Tôi đang mượn nhan đề cuốn sách của Jean- Loius Fournier. Tôi vừa đọc xong nó cách đây không lâu.Bản thân tôi cảm thấy cách viết của ông nghe có vẻ ám ảnh, pha chút gì đó đáng sợ và mỉa mai. Từng câu từng chữ không chỉ là nói phiếm mà còn nhận ra sự dằn vặt của một người cha. Gấp cuốn sách lại, tôi nghĩ về mình. Tôi nghĩ tôi đã sống đúng, sống lương thiện. Nhưng không, tôi nhận ra tôi là người ác với tội lỗi đầy mình. Tại sao thế ? Khi đọc cuốn sách này bạn bất giác nhận ra mình trong đó, có những điều vô cũng bé nhỏ nhưng chúng ta đã không màng tới, chúng ta để cái ác xâm chiếm tâm hồn.
Tôi nghĩ về bố mình. Khi tôi là đứa trẻ còn học lớp 1, chẳng biết gì về thành tích, về con điểm. Bảo đi học thì đi học, chưa nhận thức rõ ràng gì cả. Thế nhưng tôi luôn chịu sự mắng mỏ, hình phạt của bố vì con hàng xóm được đi thi vở sạch chữ đẹp. Bố cho rằng tôi vô dụng. Năm lớp 2, tôi không được học sinh giỏi. Với cái nền giáo dục ngày nay, một học sinh tiểu học được học sinh khá trong khi các bạn khác thì đều học sinh giỏi, như vậy có thể kết luận rằng học sinh này kém cỏi. Bố phạt tôi bằng cách ôm cặp dơ thẳng hai tay lên đầu và ra đứng trước cửa sân , mặc cho người qua lại nhìn vào. Cảm giác tủi thân và xấu hổ đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ. Vì sợ nên những kì sau, tôi đều cố gắng được thành tích mà các  bậc cha mẹ muốn, cố gắng vì sợ bị đem ra bêu xấu chứ chẳng hiểu gì về sự học.  Ngày tôi còn học cấp 2, có vẻ tôi đã khá hơn một tí, tôi được học sinh giỏi và xếp hạng trong lớp . Từ ngày tôi học cấp 1, bố luôn ao ước tôi được đứng top 3. Nhưng các em học sinh tiểu học phải thi 10 hết thì mới được xem xét, còn tôi thì chẳng bao giờ , nên cũng bị chì chiết mãi. Từ hồi chuyển cấp tôi không gặp những chuyện kinh khủng như hồi xưa nữa , ngày tôi học lớp 9 ,bố từng hứa đậu trường chuyên sẽ có một '' em iphone'' mới nhất. Tôi cũng đậu, và cũng chẳng có chiếc iphone nào cả, vì thật ra tôi cũng chẳng cần để làm gì, tôi chỉ mong đậu trường chuyên vì đó là ngôi trường tôi thích , cũng là để bố yêu thương dễ dàng với tôi hơn. Nhưng không mọi chuyện lại tệ hơn, từ hồi lên cấp 3, tôi và bố cãi nhau hàng tuần. Đỉnh điểm là bố đánh tôi chảy máu chân, vết sẹo ở đùi bây giờ vẫn còn. Lần đó thằng em tôi đọc trộm nhật ký, tôi đã đánh nhau với nó vì không biết bao nhiêu lần nó đã xem trộn của tôi như thế. Em tôi đấm tôi tím hết cả tay, nó dùng cái thanh kiếm tập võ đánh vào đầu tôi một cái thật đau, tôi choáng váng , đấm lại nó chảy máu môi. Bố về, chỉ thấy vết thương tôi gây ra cho em, còn thương tích trên người tôi thì không thể thấy. Tôi trình bày lý do, bố tôi bảo thích thì nó đọc , và tôi bị một trận đòn nên hồn. Tôi đã rất uất ức, căm phẫn, tôi ước mơ cố gắng hết mình để được đi du học, tôi nghĩ căn nhà này là địa ngục. Thế rồi dần dần, mọi chuyện cũng nguôi ngoai đi, tôi và bồ ít cãi nhau.
Một ngày tôi nghe mẹ kể chuyện. Hồi mới sinh tôi, bố tôi là bộ đội đi học ở Nha Trang. Quê tôi ở Nghệ An, lúc sinh thì ở Cửa Lò. Đợt bố về , khi đó tôi được vài tháng tuổi, cái tầm thời gian 2000 , vật giá đắt đỏ, thế nhưng bố vẫn tặng mua cho tôi một vòng lắc bằng vàng. Mẹ bảo lúc đấy chắc bố đã nhịn ăn và tiết kiệm lắm. Thế nhưng cái vòng quý giá ấy chẳng ở lại với tôi bao lâu, ngày bố mẹ khó khăn, bố nhất quyết không chịu lấy cái vòng đem bán, nhưng mẹ quyết, bố đem bán mà nước mắt rưng rưng. Mẹ kể khi ấy lén nhìn bố ru tôi ngủ, âm thầm tâm sự nhất định bố sẽ mua cho em cái vòng khác đẹp hơn. Thế rồi gia đình tôi nam tiến vì công việc của bố, mẹ mang thai thằng em. Khi ấy nhà tôi thật sự khó khăn , sắp tới ngày mẹ tôi sinh nở nhà chỉ có vài đồng. Thời gian ấy tôi lại đau ốm liên miên , bố quyết định gửi tôi về quê cho ông bà nội chăm sóc. Ngày cô của tôi dẫn tôi về, bố và mẹ đã khóc rất nhiều. Khoảng thời gian tôi ở quê, mẹ kể bố lại nhịn ăn nhịn uống để có tiền mua vé về quê thăm con gái. Mấy đêm đầu bố mẹ trằn trọc không ngủ được, mẹ thì cứ ôm gối mà khóc, bố tôi lúc đấy còn hút thuốc lá nên hút cả đêm. Nghe mẹ kể, tôi đã khóc thật nhiều.
Một đêm bố đi nhậu với bạn cũ về trễ, tôi đang học bài. Bỗng bố gọi tôi xuống , cái giọng lè nhè của người say rượu. "Em nói đi, từ xưa giờ em có giận gì bố, tối nay bố cho em nói hết". Thế rồi tôi cũng kể như thế, những gì lòng tôi uất ức bấy lâu, tôi khóc, mắt bố cũng đỏ hoe. Bố bảo, ngày xưa bố nghèo, chẳng ai quan tâm việc học, nếu không tự thân phân đấu thì hôm nay chẳng trở thành bộ đội, lại bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Thời trước nghèo, mấy ai quan tâm việc học của con cái nhưng bố nhận ra chỉ học mới cứu mình. Nên tuy mình còn nhỏ, nhưng bố vẫn phải khắc nghiệt để mình cố học. Thế rồi mình cũng thầm biết, sau khi đánh mình, bố cũng đã mắng em trai mình và yêu cầu xin lỗi mình. Bố bảo bố chỉ muốn mình hãy tin tưởng những người trong gia đình để giải bày tâm sự, đừng dấu kín một mình, như vậy thì chẳng có chuyện gì bố mẹ ân hận cả đời.
Bây giờ, mình nhận ra rằng , cha mẹ ai mà chẳng thương con, ai mà chẳng mong những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Chỉ là cách bày tỏ của họ chưa thật tốt, khiến ta đôi khi trách cứ, hận và ghét.Đó là những cảm xúc xưa kia tôi từng mang.  Có thể bố tôi là người lính trong quân đội, được giảng dạy một tinh thần thép, thế nên khi răn dạy tôi cũng  mang một tinh thần đầy khắc nghiệt. Tôi đã từng nghĩ, bố làm thế với mình, có bao giờ bố chịu hiểu cho mình, có bao giờ bố suy nghĩ dằn vặt. Có, có chứ. Tác phẩm " Ba ơi , mình đi đâu" thể hiện rõ mọi cảm xúc của người cha. Họ lúc nào cũng dằn vặt, cũng suy nghĩ về việc làm của mình với con. Họ cũng sợ chúng ta tổn thương, sợ chúng ta hiểu lầm họ. Có những khi cha mẹ tức giận chỉ vì quá lo lắng.
Kết lại, tôi chỉ mong những bạn trẻ ngoài kia, có ai đang hờn dỗi cha mẹ thì hãy nghĩ lại. Tôi nghĩ đó là do họ chưa đúng trong cách thể hiện tình cảm nhưng tình thương với các bạn thì vô bờ bến. Hãy sống chậm lại để nhìn những người sinh thành một cách chậm rãi, để thấu hiểu và thông cảm cho họ. Ngoài nỗi lo cơm áo gạo tiền thì còn phải lo đến việc dạy dỗ chúng ta nên người. Thế nên mỗi khi cha mẹ có làm gì khiến bạn không vừa ý, hãy nhớ lại những gì họ đã làm cho bạn để  cảm thông nhiều hơn. Và có ai ngoài kia đang làm cha mẹ mình phiền lòng, hãy xin lỗi họ và sống trưởng thành hơn, để những bậc sinh thành nhẹ gánh nỗi lo toan.
-Mưa,24/7/2017,11:51AM