Mình có cái thú thích nghe người già kể chuyện, và hôm nay trong giờ nghe tình cờ tìm được bài phỏng vấn khá hay giữa Sir Mervyn King (người từng là thống đốc ngân hàng nhà nước UK từ năm 2003 đến 2013, và giờ hiện ông đang là giáo sư kinh tế và luật tại đại học New York) và Sir Angus Deaton (người mình đã giới thiệu trong bài cập nhật trước), nên muốn ghi lại vài điều thu được và chia sẻ với các Nhện. Rất khuyến khích các bạn đang theo học kinh tế hay thích giọng Anh Anh nghe nhé.
Hai ông già đáng kính :) nguồn ảnh: Google

1. Những thứ quan trọng nhất lại thường đến một cách tình cờ khi bạn thực ra đang đi tìm một thứ gì đó khác. Vậy nên, đừng bao giờ để mất ham muốn tìm hiểu của bản thân!

Sir Angus Deaton nói: Cũng như hầu hết các thứ quan trọng khác trong cuộc đời, ông tìm được đề tài được cho là có tính đột phá của mình (về tỷ lệ tự tử của người trung niên ở Mỹ tăng cao một cách đột biến thời gian gần đây - Deaths of despairmột cách tình cờ, khi ông đang phân tích số liệu để trả lời cho một câu hỏi khác.
Điều này nghe thì có vẻ bất ngờ, nhưng chỉ cần bạn search google sẽ thấy có rất nhiều phát minh hay những điều quan trọng lại rất thường được phát hiện một cách tình cờ. 
Vậy nên, mình nghĩ mỗi người rất cần giữ cái ham muốn tìm hiểu - curiosity, đừng bao giờ để kiến thức của bản thân (dù có đồ sộ đến mức nào) che mờ mắt và vì thế mà không có được một cái nhìn cởi mở về sự vật, số liệu, hay những hiện tượng mới trong cuộc sống.
 
Máy chiếu X quang cũng là một trong những phát minh quan trọng được phát hiện một cách tình cờ. Link: https://bestlifeonline.com/accidental-inventions/

2. Về sự thay đổi của xã hội và một vài điều cần quan tâm

Đi sâu hơn 1 chút, trong nghiên cứu của Angus và vợ, bà Anne Case, hai người phát hiện thấy tỷ lệ tự tử của những người trung niên ở Mỹ thực ra chỉ tăng trong bộ phận dân không có bằng đại học (tỷ lệ tự tử của bộ phận trung niên có bằng đại học không thay đổi nhiều theo thời gian). Điều này đi ngược lại với lý thuyết rất phổ biến của nhà xã hội học người Pháp Durkheim, khi ông này cho rằng thường thì những người có học thức mới quyết định tự kết thúc cuộc đời mình.
Điều thú vị ở đây là ở đoạn sau của cuộc phỏng vấn, khi Mervyn King gợi mở, Angus cho rằng có lẽ một trong những lý do đến từ việc lớp người này giờ đây hoàn toàn không có tiếng nói trong chính trị, khi quốc hội và các thể chế chính trị khác đều được lấp đầy bởi những người có bằng cấp. Xu hướng này có lẽ là tất yếu trên thế giới chứ không chỉ trong xã hội phương Tây. Nhưng khi tất cả những người làm chính sách đều cùng một tầng lớp, nhận một sự giáo dục giống nhau, có cách suy nghĩ giống nhau, thì rất có thể những vấn đề của các tầng lớp khác (mà ví dụ ở đây là bộ phận dân không có bằng cấp), sẽ vô tình bị phớt lờ và khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn rất rất nhiều.
Sir Angus Deaton cho rằng sự thiếu đa dạng trong chính phủ có thể là một trong những nguyên nhân cho rất những vấn đề xã hội Mỹ
Cũng về vấn đề ấy, khi Mervyn hỏi Angus một câu khá khoai: "Từ thời của hai ông thì chế độ nhân tài (meritocracy) bắt đầu thay thế chế độ quý tộc (aristocracy), và gần như tất cả mọi người đều chắc chắn rằng điều ấy là tuyệt vời, tiến bộ, dĩ nhiên nó phải xảy ra như thế - cho một thời đại mới tốt hơn. Nhưng giờ đây, khi những nhân tài, sản phẩm của chính chế độ nhân tài ấy, lại tỏ vẻ thượng đẳng, tự tin quá cả hiểu biết của họ - gây hại cho xã hội, đồng thời mất đi cái khiêm tốn và trân trọng những gì mình được hưởng, thì liệu chế độ nhân tài có thực sự tốt hơn những chế độ trước đó?"
Vì là một trong những người hưởng lợi từ chế độ ấy, Angus đã rất khôn ngoan khi bắt đầu câu trả lời bằng cách nhấn mạnh vào việc chế độ trao cơ hội cho người tài, nhưng sau đó kết thúc bằng một câu cực kỳ cực kỳ đáng suy ngẫm: 

Justice based on birth, I don't think is any worse than justice based on the ability to pass exams.

Dịch: Công bằng dựa trên gia thế, theo tôi nghĩ, cũng không tệ hơn công bằng dựa trên khả năng vượt qua những kỳ thi (để có tấm bằng).

Đoạn này tự dưng khiến mình nhớ lại những tranh cãi về Đạo học Lão Trang được cụ Cần bàn đến, khi người không hiểu chuyện thường phê bình Lão Trang là hoài cổ, khuyến khích việc lập lại chế độ cũ lạc hậu; trong khi thực ra Lão Trang muốn người đời nhìn lại sự thích hợp của chế độ cũ với điều kiện hoàn cảnh lịch sử, và vì vậy nó khiến con người sống trong chế độ ấy sống một cuộc sống hợp Đạo đến thế nào.
Thực ra việc có một giải pháp cho xã hội trọng bằng cấp (khi bằng cấp không thể hiện được gì nhiều về cả trình độ, thái độ lẫn bản lĩnh của một người), mình tin sẽ khó có thể được đưa ra và áp dụng, ít nhất trong tương lai gần. Nhưng có lẽ việc nhớ đến câu nói này có thể giảm đi phần nào cái thượng đẳng mà thế hệ đi sau thường có với thế hệ đi trước, vì những thứ mới mẻ, khoa học, hay kể cả chế độ mới; để từ đó tập trung hơn vào những vấn đề ở chính cái chế độ mà bản thân ta đang sống và là một phần của nó mà thôi.

A Dreamer

Link bài phỏng vấn:
Bài viết gốc về tỷ lệ tự tử tăng cao trong độ tuổi trung niên ở Mỹ:
Cuốn sách 2 ông bà mới ra về vấn đề này: