Tôi không còn ý thức rõ ràng về thời điểm nào bản thân bắt đầu nhận ra rằng mỗi người đều phải làm quen với sự đơn độc thần thánh.
Dạo gần đây tôi tự nhiên nghiệm ra lý do vì sao mình thích Frozen 2 hơn hẳn Frozen 1, dù nhiều người quen của tôi thích phần 1 hơn. Lý do không mới: Frozen 2 khiến tôi nhìn thấy câu chuyện của chính mình, nhưng có lẽ vào thời điểm đó tâm trí và cơ thể tôi đang ở khoảng đầu của giai đoạn chuyển hóa, nên tôi không ý thức được vì sao mình lại rung động đến vậy trước một bộ phim hoạt hình. Theo lệ thường, tôi lại chuẩn bị spoil trong khoảng 1, 2 đoạn văn nữa. Tôi rung động vì Elsa và Anna đều đã lớn lên. Elsa bị thôi thúc bởi một tiếng gọi, tiếng gọi đó muốn dẫn dắt cô vào vùng đất bất định (Into the unknown). Elsa đã kháng cự trong những lần đầu tiên bắt gặp tiếng nói đó. Nhưng cuối cùng, cô đã đi tới, đã bước vào vùng bất định. Trong lời bài hát “Into the unknown” ứng với tình tiết này có một đoạn: “Every day's a little harder as I feel my power grow. Don't you know there's part of me that longs to go Into the unknown?”. Vùng đất xa lạ đó đã mang đến nhiều hiểm nguy cho Elsa, suýt chút nữa chôn vùi cô trong băng tuyết, suýt chút chấm dứt sinh mệnh đang tràn trề nhựa sống của cô. Một hiểm nguy quá đỗi, nhưng vượt lên trên nghịch cảnh ấy, Elsa đã tìm thấy sứ mệnh của mình, trả lời được câu hỏi mình là ai, vì sao mình sở hữu những điều này, mình đã tồn tại vì điều gì. Cô đã đi theo một niềm thôi thúc mãnh liệt để đến với sứ mệnh thuộc về mình.
Nhưng không chỉ có Elsa, không chỉ có Elsa tìm thấy sứ mệnh cho sức mạnh to lớn mà mình sở hữu, Anna cũng tìm thấy sứ mệnh của mình. Khoảnh khắc mà Anna chỉ còn một mình trong hang động, nhận ra Elsa đã gặp nạn và rất có thể đã chết, nhận ra bên cạnh không còn người bầu bạn nào, Anna đã rơi vào tuyệt vọng cùng cực, nhưng sau đó, cô đối diện với sứ mệnh của mình. Cô hành động, một mình. Bất chấp nỗi sợ hãi cô độc, bất chấp sự thật rằng cô chỉ còn lại một mình, bất chấp ám ảnh về một cái chết có thể rất gần, Anna đã đến, chạm tay vào sứ mệnh.
Điều khiến tôi rung động, là Elsa và Anna đều vượt qua trở ngại trong lòng mình để bước tiếp. Elsa vượt qua nỗi sợ hãi về sự bất định. Anna vượt qua nỗi sợ hãi về sự đơn độc. Tôi rung động vì hai nỗi sợ này đang chuyển hóa trong con người mình. Tôi không còn ý thức rõ ràng về thời điểm nào bản thân bắt đầu nhận ra có rất nhiều điều bất định trong cuộc sống mà mình không thể lường trước, nhưng thay vì đối diện với nó bằng những lời oán thán, bằng sự e sợ và rụt rè, chỉ có cách băng qua nó để tìm về con người trưởng thành hơn. Tôi không còn ý thức rõ ràng về thời điểm nào bản thân bắt đầu nhận ra rằng mỗi người đều phải làm quen với sự đơn độc thần thánh. Cả đời này tôi chắc chắn sẽ rất trân trọng những mối quan hệ của mình, vì nhờ họ rất nhiều mà tôi trở nên một con người bớt ngu si và ngờ nghệch hơn, nhưng tự thân tôi cũng hiểu rằng chỉ có bản thân mình mới có thể đưa mình đi xa. Chỉ có bản thân mình mới có thể tự đứng lên từ nghịch cảnh, không bàn tay nào vươn ra đón lấy mình mãi, không người thông thái nào đứng phía sau chỉ điểm mình mãi. Mà cho dù tồn tại mãi mãi, thì quyền năng nào khiến một người không muốn bước có thể bước được đây?
“Không ai giúp ai được là vì không ai giống ai cả” (Jules Payot).
Trong “Dagestan của tôi”, Rasul Gamzatov có viết: “Không ai có thể đủ quyền lực để biến một người nào đó thành nhà thơ, nếu người đó không tự mình trở thành nhà thơ (nhà văn cũng vậy).” Không chỉ là chuyện thơ ca, không chỉ là chuyện làm nghệ thuật, mà chuyện của con người nào trên cõi sống này cũng như vậy thôi, chỉ có nội lực của bản thân mình mới đưa mình đi qua nghịch cảnh mà cuộc đời dùng để thử thách mình. Không có sự mong đợi nào hơn sự mong đợi vào chính mình.
Tôi nhớ ngày trước, hồi bác Võ Nguyên Giáp qua đời, tự dưng tôi nghe có người lớn nào đó nói: “Bác Giáp qua đời rồi, bây giờ nước X có sang xâm chiếm nước ta thì ai đứng ra cứu nước đây”. Tôi đã biết bật cười ngay từ hồi ấy. Giả mà bác Giáp sống đến lúc nước X sang xâm chiếm, thì bác cũng chẳng còn đủ khỏe cho sứ mệnh ấy nữa. Nhưng ấy không phải trọng điểm, trọng điểm là cớ gì ta phải mong đợi những con người của thời đại cũ đến cứu giúp thời đại chúng ta. Thời đại chúng ta chẳng lẽ không có anh hùng, không có con người vĩ đại nào có thể đứng lên gánh lấy những sứ mệnh lớn lao? Tôi nghĩ rằng phủ nhận hoàn toàn là một sự bi quan quá mức. Sẽ luôn có người hùng xuất hiện cho mỗi thời đại. Như sự sống mà chúng ta đang có cũng vậy thôi, chỉ có bản thân mới có thể trở thành người hùng trong thời kỳ đen tối của chính mình. Những bàn tay khác, họ là đồng minh, họ là quân sư, nhưng họ không trực tiếp tạo nên kỷ nguyên mới cho chính chúng ta. “Không ai giúp ai được là vì không ai giống ai cả” (Jules Payot).
________
Thực ra mình đã lờ mờ có ý tưởng về bài viết này từ khoảng hai, ba ngày trước, và dự định viết nó vào ngày hôm nay vì một lý do đặc biệt. Hôm qua, mình đọc những dòng comment dài của bạn mình, người thi thoảng vào mood mới có thể viết những lời như thế, mình định rep, song không rep nữa, vì nghĩ những điều mình muốn nói có lẽ sẽ xuất hiện trong bài viết của ngày hôm nay. Lúc viết xong, mình cũng không biết mình đã rep được điều gì mình định rep chưa, có thể rồi, cũng có thể không. Tâm trí mình là một đứa trẻ rong chơi, lắm khi nó cũng chẳng nhớ được những gì mình đã định nói. Nhưng sau cùng thì bài viết này ra đời vì hai lý do, một cho một người bạn của mình, và một cũng cho một người bạn của mình.
Số bạn bè mà mình quý mến một cách trên mức xã giao thực ra không nhiều, mình cũng tự ngẫm là bản thân không hợp chơi với nhiều người, không phải mình chảnh cún, mà mình khó hình thành những kết nối sâu sắc. Thực ra mình nghĩ ai cũng như thế, có thể mình khó hơn xíu nữa, cũng có thể là mình tự đánh giá cao bản thân.
Mình cảm nhận là bản thân mình và bạn bè mình, mấy đứa ngơ ngác đứng ở ngưỡng cửa của việc khám phá thế giới, đều có lúc băng đi đầy nhiệt huyết, tưởng như không cản trở nào ngăn nổi, có lúc lại rối nhùng một mớ suy nghĩ trong đầu, không làm sao gỡ ra được. Bấy giờ, với trải nghiệm ít ỏi của mình, mình chỉ nghĩ ra có thế: đơn độc, đi theo tiếng gọi, lao vào sự bất định. Giai đoạn này, mình bắt đầu tái hệ thống và thiết lập những giá trị, hành vi, chuẩn mực, suy nghĩ của mình. Và mình cảm giác, nay mình và bạn bè mình đang chuẩn bị cho việc chấp nhận, hiểu rằng lớn lên là giã từ “sự dựa”, chỉ có đứng trên đôi chân của mình, thức tỉnh càng nhiều tiềm năng trong sự đơn độc, và băng qua nghịch cảnh. Có thể mình quật ngã nghịch cảnh, cũng có thể nghịch cảnh quật ngã mình, cả hai khả năng này đều làm bản thân thay đổi, đều làm bản thân mạnh lên, để làm gì? Để đón đợi nghịch cảnh tiếp theo :)