Mình là người hướng nội. Hoặc ít nhất là các bài test về tính cách đã nói vậy. Không ai ép bạn phải tin 100% vào kết quả của các bài test kiểu này cả, nhưng thường là sau khi nhận kết quả, chúng ta sẽ bị thuyết phục bởi những lí lẽ của chúng. Cũng tương tự như việc xem horoscope vậy, nhiều lúc đọc mấy cái fun facts về aquarius mình cũng thốt lên "Sao đúng quá! " rồi share về tường nhà như một kiểu tuyên ngôn vậy. Mới lúc đầu chúng đem lại cho mình cảm giác rất thoải mái, vì dường như mình đã bước một bước dài trên con đường tìm hiểu chính mình vậy. Nhưng càng tìm hiểu sâu, mình lại càng thấy hoang mang. 

Mình nghi ngờ liệu mình có thực sự hướng nội?

Đã có một thời gian dài mình rất ít giao tiếp, bắt chuyện, hay làm quen người mới. Mình nhớ có một lần một anh cùng khoa hỏi mình là: "Tại sao em ít nói vậy?". Mình ngỡ ngàng, đâu có, mình nói rất nhiều mà. Nhưng nghĩ kĩ thì mình chỉ nói nhiều với cùng lắm là 1,2 người bạn thân thôi, còn hầu như trong một nhóm người không-thân-lắm thì cạy miệng mình cũng không nói nửa lời. Không phải mình ghét bỏ gì họ, chỉ là không có cách nào mở lời, vậy thôi. Hậu quả là mình chìm nghỉm ở nơi đông người, những hôm không học cùng môn với mấy chiến hữu hợp cạ là hôm đó mình u uất và trong đầu không ngừng đếm tới giờ ra về. 
Rồi mình rơi vào trạng thái tiêu cực, có những hôm mất ngủ triền miên, chỉ vì mình rất không thích bản thân của lúc đó. Yếu đuối, quá phụ thuộc và không thể hòa nhập với mọi người, kéo theo rất nhiều cơ hội bị bỏ lỡ. Và điều quan trọng là, mình cảm thấy mình đã không thể hiện hết những gì mình có, hoặc nói nôm na là, không sử dụng hết khả năng của bản thân. 
Sau đó mình không ngừng đọc, đọc, nghiên cứu, nghiên cứu rất nhiều các tài liệu về tính cách con người, với mục đích là tìm hiểu xem có ai giống mình không, hoặc người giống mình thì gọi là gì. Làm 10 bài test thì tất cả đều cho ra mình là người hướng nội cao, rồi đưa ra những lí giải rất phù hợp cho những hành vi của mình, ví dụ như:
Không thích tụ tập với một nhóm người lạ, hoặc không thân lắm
Lý do: Vì khi đó họ sẽ phải đối mặt với những cuộc nói chuyện xã giao (small talks), mà họ thích những cuộc nói chuyện có chiều sâu hơn (deep talks)
Thích ở một mình
Lý do: Vì tính cách của họ hướng vào bên trong, việc dành thời gian cho bản thân được coi như một nhu cầu thiết yếu với những người hướng nội, khi đó họ mới có thể nạp lại năng lượng (recharge) để có thể tiếp tục ra ngoài chiến đấu (Khúc này mình tin sái cổ, vì thực sự thời gian đó bước ra khỏi nhà giống như một cuộc chiến với mình)
Một vài ví dụ nhỏ vậy thôi là đủ lí giải cho mấy cái social awkward của mình rồi, giờ thì đắp chăn ăn no ngủ kĩ để một ngày nào đó người khác bỗng tỉnh ngộ hiểu ra mình là người hướng nội, hoặc vô tình lướt facebook và gặp các post kiểu như: Những điều mà người hướng nội muốn bạn hiểu, những sai lầm về người hướng nội mà bạn đang mắc phải, vân vân và thôi bắt mình kết bạn, làm việc nhóm, tham gia các buổi gặp mặt xã giao. Nhưng ngày đó dường như xa quá, và mình thì đang bắt đầu mất kiên nhẫn rồi.

Đọc thêm:

Vậy là mình đã cất chiếc áo hướng nội đang khoác trên người đi, và mặc lên người những chiếc áo khác. 

Đó là những chiếc áo gì?
1. Chiếc áo của sự quan tâm, chia sẻ
Bạn cảm thấy thế nào nếu một người thấy bạn lủi thủi một mình trong một bữa tiệc nên đã chủ động bắt chuyện với bạn để bạn cảm thấy khá hơn? Hay vì biết bạn là người hơi nhút nhát nên đã chủ động giới thiệu bạn với mọi người, luôn hỏi xem bạn có muốn tham gia vào hoạt động nào đó không? Nếu là mình, mình sẽ ngay lập tức có ấn tượng tốt với những người như vậy, vì họ rất biết cách quan tâm tới mọi người, và luôn muốn mọi người có một khoảng thời gian vui vẻ. 
Vậy tại sao chúng ta không thể làm điều tương tự? Thay vì ở thế bị động, hãy chủ động quan tâm tới người khác, điều này không đòi hỏi phải có một khả năng giao tiếp chuyên nghiệp, cầu kì, chỉ cần bạn bỏ chút thời gian quan sát đến những việc diễn ra xung quanh. Cho dù bạn không giúp gì được họ nhưng sự quan tâm bằng lời nói và cử chỉ tử tế cũng giúp bạn xóa bỏ đi hình ảnh lạnh lẽo xa cách mà mọi người thường gáng cho những người hướng nội. Mặc dù theo mình thấy, những người hướng nội là những người rất sâu sắc, và ấm áp. 
Khi bạn ở thế chủ động, bạn ít chú ý vào bản thân hơn, bạn tập trung vào sự vật và sự việc diễn ra xung quanh, từ đó cũng nắm bắt tình hình tốt hơn, và kết quả là kiểm soát tốt hơn. Với mình, việc sẻ chia và giúp đỡ người khác giống như nguồn năng lượng tích cực của mình vậy, mình cảm thấy vui vẻ hơn rất nhiều. 
2. Chiếc áo của sự dám dấn thân
Những người hướng nội thường rất sợ khi ai đó yêu cầu họ nêu ý kiến, hoặc bắt họ phải là một người tiên phong làm gì đó, họ thích ở vị trí khán giả và nhìn người khác thể hiện hơn. Nhưng hãy thử một lần ở vị trí tiên phong, hoặc xung phong đảm nhiệm một việc nào đó, rồi xem thử phản ứng của bản thân thế nào, bạn sẽ rất ngạc nhiên đấy. Người hướng nội đa số đều có khả năng tổ chức và sắp xếp rất tốt, mức độ quan tâm của họ đến sự vật, sự việc rất chi tiết và cẩn thận. Và đặc biệt là, tinh thần trách nhiệm đối với công việc của họ rất cao, họ ghét việc bị chỉ trích, nên luôn làm việc với tất cả nỗ lực của mình. Những thủ lĩnh hướng nội thường rất được mọi người yêu mến. 
Với sự dấn thân, tinh thần trách nhiệm cao cùng với sự quan tâm, ân cần dành cho mọi người xung quanh, mình thực sự không có nghi ngờ gì về khả năng lãnh đạo của một người hướng nội cả. 
3. Chiếc áo của việc thừa nhận bản thân không hoàn hảo
Không phải thừa nhận với bản thân mình, mà là thừa nhận với mọi người để có thể yêu cầu sự giúp đỡ hoặc chia sẻ. Không hoàn hảo có thể bao gồm việc bạn không biết làm một việc gì đó, và thú nhận với mọi người để nhờ họ trợ giúp. Hoặc là bạn chủ động nhận ra lỗi sai và hỏi xem cần làm gì để có thể cải thiện. Không chỉ riêng những người hướng nội, mà rất nhiều người trong chúng ta bị ám ảnh bởi chủ nghĩa hoàn hảo. Một cuộc gặp mặt hoàn hảo, một bài kiểm tra hoàn hảo, một người yêu hoàn hảo, một dự án hoàn hảo, vân vân. Nhưng sẽ có những lúc mọi chuyện vượt qua tầm kiểm soát, hoặc giới hạn của bản thân, khiến sự vật, sự việc không hoàn hảo được như bạn mong muốn. Nhưng thay vì chỉ trích bản thân vì đã không thể làm tốt hơn, hãy chia sẻ chúng với ai đó, hoặc thừa nhận với những người xung quanh, để họ có cơ hội được giúp đỡ bạn. 
Nhưng khi mình chủ động yêu cầu sự giúp đỡ của người khác, mình sẽ không bao giờ đặt kì vọng quá cao. Bởi mình biết mình không thể kiểm soát hành động hay suy nghĩ của bất kì ai, họ có quyền giúp mình, hoặc không, họ có thể giúp nhiệt tình, hoặc hời hợt, điều này không đánh giá toàn bộ bản chất của họ. Nên song song với việc nhờ người khác, mình vẫn tự tìm cách giải quyết cho bản thân. Nhưng mình cảm thấy khá hơn rất nhiều, vì việc chia sẻ đem lại cho mình cảm giác rất tích cực.
Đây chỉ là một số ví dụ của các phương pháp mà mình đang áp dụng, càng áp dụng mình đã dần quên đi khái niệm bản thân là người hướng nội. Đã rất lâu rồi mình không còn vào đọc các bài viết về người hướng nội nữa, vì mình hài lòng với những gì mình đang làm và kết quả mà nó đem lại. Mình cũng không loay hoay đi tìm cho tính cách của mình một cái tên nữa, mà thay vào đó là tìm những giá trị cốt lõi mà bản thân theo đuổi, đó là sự nhiệt tình, tận tâm, sự tử tế và gia đình. 
Cảm ơn đã dành thời gian đọc bài viết này của mình! Chúc mọi người tuần mới nhiều năng lượng nhé!

Đọc thêm: