[Biblical] Về Ruth - Câu chuyện và cảm nghĩ của mình
Mỗi nhân vật trong Kinh Thánh của Do Thái đều mang cái tên mang ý nghĩa và được lưu dùng rộng rãi trong xã hội phương Tây. Kinh Thánh...
Mỗi nhân vật trong Kinh Thánh của Do Thái đều mang cái tên mang ý nghĩa và được lưu dùng rộng rãi trong xã hội phương Tây. Kinh Thánh viết rằng chính Chúa cũng đổi tên những con người được bảo trợ khi họ còn trẻ để cuộc đời họ sẽ thể hiện ý nghĩa ẩn trong cái tên của mình.
Trong tiếng Do Thái (Hebrew), Ruth רְעוּת (re'ut) có nghĩa là "tình bạn". Đây là nhân vật chính trong Sách về Ruth (Book of Ruth) - một trong năm sách Thánh Thi của kinh Cựu Ước.
Sách về Ruth kể về câu chuyện cuộc đời của người phụ nữ sớm góa chồng.
Tại Bethlehem, gia đình ông Elimelech và bà Naomi gặp phải nạn đói. “Chúng ta phải đi đến nơi có nhiều lương thực hơn thôi!” – Elimelech nói. Vì vậy ông Elimelech đã dẫn bà Naomi và hai con trai (Mahlon và Chilion) của mình đến xứ Moab. Mỗi người con của ông đều cưới một người con gái dân Moab, Mahlon cưới Ruth và Chilion cưới Orpah. Nhưng sớm hai người đàn ông cũng qua đời giống cha mình, để lại người mẹ Naomi và hai người con dâu trong cảnh góa bụa.
Một thời gian sau, bà Naomi nghe tin quê mình có lương thực lại. Bà muốn quay về, Ruth và Orpah cũng muốn theo mẹ về xứ Bethlehem để giúp đỡ bà. Nhưng Naomi nói hai con có thể ở lại xứ Moab, bà nói "Mỗi con hãy trở về nhà mẹ mình đi. Cầu Chúa lấy ơn đãi hai con như hai con đã đãi các người thác của chúng ta, và đã đãi chính mình ta! Nguyện Chúa ban cho hai con được bình yên hay được an nghỉ ở nơi nhà chồng mới!"
Orpah hôn mẹ chồng và quay trở về. Naomi bảo Ruth: "Nầy, chị con đã trở về quê hương và thần của nó; con hãy trở về theo nó đi.". Song Ruth nhất quyết "Mẹ ở đâu, con sẽ ở đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của con. Đức Chúa Trời của mẹ cũng là Đức Chúa Trời của con. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi!". Đây là câu nói thề nguyện lòng trung thành, trong hôn nhân cơ đốc, cô dâu chú rể cũng dùng lời này của Ruth để thề nguyện.
Trở về Bethlehem, cuộc sống của hai mẹ con Naomi và Ruth vẫn rất cơ cực. Ruth đi mót lúa để nuôi sống hai người. Mót lúa là hành động của những người không có ruộng. Sau khi người khác gặt hết lúa, người mót theo nhặt từng gié lúa vương vãi, tẩy tuốt sạch và mang về. Trong văn hóa Do Thái, chủ ruộng sau khi gặt không quay lại để mót, mà để những người dân nghèo khổ khác đi mót kiếm ăn. Đây có thể nói là một thể hiện của văn hóa đùm bọc sẻ chia của người Do Thái.
Boaz là một người đàn ông lớn tuổi, ông là một chủ ruộng bội thu. Ruth đi mót lúa trên ruộng của Boaz, gặp gỡ ông và nhận được sự ưu ái của Boaz cho phép nàng mót lúa trên ruộng mình. Ông nói "Hỡi con gái ta, hãy nghe, chớ đi mót ruộng khác và cũng đừng rời xa chỗ này. Hãy ở cùng các tớ gái ta, xem người ta gặt ruộng ở nơi nào thì hãy đi theo đó. Ta đã cấm các đầy tớ ta đụng đến nàng. Nếu có khát, hay đi uống nước nơi bình của chúng sẽ múc cho.". Trước sự ngỡ ngàng của Ruth, Boaz giải thích rằng ông được biết và thấy cảm động trước lòng tốt và sự trung thành của Ruth dành cho mẹ chồng mình.
Naomi cho biết rằng Boaz là người bà con của Elimelech, vốn là người có quyền chuộc lại sản nghiệp của Elimelech (Goel / Go’el HaDahm: mang nghĩa là "người chuộc lại" hay "redeemer" ). Người chuộc lại theo kinh luật có các quyền sau:
* Chuộc lại hay giải phóng người họ hàng đang làm nô lệ (Sách Leviticus 25:49)
* Cưới lại người vợ góa của người anh em mất sớm của mình với mục đích duy trì gia phả (Sách Phục truyền luật lệ ký 25: 5 - 10)
Ruth nghe lời mẹ, chạy đến với Boaz xin người chuộc lại sản nghiệp của gia đình Naomi. Boaz nói "Hỡi con gái ta, nguyện Chúa ban phước cho con! Việc nhân từ con làm lần sau này còn trọng hơn lần trước, vì con chẳng có theo những gã trai trẻ, vô luận nghèo hay giàu.".
Câu chuyện đặc biệt ở chỗ như thế này:
1. Trong lịch sử Do Thái, dân Israel và dân Moab đối nghịch nhau bởi tôn giáo, văn hóa và lãnh thổ. Có thể nói dân Moab bị tẩy chay và kể như việc kết hôn hay giao du với dân này là một điều tối kị. "Dân Ammon và dân Moab sẽ không được vào hội Đức Jehovah, dầu đến đời thứ mười cũng chẳng hề vào được." (Sách Phục truyền luật lệ ký 23: 3-6).
2. Tôn giáo và đức tin chi phối văn hóa, nếp cai trị và nếp sống của vua và dân thời này. Sự khác biệt tôn giáo cũng là một yếu tố phản ánh quan hệ đối nghịch của các dân. Đồng đi yếu tố này là yếu tố huyết thống.
Bản thân mình nghĩ, cho tới thời đại ngày nay, việc kết hôn khác tôn giáo vẫn là một trở ngại trong gia đình, đặc biệt là châu Á hay các gia đình conservative.
Mặc dù yếu tố huyết thống, gia phả là nội dung đặc biệt quan trọng trong xã hội Do Thái, trong Kinh Thánh, nhưng chính câu chuyện về Ruth trong Kinh Thánh lại thể hiện một triết lý nhân văn về tình yêu thương vượt trên định kiến xã hội. Ruth là người phụ nữ dân ngoại duy nhất được ghi trong giả phả của Chúa Jesus, và chính Ruth là bà cố tổ của vua David - vị vua huyền thoại của dân tộc Do Thái .
Thiết nghĩ qua câu chuyện này, Cơ đốc giáo không nên chỉ xem là một tôn giáo của duy nhất một dân tộc, mà đó là tôn giáo "mở" dành cho cả dân ngoại, hay tất cả mọi người. Không chỉ đến câu chuyện về sự hi sinh của Đức Chúa Jesus mới bày tỏ tình yêu cho nhân loại, mà ngay trong gia phả của Ngài cũng có một người nữ đẹp đẽ có tình yêu và lòng trung thành lớn lao. Tình yêu ấy vượt trên định kiến xã hội, vượt trên phân biệt tôn giáo, đó là tình yêu thương nhân bản cần được hướng đến.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất