Cảnh báo: Bài viết có chứa hình ảnh kinh dị.

Thế hệ chúng mình khác với ông bà cha mẹ hồi xưa ở chỗ bây giờ chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ cơ thể mình, chúng ta thỏa thích khoác lên mình quần áo, phụ kiện khác lạ để thể hiện cá tính và không để ánh nhìn của người khác chi phối nhiều đến phong cách của mình. Và chúng ta có thể “Cải tạo” luôn cả cơ thể của mình nữa, nó được gọi là Body Modification.
Body Modification là sự thay đổi có chủ ý cơ thể người hoặc vẻ ngoài của con người. Nó thường được thực hiện để thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, gia tăng khoái cảm tình dục, nghi lễ, đức tin, thể hiện sự liên kết, nghệ thuật thân thể, gây shock, để thể hiện bản thân và nhiều lý do khác - Wikipidea
Theo định nghĩa này, phẫu thuật thẩm mỹ cũng là một hình thức của Body Modification, nhưng trong bài viết này mình xin phép không đề cập đến.
Hình thức phổ biến nhất của Body Modification mà ai cũng biết đó chính là xăm hình. Nếu như cách đây 5-10 năm việc xăm hình gây ra cái nhìn không mấy thiện cảm thì ngày nay xã hội Việt Nam đang dần cởi mở hơn với vấn đề này. Xăm mình không còn được coi là “dấu hiệu của tội phạm” nữa mà đã trở thành một hình thức làm đẹp (như một phụ kiện trên cơ thể thôi). Bây giờ nhiều phụ huynh cũng đã chấp nhận và vui vẻ đồng ý cho con mình đi xăm.
Don’t judge me by my tattos
Chúng ta thường tự nhủ đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài mà hãy biết nhìn vào những vẻ đẹp ở sâu tâm hồn của họ. Vậy nhưng khi bạn bắt gặp một người như thế này thì sao?

Chắc hẳn bạn sẽ có cảm giác sợ hãi và muốn tránh xa ngay, và phần nào bạn cũng có định kiến họ không phải là người tốt đẹp gì đúng không? Đấy chỉ là vài trong vô vàn cách thức Body Modification, nhẹ nhàng thì có xăm và xỏ, cho đến nong tai, xẻ lưỡi, xăm giác mạc... Những thủ thuật này ít nhiều gây đau đớn vì được thực hiện mà  không dùng thuốc tê hay thuốc giảm đau và tỷ lệ rủi ro cao, vì vết thương gây ra thường rất khó lành. Một ví dụ nhỏ như xỏ khuyên ở sụn tai mất 6-12 tháng vết thương mới có thể lành hẳn, trong thời gian này một tác động nhỏ đến lỗ xỏ cũng có thể gây sưng tấy hoặc nhiễm trùng. 
Ở Việt Nam, nhiều bài báo mỉa mai rằng đây là thú chơi ngông của giới trẻ, rằng nhiều bạn trẻ muốn có một “đẳng cấp” đau đớn mới để trở thành dân chơi chính hiệu. Ở nước ngoài người ta thường không cho trẻ em lại gần và nhìn những người Body Modification. Cho đến nay những người cải tạo cơ thể không nhận được cái nhìn thiện cảm cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài. Tuy nhiên có những người thực hiện Body Modification đã bước qua tuổi trưởng thành, vẫn lập gia đình, sinh con, nên mình tin đây không phải là những suy nghĩ bồng bột, để thể hiện mình là người “chất chơi”.
Con người đau khổ là vì các thành kiến. Khi nhìn mọi thứ cởi mở hơn, chúng ta sẽ tự do và chẳng còn khổ đau nữa - Thích Nhất Hạnh
Mình cũng đã từng ác cảm với những người Body Modification, mình tự hỏi người ta không biết đau ư? Người ta không biết quý trọng bản thân mình ư? Và người ta biến cơ thể mình thành người ngoài hành tinh để làm gì?
Và dần dần mình nhận ra rằng, cũng như những người chuyển giới, những người Body Modification cũng làm vậy để trở thành con người thật của họ. họ có biết sẽ bị số đông xa lánh không? Biết chứ? Nhưng họ dám đặt cái định kiến qua một bên để làm cái việc quan trọng cho chính mình.
Rồi mình chuyển thành ngưỡng mộ, vì họ biết chính xác họ muốn cái gì, họ không dễ gì bị khuất phục bởi miệng đời, họ đủ dũng khí để tìm ra và trở thành con người mà mình mong muốn. Đó là những thứ mình luôn cố gắng từng ngày để có được. Vì thấu hiểu chính bản thân chưa bao giờ là một chuyện dễ dàng và cần cả một hành trình dài.

Những khi buồn chán xem những hình này mình thấy thú vị lắm, những người này không biết giới hạn là gì cả, người ta đã dám vượt qua giới hạn và chẳng còn sợ hãi nữa. Mọi người vì vội phán xét mà bỏ qua những đau đớn họ đã phải căn răng chịu đựng. Phải mạnh mẽ thế nào mới dám tiêm mực vào mắt, cắt lưỡi làm đôi. 
Nhìn vào họ mình hiểu được rằng đau đớn là một phần của cuộc sống, khổ đau và hạnh phúc luôn song hành, chúng ta luôn phải trải qua khổ đau mới cảm nhận được hạnh phúc. Và cuộc sống không phải chỉ có né tránh nỗi đau muộn phiền. Và ta có dám đối mặt với nó, vượt qua nó để trở thành con người mà ta muốn hay không?

Pain is inevitable, suffering is optional – Haruki Murakami