc, vì những người họ yêu thương.
Bình Minh đỏ phải chăng vì được nhuộm bằng máu và nước mắt?
Tên phim chỉ vỏn vẹn 3 từ mà mang một sức nặng khủng khiếp, trước giờ bình minh là đêm tối lạnh lẽo cũng đại diện cho những ngày đất nước, dân tộc còn lầm than, còn bị đàn áp trên chính quê hương của mình.
Màu đỏ là màu của chiến tranh, của khói đạn nhưng cũng là màu của lá cờ tổ quốc được nhuộm bằng máu của hàng ngàn, hàng triệu người lính đã ngã xuống vì nên độc lập. Để ánh sáng bình minh chiếu đến mọi nhà, để mang lại một tương lai độc lập, tự do và hạnh phúc cho thế hệ tương lai.
Phần kết
Mình mong rằng với chia sẻ của mình thì nhiều người biết hơn tới những bộ phim lịch sử chất lượng như thế này. Cũng như ủng hộ và ghi nhận những gương mặt trẻ trong làng điện ảnh đã xuất sắc tái hiện lại được tinh thần quật cường của người lính Việt Nam trong những năm chiến tranh giành lại chủ quyền cho non sông đất nước.
Mình xin trích một câu thơ trong bài "Đất nước" của cụ Nguyễn Khoa Điềm để kết lại bài viết này:
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh. Nhiều người đã trở thành anh hùng. Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ. Nhưng em biết không. Có biết bao người con gái con trai. Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi. Họ đã sống và chết. Giản dị và bình tâm. Không ai nhớ mặt đặt tên. Nhưng họ đã làm ra Ðất Nước.
Nhân ngày Kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ xin được cúi mình biết ơn sâu sắc tới các thế hệ cha anh đã ngã xuống, đi qua những đêm đen trong lịch sử nước nhà để cho thế hệ chúng ta được sống và cống hiến trong ánh sáng bình minh của hòa bình, độc lập, tự do như ngày hôm nay.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất