Định mệnh lên tiếng khi tôi vô tình cầm cuốn sách này lên trong cái phòng thư viện free bé xíu nơi tôi đã trở thành khách quen. Sách hơi cũ rồi, nhưng khi đi cùng với chiếc bìa màu be vibe vintage thì trông siêu cuốn - thế là tôi mượn về đọc. Có lẽ một phần động lực là do ảnh hưởng của cuốn "Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường" dạo này tôi đang để ý và có ý định tham gia buổi hội thảo của tác giả.
Từ nhỏ tôi đã ghét côn trùng rồi, kiểu vừa sợ vừa ghét mấy loài bé tí ti mắt to hơn đầu, chân dài hơn thân, thi thoảng bay vù vù qua mặt hoặc có khi bò lồm ngồm lên người tôi. Thật sự là thấy ghê!
Nhưng mà tôi thích chụp ảnh hoa và có dùng mật ong nên cũng không ác cảm với ong lắm.
<i>Ảnh tôi chụp từ vài năm trước khi đi chơi trên Sapa.</i>
Ảnh tôi chụp từ vài năm trước khi đi chơi trên Sapa.
Đây là cuốn sách của tác giả người Na Uy đầu tiên mà tôi đọc. Cá nhân tôi thấy sách hay, từ văn phong, câu chuyện cho đến ý nghĩa. Nghe tên sách có vẻ rất khoa học khám phá nhưng thực ra cuốn này là một tiểu thuyết kỳ ảo dystopian =))) Rất phù hợp với fan sách fictional và những ai yêu thiên nhiên, môi trường, côn trùng. Không yêu côn trùng như tôi thì vẫn đổ cuốn này đứ đừ.
Sách hay quá nên tôi đọc xong trong 5 ngày. Bài viết này không review sách (tôi thực sự muốn bảo vệ trải nghiệm đọc mà không biết trước chi tiết nào của mọi người - có thể là của bản thân tôi của n năm sau nữa, khi tôi đã quên sạch các chi tiết rồi). Tôi viết bài này để tổng hợp kiến thức về ong - một số được nhắc đến trong sách, một số thì tôi tìm thêm từ các nguồn khác. Sự tò mò mà cuốn sách khơi gợi lên trong tôi là một điểm cộng khác nữa. Có một đoạn trong sách tuy không mới nhưng thú vị vì tôi thấy bản thân mình trong đấy:
Khi cô giáo dõi nhìn chúng tôi bằng cặp mắt đầy vết chân chim, chúng tôi quay về phía ánh nắng chiếu qua cửa sổ và tìm những hình hài trong những đám mây nếu trời đẹp hoặc nhìn đồng hồ trên tường xem còn bao lâu nữa mới đến giờ ra chơi. Giờ thì tôi lại khám phá ra một lần nữa những thông tin mà hồi đó cô giáo đã cố gắng nhồi vào đầu chúng tôi.
Trước giờ nhắc đến ong mật (honey bee) tôi chỉ nghĩ đến ong chúa (queen), ong thợ (worker bee). Đọc sách mới biết còn có ong đực (drone). Tôi luôn gán cho ong thợ giới tính đực (vì từ "thợ" ấy =)) nhưng hóa ra chúng đều là ong cái.
Một cách đơn giản thì tổ chức của bọn côn trùng 2 anten, 3 phần cơ thể, 4 cánh, 5 mắt, 6 chân, người toàn lông ấy là như sau:
Ong chúa, ong thợ và ong đực đều được sinh ra từ con ong chúa duy nhất trong tổ (mỗi tổ có thể gồm 10,000-80,000 con ong). Ong chúa và ong thợ được sinh ra từ trứng đã thụ tinh, nhưng khác cái là chúng bị phân biệt đối xử. Ong chúa, trong cả vòng đời 3-5 năm, sẽ được nuôi hoàn toàn bằng sữa ong chúa (royal jelly - được tiết ra bởi lũ ong thợ - chứ không phải từ ong chúa trưởng thành như tôi từng tưởng tượng!) trong khi ong thợ chỉ được ăn sữa ong chúa 3 ngày trước khi đổi sang khẩu phần mật ong và phấn hoa trong khoảng 2 tháng còn lại của vòng đời. Vì chế độ ăn đấy nên bọn ong thợ không phát triển hoàn toàn và không có khả năng sinh sản. Ong chúa dành cả đời để đẻ trứng và quản lý trật tự đàn ong bằng chất chúa nó tiết ra, còn ong thợ làm tất tần tật các công việc khác: xây tổ, chăm sóc ấu trùng, ong non và ong chúa, tìm kiếm thức ăn, phòng chống kẻ thù…
Ong đực được sinh ra từ trứng chưa thụ tinh - nghe thật trớ trêu vì nhiệm vụ duy nhất của tụi nó khi sinh ra là thụ tinh cho trứng. Hiện tượng trứng không được thụ tinh phát triển thành cơ thể mới này được gọi là trinh sản. Ong đực chỉ được sinh ra vào mùa sinh sản hoặc khi tách đàn (thường vào mùa xuân, với sự xuất hiện của ong chúa mới). Tụi ong đực hy sinh mạng sống của mình sau khi giao phối vì bộ phận sinh dục của chúng sẽ đứt ra và di chuyển vào trong bộ phận sinh dục của ong chúa để đảm bảo trứng được thụ tinh. Ong đực không thể tự kiếm ăn mà được nuôi bởi ong thợ nên dù chúng chưa chết vì trách nhiệm thì cũng sẽ bị đuổi khỏi tổ khi thức ăn cạn kiệt, thế là cũng chết. Nghe thật đáng thương.
<i>Bức ảnh này tôi chụp trong mấy hôm đang đọc dở cuốn sách. Tự dưng thấy con ong trước giờ vẫn đáng sợ bỗng thân thương lạ lùng.</i>
Bức ảnh này tôi chụp trong mấy hôm đang đọc dở cuốn sách. Tự dưng thấy con ong trước giờ vẫn đáng sợ bỗng thân thương lạ lùng.
Khi tìm hiểu về lũ ong này, tôi cứ thắc mắc làm cách nào đàn ong chọn ra được ong chúa từ cả nghìn trứng được thụ tinh. Hóa ra tụi nó chọn ngẫu nhiên =))) (hoặc ít nhất là khoa học hiện tại chưa tìm hiểu được sâu hơn). Khi đến thời điểm cần ong chúa mới, lũ ong thợ sẽ chọn ra 20 trứng đã được thụ tinh và chăm sóc tỉ mẩn. Chúng chia trứng ra các khoang riêng, trứng nở thành ấu trùng và ấu trùng sẽ được cho ăn sữa ong chúa. Ấu trùng đầu tiên trưởng thành thành ong sẽ được tôn làm queen, và nó sẽ giết hết 19 ấu trùng còn lại. Nếu có ấu trùng khác cũng đã trở thành ong thì các thí sinh tiềm năng này sẽ chiến đấu và con cuối cùng còn sống sẽ là ong chúa. Xã hội lũ côn trùng này bên cạnh hương hoa thơm mật ngọt thì có vẻ cũng sặc mùi drama.
Một số thông tin khác mà tôi thấy hay hay:
- Bọn ong rất sạch sẽ, luôn có 1 lực lượng ong thợ chuyên gia phát hiện ong ốm hoặc con đực dư thừa và đuổi ra khỏi tổ khi thiếu thức ăn. Chúng dọn tổ thường xuyên và không đi vệ sinh trong tổ mà giải quyết trong khi bay =)))
- Để tạo ra 100 gram mật ong, ong mật phải thu thập mật hoa từ khoảng 500 nghìn bông hoa.
- Ong mật giao tiếp với nhau bằng cách nhảy múa (khiêu vũ).
Ong thụ phấn cho hoa để cây ra hoa, ảnh hướng đến 1/3 tổng lượng cây trồng được thụ phấn, gián tiếp ảnh hưởng đến các loài động thực vật khác. Với vốn kiến thức hạn hẹp của mình thì tôi không thể tóm gọn hết vai trò khổng lồ của ong trong sản xuất nông nghiệp cũng như đối với cuộc sống con người. Hãy đọc cuốn sách này nếu bạn muốn biết thêm nhé.
Ngoài ong ra thì sách chạm đến nhiều vấn đề môi trường, nhân sinh, cuộc đời nữa. Dưới đây là một vài đoạn tôi yêu thích:
Tôi là kẻ nên được bỏ vào một cái hộp có nắp, để bị quan sát và kiểm soát từ bên trên. Tôi đã bị thuần hóa bởi chính cuộc đời này.
Tôi thích cách tác giả dùng từ ngữ, nghe rất tượng hình - 2 câu súc tích lột tả được hoàn toàn sự bất lực của nhân vật. Đọc kĩ tôi mới nhận ra nhân vật miêu tả bản thân giống như những con ong mà ông dành gần như cả đời để thuần hóa.
Đống lửa gầm rú, kêu lắc rắc, reo lốp bốp. Tôi thấy nó như đang reo vui. Như thể nó là vật sống, như thể nó đang thích thú khi tiêu hủy thành quả cả một đời người.
Đoạn này khiến tôi nhớ đến buổi hội thảo sách "Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường" tôi nhắc ở phần mở đầu. Hôm tham gia workshop tôi đã ngạc nhiên một cách vui sướng khi nghe tác giả nói về lửa - rằng màu sắc của chúng phản ánh cả cuộc đời hấp thụ nhiệt qua ánh nắng của những thân cây, và hình hài vươn lên với những chóp nhọn của lửa được tạo nên bởi trọng lực trái đất.
Trong đó, tất cả được sắp đặt để chúng sinh sôi nảy nở. Chúng giữ mật cho riêng mình; không thứ gì được lấy đi, không bao giờ để cho con người dùng. Mật sẽ được để lại đúng với mục đích của nó trong tự nhiên: làm thức ăn cho con non.
Có lẽ thông điệp chính của cuốn sách được gói trong mấy câu này. Vì con người đã quá lạm quyền, luôn muốn trấn áp, làm chủ, thuần hóa, sở hữu thiên nhiên nên đã phá hủy sự cân bằng của thế giới. Đôi khi việc chúng ta cần làm nhất chính là không làm gì cả và để thiên nhiên tự hồi sinh theo nhịp độ riêng của nó.
Kết lại thì bìa sách xinh lắm, tôi không để ảnh trong bài vì muốn các bạn search và tìm đọc thêm :> Cuốn sách không khô khan nhiều kiến thức nhưng bạn vẫn sẽ học được nhiều điều sau khi đọc. Nếu chưa có thời gian tìm đọc thì bạn có thể tìm hiểu về "Rối loạn sụt giảm bầy đàn (CCD) và nhiều sự thật đáng ngạc nhiên liên quan.