Bạn không thật sự bận rộn như bạn nghĩ đâu
Lâu lắm rồi mình mới được trải qua cảm giác này, cái cảm giác thư thái được ngồi xuống và viết ra những suy nghĩ của chính mình. ...
Lâu lắm rồi mình mới được trải qua cảm giác này, cái cảm giác thư thái được ngồi xuống và viết ra những suy nghĩ của chính mình.
Mình nghĩ bản thân vừa trải qua một khoảng thời gian khá tất bật, mình lóng ngóng và luống cuống với mọi thứ. Mình làm mọi việc trong hối hả, mình không có nhiều thời gian riêng cho bản thân. Mình đã nghĩ sao cuộc sống lại khó khăn đến thế, sao bản thân lại có nhiều việc đến như vậy. Mình tự gắn cái mác "bận bịu" cho chính mình và cứ để nó lôi kéo suy nghĩ của mình rằng vì mình bận nên cần chấp nhận cũng như thích nghi với cuộc sống hối hả như thế.
Tuy nhiên, mình chợt nhận ra rằng, mình không thật sự đủ tiêu chuẩn để tự nhận bản thân là 1 người bận rộn. Mình nghĩ vấn đề lớn nhất ở bản thân chỉ đơn giản là do mình không thật sự làm chủ và sắp xếp thời gian dẫn đến việc cảm thấy quá tải trong công việc, chứ không phải vì mình có quá nhiều thứ cần làm.
Vậy nên mình nghĩ rằng, đôi khi vấn đề không phải lúc nào cũng như chúng ta hình dung, đôi khi bạn cũng từng rơi vào trường hợp như mình và có lẽ khi đó chúng ta không thật sự bận rộn như bản thân vẫn tưởng tượng đâu.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe hay thậm chí từng thốt lên những câu nói than vãn về việc 24 tiếng trong ngày dường như không đủ để giải quyết các công việc, và nhiều người khát khao có nhiều thời gian hơn. Nghịch lý là chúng ta đang làm việc ít thời gian hơn so với trong quá khứ, theo Khảo sát Dân số Hiện tại của Cục Thống kê Lao động Mỹ, số giờ làm việc của người Mỹ đã giảm dần trong bảy thập kỷ qua. Năm 1948, khi chính phủ bắt đầu theo dõi, người Mỹ làm việc trung bình 42,8 giờ một tuần. Ngày nay, trung bình chỉ còn 38,7 giờ/tuần.
Thêm vào đó, chúng ta cũng đang sống trong một thế giới với ngày một nhiều tiện ích, khi sự phát triển của công nghệ đã tạo ra nhiều công cụ hơn (máy tính, điện thoại, máy giặt, máy rửa chén...) để giúp cho con người có thể xử lý các công việc trong thời gian ngắn.
Vậy thì tại sao nhiều người vẫn không ngừng than thở bận rộn, liệu họ có thật sự bận như họ nghĩ?
Trước hết, hãy cùng tìm hiểu xem ''bận rộn'' theo cách phần lớn trong xã hội chúng ta định nghĩa là như thế nào? Làm thế nào để một người nhìn nhận và tự cho mình là bận hay không?
Trước khi đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi trên, mình sẽ chia các công việc hằng ngày của mỗi cá nhân thành 3 nhóm hoạt động chính: nhóm thứ nhất là các hoạt động có tính bắt buộc cao, nhóm này bao gồm các nhiệm vụ quan trọng và có tính cưỡng chế buộc phải làm, ví dụ nghĩa vụ phải đi học hay đi làm mỗi ngày, phải hoàn thành các bài thi, bài kiểm tra. Đa phần các công việc ở nhóm này buộc bạn phải thực hiện dẫu đôi khi bạn không thực sự mong muốn. Nếu ở nhóm này, các khung thời gian dành cho các hoạt động chịu nhiều sự phụ thuộc bởi yếu tố khách quan thì nhóm thứ 2 bao gồm nhóm các hoạt động mà bạn có sự chủ động hơn trong việc đầu tư thời gian, đây có thể là nhóm các việc bạn làm vì mình muốn làm, vì yêu thích, vì nghĩ nó mang lại một lợi ích nhất định nào đó cho bản thân (Ví dụ: việc đọc sách, nghe nhạc để thư giãn hay tự học thêm một kỹ năng bạn yêu thích). Cuối cùng là nhóm thứ 3 bao gồm các hoạt động sinh hoạt tất yếu mà ai cũng buộc phải thực hiện đó là việc ăn, uống, ngủ, nghỉ, vệ sinh cá nhân.
Theo mình, khi thời gian hoạt động của nhóm 1 đe dọa, xâm chiếm thời gian của nhóm 2, thậm chí có thể là nhóm 3 thì đó là lúc họ gắn mác bản thân là một người ''bận rộn''. Ngược lại, nếu một người có nhiều thời gian cho các hoạt động của nhóm 2 và nhóm 3 thì họ sẽ nghĩ bản thân có nhiều thời gian rảnh.
Mình biết rằng giữa những áp lực của cuộc sống, khi chúng ta bị cuốn vào cái văn hóa hối hả của công việc, nhiều người buộc phải làm nhiều thứ một lúc để kiếm thêm thu nhập, để ổn định cuộc sống, bên cạnh các công việc họ đảm nhận, họ còn phải lo toan việc chăm sóc con cái, gia đình. Những người ở nhóm này hầu như sẽ không có thời gian cho các hoạt động riêng bản thân mong muốn (nhóm 2), và thậm chí, thời gian dành cho hoạt động sinh hoạt cá nhân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng (nhóm 3). Những người này là những người mình cho rằng thật sự giống với mô tả của mình ở bên trên về những con người thật sự bận rộn, khi hầu như quỹ thời gian trong ngày của họ bị phụ thuộc vào một vài công việc nhất định, họ không có sự chủ động để phân bổ thời gian cho các hoạt động khác.
Tuy nhiên, nếu thời gian cho các hoạt động của nhóm 2 và nhóm 3 của bạn không bị đe dọa, bạn thậm chí có nhiều thời gian cho chúng nhưng bạn vẫn cho rằng bản thân đang thật sự bận rộn, thì đấy lại là một câu chuyện khác. Tình trạng này không hề xa lạ với chúng ta, đâu đó trong danh sách người quen của bạn, mình tin rằng không khó để tìm ra một người với câu cửa miệng là ''tôi bận lắm'', tuy nhiên họ lại không thật sự quá bận như họ tưởng.
Vậy thì đâu là lý do?
1. Thói quen trì hoãn
Vấn đề có thể không nằm ở số lượng công việc mà là cách thức bạn phân bổ thời gian để xử lý các công việc. Nếu bạn không có sự chủ động sắp xếp thời gian để hoàn tất các nhiệm vụ, thay vào đó, bạn liên tục rơi vào vòng xoáy của việc trì hoãn, để rồi hậu quả là tất cả các việc đều dồn vào cuối ngày. Tình trạng này khiến bạn có cảm giác như bạn thật sự có quá nhiều công việc để làm. Tuy nhiên, đó là chỉ là cảm giác được nảy sinh để ra dấu cho bạn biết rằng, vị khách mang tên bận rộn fake đã ghé thăm đến bạn rồi đấy.
Thay vì bắt đầu hoàn thành giải quyết công việc, chúng ta lại đắm mình vào những trò giải trí tiêu thụ nhanh, đây là những hoạt động mang lại cho bạn cảm giác thỏa mãn trong thời gian ngắn nhưng lại không kéo dài tác dụng ví dụ như chơi game, lướt mạng xã hội, uống rượu bia... Đây là những hoạt động tưởng chừng như chỉ tốn rất ít thời gian để hưởng thụ nhưng một khi bạn đã bị cuống vào thì khối thời gian bạn dành cho nó phải tính theo đơn vị hàng giờ. Một khi bạn vô thức rơi vào những hoạt động giải trí như thế, khả năng cao khung thời gian còn lại trong ngày của bạn cũng bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu.
Mình nghĩ một trong những giai đoạn điển hình dễ thấy cho việc trì hoãn, không biết cách kiểm soát thời gian đó chính là lúc vừa bước chân vào ngưỡng cửa Đại học. Bản thân mình cũng từng rơi vào trường hợp như thế nên mình hiểu cảm giác việc không kiểm soát thời gian ấy ảnh hưởng đến các hoạt động cá nhân như thế nào.
Nếu hồi cấp 3, mình luôn vướng vào những giờ học cố định ở trên trường, những lớp học thêm. Mình đã buộc phải ưu tiên các hoạt động ở nhóm 1 hơn, khi đó thời gian dành cho các việc ở nhóm 2 và trong một số trường hợp thời gian của những hoạt động ở nhóm 3 của mình cũng bị ảnh hưởng theo.
Ngược lại, khi lên Đại học, mình nhận ra, những ưu tiên của nhóm 1 không còn áp lực mình như trước. Đồng ý mình vẫn phải chú tâm cho việc học, tuy nhiên, mức độ phân bổ thời gian cho các môn học cũng như các bài kiểm tra không còn thường xuyên xuất hiện như trước, điều này khiến mình không còn bị giới hạn về mặt thời gian. Mình có nhiều thời gian cho bản thân, cụ thể, những khoảng thời gian cho các hoạt động của nhóm 2 và nhóm 3. Tuy nhiên, vì việc thay đổi đột ngột như vậy khiến mình không kịp thay đổi thói quen quản lý thời gian, nếu trước đó, mình sẽ luôn được người khác ''lên lịch'' sẵn giờ nào học cái nào, giờ nào phải làm gì. Thì môi trường Đại học - một nơi dễ thở hơn lại không mang đến cho mình sự nhất quán trong quỹ thời gian 24 tiếng của mình. Mình có nhiều thời gian trống hơn trước, do đó mình thật sự lúng túng khi không biết phải phân bổ thế nào. Mình đã để bản thân được tận hưởng quá mức quỹ thời gian trống ấy, và rồi cứ quan niệm ''Mình còn khối thời gian mà, cứ từ từ làm''. Kết quả là mình đã dồn các công việc vào cuối ngày, và mình cứ nghĩ bản thân thật bận rộn nhưng thật ra vấn đề không phải như thế. Đấy chỉ là cái vỏ bọc hào nhoáng của sự bận rộn mà mình tự vẽ lên mà thôi.
Vậy nên, vấn đề cốt yếu ở đây chỉ là cá nhân đó không chủ động kiểm soát thời gian và không vượt qua được thói quen trì hoãn của bản thân. Cách tốt nhất để thay đổi đó chính là ý thức được sự quý giá của thời gian để rồi đề ra chiến lược sắp xếp thời gian hiệu quả, bên cạnh đó hãy thật sự tỉnh thức trong những hành động mà bạn làm. Hãy cứ bắt đầu từ những bước đơn giản nhất, làm chủ 1 giờ đồng hồ, 2 giờ rồi 3 giờ... Tuy nhiên, không nhất thiết phải học cách kiểm soát toàn bộ 24 giờ trong ngày, bởi lẽ trong cuộc sống sẽ có đôi lúc bạn không thể nào lường trước mọi tình huống. Vậy nên chỉ cần để các công việc không trật nhịp và trượt dài vì thói quen trì hoãn của bạn thì đó đã là bước đệm thành công đầu tiên của bạn rồi đấy.
“We think we don’t have free time when we actually do. We’re simply frittering it away with mindless versions of passive leisure that don’t register as restorative.” — Johns Hopkins
2. Áp lực từ xã hội
Việc sống trong một xã hội luôn từng phút biến động khiến con người trong xã hội ấy cũng phải liên tục chạy không ngừng. Người nào chậm lại một nhịp hay không theo kịp sẽ bị cho là lạc hậu, lười biếng. Thậm chí nhiều người còn xem bận rộn là mục tiêu. Một mẫu người bận rộn tất bật trong công việc không biết tự bao giờ trở thành một mẫu hình lý tưởng để nhiều người cố gắng đạt được.
Giờ đây, dường như cá nhân nào gắn trên mình những từ khóa như "năng suất", "cạnh tranh", "chăm chỉ" hay "đa nhiệm" có vẻ sẽ là những cá nhân được đánh giá cao hơn trong công việc đối với những người toát lên mình một dáng vẻ bình thản, điềm nhiên nhất định. Bên cạnh đó, khi xã hội nhìn nhận một cá nhân, họ không chỉ nhìn vào việc người đó là ai, mà quan trọng hơn chú trọng vào việc người đó làm được gì, làm bao nhiêu.
Có vẻ cũng một phần cái áp lực vô hình trên mà nhiều người cứ ôm đồm và cố tỏ vẻ thật bận rộn để bản thân cảm giác vẫn đang cố gắng làm một điều đó. Họ không ngừng lướt laptop, liên tục check điện thoại, xem đi xem lại một cuốn to-do list nhưng không thật sự có nhiều việc để làm. Họ cảm thấy phải cuốn theo dòng chảy hối hả ấy. Việc chậm lại và tự thừa nhận mình rảnh là một điều thật đáng xấu hổ.
Mình là một đứa có thói quen đi bộ vào mỗi buổi sáng, và việc ra ngoài vào sáng sớm khiến mình nhận thấy rõ cảnh tượng trên. Dòng người, dòng xe cộ cứ chen chân, nối đuôi nhau và lấn về phía trước, nhiều người đứng đợi xe bus, nhưng trên tay là chiếc điện thoại hay chiếc laptop liên tục làm gì đấy không ngừng. Ban đầu khi ngắm nhìn cảnh tượng ấy, điều đầu tiên mình thấy là thật xấu hổ, sao mọi người có thể tất bật, chạy đôn, chạy đáo lên thế, trong khi mình lại nhàn hạ, thong dong đi bộ thế này. Mình tự dưng thấy bản thân thật rảnh rỗi quá mức, và lo sợ không biết liệu người ta có nhìn rồi cười cợt mình là một đứa là lười biếng hay không.
Giờ đây, khi ngẫm lại, mình nghĩ bản thân hồi đấy thật ngây thơ khi giữ suy nghĩ như thế, bởi lẽ việc hiểu ra rằng mỗi người có một cuộc đời riêng, mỗi cá nhân sẽ có những công việc, hoạt động khác nhau thì không lý do gì mình buộc phải lựa chọn cách sống như thế cả. Mỗi người sẽ có một cách sống riêng biệt để sống và tận hưởng cuộc đời này. Người kia bận rộn, người nọ tất bật nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mình cũng buộc phải có một lối sống như thế thì mới có thể thành công, hay nếu không như thế thì sẽ là một đứa thất bại, lười biếng.
Mỗi người đều có quỹ thời gian 24h trong ngày cho riêng mình, lựa chọn việc sắp xếp, phân bổ thời gian thế nào là quyết định của bạn. Đừng vì những áp lực, kỳ vọng, tiêu chuẩn của xã hội để bạn biến mình thành một người chỉ đang "tỏ vẻ" bận rộn.
“So if leisureliness was once a badge of honor among the well-off of the 19th century…then busyness—and even stressful feelings of time scarcity—has become that badge now.” — The Economist
3. Xây dựng sự phòng vệ
Một nguyên nhân phổ biến khác khiến chúng ta bị cuốn theo nhịp sống hối hả đầy tất bật này đó chính là chúng ta không thật sự biết bản thân đang cố gắng vì điều gì.
Khi chứng kiến bạn bè, người thân, những người xung quanh cuống cuồng vào công việc, bản thân ta khi đó vì không muốn bị bỏ lại, nên chúng ta cũng ép bản thân phải cố gắng thật sự làm một điều gì đó. Tuy nhiên, tất cả những việc đó chỉ để trốn tránh tình trạng rằng chúng ta đang thật sự không biết làm điều gì trong cuộc đời. Ta mặc định nghĩ rằng trong cuộc sống, ta được sinh ra là để chỉ làm công việc đó.
Mình từng nghe một người nói rằng "Thà có việc để làm, dẫu không thích, nhưng còn đỡ hơn không có gì để làm". Lúc mình nghe xong thì mình thấy đúng, bởi lẽ, trên đời, còn gì đáng sợ hơn bằng việc thiếu miếng cơm, manh áo, thiếu một mái ẩm để trú mình và những thứ đó chỉ có thể đạt được bằng cách cố gắng làm việc mà thôi. Tuy nhiên, đó thật sự chỉ là một mặt của vấn đề, 1 góc nhìn khác giờ đây mình mới nhận ra rằng, câu nói đó còn có thể là một quân bài để bao biện cho việc lười nhát không dám bước ra vùng an toàn để thử thách bản thân, tìm kiếm công việc thật sự phù hợp với mình. Cúi mặt vào một công việc chỉ để bản thân không rảnh rỗi, để mượn việc mà quên đi sự mơ hồ mà bản thân đang gặp phải không phải là một giải pháp hữu hiệu, mà chỉ là đang xây dựng sự phòng vệ, thiết lập một lớp áo chắn vô hình để che đậy sự mông lung của bản thân.
Mình luôn nhắc nhở bạn thân rằng ở hiện tại vấn đề quan trọng không phải là làm được nhiều bao nhiêu, điều cấp thiết hơn cần phải hiểu đó là tại sao lại làm điều đó, làm vì điều gì, mình không muốn và mình sợ cảm giác cứ đâm đầu làm nhiều nhất có thể, để rồi hết một ngày lại không biết mình đã làm gì cả. Vì mình hiểu rằng, nếu cứ lao đầu vào làm một việc mình không quan tâm, mình chỉ làm cho có và chỉ dừng ở mức hoàn thành công việc, chứ không thật sự nghĩ mình đang làm điều đó vì chính bản thân.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng, đôi khi làm nhiều không đồng nghĩa với việc là bạn đang làm việc hiệu quả, chất lượng công việc không phải lúc nào cũng nằm ở số lượng công việc bạn giải quyết trong ngày. Mà nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cách bạn đương đầu với vấn đề, thời gian bạn xử lý từng nhiệm vụ, những chi phí cơ hội khác bạn phải đánh đổi cho những công việc đó. Vậy nên, đừng để số lượng khiến bạn áp lực mà đuổi theo những kỳ vọng vô hình. Hãy chậm lại một nhịp và bình tĩnh tìm ra đâu mới là con đường làm việc hiệu quả, và quan trọng hơn đâu mới là thứ bạn thật sự muốn làm.
“We stay so busy that the truth of our lives can’t catch up.” — Brené Brown
4. Sự quá tải trong một thế giới với quá nhiều tiện ích
Điều mà mình muốn đề cập trong phần này chính lại một mặt trái cho sự ra đời của những thiết bị điện tử, đặc biệt là những thiết bị giúp chúng ta trong mảng thông tin, liên lạc như điện thoại, laptop, ipad... Không thể nào phủ nhận tầm quan trọng của các thiết bị này trong đời sống. Nhưng ngẫm lại thì chính những thiết bị đó đã phần nào khiến ta thấy ngột ngạt, và áp lực với mớ thông tin mà ta hằng ngày đón nhận. Tất cả khiến ta dễ thấy choáng ngợp và sinh ra cảm giác quá tải trong biển hồ thông tin. Việc liên tục tiêu thụ nhiều thông tin chỉ trong một khoảng thời gian ngắn làm ta lầm tưởng bản thân cũng thật sự vừa làm một công việc gì đó hết sức tốn sức.
Đã bao nhiêu lần bạn cảm thấy thật mệt mỏi khi nhận những thông báo liên tục từ email, các ứng dụng liên lạc, mục tin nhắn cứ liên tục gửi thông báo đến bạn, trong khi bạn vẫn đang xử lý dang dở 1 việc thì thông báo từ việc khác lại đến. Và rồi khi đó, dẫu chưa thật sự biết cụ thể công việc là gì, bạn cũng vô tình có những cảm giác thật mệt mỏi và tất bật.
Ngoài ra, khi sống trong một xã hội ngày càng hiện đại với muôn vàng những tiện ích đi kèm, con người chúng ta sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Những vấn đề đơn giản trong ngày như việc ăn gì, mặc gì hay nên uống nước hãng nào cũng là một bài toán hết sức nan giải. Nan giải không phải bởi vì quá khó không thể giải, mà là vì có quá nhiều đáp án cần phải xem xét. Việc cân nhắc xem phải thực hiện phương án nào, hay đưa ra lựa chọn nào mất rất nhiều thời gian, vì khi đó chúng ta phải cân nhắc đến nhiều yếu tố, và từng điểm mạnh hay điểm yếu của chúng trước khi ra quyết định. Do đó, hãy cứ thử tưởng tượng chỉ cần ta phải quyết định cân nhắc tầm 10 việc trong 1 ngày thì cũng đủ khiến bản thân cảm thấy trở nên bận rộn đến nhường nào.
Kết
Mình từng đọc một bài viết ở đâu đó về việc phải làm đi, đừng rảnh rỗi nữa. Trong bài viết tác giả nhấn mạnh về việc phải luôn trân trọng từng phút giây để rồi biết tận dụng thời gian, đặc biệt, bài viết nhấn mạnh việc người trẻ thì không nên có thời gian rảnh, phải luôn ra sức học tập và làm việc. Mình hiểu quan niệm của tác giả khi nhấn mạnh điều này vì một bộ phận giới trẻ ngày nay đang thật sự lãng phí rất nhiều thời gian, tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩ cứ bán mạng, bán mình, bán sức khỏe công sức để đâm đầu vào việc học và công việc. Dù bạn ở lứa tuổi nào thì, dù bạn đang làm công việc gì thì việc cân bằng thời gian vẫn là một ưu tiên hết sức quan trọng.
Giờ đây mình không sợ phải thừa nhận là mình rảnh nữa. Rảnh ở đây đối với mình không có nghĩa là không làm gì hay không có gì để làm mà mình thật sự có nhiều thời gian hơn để chủ động sắp xếp các công việc của bản thân, mình vẫn còn có nhiều thứ khác bị các yếu tố khách quan chi phối như thời giờ đi học, đi làm. Tuy nhiên, ngoài những quỹ thời gian trên, mình thật sự đang dần học cách phân bổ và kiểm soát các khung giờ còn lại trong ngày một cách hiệu quả nhất. Để làm sao bản thân không cảm thấy thật rảnh rỗi, không có việc để làm, nhưng cũng không gồng mình ép bản thân vào một khuông mẫu bận rộn điên cuồng lao đầu trong công việc.
Ngoài ra, trong cuộc sống với muôn vàn lo âu phải suy nghĩ như thế này, hãy cho phép bản thân có những giây phút được không làm gì cả. Không làm gì cả theo đúng nghĩa đen của nó, cho dù bạn là một người trẻ đang phải đương đầu với công việc, hay là một người có gia đình với gánh nặng cơm áo gạo tiền nặng trĩu ở trên vai, tất cả chúng ta đều xứng đáng có một khoảng nghĩ chậm lại để không phải làm gì cả.
Ngay khoảnh khắc đó, hãy thật sự tách mình với mọi thứ xung quanh, không điện thoại, không laptop. Chỉ có bạn và bạn mà thôi. Ban đầu điều này có thể thật khó khăn, vậy thì hãy bắt đầu từ những bước nhỏ trước, từ đơn vị thời gian nhỏ nhất đó là một hơi thở - chỉ cần để 1 hơi thở của bạn được chậm lại và được không làm gì bạn nhé.
Cảm ơn mọi người đã đọc đến đây ^^ Chúc mọi người có 1 kỳ nghỉ lễ hạnh phúc bên gia đình.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất