Khi "hắn" - 1 bác sĩ (BS) trẻ tư vấn điều trị các bệnh nhân Covid19 từ xa, một số bệnh nhân đã yêu cầu chuyển khoản với nhiều lý do, đại ý đều có điểm chung là “BS tư vấn nhiệt tình quá. Đây là chút lòng biết ơn. Sau này còn nhờ BS tư vấn nữa…”. “Hắn" cũng ngại và từ chối khéo nhưng người ta nài nỉ nên cuối cùng vẫn nhận. Với bệnh nhân nào không chi trả, “hắn” vẫn rất vui vẻ nhiệt tình giúp đỡ.
Chuyện sẽ không có gì đến khi mình kể câu chuyện này cho 1 vài người thân cận và được hồi đáp ngắn gọn đại ý là “Làm tiền vậy. Tính toán quá!” làm mình phải suy nghĩ. Lý do họ nghĩ như vậy phần vì lúc ấy tổng đài tư vấn 1022 ở Sài Gòn vận hành miễn phí, phần vì ai ai cũng ít nhiều gặp khó khăn tài chính mùa dịch.
Vậy nhận tiền khi tư vấn điều trị mùa Covid là hiểu chuyện hay thực dụng? Thay mặt “hắn”, mình có vài suy nghĩ sau:
VỀ PHÍA Y BS:
Việc đầu tiên “hắn” nói với bệnh nhân Covid luôn là “Cô/chú/anh/chị đã khai báo y tế chưa ạ? Liên lạc y tế phường chưa ạ?”. Phần lớn câu trả lời nhắn nhận được luôn là: “Đã liên hệ rồi, nhưng chưa tiếp cận được.”. “Hắn” hiểu mùa dịch lượng bệnh nhân Covid cực kỳ đông, y tế từ tuyến cơ sở đến tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải. Đó là lý do “hắn” quyết định hỗ trợ cộng đồng cùng nhóm 1 BS độc lập, nhằm phát hiện điều trị sớm ngay từ cộng đồng để giảm tải cho y tế các tuyến phía trên.
Ngay từ đầu, "hắn" CHƯA TỪNG đòi hỏi chi phí điều trị dưới bất kỳ hình thức nào. Việc kiếm tiền bằng cách giúp đỡ cộng đồng mùa dịch CHƯA BAO GIỜ là mục tiêu của "hắn" nói riêng và các BS nói chung. Mục đích của “hắn” khi tham gia tư vấn điều trị cho bệnh nhân Covid là để giảm số ca bệnh nặng, nhập viện, giảm tử vong bằng việc thông báo nhập viện đúng lúc, tư vấn hậu Covid, cũng như chăm sóc sức khỏe ngoài Covid trong khả năng của “hắn”, tóm lại là hỗ trợ cộng đồng. Và tất nhiên, những ai không có điều kiện chi trả tuyệt đối không nên vì vậy mà từ chối sự giúp đỡ. Vì vậy về Y đức "hắn" không hề vi phạm gì cả, cũng như không đáng bị dán mác "làm tiền" như trên!
Về chuyên môn, những gì “hắn” có là phác đồ Bộ Y tế, Sở y tế, CDC, các buổi tập huấn online từ các trường y khoa lớn, bất kỳ sách vở chuyên môn nào cần thiết “hắn” đều phải mở ra xem lại nếu cần, từ nội khoa, bệnh truyền nhiễm, ngoại khoa, nội thần kinh, tai mũi họng,… và ý kiến từ người đi trước. Tất cả vì sức khỏe người bệnh và sự chuyên nghiệp của bản thân.
Về kinh tế, ngoài hỗ trợ từ chính phủ, gia đình, hắn còn đi dạy thêm buổi tối để kiếm thêm ngay từ khi còn ngồi ghế trường y. Dù thế "hắn" vẫn tuyệt đối không đòi hỏi chi phí từ bệnh nhân, thậm chí từ chối khi bệnh nhân đề nghị chi trả. Mặt khác,“hắn” còn trẻ, chưa có sự nghiệp lớn, muốn phát triển thì ngoài chuyên môn, “hắn” cần điều kiện tài chính, đây là sự thật không thể chối cãi. Hiện nay phí học Chuyên khoa sau đại học đã nâng lên vài chục triệu/năm, trong khi gia đình “hắn” không gọi là dư dả gì. Việc tích cóp kinh phí học lên cao bằng chính kiến thức chuyên môn mà hắn đã được đào tạo chính quy bài bản hơn nửa thập kỷ liệu có sai? Đấy là chưa nói đến thu nhập đáng buồn của các BS ở Việt Nam (nhất là môi trường công lập, nơi mà đòi hỏi thì nhiều, trả công thì ít) so với mặt bằng chung trên Thế giới.
