(*) Đây là báo cáo tốt nghiệp mà tôi đã thực hiện vào 10 tuần thực tập đầu năm 2018, nội dung đã được lược bỏ một số phần không cần thiết.
Đó là mình ^^
LỜI MỞ ĐẦU 
Đối với tôi, khoảng thời gian thực tập và trải nghiệm tiếp ca là những trải nghiệm đầu đời đáng quý cho bản thân tôi. Từ khi hạ quyết tâm chọn Tâm lý học là con đường tương lai trong kỳ thi Đại học cách đây 5 năm, tôi vẫn hay nghĩ về ngày tôi tốt nghiệp với đầy đủ kiến thức ngành, kỹ năng nghề và thái độ sống. Có vẻ bài viết này đánh dấu mọi thứ đã đến gần trong tôi: Từ một đứa trẻ vị thành niên luôn cảm thấy mình nửa trẻ con nửa người lớn đến một thanh niên trưởng thành chuẩn bị đầy đủ hành trang cho chặng đường kế tiếp trong đời.
Khóa 7 nói chung và chuyên ngành Tham vấn trị liệu tâm lý nói riêng đã nhận được thông báo hướng dẫn về việc thực tập và báo cáo tốt nghiệp từ những ngày cuối năm 2017. Ngay sau đó, chúng tôi bắt tay vào việc lựa chọn hướng đi của riêng mình với đa dạng môi trường: bệnh viện, trường chuyên biệt, học đường và các cơ sở tham vấn tâm lý… Một lựa chọn và cả hành trình, đối với tôi, chặng đường mới như vừa bắt đầu. Tôi lựa chọn môi trường học đường với những lý do cá nhân tôi sẽ nói rõ trong phần nội dung chính của bài. Cụ thể tôi đã thực tập tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Quận 5), cũng chính là ngôi trường cấp 3 của tôi với vị trí Thực tập sinh Tham vấn học đường. Thời gian thực tập trên lý thuyết của tôi kéo dài 10 tuần từ 22/01/2018 đến 15/04/2018 (đã trừ đi 2 tuần lễ nghỉ Tết), tuy nhiên, thực tế buổi tham vấn cuối cùng giữa tôi và thân chủ kéo dài đến 27/04/2018. Đồng thời, trong cùng khoảng thời gian đó, chúng tôi cũng đã lựa chọn Giảng viên hướng dẫn thực tập dưới sự phân công của Khoa Tâm lý. Tôi thuộc nhóm hướng dẫn của Tiến sĩ – Cô Trì Thị Minh Thúy, được cô Giám sát trong 6 buổi kéo dài từ 27/02/2018 đến 9/5/2018.
Kết thúc khoảng thời gian trên, tôi bắt đầu lắng lại để xây dựng Báo cáo tốt nghiệp của riêng mình. Sự lắng lại này giúp tôi có thể biểu đạt những trải nghiệm trong quá trình thực tập dưới dạng câu chữ. Nội dung bài viết mang tên Báo cáo ca tham vấn học đường, bố cục gồm 2 phần:
Phần 1: Giới thiệu sơ lược về cơ sở thực tập
Phần 2: Nội dung báo cáo ca tham vấn học đường
Nội dung bài viết cũng chính là ca tham vấn đầu tiên tôi được tự thực hiện sau khoảng thời gian học tập và rèn luyện tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Chắc hẳn những cái đầu tiên bao giờ cũng méo mó, cũng xộc xệch, nhưng trong cảm quan của tôi, đó là điều chân thật nhất. Sau bài viết này, tôi mong có thể nhận được những đóng góp chia sẻ của Quý thầy/cô cùng Quý bạn đọc, những ai đặc biệt dành thời gian cho nội dung bài viết này. Xin cám ơn.
Quận 9, ngày 13 tháng 5 năm 2018
Trần Vân Anh
LỜI CÁM ƠN 
Để có thể thực hiện được việc thực tập cũng như hoàn thành báo cáo tốt nghiệp, tôi xin được gửi lời cám ơn chân thành đến Quý thầy/cô Khoa Tâm lý Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Cám ơn Quý thầy/cô về những kiến thức, kỹ năng, những câu chuyện và trải nghiệm. Cám ơn Quý thầy/cô vì đã dìu dắt biết bao thế hệ sinh viên Khoa Tâm lý học như chúng tôi bước vào đời. Đồng thời, tôi cũng muốn gửi lời cám ơn chân thành đến Ban Giám hiệu Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, cám ơn Quý thầy/cô đã tạo điều kiện để tôi được học tập và rèn luyện tại Quý trường.
Sau đây, xin cho tôi có thể được xưng hô bằng nhiều cách khác nhau trong những lời cám ơn kế tiếp để thể hiện sự yêu kính và quý mến đến với những người đã đồng hành cùng tôi trong suốt khoảng thời gian thực tập vừa qua:
Em xin chân thành cám ơn Tiến sĩ – Cô Trì Thị Minh Thúy, cám ơn cô vì đã ở bên cạnh lắng nghe về câu chuyện và cảm xúc của em, chia sẻ những kinh nghiệm đáng quý, đưa ra những gợi mở giúp em có thể tự phát huy bản thân và tin tưởng vào chính mình hơn. Em cám ơn những bài giảng của cô, đó là những điều đã giúp em suy tư và hiểu về bản thân rất nhiều.
Em xin chân thành cám ơn Cử nhân – Chị Phạm Thị Ngọc Mỹ, cám ơn chị vì đã luôn giảng dạy và chia sẻ chuyện nghề cho em trong suốt khoảng thời gian tại Phòng tư vấn tâm lý học đường Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong. Em cám ơn chị vì đã dìu dắt em, chấp nhận con người của em và tin tưởng giao ca tham vấn cho em để em có được những trải nghiệm đáng quý trong kỳ thực tập này.
Chị xin gửi lời cám ơn đến H., cám ơn em vì đã tin tưởng cho phép chị dùng những câu chuyện mà em đã chia sẻ để làm chất liệu đưa vào bài viết này. Cám ơn sự hồn nhiên, trong trẻo của em đã giúp chị như thể được trở lại những ngày tháng cấp 3 đáng quý.
Cuối cùng, Vân Anh xin cám ơn tất cả các bạn trong nhóm Giám sát cô Thúy, cám ơn các bạn vì đã cởi mở lắng nghe những điều mà Vân Anh chia sẻ, giúp đỡ Vân Anh với những câu hỏi mà Vân Anh mang đến, cám ơn các bạn vì đã tin tưởng Vân Anh khi chia sẻ câu chuyện thực tập của các bạn trong 6 buổi giám sát vừa qua.
Quận 9, ngày 13 tháng 5 năm 2018
Trần Vân Anh
NỘI DUNG BÁO CÁO THỰC TẬP
Lý do lựa chọn cơ sở thực tập:
Tôi dùng phương pháp loại trừ, thử và sai cho bản thân. Trước thời gian thực tập nửa năm, tôi từng xin làm Cộng tác viên tại một Cơ sở Tư vấn tâm lý suốt 6 tháng liền, tôi cảm thấy bản thân không hợp với môi trường này do nó hướng nhiều về kinh doanh hơn là tâm lý. Đồng thời, tôi loại trừ môi trường bệnh viện và trường chuyên biệt do trước đây đã từng đến kiến tập và bản thân hoàn toàn không thích 2 môi trường này, tôi cảm thấy nơi đây không thân quen và là nơi tôi thấy không an toàn. Chính vì lẽ đó, tôi tìm đến môi trường cuối cùng là trường học và hướng đi tham vấn học đường. Sau đó, tôi lựa chọn Phòng Tư vấn tâm lý Lê Hồng Phong vì đây là ngôi trường cấp 3 của tôi trước đây, có lẽ với tôi đây là một địa điểm an toàn và ấm áp. Tôi không phủ nhận việc bản thân rất yêu thích những cảm giác thân quen, an toàn. Nếu thực tập tại đây, tôi không cần quá nhiều thời gian để thích nghi, tôi nghĩ có thể để dành thời gian đó để học tập được nhiều điều thú vị về nghề. Một lý do khác nữa đến từ việc cách đây hơn 1 năm, tôi cũng đã trải qua kỳ thực tập tại một trường đại học khác, trong kỳ thực tập đó, tôi đã gặp phải rất nhiều khó khăn về việc thích nghi.
Với những lý do kể trên, tôi đã trải nghiệm hơn 10 tuần thực tập tại cơ sở này. Càng về sau, tôi lại cảm nhận được rõ ràng lựa chọn này thật đúng đắn, bởi vì: Tôi đã chọn được một môi trường mà tôi nghĩ tôi có thể là chính tôi mà không phải là một ai khác. Tôi không tốn quá nhiều thời gian để thích nghi, tôi được học hỏi và tập huấn những điều mà tôi đã đặt ra trước khi bắt đầu kỳ thực tập.
Những điều mà đợt thực tập tại cơ sở mang đến cho tôi:
1, Lần đầu tôi biết được như thế nào là một không gian tham vấn học đường, bao gồm: cách thức bài trí các đồ vật trong phòng (bàn, ghế, kệ sách…), các công cụ thường dùng của nhà tham vấn học đường (các loại bút màu, giấy vẽ, sáp nặn…), các loại sách mà nhà tham vấn thường dùng để tham khảo trong quá trình làm nghề (được bày trí ngay trong phòng). Bên cạnh đó, để tạo sự thoải mái cho không gian này, phòng tham vấn còn được trang trí thêm các chậu cây, lọ hoa, tranh vẽ…
2, Tôi có thể hiểu rõ hơn 4 công việc chính của một tham vấn viên khi làm việc tại môi trường học đường: Tổ chức giảng dạy các chuyên đề phòng ngừa và kỹ năng sống, Tổ chức định hướng nghề nghiệp, Phát hiện và can thiệp sớm các vấn đề khó khăn tâm lý của học sinh, Tham vấn cá nhân. Tôi học được cách thức lập kế hoạch hoạt động cho phòng tham vấn trong cả năm học, những chủ đề nào là quan trọng với học sinh cấp 3, cách thức chuẩn bị và tổ chức giảng dạy các chuyên đề hay kỹ năng cho học sinh… Điều này đã giúp tôi hình dung một cách rõ ràng hơn về các công việc mà tôi sẽ làm trong tương lai.
3, Tôi được trực tiếp trao đổi các vấn đề chuyên môn với người hướng dẫn tại cơ sở thực tập (việc mà trước đây tôi chưa từng được trải nghiệm qua). Tôi cảm thấy thú vị và học hỏi được rất nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích thông qua các trao đổi này, nó giúp tôi làm rõ được các vấn đề mà bản thân còn vướng mắt và quan trọng là các trao đổi đến từ trải nghiệm có thật của người hướng dẫn tại cơ sở nên nó càng làm tôi cảm thấy ấn tượng hơn. Mỗi ngày đến với cơ sở thực tập, bản thân tôi đều cảm thấy được học thêm điều mới.
4, Tôi được giám sát ca và trực tiếp thực hiện một ca tham vấn trong vòng 6 buổi. Điều này giúp tôi rút ra được rất nhiều kinh nghiệm cho bản thân, giúp tôi hiểu rõ hơn công việc mà tôi đã đang lựa chọn là như thế nào.
5, Cuối cùng là sau tất cả, tôi lại có thể nhìn sâu hơn vào bản thân, hiểu rõ bản thân mình hơn và thông cảm cho chính mình nhiều hơn. Có lẽ thật khó khăn nhưng cũng thật hạnh phúc khi biết được rằng bản thân đang trưởng thành lên từng ngày. Nhờ việc được tập huấn và thực hành về khung thời gian làm việc với thân chủ, tôi hiểu được làm thế nào để duy trì một mối quan hệ an toàn, vừa tốt cho bản thân tôi và vừa tốt cho những người xung quanh tôi. Điều này rất khác so với trước đây, tôi không hiểu rõ làm như thế nào thì “đủ” tốt, có nhiều trường hợp đã xảy ra với tôi có thể lấy ví dụ như thế này: Tôi cố gắng giúp một người bạn A bằng cách lắng nghe và dành thời gian cho họ, tuy nhiên, đồng thời, tôi đã đánh đổi phần thời gian lúc đó của chính tôi, kết quả là tôi quên ăn trưa hoặc tôi vẫn chưa hoàn thành xong phần bài tập cho hôm sau... Sau nhiều năm các trường hợp tương tự xảy đến và làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều, vậy thì thời gian nào tôi sẽ dành cho chính tôi. Trước đây, mỗi khi giúp đỡ mọi người, tôi thường hay nghĩ rằng nếu tôi không giúp hình như không ai có thể làm việc này để giúp họ cả. Nhưng bây giờ thì khác rồi, tôi tin tưởng nhiều hơn rằng mọi người xung quanh tôi sẽ có thể tự vượt qua vấn đề của họ dù cho không có tôi bên cạnh, mọi người luôn có những cách riêng để tự đối mặt với các khó khăn. Đó là một năng lực độc đáo của con người.
Trải nghiệm thực tập liên quan đến định hướng nghề nghiệp trong tương lai và cuộc sống mai sau:
Từ trước khi bắt đầu thực tập, tôi được các thầy cô trong khoa nhắc nhở một điều vô cùng quan trọng mà tôi luôn lưu tâm đến là: Để có thể tham vấn trị liệu tâm lý tốt cho thân chủ, cá nhân một người học tâm lý cần phải làm việc với chính bản thân mình. Nhưng có vẻ với tôi, khái niệm này thật khó để hiểu được một cách rõ ràng nếu không có các trải nghiệm cá nhân cụ thể. Chính vì thế, các trải nghiệm thực tập là cơ hội đối với tôi.
Tôi vừa lo lắng vừa háo hức khi được người hướng dẫn tại cơ sở giao cho ca tham vấn đầu tiên trong nghề. Sự lo lắng xuất hiện vì tôi nghĩ bản thân có thể sẽ tham vấn không đủ tốt, thiếu kinh nghiệm và kiến thức trong việc không biết nên làm gì tiếp theo nếu gặp phải những vấn đề quá khó khăn với chính tôi khi tiếp cận thân chủ. Tuy nhiên, cảm giác háo hức cũng dâng lên trong tôi không kém, vậy là tôi sắp được thực hiện công việc mà tôi hằng mong đợi. Tôi thầm nghĩ rằng: Chắc hẳn sẽ có nhiều khó khăn nhưng rồi tôi sẽ cố gắng để vượt qua. Qua 6 buổi gặp thân chủ, tôi tìm thấy niềm vui trong công việc mà tôi đang theo đuổi. Mỗi buổi trôi qua mang một chủ đề thú vị mà ngay chính khoảng thời gian đó, tôi cùng thân chủ bước từng bước chắc chắn và chậm chạp. Với trải nghiệm này, tôi nghĩ rằng bản thân phù hợp với đối tượng là các em học sinh. Có lẽ điều này đến từ mong muốn cảm giác an toàn trong tôi, lứa tuổi này tôi đã trải qua, thế nên tôi cảm nhận được phần nào những khó khăn cũng như những mong muốn của các em, tôi thấy bản thân mình làm được những điều thật sự ý nghĩa cho chính bản thân tôi, cho thân chủ của tôi cũng như cho cuộc sống này. Tôi lưu giữ lại khoảnh khắc thân chủ nói lời cám ơn với tôi vào buổi gặp cuối cùng vì nó chính là động lực chính thúc đẩy tôi. Qua mỗi cuộc trò chuyện với một ai đó, có thể là thân chủ hay một người bất kỳ, tôi thấy bản thân luôn học được một điều mới, giữ lại một điều gì đó từ người mà mình đã trò chuyện.
Bên cạnh đó, khi nhìn thấy người hướng dẫn tại cơ sở tiến hành tham vấn cho đồng thời nhiều ca trong một khoảng thời gian, tôi rút ra được việc luôn phải lượng giá khả năng và giới hạn của bản thân, có cách chăm sóc tâm lý của chính mình. Công việc mang đến giá trị cho tôi nhưng bên cạnh tôi vẫn còn có gia đình, bạn bè và chính bản thân tôi nữa, vì thế mà tôi mong muốn bản thân hiểu rõ giới hạn trong công việc của mình, phân bổ thời gian đồng đều cho các mặt trong cuộc sống. Tôi không muốn bản thân sẽ hối hận nếu bị cuốn theo lĩnh vực nào đó mà quên đi một lĩnh vực khác, bởi vì tôi luôn dành tình yêu cho bản thân, gia đình, bạn bè và công việc, đặc biệt là trong đó không lĩnh vực nào nổi trội hơn cả với tôi, vì mọi thứ đều giữ một ý nghĩa quan trọng trong lòng tôi.
Qua các trải nghiệm, tôi tự làm việc với bản thân nhiều hơn qua việc viết nhật ký và trò chuyện với bản thân hằng ngày. Sau mỗi trang viết hay sau mỗi cuộc trò chuyện, tôi từng chút hiểu thêm về bản thân và cảm thấy thú vị vì mỗi ngày mình khám phá ra trong mình một điều gì đó. Chính những điều này giúp tôi biết cách sống với chính mình, thiết lập các mối quan hệ tương giao trong cuộc sống cũng như công việc, hình thành các ranh giới an toàn trong các mối quan hệ, hiểu được những sự thay đổi là tất yếu, chấp nhận được nhiều điều hơn về bản thân và cũng biết cách yêu quý bản thân nhiều hơn.
Nếu để nói điều gì đó về nghề nghiệp tương lai hay cuộc sống mai sau, bản thân tôi sẵn sàng cởi mở đón nhận mọi thứ, cũng như chính con người tôi trước đây, ngay bây giờ. Tôi không khuôn mình vào bất kỳ công việc hay lựa chọn bắt buộc nào trong tương lai, hình ảnh bản thân mà tôi vẽ về chính mình là một đám mây có hai đôi cánh nhỏ: cánh sẽ giúp tôi bay đến nơi mà tôi thích, những lúc mệt mỏi tôi vẫn có thể xếp cánh lại để nhờ gió đưa mình đi dạo đâu đó. Tôi nghĩ thật may mắn nếu sau tốt nghiệp, tôi được làm đúng vị trí tham vấn học đường với số lương vừa đủ để chăm lo cho bản thân và gia đình. Nhưng nếu may mắn không đến thì tôi sẽ không vì thế mà dừng lại, bởi vì tôi nghĩ rằng chỉ cần dũng cảm bước đi, nhiều điều mới mẻ sẽ lại mở ra. Định hướng về lâu dài của tôi liên quan đến ngành tâm lý là có thể sang Pháp để học lên Thạc sĩ và Tiến sĩ. Còn về cuộc sống mai sau, tôi sẽ xây dựng một gia đình nhỏ hạnh phúc, chăm lo cho gia đình lớn của tôi, dành thời gian cho bạn bè thân mà tôi yêu quý, viết sách và chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ có cùng hướng đi, sống chân thành với mọi thứ trong cuộc đời.
Nội dung báo cáo ca tham vấn học đường:
Bối cảnh ca: 
Tôi gặp thân chủ vào tuần thứ 4 thực tập tại cơ sở, thân chủ đã tìm đến phòng Tư vấn tâm lý học đường tổng cộng 3 lần trước khi bắt đầu tham vấn chính thức, tuy nhiên, trong 2 lần đầu đều không có người trực tại phòng. Lần đầu thân chủ đến tìm cách khoảng 2 tuần, lần thứ 2 là xảy ra vào một buổi sáng trong tuần thứ 4 mà tôi thực tập (hôm đó tôi trực vào buổi chiều). Chiều tôi đến trực thì được hướng dẫn tại cơ sở thực tập thông báo rằng: “Em đã sẵn sàng nhận ca chưa, sáng nay có một cậu bé đến nhưng sáng chị không có ở đây để nhận ca, có thể rằng chiều nay cậu bé sẽ quay lại.” Buổi chiều đó cậu bé quay lại, qua 5 phút trò chuyện thì hướng dẫn cơ sở giới thiệu tôi với cậu bé và hỏi rằng cậu bé có đồng ý để tôi trở thành tham vấn viên cho cậu không. Sau vài phút ngập ngừng và suy nghĩ, cậu bé đã đồng ý và hẹn lịch gặp buổi đầu tiên vào tuần sau. Lúc đó tôi thật sự đã cảm thấy rất vui.
Trường phái lý thuyết áp dụng: Liệu pháp Thân chủ trọng tâm của Carl Rogers.
Triết lý của việc trị liệu là niềm tin rằng chính thân chủ sẽ “chữa lành” bản thân họ và tạo nên sự tăng trưởng bản ngã của chính họ (trích “Tài liệu huấn luyện của Câu lạc bộ Trăng non”)
Phương pháp can thiệp đề xuất:
Thiết lập một mối quan hệ trị liệu tốt.
Cùng hiện diện với thân chủ.
Chấp nhận thân chủ như là chính họ.
Sự phản ảnh.
Các kỹ thuật tham vấn: Ghi nhận, Phản hổi ý nghĩa và giải thích, Quan sát, Tự bộc lộ, Cung cấp thông tin, Phản hồi, Hệ quả hợp lý, Chỉ dẫn.
Ý nghĩa của ca đối với bản thân và chuyên môn sau này:
Dường như tôi thấy tôi trong thân chủ của vài năm trước đây, khi tôi cũng gặp những khó khăn trong việc ra quyết định, nên lựa chọn những điều như thế nào là tốt cho bản thân, với những lựa chọn này, tôi có đánh mất điều gì không? Đi với thân chủ trọn vẹn trong 6 buổi làm việc giúp tôi phần nào tự tin ở bản thân hơn với sự lựa chọn nghề nghiệp này. Mặc dù lắng nghe những khó khăn về tâm lý của thân chủ nhưng nó không quá làm tôi thấy áp lực hay căng thẳng, tôi cảm thấy bản thân nhận được nhiều thứ khi nhận ra nỗ lực của em trong con đường đi tìm chính mình. Sau này, có lẽ ở mỗi thân chủ, tôi sẽ đều nhận được một điều gì đó đến từ tâm hồn đẹp đẽ của họ.
Lý do lựa chọn trường phái lý thuyết:
Từ bản thân tôi: Tôi luôn có một mong muốn rằng mọi người xung quanh sẽ chấp nhận tôi như là chính tôi mà không phải ai khác. Đó là điều đã gắn bó tôi mãnh liệt với trường phái lý thuyết Thân chủ trọng tâm. Niềm tin của tôi hướng về triết thuyết trị liệu này, chính vì thế, tôi nghĩ rằng lựa chọn này là đúng đắn và phù hợp với tôi.
Từ thân chủ: Sau buổi gặp đầu tiên, tôi nhận thấy những nỗi lo sợ của em trong việc nên lựa chọn như thế nào là “tốt”. Có lẽ em vẫn chưa đủ niềm tin dành cho chính mình, tôi nghĩ rằng với Thân chủ trọng tâm, tôi có thể chấp nhận em như chính em là để củng cố niềm tin về bản thân trong em.
Tổng quan về khung lý thuyết mang tính định hướng cho việc hình thành ca tham vấn học đường:
Khung lý thuyết Thân chủ trọng tâm:
  • Bản thân: 
Đây là thành phần trọng tâm trong việc hình thành nhân cách. Khi vừa sinh ra, khái niệm về bản thân của đứa trẻ rất ít nhưng theo thời gian nó lớn dần và được thể hiện bởi niềm tin của cá nhân dành cho chính mình. Bản thân bao gồm hai phần: Hình ảnh bản thân và Bản thân lý tưởng. Khi kinh nghiệm thực tế xảy đến, mỗi cá nhân sẽ có sự so sánh giữa những kinh nghiệm này và “hình ảnh bản thân”, “bản thân lý tưởng” để xem xét chúng tương đồng hay không tương đồng. Đồng thời, tương đồng hay không còn phụ thuộc vào sự quan tâm tích cực vô điều kiện hay có điều kiện mà cá nhân nhận được từ những người xung quanh. Tôi tin rằng nếu sự tương đồng xảy ra sẽ củng cố thêm niềm tin của cá nhân vào bản thân. Còn nếu sự không tương đồng xảy ra thì nó sẽ là cơ hội cho sự trưởng thành tâm lý của cá nhân. Với niềm tin này, trong buổi trị liệu tôi có thể tìm hiểu xem thân chủ tương đồng hay không tương đồng giữa bản thân và kinh nghiệm, để từ đó tìm ra các góc nhìn ẩn khuất cũng như nguồn lực tự thân của thân chủ.
  • Xu hướng hiện thực hóa và hiện thực hóa bản thân:
Khái niệm này được hiểu là “sự thành toàn mọi tiềm năng của bản thân” và nó được hình thành thông qua tiến trình lượng giá bản thân. Quá trình này giúp cá nhân hiểu được kinh nghiệm nào phù hợp và không phù hợp với sự tăng trưởng bản thân để từ đó thành toàn chức năng nhân vị.
Khi hiện thực hóa bản thân, tôi chấp nhận được con người của chính tôi, không vì các tác động nhận xét từ môi trường bên ngoài mà chính tôi mất đi. Cũng chính từ khái niệm này, tôi nghĩ tôi có thể giúp thân chủ chấp nhận con người của chính họ với những đặc điểm: cởi mở và tiếp nhận trải nghiệm, tin tưởng vào bản thân, có lối sống hiện sinh, hòa hợp với người khác, trải nghiệm tự do, sáng tạo, thống hợp.
Rào cản hình thành nhân cách lành mạnh:
Điều kiện để được chấp nhận
Bất tương đồng (Dễ bị tổn thương, Sự lo âu và đe dọa)
Phòng thủ
Tình trạng thiếu tổ chức
Một số liên hệ giữa khung lý thuyết và ca tham vấn hiện hành:
Liên hệ thứ 1: Thân chủ là người quan tâm đến ấn tượng đầu tiên mà người khác có về mình, thân chủ mong muốn có thể có một hình ảnh đầu thật tốt đẹp, tuy nhiên, việc duy trì hình ảnh đó về lâu về dài với thân chủ là quá khó khăn. Giữa kinh nghiệm cá nhân và niềm tin về bản thân của thân chủ đang xuất hiện sự bất tương đồng.
Liên hệ thứ 2: Thân chủ nhận thấy mình là người quá sức tỉ mỉ (ví dụ như kiểm tra hình học thì dành gần nửa thời gian chỉ để vẽ hình sao cho thật đẹp làm ảnh hưởng không tốt đến kết quả bài kiểm tra). Điều này gây ra mâu thuẫn trong em, một phần em mong muốn chỉnh chu mọi thứ, nhưng một phần khác là sự chỉnh chu này không được giáo viên công nhận vì giáo viên căn cứ vào kết quả của bài toán để cho điểm. Kết quả chính xác của bài toán là một điều kiện để thân chủ được chấp nhận, thế nhưng thân chủ đã không lựa chọn việc cố gắng suy nghĩ giải toán thật nhanh mà đã hành động theo mong muốn của chính em là: vẽ một bài hình thật đẹp.
Liên hệ thứ 3: Thân chủ sợ bị đánh giá và chê trách. Điều này giúp tôi đưa ra giả thuyết rằng thân chủ đang không chấp nhận toản bộ bản thân, chưa thật sự tin tưởng vào bản thân. Một giả thuyết khác đặt ra rằng có thể thân chủ đã trải nghiệm sự quan tâm tích cực có điều kiện trong quá trình lớn lên tại gia đình.
Trình bày ca:
Thông tin cơ bản của thân chủ:
Họ tên thân chủ: H.
Nơi sống hiện nay: Thành phố Hồ Chí Minh
Năm sinh: 2001 (16 tuổi)
Giới tính: Nam
Học sinh lớp 11 tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Quận 5)
Tôn giáo: Không có thông tin
Gia đình: Gồm ba (công nhân viên chức Nhà nước), mẹ (nhân viên văn phòng) và em trai (7 tuổi, có dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ, đang theo học lớp 2).
Lý do đến với tham vấn viên:
H. tự tìm đến tham vấn viên với lý do ban đầu liên quan đến việc bị từ chối khi tỏ tình với cô bạn mà H. thích. Đây là lần thứ 2 H. tỏ tình với cô bạn này và đều nhận lời từ chối. H. cảm thấy việc này cứ ngập tràn trong suy nghĩ và ám ảnh em.
Những quan sát biểu hiện ban đầu:
H. đến bằng xe đạp nên lúc nào cũng đổ rất nhiều mồ hôi, dùng khăn ướt mang theo để lau mồ hôi trước mỗi buổi trò chuyện, buổi đầu tiên H. đến trễ 15 phút, buổi thứ 2 đến đúng giờ nhưng sau đó em bị đau bụng phải ra ngoài, từ buổi thứ 3 trở đi đến đúng giờ. Cách kể chuyện rất tự do, không đi theo một chủ đề cố định nào, dễ dàng chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác.
Lịch sử ca: Trước đây H. chưa từng đi tham vấn tâm lý.
Tóm tắt phỏng vấn trò chuyện lâm sàng:
Mục tiêu chung: Thiết lập mối quan hệ tham vấn trị liệu tốt, lắng nghe những khó khăn về tâm lý của thân chủ, ghi nhận và nâng đỡ thân chủ.
Buổi 1
Mục tiêu: Thiết lập mối quan hệ với thân chủ. Tìm hiểu lý do thân chủ đến. Tìm hiểu mong đợi và nguồn lực của thân chủ.
Kết quả đạt được: Bước đầu thiết lập tốt mối quan hệ với thân chủ, thân chủ cởi mở trò chuyện. Tìm ra được lý do ban đầu làm cho thân chủ tìm đến Phòng. Mong đợi của thân chủ: Có người yêu, tìm sự ấm áp. Nguồn lực: Bản thân.
Vấn đề mở ra trong buổi trò chuyện:
  • Quá chú trọng đến hình ảnh ban đầu của mình với mọi người.
  • Khi có một tình huống xảy đến, trong đầu H. bắt đầu phân tích và nảy ra nhiều kết quả khác nhau cho mỗi hành động khác nhau của em. Mặc dù đã suy nghĩ rất nhiều cách nhưng em vẫn không thể nào kiểm soát được những điều bất ngờ xảy đến.
  • H. chú trọng đến những đánh giá của người khác về mình.
Phản hồi cuối buổi của thân chủ: Em nói rằng thật thoải mái khi có một nơi để chia sẽ những điều mà mình không nói được với ai. Hẹn gặp buổi tiếp theo và mong đợi được trò chuyện trong một không gian thoải mái hơn (do buổi 1 có sự giám sát của hướng dẫn tại cơ sở, H. cảm thấy không thoải mái).
Buổi 2
Phản hồi đầu buổi của thân chủ: Em không còn bị ám ảnh bởi việc bị bạn gái từ chối nhưng em bị mất động lực học tập thay vào đó. Em muốn gặp tại một không gian thoải mái hơn như quán cà phê là vì mong muốn có cuộc nói chuyện 1 – 1, không có sự tham gia của người khác.
Mục tiêu: Làm rõ vấn đề đề “ấn tượng về hình ảnh bản thân” với thân chủ. Giúp thân chủ hiểu các ấn tượng ban đầu rất dễ là các miếng dán được xã hội hay người thân dán lên chính em chứ không phải là con người thật của em. (Cách thức: Yêu cầu thân chủ tưởng tượng hình ảnh về một người thân thiết xung quanh em. Người này đang bị những người xung quanh dán lên các miếng dán ví dụ như: Vui tính, ngoan ngoãn, học giỏi… Đặt câu hỏi cho thân chủ: Người thân thiết với em là người mang những miếng dán hay là người đằng sau miếng dán, nếu được chọn lựa thì em sẽ làm gì với các miếng dán đó?). Tìm hiểu các nguyên nhân gây mất động lực học tập ở thân chủ, lắng nghe và nâng đỡ thân chủ.
Các nội dung khác:
Thân chủ chia sẻ về “mác” Lê Hồng Phong, điều đó làm em không thể lựa chọn con đường tương lai theo ý muốn của em. Mọi người xung quanh luôn cho rằng học trường Lê Hồng Phong là phải thi đại học top, là phải du học, không nên thi vào các trường tầm thường.
Thân chủ lo sợ khi chọn vào một ngôi trường tầm thường thì bạn bè xung quanh em không ai có lựa chọn giống em, khi học tại đó, sẽ không có gương mặt nào thân quen với em.
Thân chủ đặt ra vấn đề nếu như cứ nổ lực cả đời mà không thành công thì sẽ như thế nào?
  • Tôi lắng nghe em, phản hồi các cảm xúc trong em, ghi nhận nỗ lực tìm câu trả lời cho các vấn đề của em.
Kết quả: Cảm thấy thoải mái khi được chia sẻ. Xuất hiện các khoảng lặng khi phản hồi cảm xúc và nội dung với thân chủ. Hẹn lịch buổi 3.
Buổi 3
Phản hồi đầu buổi của thân chủ: Bị từ chối gặp mặt bởi một bạn nữ học chung hồi cấp 2, dù biết bạn nữ đó sẽ từ chối nhưng thân chủ vẫn quyết tâm liên lạc, nhưng rồi sự thật là bị từ chối.
Phản hồi của tôi sau 2 buổi làm việc:
  • Liệu có phải em đến đây là do chúng ta đã hẹn trước chứ không phải đến từ mong muốn của em không?
Thân chủ: Dạ có, tuy nhiên em cảm thấy việc đến đây như chơi 1 cái game mà nếu không bị ép chơi thì không biết được rằng game này hay.
Mục tiêu: Làm rõ lại mong đợi của thân chủ khi đến đây.
Nội dung quan trọng khác:
Thân chủ đặt câu hỏi về tham vấn tâm lý là gì? Hỏi rằng trong quá trình tôi lắng nghe thì tôi có đánh giá thân chủ không?
  • Thân chủ bắt đầu tin tưởng tôi hơn cũng như tin tưởng vào việc tham vấn nhiều hơn, mối quan hệ tham vấn trị liệu trở nên tốt hơn. (Tôi đã trả lời thân chủ rằng tôi có các đánh giá riêng về em, việc đánh giá này được tôi mong đợi để hỗ trợ cho em).
Kết quả: Thân chủ mong muốn có thể giảm việc bắt buộc phải suy nghĩ đến một vấn đề nào đó. Những vấn đề làm thân chủ suy nghĩ đều làm thân chủ tốn nhiều thời gian mà nhiều khi không hiệu quả. Giảm điều này đi để không ảnh hưởng đến cuộc sống của thân chủ.
Buổi 4
Câu chuyện đầu buổi của thân chủ: Em bị một bạn đá trúng mắt, em đau nhưng chịu đựng được. Sau đó bạn bè đưa em lên phòng y tế, nhìn thấy sự quan tâm của mọi người, tự dưng em khóc. Em biết rõ rằng mình khóc vì cảm động chứ không phải vì đau. Em sẽ rất ngại nếu nói điều này ra với mấy bạn. Em sợ các bạn bảo em sến, không nghiêm túc lắng nghe em.
Tôi làm rõ câu chuyện này với thân chủ bằng cách “sắm vai”: Tôi là H. còn H. sẽ vào vai bạn bè của em.
Tôi nói: Tui cảm động nên tui khóc, vì thấy mấy ông quan tâm đến tui.
Tôi hỏi H. nếu em là bạn bè của em khi nghe câu này thì em cảm thấy như thế nào? H. trả lời rằng khi nghe vậy trong lòng em hiểu nhưng em sợ những người khác cũng sẽ nghe thấy thì thật ngại.
Tôi phản hồi rằng: Có khả năng bạn bè em cũng đã nghĩ vậy.
Sau đó tôi hỏi em về mong đợi của em trong hôm nay khi gặp tôi, em đã trả lời rằng muốn hiểu thêm về cách ứng xử của em. Sau đó tôi đề nghị cùng em trò chuyện về gia đình em để có thể giúp em hiểu về cách thức ứng xử của em. (Đây trở thành mục tiêu trong buổi 4).
Kết quả: Em hiểu được rằng cách thức ứng xử của em hiện tại được xuất phát từ gia đình. Sau đó, em mong đợi rằng tôi có thể giúp em hướng nghiệp và mong muốn chia sẻ với tôi về câu chuyện tình cảm của em. Tôi hẹn trao đổi những vấn đề này với em vào buổi sau.
Buổi 5
Phản hồi của tôi sau 4 buổi: Tôi làm rõ với em về khung thời gian làm việc do các buổi trước tôi với em cùng gặp một vấn đề là đều bị trễ 30 phút. Đặt khung thời gian sẽ giúp em và tôi tạo các giới hạn và không phụ thuộc lẫn nhau. Em đồng ý.
Mục tiêu: Lắng nghe câu chuyện tình cảm của em. Giúp em hiểu về hướng nghiệp và việc lựa chọn các công việc trong tương lai.
Phản hồi đầu buổi: H. không nhớ rằng em mong muốn trao đổi về chuyện tình cảm của em. (Tôi đã hỏi lại rằng em còn muốn chia sẻ về nó không thì em đồng ý).
Kết quả: Giúp em hiểu được rằng chuyện tình cảm khi đang học cấp 3 không phải là điều không tốt như gia đình hay dặn dò em. Tôi đưa ra hình ảnh H. khi 30 tuổi với “công việc” và “gia đình” tương ứng với H. hiện tại với “việc học” và “tình cảm đầu đời”. Đồng thời, trả lời các thắc mắc về việc hướng nghiệp cho em.
Tôi đề xuất việc làm trắc nghiệm Holland trong buổi gặp sau. Em đồng ý.
Buổi 6
Tôi bắt đầu với việc nói với em rằng hôm nay là buổi tham vấn cuối cùng, lý do là một phần tôi nhận thấy em đã ổn hơn trước nhiều, một phần là do tôi cũng đã kết thúc thực tập tại đây được một tuần. Vì thế hôm nay có thể sẽ kéo dài do vừa làm trắc nghiệm Holland vừa lượng giá tiến trình.
Mục tiêu: Thực hiện trắc nghiệm Holland. Lượng giá tiến trình tham vấn.
Kết quả: Hoàn thành Holland, kết quả phù hợp với lựa chọn chủ quan ban đầu của em trước khi làm. Lượng giá được những điều mà em và tôi đã trải qua trong 6 buổi đồng hành.Tôi nhận được lời cám ơn từ em. Em cám ơn tôi vì tôi chấp nhận con người của em.
(*) Sau đó vài ngày, tôi gửi cho em một email mang tên “Kết thúc tiến trình tham vấn” (do tôi với em cũng có trao đổi về lịch hẹn qua email từ trước) với mong muốn có “mở” (buổi 1) thì cũng sẽ có “đóng” (do buổi 6 thời gian kéo dài do làm test nên tôi chưa kịp thời gian hoàn thành vấn đề này).
Trắc nghiệm tâm lý:
Trắc nghiệm sở thích Holland, thực hiện vào buổi cuối gặp thân chủ, mục đích nhằm hỗ trợ thân chủ tìm ra môi trường phù hợp với sở thích để định hướng nghề nghiệp.
  • Ngày thực hiện: Buổi 6 (27.04.2018)
  • Lý do lựa chọn công cụ: Đến từ mong muốn được hướng nghiệp của thân chủ.
  • Cảm xúc của thân chủ: Hài lòng với kết quả.
  • Chuẩn đoán xác định vấn đề, khó khăn của thân chủ:
Em chưa được mọi người xung quanh chấp nhận em như chính con người em. Với độ tuổi của H., em còn đang chịu sự bảo bọc và che chở từ gia đình. Chính sự bảo bọc và che chở tạo thành một H. không phải là H. Trong H. là sự khao khát mong đợi một sự chấp nhận yêu thương vô điều kiện từ một ai đó (mong muốn tình cảm, sự ấm áp). H. lo lắng về hình ảnh bản thân, lo sợ sự không tương hợp xảy ra với những trải nghiệm của em. Dẫn đến niềm tin đối với bản thân của em bị lung lay, em khó khăn khi lựa chọn những quyết định, vì không thật sự biết được điều gì là tốt cho chính mình. H. đang trong tiến trình xây dựng niềm tin về bản thân. Tôi nghĩ rằng em đang đi tìm kiếm bản thân em trong suốt tiến trình làm việc với tôi.
Can thiệp hoặc dự định can thiệp:
Kế hoạch tham vấn – can thiệp: 
1, Thiết lập một mối quan hệ trị liệu tốt:  Tạo dựng niềm tin ở thân chủ để thân chủ có thể mở lòng và chia sẻ những khó khăn bên trong của mình. Thân chủ trọng tâm cho rằng đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc can thiệp tham vấn trị liệu cho thân chủ.
2, Cùng hiện diện với thân chủ: Trò chuyện, lắng nghe theo câu chuyện mà thân chủ mang đến, kết hợp với kỹ thuật chú tâm, phản hồi cảm xúc và nội dung. Đáp ứng một cách tự nhiên và có tính trị liệu về tất cả những gì đang xảy ra giữa tham vấn viên và thân chủ ngay tại thời khác ấy.
3, Chấp nhận thân chủ như là chính họ: Giúp cho thân chủ tin vào chính mình, tự xây dựng được niềm tin dành cho bản thân, hạn chế gặp các khó khăn khi có sự không tương đồng xảy ra.
4, Sự phản ảnh: Thể hiện sự cố gắng thấu hiểu những gì thân chủ đang trải nghiệm và đang nhắc đến trong buổi trò chuyện.
5, Kết hợp cùng các kỹ thuật tham vấn: Ghi nhận, Phản hổi ý nghĩa và giải thích, Quan sát, Tự bộc lộ, Cung cấp thông tin, Phản hồi, Hệ quả hợp lý, Chỉ dẫn.
Lượng giá tiến trình tham vấn, can thiệp:
Đối với tôi: Đạt được mục tiêu chung đặt ra ban đầu gồm: Thiết lập mối quan hệ tham vấn trị liệu tốt với thân chủ, lắng nghe, ghi nhận và nâng đỡ thân chủ.
Đối với thân chủ: Từng bước trở nên cởi mở hơn và chấp nhận chính bản thân nhiều hơn. Từ những ngày đầu thân chủ đến trễ cho đến những ngày sau thân chủ luôn đến đúng giờ. Các ám ảnh và mất động lực trong thân chủ cũng giảm đi khi được nói ra câu chuyện của mình và được lắng nghe. Thân chủ tìm ra được những câu trả lời cho riêng mình về những lựa chọn (điều mà trước khi tham vấn là một vấn đề vô cùng khó khăn với thân chủ).
Bàn luận:
Thuận lợi:
Tôi dễ dàng thiết lập mối tương quan trị liệu với thân chủ trong buổi gặp đầu tiên. Chính điều này đã giúp tôi có thể cùng đồng hành suốt tiến trình 6 buổi cùng thân chủ. Tôi nghĩ rằng thuận lợi quan trọng nhất là tôi có niềm tin dành cho bản thân, chấp nhận được các khía cạnh khác nhau bên trong con người tôi. Trước đây, để có thể chấp nhận được bản thân với hiện tại như thế này, cá nhân tôi cũng đã đi qua một tiến trình của chính bản thân mình. Chính điều đó tạo ra nguồn lực thúc đẩy tôi đến với công việc tham vấn trị liệu tâm lý, đặt niềm tin vô cùng sâu sắc với triết thuyết trị liệu mà tôi đã lựa chọn là “Thân chủ trọng tâm”.
Khó khăn:
Tôi gặp khó khăn với việc duy trì khung thời gian gặp thân chủ, 5/6 buổi làm việc với thân chủ tôi đã vượt khung. Điều này quả là khó khăn với tôi, dường như trong khoảng thời gian đồng hành cùng thân chủ, tôi không biết rõ được đâu sẽ là cảm giác “vừa đủ để dừng lại” với thân chủ và cả với tôi. Chính vì thế đã tạo nên sự thiếu dứt khoát cho mỗi lần kết ca.
Mặc dù sau khi trao đổi cùng hướng dẫn tại cơ sở cũng như hướng dẫn thực tập, tôi cũng đã tìm ra được phương thức giải quyết cho vấn đề này (bằng cách sử dụng chuông hẹn giờ), tuy nhiên tôi vẫn thấy đây là một vấn đề của chính tôi. Thật khó với tôi khi từ chối lời đề nghị giúp đỡ từ một người nào đó. Chính sự khó từ chối này đã nhiều lần làm cho bản thân tôi kiệt sức.
Suy tư tồn đọng:
Chính nhờ trải nghiệm đến từ ca tham vấn học đường này đã hỗ trợ cho bản thân tôi rất nhiều. Hiểu được thuận lợi và khó khăn của bản thân trong công việc giúp tôi biết cách phát huy điều gì và hạn chế điều gì trong những lần gặp với thân chủ cũng như trong các mối quan hệ trong cuộc sống hằng ngày. Sau ca thực tập này, sự dứt khoát từ chối của tôi đã được củng cố nhiều hơn, làm cho cuộc sống của tôi trở nên thoải mái hơn rất nhiều. Vào buổi gặp thứ 6 cũng là buổi gặp cuối, sau khi chào tạm biệt H. và tiễn em ra cười, tôi vui với lời cám ơn đã nhận được nhưng bất ngờ khi thấy H. quay lại. Em hỏi tôi rằng: “Em và chị có thể gặp nhau sau này không? Ở đâu đó như quán cà phê chẳng hạn? Để trò chuyện thôi.” Cũng do quá bất ngờ nên tôi trả lời với em rằng: “Theo nguyên tắc nghề, chị không được gặp em bên ngoài với các mối quan hệ khác quan hệ thân chủ và tham vấn viên. Thế nhưng, nếu có khó khăn gì thì em có thể gửi email cho chị nhé!”. Sau đó tôi và H. chào nhau lần thứ 2. Sau đó, cảm giác buồn trong tôi dâng lên, dường như mình vừa từ chối một người bạn dễ thương (tôi thầm nghĩ vậy). Bản thân tôi cũng tự hỏi rằng: Liệu các tham vấn viên tâm lý có thể trở thành những người bạn bình thường với thân chủ của mình hay không?
PHỤ LỤC
Trắc nghiệm Holland Kết quả H. đạt được là:
  • Nhóm 3 : Nghệ thuật (điểm cao nhất)
  • Nhóm 1 : Kỹ thuật và Nhóm 2 : Nghiên cứu (bằng điểm xếp thứ 2)
Kết quả chủ quan ban đầu của H. ưu tiên Nhóm 3 rồi đến Nhóm 2. Làm rõ với thân chủ kết quả bài test này sẽ đúng vào ngay khung thời gian thân chủ làm test và có thể sẽ thay đổi sau này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến và Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Thu, Giáo trình đại cương tâm lý trị liệu (Tài liệu huấn luyện của Câu lạc bộ Trăng Non), 2015.
Carl Rogers (Tiến sĩ Tô Thị Ánh và Vũ Trọng Ứng dịch), Tiến trình thành nhân, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
Tiến sĩ Trì Thị Minh Thúy, Slide bài giảng Tâm lý học Nhân cách – Thân chủ trọng tâm, 2016.