Bình Định là một vùng đất đặc biệt. 3 điều tôi nói ra dưới đây chỉ là 3 điều nhỏ, nhưng lại đủ để nói lên sự phức tạp của vùng đất này. Phải, ở nơi nào mà nhiều tôn giáo, triều đại, văn minh, văn hoá, hồn phách, địa linh nhân kiệt, chồng chéo, đấu tranh, thay phiên, đả phá, tồn tại, song song tồn tại, và phát triển, nhiều đến như thế hay không?
1.Bình Định là đất cố đô
Cũng như Huế, Hoa Lư…thì nơi này cũng là đất cố đô. Nhưng là cố đô của một vương triều sụp đổ. Huyện An Nhơn hôm nay chính là thành Đồ Bàn khi xưa, là kinh đô của nước Chăm Pa trong 5 thế kỷ.Lịch sử Việt Nam chỉ có một ông vua xung phong ra trận và chết trận vì không biết mình biết người, đấy là Trần Duệ Tông, và chết ở đâu? Ở đất Đồ Bàn. Người đánh bại quan quân nhà Trần năm đó là Chế Bồng Nga, người sau này đã đánh ra tận Thăng Long, Hà Nội, đuổi quan quân nhà Trần và Hồ Quý Ly chạy mất dép. Nhạc sĩ Xuân Tiên khi sáng tác bài “Hận Đồ Bàn” có câu này “…Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga/Vượt khơi/Về kinh đô/Ngàn thớt voi uy hiếp quân giặc thù …” là vì thế. May mắn cho nước Việt ngày đó còn sót nhân tài cuối cùng là Trần Khát Chân nên thế cuộc kịp đổi ngôi chứ lúc đó đã mất Thanh Nghệ rồi. 400 năm sau khi thành Đồ Bàn bị vua Lê Thánh Tông tiêu diệt, lần thứ hai đất Bình Định trở thành kinh đô, đấy là kinh đô của triều Tây Sơn do Nguyễn Nhạc làm chủ. Thành Hoàng Đế được xây nên trên nền của thành Đồ Bàn cũ. Nơi đây sau đó chứng kiến một trận chiến bi hùng ca giữa Võ Tánh (tướng của Gia Long) với Trần Quang Diệu (tướng của Tây Sơn). Kết quả là Võ Tánh tuẫn tiết ở trong thành đổi lại ơn tha mạng cho dân chúng, binh sĩ trong thành của Trần Quang Diệu. Có thể nói, dù cho chính trị và quan điểm thay đổi chăng nữa, thì có một thứ hậu thế vẫn luôn tôn trọng dù ở bên này hay bên kia, đó là sự trung nghĩa của kẻ anh hùng.
Cuộc chiến của Võ Tánh và Trần Quang Diệu là như thế.
2.Địa thế Bình Định quá lợi hại
Không được mấy vùng đất sở hữu địa thế kinh khủng như Bình Định đang có. Sau lưng tựa núi, trước mặt tựa sông, vắt ngang một dải biển, và ở ngay trong lòng đất lại có Đầm Thị Nại rộng 5000ha. Dù không nổi tiếng bằng Bạch Đằng, nhưng số lượng trận thuỷ chiến tại Đầm Thị Nại e rằng phải nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam. Đà Nẵng là điểm yếu của miền Trung nên Pháp và Mỹ hai lần đều đổ bộ vào đây. Nhưng Bình Định với thế núi hình sông, với trái tim đầm Thị Nại như trên thì không có điểm yếu. Công-thủ tại Bình Định đều hoàn hảo. Tây Sơn xứ thượng đạo, đi ngược lên là Tây Nguyên ngắn trong gang tấc, đi ngược xuống từ hai đường thuỷ - bộ đều có thể đánh ra Thăng Long lẫn đánh xuống Gia Định.Trong thời bình, muốn du lịch có du lịch, muốn cảng biển, có cảng biển, muốn công nghiệp có công nghiệp, muốn thị trường có thị trường. Chỉ cần tìm đúng huyệt và nhấn một chút là có thể cá chép hoá rồng không biết chừng.
3.Cuối cùng, Bình Định là cái nôi của chữ quốc ngữ
Chữ mà chúng ta đang sử dụng, những gì các bạn đang đọc bài của tôi và những gì tôi đang sử dụng chính là chữ Quốc Ngữ. Đa phần chúng ta đều mặc định Alexandre de Rhodes là “cha đẻ” của chữ Quốc Ngữ, tuy nhiên Alexandre de Rhodes chỉ là người “phát dương quang đại” cho chữ Quốc ngữ, còn “cha đẻ” thật sự là giáo sĩ Francisco De Pina. Alexandre de Rhodes cũng thừa nhận điều đó: “Người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường thứ tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn”.Khi biết Francisco De Pina là cha đẻ của chữ Quốc Ngữ, thì ta có thể đi tìm được cái nôi của chữ quốc ngữ. Đâu là nơi De Pina được trọng dụng, yêu quý, và cho mọi cơ hội để phát triển? Câu trả lời chính là Bình Định.Khi 3 linh mục dòng tên trong đó có De Pina bị hãm ở Quảng Nam, thì quan trấn thủ Qui Nhơn, khám lý Trần Đức Hòa trong chuyến công cán ở Dinh Quảng Nam chứng kiến cảnh khốn khổ của các linh mục mà đưa họ về cưu mang. Đặt họ tới cảng thị Nước Mặn, giúp họ giảng đạo, xây nhà thờ, và ở điều kiện đó thì một thiên tài như De Pina đã cho ra đời và truyền đạo chữ Quốc Ngữ. Trong tham luận mang tên “Hội An - Thanh Chiêm và sự ra đời của chữ quốc ngữ” cách đây khoảng 15-20 năm trước, nhiều nhà nghiên cứu tại Quảng Nam đã đưa ra các bằng chứng để chứng minh Thanh Chiêm (Điện Bàn-Quảng Nam) là cái nôi của chữ quốc ngữ. Tuy nhiên, cá nhân mình nghĩ đây cũng là một tranh luận. Chứ đối với mình, chính những dòng hồi ký của người trong cuộc là Cristoforo Borri - một trong 3 linh mục dòng tên cùng với De Pina và cha Francesco Buzome, mới là nguồn sử liệu an toàn hơn các trang sử liệu đã mất và chắp nối. Hồi ký ấy đã chứng minh cảng thị Nước Mặn và vị quan trấn thủ Quy Nhơn mới là nơi cưu mang 3 vị linh mục dòng tên. Trong tập hồi ký “Xứ Đàng Trong” của mình, Borri đã giành hẳn 3 chương để nói lời ơn nghĩa dành cho vị Tuần phủ Quy Nhơn Trần Đức Hoà. Một nhân vật Bình Định xứng đáng được nhớ đến nhiều hơn.
(03/10/2022)