Những nỗi ám ảnh khi còn là sinh viên đại học
Tuổi trẻ là tuổi nhiệt huyết. Ai đó đã nói như vậy. Nhưng sự nhiệt huyết này đã khiến tôi và một vài người bạn lao đầu đi như những...
Tuổi trẻ là tuổi nhiệt huyết. Ai đó đã nói như vậy. Nhưng sự nhiệt huyết này đã khiến tôi và một vài người bạn lao đầu đi như những con thiêu thân, cố hết sức để rồi chẳng biết sự cố gắng của chúng tôi đang phục vụ cho ai, và vì mục đích gì.
Một ngày chúng tôi dừng lại và tìm hướng để quay đầu. Thời gian cũng mất nhiều, nhưng những sự thanh thản có được và những hi vọng về tương lai đã bù đắp lại những tháng ngày chúng tôi không thực sự sống có ý thức. Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ lại những nỗi ám ảnh đã âm thầm thôi thúc từ trong khiến chúng tôi hành động vì nỗi sợ, mà không dựa trên sự thấu suốt và hiểu biết. Chúng là những chia sẻ cá nhân, nên tôi mong bạn có thể đối chiếu và tìm ra đường của riêng mình.
Ám ảnh về sự bỏ rơi
Hồi tôi mới vào đại học, câu lạc bộ và các tổ chức tình nguyện có rất nhiều. Quy trình để vào cũng gắt gao. Để vào được một tập thể như vậy là một sự tự hào của những sinh viên thủa đó.
Cảm giác được công nhận bởi cộng đồng rất tuyệt. Nhất là sự khen ngợi từ những anh chị lớn tuổi hơn. Nhưng sẽ ra sao nếu một ngày bạn nhận ra giá trị/con đường đi của bạn không còn phù hợp với tập thể đó nữa?
Đi hay ở? Đó là một câu hỏi thường được nghe thấy. Đi thì không biết sẽ đi đâu. ở thì sẽ không thoải mái. Nhất là khi bạn bỏ thời gian ra cho điều gì, bạn sẽ có xu hướng gắn bó với điều đó, kể cả khi bạn không thích nó. Vả lại, khi bạn rời khỏi cộng đồng, cụm từ “chúng tôi” trở thành “tôi” và “bọn họ”, và bạn có thể e ngại rằng mình có thể mất đi những người bạn ngay khoảnh khắc bạn rời khỏi cộng đồng đó.
Câu trả lời ở đây là: nếu từ đầu cộng đồng đó được lập ra vì mục đích tạo ra giá trị, chứ không phải tụ tập ăn chơi hay vì quyền lực, việc bạn đi sẽ là một sự kiện nhẹ nhàng, vì những người tạo ra giá trị có nhiều cách để hỗ trợ lẫn nhau. Họ sẽ tôn trọng mong muốn được phát triển của bạn. Trường hợp ngược lại, nếu cộng đồng đó là một tập thể với nhiều mục đích phức tạp, bạn nên quyết tâm rời đi vì đó là một bầu không khí độc hại.
Đọc thêm:
Ám ảnh về thần tượng
Thần tượng ở đây có thể là bất cứ ai, một anh chị khóa trên hay tác giả một cuốn sách nào đó. Lời nói của họ là cảm hứng. Quan điểm của họ là tôn chỉ.
Khi có thần tượng, sẽ có khả năng có một lượng fan. Có fan thì sẽ tạo thành cộng đồng. Cộng đồng thì có tốt và xấu. Tốt khi cộng đồng tạo ra giá trị, xấu khi cộng đồng đó bảo thủ, chỉ bảo vệ cho nhau và cho mục đích của họ.
Nếu có thể, bạn nên tìm hiểu thêm nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau bên cạnh từ thần tượng của bạn. Nếu bạn rất mê “Tony Buổi Sáng”, hãy thử đọc thêm sách của bác Phan Văn Trường, đọc của Yuval Noah Harari, của Thu Giang Nguyễn Duy Cần,... Thêm nhiều quan điểm, thêm nhiều góc nhìn, sẽ giúp bạn có một chút “mâu thuẫn” khi chọn lựa những hướng đi. Và khi bạn chọn ra, đó sẽ là quyết định của bạn.
Đọc thêm:
Ám ảnh về sự an toàn
Sự an toàn là những thứ đã được thiết lập và bạn đã quen, hiểu về nó. Đó là những người bạn bạn đi cafe hằng ngày, nhóm bạn trên group chat, lĩnh vực bạn đang làm, nhịp sống bạn đang sống. Đó là lúc bạn đề nghị chuẩn bị nội dung trong bài tập nhóm vì không muốn đứng trước lớp thuyết trình, hay việc bạn không phát biểu để trao đổi với giảng viên trên lớp.
Sự an toàn đem lại cảm giác thoải mái. Nó đảm bảo cho bạn cảm giác “mọi thứ đang đi đúng lộ trình”. Về mặt ngược lại, sự an toàn làm bạn chán. Đó là cảm giác đứng trong lồng kính và nhìn phía bên ngoài có một thế giới hiểm nguy và sôi động. Thế giới của những con người đi, thử, sai, và lớn lên.
Trong lúc bạn chọn sống an toàn, bạn cũng đồng thời tích lũy một sự bất an mà bản thân không giải thích được. Sự bất an này đến từ việc bản năng trong bạn hiểu rằng sự an toàn này sẽ không kéo dài mãi mãi, bản chất của cuộc sống là bất định và nó sẽ luôn là như thế. Điều quan trọng là khi hiểm nguy đến, bạn có đủ bản lĩnh và năng lực để đương đầu với nó hay không, hay sẽ để nó đánh gục.
Bản lĩnh và năng lực lại đến từ việc bạn làm những điều khiến bạn sợ, chứ không phải sự an toàn. Khi bạn can đảm bắt chuyện với người lạ trong một sự kiện mới, khi bạn chuẩn bị trình bày trước đám đông, khi bạn đọc thêm một cuốn sách mới và thay đổi tư duy, đó là sự trui rèn. Khi bạn có những ý tưởng mới, khi bạn chia sẻ chúng, khi bạn mong muốn tạo ra giá trị với xã hội, đó là lúc bạn sẽ có động lực để tiến xa khỏi vùng an toàn và đi tới vùng trưởng thành. Đó là lằn ranh nằm giữa an toàn và hiểm nguy, nơi bạn có thể lớn một cách tự nhiên: những khó khăn vừa đủ để bạn không bị quá sức, nhưng cũng không quá an toàn để cản trở sự phát triển.
Đó là 3 điều mà tôi đã mất tới năm thứ 4 đại học mới có thể nhận ra. Tôi hi vọng những chia sẻ trên sẽ rút ngắn quãng thời gian đó cho bạn. Đừng hòa lẫn con người mình trong tập thể. Hãy phát triển và mở rộng thế giới quan của bản thân thay vì sống theo người mình ngưỡng mộ (dù đó là cha mẹ, những người anh chị, hay thần tượng). Và cuối cùng, hãy chọn trưởng thành thay vì an toàn, trong nỗi sợ của bạn, có những kho báu đang được ẩn giấu.
Làm được những điều đó, tôi tin bạn sẽ có một quãng thời gian đại học độc lập, trưởng thành và không ngừng phát triển, cả về kiến thức lẫn nhận thức.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất