Bell’italia - Venice
Chuyến xe bus 6h30 sáng, xuất phát từ quảng trường Franfurt trước nhà ga Part-Dieu, Lyon Pháp, hướng về thành phố Milan, trước khi...
Chuyến xe bus 6h30 sáng, xuất phát từ quảng trường Franfurt trước nhà ga Part-Dieu, Lyon Pháp, hướng về thành phố Milan, trước khi tiếp tục hành trình về Mestre, phần đất liền của thành phố Venice.
Một ngọn núi phủ tuyết trắng xóa trên dãy AlpesNếu ai đó nói rằng, tiếng Ý là ngôn ngữ lãng mạn nhất thế giới, họ có thể đúng một phần khi đặt thứ ngôn ngữ tuyệt vời đó trong lòng một thành phố Ý cổ kính và khung cảnh lãng mạn. Nhưng trên chuyến xe 11 giờ đồng hồ nối liền 2 đất nước, những âm thanh tràn ngập a, i , ê, ô với ngữ điệu lên xuống, tiếng phát ra sang sảng bên tai, người ta chắc chắc sẽ cần xem xét lại nhận định vừa rồi. Tiếng Ý ở trong cái ngữ cảnh ấy bỗng trở thành thứ ngôn ngữ chỉ đẹp khi trưng bày trong tủ kính với ánh sáng đèn huyễn hoặc và mộng mị - đẹp như cách người Ý trưng bày món pasta trong những tủ kính, nhưng sẽ lại trở thành một thứ âm thanh kém hấp dẫn trong khung cảnh 1 chiếc xe bus đường dài không mấy rộng rãi, cũng y như cái cách món pasta al dente rất Ý phục vụ cho những vị thực khách “xấu bụng”, bởi lúc đó tinh hoa ẩm thực nước Ý sẽ rất dễ trở thành một món mỳ sống sượng, khó tiêu.
Con đường đến Ý xuyên qua những hầm tối, băng qua những ngọn nũi của dãy Alpes hùng vĩ, đã qua xuân vẫn phủ đầy tuyết trắng. Những vị khách hiếu kì, dù mệt mỏi vì chuyến khởi hành sớm, vẫn không thể cầm lòng trước cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ. Những “quý bà” Ý bắt đầu xôn xao xì xào, chẳng thể nào ngồi yên tại chỗ, đồng loạt rút smartphone chụp lấy vài tấm ảnh kỉ niệm miền san tuyết.
“Champagne, per brindare a un incontro con te, che già eri di un altro ricordi....” - một ly champagne để uống mừng cuộc hội ngộ giữa ta và em, người đã ở một miền kí ức khác... Giọng ténor trầm mê hoặc của Andrea Bocelli cứ thế đồng hành, thủ thỉ vào tai những tự tình sâu lắng rất Ý.
19h, trời vẫn hửng sáng. Chuyến xe đến trạm cuối cùng của hành trình: Venice - Venezia trong tiếng Ý. Cuộc hẹn lúc 20 giờ tối với người đàn ông Ý xa lạ sắp tới - người đã rộng lượng chào đón, cung cấp chỗ ngủ cho kẻ đào tẩu đầu đen trong 3 ngày ở Venice. “Tôi đến Venice chẳng có gì ngoài một niềm khao khát được khám phá mảnh đất tuyệt vời nơi ông đang sống”.
Vừa xuống xe, ngay lập tức phải khẩn trương mua vé xe bus cho chuyến xe số 15 đến sân bay Marco Polo, địa điểm của cuộc hẹn chỉ cách sân bay duy nhất của Venice chừng 1km.
- “Mi puoi indicare la fermata Tessera Centro?” - thứ tiếng Ý “giả cầy” phát ra từ miệng của kẻ ngoại đạo liều lĩnh, nhưng cốt cũng bởi vì bác tài xế không thèm hiểu tiếng Anh. “Phiền bác khi nào đến trạm Tessera Centro thì báo cho tôi một tiếng”.
Santa Maria della Salute nhìn từ San Marco, một góc nhìn băng qua kênh đào lớnChiếc bảng điện tử báo các trạm dừng tiếp theo không hoạt động. Hệ thống giao thông công cộng ở Ý nhìn chung không tốt, nếu không nói là dở tệ. Có lẽ cũng dễ hiểu nếu nhìn cách người Ý sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nơi mà cụm từ “công cộng” được mang đúng nghĩa đen của nó. Suốt dọc hành trình gần 20’ từ nhà ga Venezia Mestre đến điểm gần cuối của tuyến xe, chỉ có duy nhất 4 trên tổng số 30 người chật ních trên chiếc xe bus nóng nực mua và “validate” vé, 3 người là khách du lịch, người Ý duy nhất là một ông cụ tuổi tầm 70.
Mestre không phải là những gì người ta vẫn nghĩ về Venice, mặc dù về mặt hành chính nó vẫn thuộc thành phố Venice. Venice người ta vẫn thường biết đến là phần thành phố - đảo nằm đơn độc giữa biển cách đất liền cỡ 8km. Mestre là phần đất liền, nối với đảo lớn Venice bởi 1 con đường nhựa 2 chiều thẳng tắp, ở giữa là đường ray xe lửa nối hai ga lớn nhất của Venice: ga Mestre và Santa Lucia trên đảo. Chuyến xe bus băng qua những con đường nhựa nằm lọt thỏm giữa những cánh đồng bát ngát, băng qua những luống hoa mỹ nhân đỏ thắm mọc ven đường, gập mình theo làn gió mỗi khi có chuyến xe chạy vút qua. (..... )
8h sáng ngày hôm sau, chuyến hành trình tự cho phép mình lạc lõng giữa lòng thành phố nổi bắt đầu. Không có một tuyến đường nào cố định, bởi Venice không phải là nơi để người ta thực hiện những tour du lịch kiểu công nghiệp. Venice là nơi người ta lạc, và “được lạc”.
Bắt đầu từ Santa Croce, vùng “cổ hẹp” dẫn những kẻ lang thang ưa lãng mạn vào chiếc bình rượu vang với hương thơm quyến rũ không lối thoát, bên tiếng nhạc cổ điển bềnh bồng tan trong không khí, xen lẫn tiếng nước vỗ mái chèo nhẹ nhàng như tiếng thở dài của những chàng khờ nhiều tâm sự.
Hải sản tươi bày trong các khu chợ phiên sáng cuối tuầnVenice hiện lên một cách nhẹ nhàng, trong trẻo và sang sảng những thứ âm thanh, không trộn rộn quá ồn ào nhưng vẫn đầy sức sống. Tiếng hò vang báo hiệu chuyến đò gondola xuất phát, tiếng ồn ào trò chuyện của những người bán hải sản tươi sống đang tập chung quanh quảng trường nơi diễn ra phiên chợ sớm cuối tuần. Có cả tiếng những cô cậu học sinh đang bàn tán, chuyện trò rôm rả, vừa đi vừa ôn bài, thoắt đã thấy sà vào vòi nước bên đường tìm kiếm nguồn nước ngọt mát giữa lòng biển cả để dịu đi cơn khát.
Nhưng càng tiến gần khu San Marco - khu du lịch nhất của Venice, sự ngột ngạt và gò bó của những đoàn người ngày một dày đặc khiến cái không khí trong trẻo và thoáng đãng của Venice đột nhiên biến mất. Cả Venice lúc này giống như chiếc bình đựng rượu vang, mà phần đáy bình chính là San Marco, nơi bầu không khí cứ nghẹt lại và dày đặc những dòng người tuôn về quảng trường lớn San Marco. Chỉ cần bước chân đến khu chợ Đức, nơi có cây cầu Rialdo (Ponte di Rialdo) - cây cầu cổ nhất Venice bắc ngang qua kênh đào lớn - Canal Grande, huyết mạch giao thông quan trọng nhất của thành phố, không khí đã trở nên đặc quánh. Tiếng trò chuyện giữa những cô cậu học trò, tiếng chào nhau giữa những cư dân Venice già gặp nhau trong khu chợ của người bản xứ...thế chỗ bằng những lời gọi mời ồn ào mua hàng bằng thứ tiếng Anh đặc sệt giọng Ý của những thương nhân trong khu chợ Đức, trên cầu Rialdo.
Trong những con phố hẹp của Venice, ngoài những đoàn khách du lịch chật như nêm len lỏi khắp thành phố, những người Venice vẫn tiếp tục cuộc sống thường nhật một cách nhẹ nhàng tưởng như chẳng có gì thay đổi lối sống của họVenice giống như một vùng đất mơ, nơi vẻ đẹp đến kì tích phần nhiều do bàn tay con người tạo ra. Thiên nhiên có chăng chỉ góp thêm màu nước trong xanh ngọc bích, góp thêm chút trời xanh không một gợn mây rất Địa Trung Hải để tô điểm thêm cái bức tranh muôn màu sặc sỡ, sống động của Venice. Những mảng tường với đủ thứ màu, tưởng chừng lòe loẹt chói sáng đến nhức mắt người xem, ấy thế nhưng lại hài hòa đến lạ dưới nắng gió Venice. Cả Venice là sự thêu dệt của chằng chịt những kênh đào, những cây cầu lớn nhỏ, những góc phố, con hẻm lúc nằm khuất lấp dưới tán cây xanh, lúc lại tối thui như hũ nút, để những kẻ lang thang đôi lúc vượt qua cái bóng tối om om lại chững lại ngạc nhiên thán phục trước kiệt tác bày ra trước mắt.
Những kênh đào len lỏi khắp thành phố. Ngoài những chiếc canô, cả "thành phố" không có một bóng phương tiện giao thông nào khác. Những kẻ lãng du chỉ có thể đi bộ, và cũng chỉ bằng cách đi bộ, người ta mới có thể "cảm" được hết cái đẹp của VeniceLang thang trong lòng Venice là cuộc dong duổi chẳng đầu không cuối. Những kẻ lang thang sẽ ngây ngô mà có lúc tưởng rằng đã nắm rõ Venice trong lòng bàn tay, ấy thế rồi vì một phút “nhẹ lòng” mà để trái tim mình dẫn lối, đi vào một lối không quen, rồi “được lạc”, rồi bất ngờ, thảng thốt nhận ra ở Venice, sẽ không có chỗ cho những trái tim tan nát vì nhẹ dạ, vì siêu lòng, mà chỉ có những trái tim ngừng đập vì ngỡ ngàng trước điều không tưởng.
Một nhà hàng Venice
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất