BARCELONA: NGHIỆT NGÃ ĐỂ CHẤP NHẬN THAY ĐỔI
Phút thứ 29 của trận đấu giữa Barcelona và Osasuna, ống kính máy quay bắt được cảnh Luis Suarez và Arturo Vidal đang ngoái lại phía sau từ hàng ghế ngồi để nghe một thông tin gì đó - có lẽ là tin Real Madrid đã vươn lên dẫn trước ở trận đấu cùng giờ gặp Villarreal - nơi mà đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha đã chạm 9 ngón vào chiếc cup vô địch. Còn ở dưới sân lúc đó Barcelona đang bị đối thủ vươn lên dẫn trước 1-0. Bình luận viên trận đấu nói: “Nếu Barca muốn tiếp tục nuôi hy vọng giành chức vô địch thì họ cần đến ít nhất bốn bàn thắng”. Hai bàn thắng để họ có thể lội ngược dòng trước Osasuna tại Nou Camp và hai bàn thắng để cách đó không xa Villarreal thắng ngược Real Madrid 2-1. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi gã khổng lồ xứ Catalan giành chiến thắng thì họ cũng cần vận mệnh để Zidane và các học trò sảy chân trước “Tàu ngầm vàng”. Tiếc là mong muốn ấy chẳng thể xảy ra khi mà Messi và các đồng đội đã để thua vào phút chót trước đối thủ áp chót bảng xếp hạng. Còn ở một nơi khác, Real Madrid đã giành chiến thắng để chính thức lên ngôi tại La liga sớm hơn một vòng đấu.
Tại Nou Camp, giữa những khán đài vắng tanh vì covid 19, chẳng còn cờ hoa, chẳng còn tiếng vỗ tay, chỉ thấy những chiếc bóng đỏ lam lững thững cúi đầu bởi họ biết rằng mình đã chính thức trở thành cựu vương tại sân chơi mà vốn dĩ suốt hơn một thập kỷ qua họ đã thống trị đa phần
(Các cầu thủ Barcelona sau trận thua Osasuna hôm 17/07)
Thất bại của Barcelona không chỉ nằm ở bên ngoài sân cỏ, cũng chẳng đơn thuần là vấn đề chuyên môn của các cầu thủ. Đúng ra, việc đội chủ sân Nou Camp sa sút đã manh nha từ hai mùa bóng trước chỉ có điều giọt nước ấy chưa tràn ly và việc ban lãnh đạo Barca sa thải Ernesto Valverde để bổ nhiệm Setien chỉ đơn thuần là giải pháp chữa cháy. Vậy thất bại đó từ đâu? Xin thưa nó đến từ tổng hợp mọi yếu tố bên trong lẫn bên ngoài mà ở đó giới chóp bu nơi thượng tầng CLB và bộ sậu của mình là một trong những nguyên nhân lớn nhất.
1. THƯỢNG TẦNG VÀ BAN QUẢN TRỊ ĐỘI BÓNG NHIỀU BẤT ỔN
Kể từ khi Neymar rời sân Nou Camp, ban lãnh đạo đội bóng đã dùng rất nhiều tiền để chiêu mộ những ngôi sao thay thế. Tuy nhiên hiệu quả chưa thấy nhưng hệ lụy nhận lại thì ai cũng rõ. Đội bóng luôn bị gán mác “kẻ” gây hỗn loạn thị trường chuyển nhượng đồng thời bị ép giá bởi Liverpool và Dortmund trong thương vụ Coutinho và Ousmane Dembele. Trong khi đó, vấn đề cố hữu của câu lạc bộ nằm ở hàng thủ thì không được quan tâm đúng mực. Với cặp trung vệ Gerard Pique và Clement Lenglet cùng với sự sa sút phong độ sau World Cup 2018 của Samuel Umtiti khiến hàng thủ luôn trở thành “tử huyệt” của đội bóng. Barcelona vẫn bị coi là “gã khổng lồ đứng trên đôi chân đất sét”. Hơn 700 triệu đô bỏ ra trong 6 năm, thậm chí từ khi Neymar ra đi đã có tốn hơn 500 triệu đô cho những bản hợp đồng “hớ” khi mà những Dembele liên tục chấn thương, Coutinho thì bị đem cho mượn còn Griezmann lại trở nên quá vô duyên trong những trận đấu được đá chính. Thậm chí, Malcom còn bị bán chỉ sau một năm khoác áo Blaugrana. Cho đến lúc này chỉ có trường hợp của Vidal là đang thi đấu tròn vai, tuy nhiên tương lai của tiền vệ người Chile có lẽ cũng không thực sự chắc chắn khi Barcelona đang cần tiền để chiêu mộ cầu thủ sau khi mùa giải kết thúc. Tại kỳ chuyển nhượng mùa đông vừa rồi báo chí xứ bò tót đã tiết lộ Barca đã đặt Vidal cùng Semedo và Rakitic lên bàn cân để đổi lấy chữ ký của Lautaro Martinez.
(Không ít lần các fan hâm mộ đòi Bartomeu từ chức)
Nhưng có lẽ, chịu nhiều búa rìu hơn cả là việc ban lãnh đạo đội bóng đã chấp nhận lời đề nghị của Juventus trong thương vụ đổi chác giữa Arthur Melo và Miralem Pjanic. Ở đó, Barcelona bán đi một tiền vệ 24 tuổi đang thi đấu ổn định mỗi khi được trao cơ hội để nhận về một tiền vệ năm nay đã 30 tuổi kèm 12 triệu Euro chênh lệch. Nước đi ấy có lẽ sẽ là thất bại về mặt chuyên môn trong bối cảnh hàng tiền vệ của đội chủ sân Nou camp đã quá chật chội cộng thêm việc Pjanic thi đấu trùng vị trí của Sergio Busquet và De Jong. Tuy nhiên, theo The Swiss Ramble phân tích thì cuộc trao đổi này mang lại lợi ích khổng lồ cho hai gã khổng lồ bóng đá Italy và Tây Ban Nha. Chính xác thì đây là một hình thức để các đội đối phó với luật Công bằng tài chính. Bởi lẽ  khi mua cầu thủ, chi phí bỏ ra được trải đều trong suốt thời gian hợp đồng. Cầu thủ cũng được tính là tài sản của CLB, và khấu hao theo từng năm. Ngược lại, doanh thu khi bán cầu thủ ngay lập tức được cộng toàn bộ vào tài khoản của CLB.
Có lẽ, Bartomeu và bộ sậu của mình chỉ lợi dụng hình ảnh của câu lạc bộ để ký kết những bản hợp đồng béo bở, dùng hình ảnh của đội bóng để làm giàu cho công ty chứ chẳng mặn mà gì đến xây dựng câu lạc bộ và tiếp nối truyền thống. Cũng vì lẽ đó mà những triết lý của thánh Johan Cruyff ngày bị mai một còn thứ “ADN” La Masia thì ngày một lụi tàn. Bỏ ngỏ công tác đào tạo trẻ để chảy máu tài năng, chưa kịp chín thì đã bị cho mượn hoặc bán đứt như trường hợp của Xavi Simon
Đáng trách nữa là việc ban quản trị của câu lạc bộ dường như chỉ đưa ra các giải pháp để cứu vãn tình hình, đề giữ chiếc ghế của mình và tránh áp lực từ truyền thông và người hâm mộ. Hợp đồng với Quique Setien hồi tháng 1 vừa rồi có lẽ cũng chỉ là phương án “chữa cháy” trước áp lực sa thải Valverde. Và không nằm ngoài dự định rằng những con người ở trên cùng của Barcelona sẽ đưa việc gia hạn hợp đồng với Messi như một nước cờ trong chiến dịch tranh cử sắp tới (phần này mình sẽ nói rõ bên dưới)
(Quique Setien - Bartomeu - Eric Abidal)
Có lẽ ở Nou Camp bây giờ chỉ có những cầu thủ và thành viên đội bóng thực sự tâm huyết mới đặt lợi ích chung của đội bóng lên trên hết. Còn lại, tất cả chỉ đến rồi đi cũng vì đồng tiền. Khẩu hiệu “Mes que un Club” (hơn cả một câu lạc bộ) giờ đây đang bị chính những kẻ ở trên cùng bôi nhọ
2. VẤN ĐỀ CHIẾN THUẬT CỦA QUIQUE SETIEN VÀ BAN HUẤN LUYỆN
Hồi mới tiếp quản Barcelona, vị huấn luyện viên này được truyền thông thổi phồng là người thấm nhuần triết lý của thánh Johan Cruyff. Những trận đầu khi chiến lược gia người Tây Ban Nha cầm quân, Barcelona đã thực hiện rất nhiều đường chuyền, cầm bóng nhiều hơn. Thậm chí có trận họ tung ra hơn 1000 đường chuyền. Những khởi đầu ấy không khỏi khiến các cổ động viên mừng tượng về một tương lai hồi sinh thứ bóng đá Tiki-Taka một thời.
(Setien trong ngày ra mắt cùng với chủ tịch Bartomeu và giám đốc thể thao Eric Abidal)
Thế nhưng một nửa năm trôi qua đã phơi bày ra sự thực rằng lối chơi ban bật đâu chẳng thấy, chỉ thấy vẫn là cái cách chuyền bóng cho Messi rồi đợi cầu thủ này tỏa sáng. Barca vẫn cầm bóng rất nhiều nhưng chủ yếu là các đường chuyền qua lại từ tuyến giữa sang hai cánh hoặc bí quá lại chuyền về... Nói cách khác “gã khổng lồ xứ catalan” đang thiếu đi những đường chuyền quyết định ở ⅓ sân còn lại của đối phương.
Ở trận đấu gặp Atletico Madrid mới đây tại La liga, Setien đã cho thấy ông bị động như thế nào trước những thay đổi của trận đấu. Khi bị gỡ hòa 2-2 trên chấm penalty, khi Barcelona cần bàn thắng nhất để có được ba điểm nuôi hy vọng bám đuổi Real thì mãi phút 90 vị huấn luyện viên này mới tung Antoine Griezmann vào sân. Với khoảng thời gian ít ỏi như thế, tiền đạo người Pháp cũng chẳng thể tạo ra được cơ hội nào. Trong khi đó, để thắng được Simeone và các học trò thì nhẽ ra Setien phải dùng “người cũ” của Atletico để tận dụng sự thấu hiểu.
Điểm sáng duy nhất mà nhà cầm quân người Tây Ban Nha mang lại cho Blaugrana có lẽ là việc ông đã trao cơ hội nhiều hơn cho các tài năng trẻ như Ansu Fati hay Riqui Puig được thi đấu và tỏa sáng. Hai cầu thủ trẻ này đã thể hiện phong độ rất tốt và hứa hẹn sẽ trở thành nòng cốt trong tương lai của đội bóng
(Tài năng trẻ Ansu Fati và Riqui Puig)

(Tài năng trẻ Ansu Fati và Riqui Puig)
(Quique Setien)
Việc Barca phiêu lưu với một chiến lược gia “tay mơ” chưa có quá nhiều kinh nghiệm dẫn dắt các đội bóng lớn cộng thêm bản thành tích “nghèo nàn” chỉ giúp các đội bóng hạng trung thăng hạng và giúp Real Betis cán vị trí thứ 6 tại mùa giải đầu tiên dẫn dắt (2017-2018) đã minh chứng về chuyên môn của vị chiến lược gia 61 tuổi này. Trong khi đó, để có thể dẫn dắt một đội bóng lớn - nơi luôn có nhiều siêu sao với những cái tôi khác biệt đòi hỏi huấn luyện viên chỉ giỏi chuyên môn thôi là chưa đủ mà còn phải nắm vững những kỹ năng mềm. Huấn luyện viên sẽ phải là một người có tiếng nói với những quyết định về nhân sự thi đấu, về mua bán cầu thủ trong những cuộc gặp với ban lãnh đạo đội bóng vừa phải là người làm chủ được phòng thay đồ của các cầu thủ để truyền cảm hứng và sự gắn kết. Tiếc là Setien và trợ lý của ông có vẻ như không thực sự được lòng các cầu thủ. Báo chí Tây Ban Nha thường đưa tin rằng nhiều cầu thủ trụ cột của Barca tỏ ra không hài lòng với chiến thuật của Setien và cộng sự. Dẫu điều này là chưa xác thực nhưng để những thông tin như thế xuất hiện cũng là dấu hiệu không nên có trong những giai đoạn then chốt của mùa giải. Trong những trận đấu vừa qua tại thời điểm cooling break trong khi các đội thường được huấn luyện viên dặn dò rất kỹ và động viên tinh thần thì nhiều lần các cầu thủ Barcelona chỉ vào lấy nước uống rồi trở lại. Thậm chí trong trận hòa Celta Vigo cánh truyền thông còn ghi lại được cảnh Messi cố tình phớt lờ chỉ đạo của trợ lý huấn luyện viên Eder Sarabia, trước đó tại trận siêu kinh điển hồi tháng 3 vừa rồi vị trợ lý này còn liên tục ồn ào trên băng ghế chỉ đạo và không ngừng phàn nàn. "Đúng là chúng tôi đã tranh cãi sau trận hòa Celta Vigo, nhưng thế là bình thường", Setien nói hôm 29/6, trong họp báo trước trận gặp Atletico Madrid. "Mọi người đều có quan điểm riêng và luôn bất đồng ý kiến. Cuộc tranh cãi nhắm vào vấn đề nhất thời và không quan trọng lắm. Khi còn thi đấu, tôi cũng không phải cầu thủ dễ thỏa hiệp. Tôi sẽ cố thuyết phục các thành viên Barca cùng nhìn về một hướng".
(Hình ảnh được cho là Messi đã cố tình ngó lơ trợ lý Huấn luyện viên Eder Sarabia)
(Eder Sarabia tiếp lục bị lơ đẹp)
(Eder Sarabia quá ồn ào khi chỉ trích các cầu thủ trong trận siêu kinh điển)
3. CHUYÊN MÔN VÀ TINH THẦN THI ĐẤU CỦA CÁC CẦU THỦ
Thành thật mà nói, các cầu thủ ở Barca luôn là những ngôi sao hàng đầu thế giới. Ở mỗi kỳ chuyển nhượng, đội bóng đều không ngần ngại chi những số tiền lớn để chiêu mộ những tên tuổi hàng đầu của giới túc cầu. Mùa giải năm ngoái De Jong và Griezmann đều cập bến Nou Camp với nhiều kỳ vọng từ người hâm mộ nhưng hiện tại Griezmann vẫn chưa thể hiện được hết phong độ, còn sao trẻ người Hà Lan thì phải chấp nhận thi đấu ở vị trí sai sở trường. Dẫu vậy, xét về mặt chuyên môn và khả năng chơi bóng thì rõ ràng các cầu thủ của Blaugrana luôn là một những cầu thủ xuất sắc nhất ở vị trí của họ. Điểm mấu chốt dẫn đến sự thi đấu mờ nhạt của các ngôi sao Barca có lẽ xuất phát từ hai nguyên nhân chính
Thứ nhất, đó là việc các trụ cột ở Barca đều đã “già nua” và bắt đầu ở phía bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Cả Messi, Suarez, Busquet, Pique, Rakitic và Vidal đều đã bước qua tuổi 30 và có dấu hiệu tuổi tác trong một môi trường bóng đá khắc nghiệt và đòi hỏi nhiều thể lực. Thêm vào đó, bối cảnh La liga trở lại sau mùa Covid 19 dẫn đến các đội bóng thường phải thi đấu với tần suất dày đặc khoảng 3 ngày/1 trận đã bào mòn thể lực của các cầu thủ rất nhiều. Nhiều người trách Quique Setien không có bất cứ sự xoay tua nào nơi đội hình xuất phát thế nhưng cũng phải thành thật rằng đội hình của Barca chẳng thể đủ chiều sâu để chiến lược gia 61 tuổi có thể tìm ra nhiều phương án thay thế. Các cầu thủ cần thời gian phục hồi - nhất là những cầu thủ đã ngoài 30 như ở Barcelona, sau mỗi trận đấu họ sẽ phải nghỉ ngơi ít nhất 4 ngày để hồi phục thể lực. Thế nhưng với lịch thi đấu kể trên kể từ khi La liga quay trở lại thì những cầu thủ bỗng bị cuốn vào guồng quay “ăn tập” và thi đấu suốt nhiều tuần liền không ngơi nghỉ.
(Đội hình chính của Barcelona hồi đầu mùa có tới 4 cầu thủ trên 30 tuổi)
Thứ hai, tinh thần thi đấu của các cầu thủ Barca đang ở mức đáng báo động. Việc áp lực từ fan hâm mộ, từ truyền thông, từ sự vươn lên mạnh mẽ của đại kình địch Real Madrid và của cả những rạn nứt với ban huấn luyện lẫn thượng tầng câu lạc bộ đã khiến các cầu thủ thường ra sân với tâm lý nặng nề buộc phải thắng. Làm sao họ có thể thoải mái thi đấu khi biết được tương lai của chính mình tại câu lạc bộ đang không được bảo đảm vì rất có thể sẽ bị đem rao bán vào cuối mùa? Làm sao có thể tự tin thi đấu khi mà những kỳ vọng quá lớn và sự chỉ trích từ mọi phía luôn trực chờ? Và cũng chẳng thể nào vô tư thi đấu khi mà vốn dĩ những đồng đội xung quanh chẳng thể đảm bảo sự chắc chắn và ăn ý với mình. Giữa những lúc tâm lý và áp lực đè nặng như thế, thì ban lãnh đạo lẫn huấn luyện viên lại chẳng thể đứng ra bảo vệ cầu thủ của mình, thậm chí cả Setien, Eder Sarabia và giám đốc thể thao Eric Abidal còn có động thái “thêm dầu vào lửa” khi bóng gió chỉ trích các cầu thủ.
(Giám đốc thể thao/cựu cầu thủ Eric Abidal)
Cuối cùng, chấn thương của các cầu thủ cũng là một phần khiến Barcelona không thể hiện được phong độ cao ở mùa giải năm nay. Hồi đầu mùa, chính Messi cũng phải ngồi ngoài đến 7 vòng đấu. Sau đó là việc Dembele tái phát chấn thương phải nghỉ hết mùa, còn Suarez phải nghỉ thi đấu hơn 4 tháng, nếu như không có Covid 19 thì có lẽ cầu thủ người Uruguay cũng chẳng thể góp mặt nốt những vòng đấu cuối cùng. Đó là chưa tính những Jordi Alba, Frenkie De Jong cũng trải qua nhiều tuần chấn thương ở nửa cuối mùa giải năm nay. Chính những chấn thương ấy đã khiến đội chủ sân Nou Camp dường như thiếu nhân sự để xoay tua cho những cuộc đấu đường dài.
4. MESSI VÀ CÂU CHUYỆN NÊN Ở LẠI HAY RA ĐI
Phép màu mà Messi mang lại khiến người ta lầm tưởng rằng Barcelona là một tập thể mạnh. Không ít lần sự xuất sắc của cầu thủ người Argentina trở thành cứu cánh cho đội bóng và che mờ đi sự yếu kém nơi chiến thuật. Nhưng rõ ràng bóng đá vẫn là một môn thể thao đòi hỏi tính tập thể và không phải lúc nào cá nhân cũng có thể gánh vác cả đội. Ngọn lửa ma thuật của số 10 dẫu có diệu kỳ đến mấy cũng không thể cứu rỗi một Barca bạc nhược và tệ hại ở mùa giải năm nay
(Messi vẫn tỏa sáng nhưng không thể giúp Barcelona giành chiến thắng trước Osasuna)
Sau trận thua trước Osasuna hôm 17/07 vừa rồi, Messi chia sẻ: “Chúng tôi không muốn kết thúc mùa giải như thế này nhưng kết quả này đại diện cho mùa giải đã trôi qua như thế nào. Chúng tôi là một đội bóng rất thất thường, rất yếu. Chúng tôi đã mất rất nhiều điểm và trận đấu hôm nay là một bản tóm tắt của mùa giải.”
"Tất cả những gì chúng tôi đã trải qua từ tháng 1 đến nay đều rất tồi tệ. Chúng tôi phải thay đổi nhiều thứ."
"Roma, Liverpool ... những người hâm mộ đang hết kiên nhẫn vì chúng tôi không mang đến cho họ bất cứ điều gì. Nếu chúng tôi muốn chiến đấu cho Champions League, rất nhiều điều phải thay đổi. Nếu chúng tôi tiếp tục như thế này, chúng tôi sẽ thua tiếp trận đấu với Napoli."
"Chúng tôi phải tự phê bình, không chỉ với các cầu thủ, mà toàn bộ câu lạc bộ phải nhận trách nhiệm này.”
Lionel Messi sẽ hết hạn hợp đồng với Barcelona vào năm 2021, thông thường trước 1 năm khi hợp đồng kết thúc ban lãnh đạo và Messi sẽ đàm phán về một bản hợp đồng mới tuy nhiên ở giai đoạn này vẫn chưa thấy đôi bên công khai bất cứ động thái nào. Nhiều đồn đoán cho rằng Messi có thể sẽ ra đi khi hết hạn hợp đồng bởi El Pulga đã quá mệt mỏi với ban huấn luyện cùng những nhân vật trên lầu cao ở Nou Camp. Bằng chứng là việc siêu sao 33 tuổi liên tục bị lôi ra làm bình phong cho mọi rắc rối của câu lạc bộ: “Barca thi đấu kém hiệu quả à? Đó là do Lionel Messi lười chạy”, “Griezmann không ghi bàn là do Messi cô lập không chịu chuyền bóng”, “Setien dẫn dắt kém là do áp lực mà Messi tạo ra ở phòng thay đồ khiến các cầu thủ nổi loạn và không tuân theo chỉ đạo của huấn luyện viên”.....Sức mạnh của truyền thông và cái gọi là sự vận dụng của “học thuyết nói dối lớn” khiến cho rất nhiều người lầm tưởng Messi là một cái gì đó rất ghê gớm, một thế lực ngầm ở Barca và rằng chân sút này chỉ cần nhấc điện thoại lên là có thể xoay chuyển được mọi việc. Thế nhưng mấy ai biết rằng, dù Messi có là huyền thoại vĩ đại nhất của đội bóng đi chăng nữa thì vị trí của anh tại câu lạc bộ vẫn chỉ là một cầu thủ không hơn không kém. Nói cách khác, chính Messi cũng chẳng thể can thiệp vào những quyết định của Bartomeu và bộ sậu của gã nơi tít trên cao. Nếu cầu thủ người Argentina thực sự có quyền lực ghê gớm như vậy thì có lẽ Neymar đã được đưa về Nou Camp vào hè năm ngoái chứ chẳng phải Griezmann.
(Messi vẫn luôn là cầu thủ quan trọng nhất của "Gã khổng lồ xứ Catalan")
Nếu không có một bản hợp đồng mới nào được ký kết giữa Barcelona và Messi thì rất có thể những đại gia như Manchester City, Pari Saint Germain hay Inter Milan sẽ ngay lập tức nhảy vào bởi lẽ sự xuất sắc của Messi trên sân cỏ và giá trị thương mại mà anh mang lại luôn là sự thèm khát của bất kỳ ông chủ giàu có nào. Thậm chí, số 10 còn được hứa hẹn sẽ được chơi bên cạnh những đồng đội ăn ý hơn và mức đãi ngộ tuyệt vời hơn
Một lý do nữa để Messi có thể chọn ra đi cũng là bởi, Bartomeu và cộng sự đang ráo riết chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử vào năm sau. Ở đó, bản hợp đồng mới với Messi cùng những sự kiện khác liên quan đến cầu thủ này sẽ được đưa vào như một nước cờ để giới chóp bu tiếp tục được sự ủng hộ trong nhiệm kỳ mới. Với vị thế hiện tại, liệu rằng chân sút người Argentina có để hình ảnh của mình trở thành phương tiện cho những kẻ vô tâm ấy lợi dụng? Tất cả điều ấy là chuyện của một năm sau và nên để thời gian trả lời còn hiện tại Barca vẫn ngổn ngang và thực sự cần một cuộc đại trùng tu.
5. CHẤP NHẬN THAY ĐỔI
Sự thất bại muối mặt ngay trên sân nhà cùng việc lên ngôi của đại kình địch Real Madrid như một cái tát vào lòng tin và sự kiêu hãnh của đội bóng. Sau rất nhiều năm, Barca đứng trước cơ hội không có bất kỳ một chiếc cup nào. Họ đã thất bại tại cup nhà vua, tự bắn vào chân trong cuộc đua đến ngôi vương La liga để Real vượt mặt và sắp tới đây rất có thể sẽ gặp khó khăn khi đối đầu với Napoli tại lượt về của vòng 1/8 UEFA CHAMPION LEAGUE. Thất bại thì đau thật nhưng thà thấm thía một lần để chấp nhận thay đổi còn hơn cứ dối lòng phủ nhận để rồi lụi tàn. Thà chấp nhận ê chề một lần để vươn lên còn hơn le lói và ăn mày những quá khứ huy hoàng đã thuộc về thập kỷ trước. Có lẽ, Barcelona sẽ phải tiến hành một cuộc thay đổi lớn ở mọi khía cạnh từ cầu thủ đến ban huấn luyện và cả giới lãnh đạo đội bóng nữa.
Thứ nhất, như đã phân tích ở trên, Barcelona dưới thời Setien và trước đó là thời Valverde chuyền bóng rất nhiều nhưng luôn thiếu những đường chuyền quyết định ở 1/3 sân đối phương. Điều này đòi hỏi đội bóng phải tìm kiếm một tiền vệ tấn công có sức sáng tạo và mở ra được nhiều cơ hội ở trung lộ và hai cánh thay vì vung tiền chiêu mộ những tiền vệ trung tâm thiên về cầm bóng và chia bài
Thứ hai, cánh trái của Barca hiện nay rất yếu, hầu hết các đường lên bóng đều bắt nguồn từ cánh phải nơi Messi thường xuyên thi đấu. Điều này khiến những miếng đánh của Blaugrana hết sức đơn giản và dễ bắt bài. Việc tìm kiếm một cầu thủ có kỹ thuật và tốc độ thi đấu ở hành lang trái như Neymar đã từng làm là điều bắt buộc phải làm được

(Hậu vệ trái Jordi Alba)



(Hậu vệ phải Nelson Semedo)







Thứ ba, hơn bao giờ hết đội bóng cần củng cố vững chắc hàng thủ bằng một trung vệ máu lửa và tỉnh táo thay cho một Lenglet quá lóng ngóng hoặc một Pique thường xuyên mất tập trung lẫn kém về tốc độ. Một đội bóng mạnh cần được xây dựng đều ở mọi tuyến, trường hợp của Liverpool là một ví dụ điển hình, đội bóng vùng Merseyside với việc chiêu mộ Van Dijk và Alisson Becker để tăng cường hàng thủ đã thu về rất nhiều thành công trong gần hai năm trở lại đây.
(Các trung vệ của Barcelona)
Thứ tư, cần thay đổi về chiến thuật. Barcelona vẫn bị xem là một đội bóng chuyển đổi trạng thái rất kém ở mùa giải năm nay. “Gã khổng lồ xứ Catalan” luôn thi đấu rất chậm chạp và chỉ biết cầm bóng. Không ít lần trong những tình huống phản công sự chậm chạp của đội bóng tạo điều kiện cho đối thủ có đủ thời gian lui về phần sân nhà phòng thủ. Hay trong những tình huống dâng cao đội hình, với việc cặp trung vệ Pique và Lenglet lên quá khu vực vòng tròn giữa sân sau đó không kịp về phòng thủ diễn ra rất thường xuyên. Bàn thắng thứ 2 của Osasuna hôm 17/07 vừa rồi là minh chứng rất rõ cho việc Pique bỏ vị trí lên quá cao và không kịp lùi về. Trong bối cảnh bóng đá hiện đại với lối chơi pressing thường được sử dụng, một đội bóng vừa phải xây dựng chiến thuật để thoát sự vây ráp vừa phải tổ chức phòng ngự hoặc phản công rất nhanh. Nói cách khác, tốc độ của trận đấu buộc cả cầu thủ và huấn luyện viên phải liên tục thích nghi trong từng tình huống. Tiếc là những thứ đó lại không có ở Barcelona hiện tại

Nhiều người ví von Barcelona bây giờ như một ký sinh trùng đang ăn bám sự xuất sắc và vinh quang của Lionel Messi. Sự khủng hoảng của giới thượng tầng và ban huấn luyện cùng nhân sự như một cơn bão dần dần cuốn văng những vinh quang tại Nou Camp đi hết. Giữa cơn bão ấy, Messi là yên bình, là những gì tinh túy nhất còn lại trên trò tàn. Người ta có thể tiếc Torres, tiếc Ribery, tiếc những huyền thoại mà chúng ta biết đã nói lời chia tay sân cỏ. Và có lẽ chẳng lâu nữa, số 10 của chúng ta cũng sẽ dừng lại…
“Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh”
Với Barcelona sự thất bại này nên được nhìn nhận thẳng thắn để chấp nhận thay đổi, để trở lại mạnh mẽ hơn, để lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ và cũng là để những năm tháng cuối cùng của Messi tại Nou Camp không còn bị phung phí
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của mình
Theo các bạn Barca cần làm gì để thay đổi? Liệu rằng Messi nên ở lại để giữ trọn sự trung thành hay nên ra đi để đến một đội bóng khác cũng cần anh, để tìm kiếm thêm những danh hiệu trong những năm tháng đỉnh cao cuối cùng? Hoặc là dùng nó để gây áp lực buộc ban huấn luyện và giới lãnh đạo phải thay đổi?
Hãy để lại bình luận để mình biết nhé!
Nam Chan