Về xã hội, sự “hiểu chuyện” thể hiện không chỉ ở việc tận tình điều trị cho người bệnh bằng hết khả năng của "hắn", mà còn ở việc nắm bắt ý muốn của những “khách hàng” này. Họ muốn tạo mối quan hệ lâu dài với “hắn” vì sự tin tưởng với chuyên môn của “hắn”. Sau khi đã tỏ rõ quan điểm không nhận tiền nhưng bệnh nhân vẫn sẵn sàng gửi, thay vì quan liêu, sĩ diện hảo hay tỏ ra kiêu kỳ, “hắn” nhận tiền và sẵn sàng tư vấn, giải quyết các vấn đề sức khỏe của họ ở hiện tại và cả trong tương lai một cách NGHIÊM TÚC và CHUYÊN NGHIỆP. Đây cũng là động lực để hắn trau dồi thêm kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm cơ mà!
VỀ PHÍA NGƯỜI BỆNH
Không phủ nhận việc chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người dân được điều trị Covid miễn phí là rất tốt, bản thân mình vẫn thấy việc đấy chẳng liên quan gì đến việc nhận tiền từ bệnh nhân Covid cả.
Một khi có giao dịch tiền tệ xảy ra thì quan hệ BS và bệnh nhân có thể được xem là quan hệ giữa “Người cung cấp 1 loại dịch vụ đặc biệt và Khách hàng”. Mà đã là khách hàng thì không ai ngốc cả!
Có ai nhận một dịch vụ trả sau (không độc quyền) nhưng chất lượng tệ hại mà sẵn sàng tự nguyện trả tiền không? KHÔNG (trừ khi người đó bị lừa)! Kết quả của dịch vụ thể hiện qua các thông số khách quan và cảm nhận chủ quan của khách hàng sau 1 thời gian nhận dịch vụ. Nếu kết quả tốt và bản thân khách hàng có điều kiện tài chính, họ sẵn sàng chi trả cũng là chuyện dễ hiểu. Thời kỳ công nghệ 4.0 là thời kỳ của “double-check”, các thông tin tư vấn dễ dàng được tra cứu trên các website uy tín, họ sẽ đặt câu hỏi ngay nếu nghi ngờ bất kỳ thông tin nào BS tư vấn ngay từ đầu. Đây cũng là 1 cách khách hàng kiểm chứng chất lượng dịch vụ.
Với “khách hàng”, dịch vụ mà họ chi trả không chỉ dừng lại ở hiện tại, mà là cả tương lai (kiểu như bảo hiểm ấy). Tức là trong tương lai gần, BS sẽ tư vấn những vấn đề có liên quan đến dịch vụ sức khỏe đã chi trả trước đó, hoặc giải đáp thắc mắc theo nhu cầu của họ. Theo mình đây là 1 cách rút ngắn lại mối quan hệ tích cực giữa BS và bệnh nhân.
Về vấn đề hình thức chi trả, người ta có thành kiến với hình thức chuyển khoản cho BS vì nó "thô" và thể hiện sự thiếu tôn trọng BS. Với mình trong thời buổi đại dịch thì chuyển khoản là hợp tình hợp lý. Bất kỳ tờ tiền giấy, giỏ trái cây, quà cáp hữu hình nào cũng là nguy cơ lây lan mầm bệnh. Một cách logic mà nói, việc lo ngại gửi tiền là thô lỗ, xúc phạm mà mua quà cáp đến gửi mới thực sự là tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho cả 2 bên.
KẾT LUẬN:
Theo quan điểm cá nhân của mình, việc nhận tiền sau khi tư vấn điều trị bệnh nhân là biểu hiện của HIỂU CHUYỆN của cả 2 phía KHI:
- BS không nên lấy việc kiếm tiền làm mục tiêu tư vấn bệnh nhân trong mùa dịch Covid19, thay vào đó là cái tâm muốn giúp đỡ cộng đồng.
- BS phải nói rõ nguyên tắc với bệnh nhân từ đầu: không đòi hỏi chi trả dưới bất kỳ hình thức nào dù là trực tiếp hay gián tiếp, hoặc 2 bên thoả thuận chi phí khám chữa bệnh phù hợp.
- Nếu BS nhận tiền thì số tiền phải phù hợp với mục đích của nó.
- Bệnh nhân hoàn toàn tự nguyện tham gia khám chữa bệnh, không bị ép buộc phải chi trả hay bị lừa gạt về tiền bạc.
- Chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe đủ tốt, có tâm và phù hợp nhu cầu của bệnh nhân.
Thanks for reading!