Hi! Có phải cái tiêu đề tớ đặt làm cậu thấy “Ủa cái bài gì đây kì ghê ta?”; “Ủa tiêu đề gì kì cục”,… vân vân và mây mây. Thì đúng! Nó kì thật!
Vì đây là một bài viết trong Series tâm sự của tớ và nó mang hơi hướng quan điểm cá nhân. Vậy nên, tớ sẽ viết sao cho nó đúng những gì trong đầu tớ nghĩ, không có theo bố cục mạch lạc gì gì hết.
Rồi quay trở lại với từ trong tiêu đề: “Biết thế”, thì cậu đã khi nào nói “Ui biết thế mình không làm thế này”, “biết thế mình không làm thế kia” bla, bla,… chưa?
Còn tớ cũng mới nhận ra, là mình nói “biết thế” nhiều quá. Sau một thời gian suy nghĩ, tớ thấy vấn đề ở đây này.
Thứ nhất, đó là việc cậu thường xuyên cảm thấy hối hận và tiếc nuối khi đưa ra bất kì quyết định nào đó.
Có thể là một quyết định nhỏ như cậu vừa từ chối một cuộc hẹn với bạn bè, sau đó xem story thấy mấy đứa nó đăng vui vẻ quá, cậu lại “ui biết thế mình đã đồng ý đi”. Hoặc là một quyết định lớn hơn như việc cậu vừa nộp đơn nghỉ việc ở công ty và sau khi nghỉ một thời gian, cậu hối hận về quyết định của mình, trong đầu không ngừng nghĩ “biết thế mình đã không nghỉ việc”. Nhưng khi một sự việc đã qua đi, câu nói ấy còn tác dụng gì không? Hay nó chỉ làm cậu không thôi nghĩ đến liệu quyết định của mình là đúng hay sai?
Việc cậu tiếc vì cậu đã làm một điều gì đó, nó có giúp cậu rút ra được bài học gì cho bản thân không? Nếu cậu không thể ngừng nghĩ về nó, vậy thì cậu phân tích xem, nếu mình quyết định theo hướng ngược lại thì cậu sẽ nhận được gì. Nếu nó tốt hơn, vậy bài học mà cậu cần học đó là cân nhắc mọi thứ thật kỹ lưỡng, viết ra trước những trường hợp có thể xảy ra trong tương lai trước khi đi đến một quyết định. Cậu cần dành thời gian để suy ngẫm về việc này, thật đó. Đừng như tớ, nếu tiếp tục không chỉnh sửa cách cậu không suy xét kỹ một vấn đề mà đã có câu trả lời, thì cậu sẽ còn nói “biết thế” và tiếc nuối nhiều nữa. Tin tớ đi, cái này nên sửa thật đó.
Tin nhắn của bạn thân gửi tớ.
Tin nhắn của bạn thân gửi tớ.
Còn nếu quyết định theo hướng ngược lại mà không tốt hơn, vậy thì cậu dành thời gian để nghĩ tới những-việc-không-thay-đổi-được-nữa làm chi cho nhọc và tiêu tốn thời gian vậy. Hoặc là cậu đang phân vân rằng việc mình làm là đúng hay sai. Ví dụ như câu chuyện nộp đơn xin nghỉ việc, cậu nghĩ rằng liệu mình tiếp tục làm công việc đó, rồi cố gắng, rồi thăng tiến tại đó có tốt hơn việc mình bỏ dở và tìm kiếm một môi trường làm việc khác, có thể đúng ngành hay trái ngành. Nhưng cậu à, những việc trong quá khứ là không thay đổi được mà, dù sao thì cậu cũng đã đưa ra một lựa chọn rồi, và mình tin rằng cậu rõ hơn ai hết về tất cả những lý do khiến cậu hạ quyết tâm đi tới cái quyết định cuối cùng đó.
Và doạ chút này, cái này các nhà tâm lý học đã nghiên cứu nha, rằng nếu cậu không ngừng hối tiếc thì điều đó có thể gây tổn hại về thể chất lẫn tinh thần. Liên tục suy nghĩ và hối tiếc những điều trong quá khứ có thể dẫn đến các triệu chứng như lo lắng, tự ti, bất lực, cảm thấy mất hy vọng,… và nó còn là nguyên nhân gây nên rối loạn giấc ngủ, căng thẳng,… khiến sức khoẻ tinh thần và thể chất của cậu suy giảm. Nếu không kiểm soát được, rất có thể nó là một trong những nguyên nhân khiến cậu trầm cảm đó.
Thứ hai, một phần trong đó, cậu đang không tin tưởng vào chính bản thân mình.
Trở lại với ví dụ về quyết định nghỉ việc. Có thể trước khi nghỉ, cậu đã vẽ ra một con đường khác khi rời khỏi công ty. Cậu lên kế hoạch rằng sẽ kinh doanh riêng, hoặc tìm kiếm học bổng du học, hoặc là cậu tìm một công ty khác với tiêu chí là “tốt hơn chỗ cũ”. Nhưng không việc gì đến với cậu dễ dàng cả, cậu bắt đầu thấy khó khăn, tìm hoài tìm mãi chẳng thấy công ty nào ổn, rải CV thì mãi không thấy phản hồi. Hay việc kinh doanh có khởi đầu chẳng như mong muốn,… và khiến cậu hoài nghi bản thân mình. Rằng “liệu mình có năng lực thật không”, “mình còn phải học hỏi quá nhiều thứ”, “con đường này mình chọn liệu có phù hợp với mình”,… Và tất cả những điều đó, đang thể hiện rằng cậu mất tự tin vào bản thân.
Nhưng cậu ơi, mình mới bắt đầu sang một ngã rẽ khác mà, đâu thể khẳng định được là cậu đi nhầm đường hay không. Có vấn đề ở đâu thì bóc tách, gỡ rối từng thứ một thì dần dần mới gỡ được chớ, đâu có vội được đâu. Quan trọng là cậu tin rằng cậu không hề quyết định sai, cậu làm được! Mỗi việc cậu làm khi hướng đến mục tiêu nhất định, dù ít hay nhiều thì mỗi ngày cậu đều đã xây thêm một hoặc hai viên gạch cho cái thoà tháp cậu mong muốn có được đó, miễn là cậu kiên trì, giữ kỷ luật và không bỏ cuộc giữa chừng.
Có câu nói như này:
“Chúng ta thường có xu hướng hối hận vì không hành động nhiều hơn hành động” – Vô danh.
Vậy nên cậu phải vui lên vì ít nhất cậu đã dám làm việc cậu muốn rồi chứ, đừng nói “biết thế mình đã không làm vậy” nữa.
Thứ ba, cậu đang thiếu kiên định. (tớ đang nói đến một quyết định lớn nhé)
“Tính kiên định có nghĩa là giữ được suy nghĩ và quyết định của mình trong các tình huống khác nhau. Định nghĩa về tính kiên định còn có thể hiểu là nỗ lực kiên trì cho một mục tiêu ngày này qua ngày khác bất kể cậu làm gì.”
Không phải ai cũng dễ dàng thích nghi với thay đổi trong cuộc sống và việc điều chỉnh thay đổi trong suy nghĩ cũng chẳng là điều dễ dàng. Rất khó để có thể từ bỏ toàn bộ thói quen cũ trong cuộc sống của cậu bằng một loạt các việc làm mới. Do đó, cậu nên cho mình một khoảng thời gian vừa đủ để tìm ra điều gì phù hợp với cậu. Như tớ đã viết phía trên đó, phân tích “được” và “mất, những thứ đó chiếm bao nhiêu phần trăm.
Cậu cũng nên thực tế hơn trong các mục tiêu của bản thân để tránh việc cậu quá tải và khiến cậu nản lòng. Ví dụ như việc tớ đã từng đặt ra mục tiêu “một ngày edit tổng 20 video ngắn để schedule cho hẳn 1 tuần tiếp theo” và tớ chẳng thể thực hiện được, thậm chí là 50% mục tiêu đề ra còn không. Điều đó làm tớ nản lắm, nghĩ rằng ngày đó mình chẳng làm được gì đúng kế hoạch. Nhưng rồi tớ đã nhận ra, mục tiêu trong ngày đó của tớ không thực tế chút nào, và chất lượng quan trọng hơn số lượng, tớ không nên cố chỉ để đạt được KPI ngày hôm đó. Đó là một ví dụ về mục tiêu nho nhỏ trong 1 ngày thôi, nhưng việc đặt ra mục tiêu thực tế, còn quan trọng hơn đối với những việc lớn hơn nữa.
À, nếu cậu thường cảm thấy suy nghĩ của bản thân dễ bị lung lay, thì hãy thử sử dụng giấy note đi, tốt hơn hết cậu nên viết ra, ghi vào một cuốn sổ, mà phải là cuốn sổ cậu thường xuyên dùng ấy. Nó sẽ giúp cậu nhắc nhở bản thân không được quên những gì mình đang làm. Để cậu có thể khỏi băn khoăn hoặc quên bẵng đi cái lý do mà cậu bắt đầu.
(Cái này Just for fun) Rằng con người thường hay dùng từ “biết thế” cho cả những việc mà chả thể nào xảy ra được. “Biết thế tao không sinh mày ra”, “biết thế tao không nhặt mày từ gốc chuối về làm gì”… Ờm thì… “biết thế con đã làm quả chuối”.
Anyway, tớ không có định kiến với bản thân tớ hay một ai đó dùng từ “biết thế” để thể hiện sự hối tiếc về một vấn đề gì cả. Chỉ là tớ mượn nó để nói rằng, thay vì hối tiếc một việc đã xảy ra trong quá khứ, thì chúng ta nên hướng đến sự vật, sự việc thực tế đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Thay vì cứ “biết thế này”, “biết thế nọ” thì chúng ta tập suy xét kỹ hơn để đưa ra quyết định mà chúng ta không phải hối hận. Thay vì lo bản thân chọn sai hướng, hãy kiên định và dám làm, dù khó.
Đừng “biết thế mình đi chơi với chúng nó thay vì ngồi nhà viết huyên thuyên” giống tớ nha : )))))
Haley