Không dám chắc câu chuyện này có gây cười với người khác hay không, có thể không vì nó sẽ nhạt với một số người. Nhưng chắc chắn với những người chép sử Nga thời đầu hoàn toàn nghiêm túc với câu chuyện này. Họ đã chép nó rất kỹ càng trong Biên niên sử Sơ khởi (Начальная летопись) - tài liệu tới nay được coi là ghi chép sớm và đầy đủ nhất về quãng lịch sử đầu của Kiev Rus, cũng có thể xem là lịch sử sơ khởi nước Nga. Nói tóm tắt, thì lịch sử Nga và Đông Âu nói chung hình thành khá muộn, mãi tới thế kỷ thứ 9 các bộ lạc người Rus vẫn chưa hình thành nhà nước. Phải tới năm 862 vua Rurik của người Viking mới được mời tới để lãnh đạo các bộ lạc Rus, sau con cháu vua Rurik dời về Kiev, hình thành nên Kiev Rus nổi tiếng.
Đã muộn như vậy nhưng cũng phải tới 250 năm sau, khoảng đầu thế kỷ 12 Kiev Rus mới có bộ tài liệu đầy đủ đầu tiên chép lại những sự kiện đã qua, đó chính là cuốn Biên niên sử Sơ khởi (Начальная летопись). Trong những dòng chữ đầu tiên bắt đầu cuốn sách, các giáo sĩ Kiev có viết "cuốn sách này kể về chuyện của những năm đã qua", do vậy trong cách nói thông thường của dân gian Nga cuốn Biên niên sử Sơ khởi đôi khi còn được gọi gần gũi là cuốn "Chuyện những năm đã qua" (Повесть временных лет).
Thành ra lịch sử Nga trước thế kỷ 12 có những câu chuyện rất chi là bí ẩn, huyền ảo, thậm chí đôi lúc khá buồn cười!
Một ấn phẩm "Biên niên sử Sơ khởi"/"Chuyện những năm đã qua" - Biên niên sử đầu tiên của Nga
Một ấn phẩm "Biên niên sử Sơ khởi"/"Chuyện những năm đã qua" - Biên niên sử đầu tiên của Nga

*Chuyện Vladimir Đại đế chọn đạo và nguồn gốc nghiện rượu của Nga

Trong biên niên sử sơ khởi, có một câu chuyện chép thế này. Đầu tiên nó chép năm 1074, có một giáo sĩ tên Jeremy (Еремия) kể lại cho con dân tín đồ nghe về câu chuyện xưa kia, lúc Vladimir Đại Đế bắt đầu chọn tôn giáo cho con dân Kiev. Sau đó lời kể của Biên niên sử ngược về năm 988, nơi việc chọn đạo diễn ra.
Chuyện bắt đầu từ năm 986, khi ấy Đại vương công của Kiev Rus là Vladimir Svyatoslavich - người đời sau này gọi là Vladimir Đại Đế - bắt đầu xem xét việc chọn một tôn giáo phù hợp để áp dụng cho toàn bộ đất nước. Khi ấy, lãnh thổ Kiev Rus khá rộng lớn, trải khắp Đông Âu nhưng không có tôn giáo thống nhất. Phần lớn các nơi, cư dân người Rus theo thuyết vật linh, hoặc "tà giáo" Slav cổ, ở các vùng xa xôi viễn Bắc như Novgorod còn theo tôn giáo cổ đại của người Viking,... Mỗi địa phương có truyền thống khác nhau nên việc cai trị gặp nhiều khó khăn.
Khốn nỗi, việc chọn một tôn giáo lúc đó cũng không phải dễ dàng trong trường hợp của Kiev Rus. Một nguyên nhân là Kiev Rus lúc đó nằm ở vị trí giao nhau giữa nhiều tôn giáo. Chẳng hạn, phía Tây có công giáo La Mã do người Đức. Ban Lan truyền tới, phía Đông có Hồi giáo từ Volga Bulgar hay đạo Do Thái của người Khazar lưu vong, phía Nam có Chính thống giáo Hy Lạp ở Đông La Mã,... Các địa phương phía Bắc như đã nói ở trên, vẫn duy trì tín ngưỡng cổ xưa của người Rus và Viking.
Vladimir Đại Đế - người chọn Quốc giáo cho Kiev Rus
Vladimir Đại Đế - người chọn Quốc giáo cho Kiev Rus
Bản đồ Đông Âu khoảng thế kỷ 11-12, thể hiện Kiev Rus (Rus States) và các láng giềng.
Bản đồ Đông Âu khoảng thế kỷ 11-12, thể hiện Kiev Rus (Rus States) và các láng giềng.
Thành ra, trước khi quyết định chọn một tôn giáo làm quốc giáo, Vladimir Đại Đế đã bày ra một cuộc "thử thách đức tin" (испытание вер). Đại khái, ông cho phép các sứ thần của các tôn giáo khác nhau tới Kiev để thuyết giảng về các tôn giáo của mình cho Vladimir Đại đế cùng quần thần nghe. Sau khi nghe hết những thuyết giảng về các tôn giáo, triều đình Kiev Rus sẽ chọn ra tôn giáo phù hợp nhất.
Chuyện bắt đầu như sau: đầu tiên các sứ giả đạo Hồi từ Volga Bulga đến, và có vẻ họ có khả năng thành công cao nhất. Sứ giả Hồi giáo của Volga Bulgar đã giới thiệu cho Vladimir Đại Đế về những vùng đất giàu có của Hồi giáo, nơi người dân sống sung túc vui sướng, về những đoàn buôn dài đằng đẵng với hàng vạn con lạc đà, về những tấm thảm báu hay những câu chuyện cổ tích xứ Arab,... nghe chừng rất bùi tai. Ngoài ra có lẽ cũng có kể về việc Hồi giáo cho phép lấy nhiều vợ :))))
Tuy nhiên, khi Vladimir hỏi sứ giả Hồi giáo về các thú vui giải trí, thì sứ giả Bulgar tiết lộ rằng đạo Hồi cấm uống rượu. Vậy là Vladimir mắng một câu vỏn vẹn 4 chữ nhưng đã đi vào lịch sử Nga:
"Руси есть веселие пити!" (người Rus chỉ thích uống rượu!).
Hoặc một dị bản dài hơn được chép trong các tác phẩm khác sau này:
"Руси есть веселие пити, не может без него быти!" (người Rus chỉ thích uống rượu, không thể sống thiếu nó!)
Và do đó, Vladimir từ chối chọn Hồi giáo làm quốc giáo cho Kiev Rus bất chấp những lời lẽ rất thuyết phục trước đó của sứ thần Volga Bulgar.
Đến lượt các nhà truyền giáo Đức từ phía Tây đến khuyên Vladimir của Kiev theo Công giáo La Mã. Đoạn này xin lỗi là mình đọc bao nhiêu lần vẫn thấy tối nghĩa, không hiểu được. Đại ý là sứ thần Đức khuyên Vladimir Đại đế chuyện gì đó liên quan tới nên ăn uống tiết kiệm. Họ bảo rằng nếu người ta có được đồ ăn thức uống thì đó là do ơn ban của Chúa Trời, phải hết sức biết ơn. Cuối cùng Vladimir Đại Đế cho họ về và không nhận Đạo, nói với họ rằng "Идите, откуда пришли, ибо и отцы наши не приняли этого" (các ngài hãy về nhà đi, cả Cha ông chúng tôi cũng khó chấp nhận điều đó).
Đoạn tiếp là chuyện sứ thần đạo Do Thái của người Khazar tới khuyên Vladimir Đại đế theo đạo Do Thái. Nhắc qua một chút thì người Khazar là một dân tộc bán du mục trong lịch sử, có nguồn gốc từ vùng núi Kavkaz. Vào cuối thế kỷ thứ 10, người Khazar liên tục bị các láng giềng gồm cả Kiev Rus hay Đông La Mã tấn công, đồng thời bị người du mục từ Đại Thảo nguyên Âu-Á tràn sang cướp phá nên phải bỏ quê hương Kavkaz đi lưu vong. Người Khazar trong một số tranh luận thường được cho là tổ tiên của đạo Do Thái, nên những người theo chủ nghĩa chống Do Thái đòi hỏi trục xuất nước Israel về vùng Kavkaz thay vì ở đất của người Arab như hiện tại.Tạm thời lúc người Khazar thuyết giảng cho Vladimir Đại đế thì không có vấn đề gì với đạo. Nhưng khi Vladimir hỏi sứ thần người Khazar: "Đất quê hương các ngài đang ở đâu?" thì lúc này sứ Khazar phải thừa nhận rằng họ đã bị các dân tộc du mục khác đánh đuổi khỏi quê hương, phải lang bạt biệt xứ. Do vậy Vladimir dù rất thương cảm cho dân tộc này, nhưng vẫn cho rằng người Khazar cùng tôn giáo của họ đã bị Chúa bỏ rời. Thế là Vladimir quyết định không chọn đạo Do Thái.
Đến màn cuối cùng, một triết gia thông thái từ Byzantine (Đông La Mã) đến giảng đạo, khuyên Vladimir cứ theo "đạo Cơ đốc" (lúc này trong sách vở vẫn cứ gọi vậy). Chúng ta hiểu ở đây đạo Cơ đốc của Byzantine là Cơ đốc giáo của Hy Lạp, sau này người Nga gọi là Chính thống giáo, khác với Cơ đốc giáo La Mã của Roma. Tạm thời lúc đó thì Vladimir vẫn chưa quyết định vội, nhưng được nghe nói rằng xứ kinh thành Constantinople của Đông La Mã rất giàu có văn minh, Vladimir cử một số sứ thần đi thăm Constantinople và một số đất Hy Lạp khác. Khi các sứ thần trở về Kiev, họ ca ngợi hết lời các vùng đất đó, và vì vậy Vladimir Đại Đế quyết định theo Cơ đốc giáo của người Hy Lạp - sau trở thành Chính thống giáo của người Nga hiện nay!
Tới năm 988, Vladimir Đại Đế nhận lễ rửa tội từ Constantinople và rửa tội cho con dân thành Kiev. Trong nhiều năm tiếp theo các giáo sĩ từ Constantinople đi khắp các xứ Nga tiến hành rửa tội tương tự. Không phải ở đâu mọi chuyện cũng êm thấm, có một số vùng dân Rus bản địa khư khư giữ tín ngưỡng dân gian nguyên thủy, nổi lên đánh lại các nhà truyền đạo Cơ đốc, khiến triều đình Kiev một số lần phải mang quân đánh phạt các xứ như Suzdal, Rostov, Novgorod,... Dù vậy tới cuối cùng thì đạo Chính thống vẫn được truyền khắp các xứ Rus, trở thành quốc giáo nhiều đời của các nước Đông Âu tới tận sau này vậy.
Vladimir Đại đế nghe thuyết giảng của triết gia Cơ Đốc giáo Hy Lạp - tranh vẽ trong Biên niên sử Konigsberg của Nga thế kỷ 15.
Vladimir Đại đế nghe thuyết giảng của triết gia Cơ Đốc giáo Hy Lạp - tranh vẽ trong Biên niên sử Konigsberg của Nga thế kỷ 15.
Vladimir Đại Đế nhận lễ rửa tội - tranh vẽ của V. M. Vasnetsov năm 1895-1896
Vladimir Đại Đế nhận lễ rửa tội - tranh vẽ của V. M. Vasnetsov năm 1895-1896
Vladimir Đại Đế rửa tội cho cư dân Kiev (bằng việc tắm trên sông) - tranh của K.V.Lebedev thế kỷ 19
Vladimir Đại Đế rửa tội cho cư dân Kiev (bằng việc tắm trên sông) - tranh của K.V.Lebedev thế kỷ 19
Vương công Gleb xứ Novgorod chỉ huy hành quyết một "phù thủy tà giáo cổ Slav" (Волхвы) - tranh của A. P. Ryabushkin năm 1898. Novgorod là một vùng kháng cự lại sự truyền đạo Cơ đốc từ Kiev.
Vương công Gleb xứ Novgorod chỉ huy hành quyết một "phù thủy tà giáo cổ Slav" (Волхвы) - tranh của A. P. Ryabushkin năm 1898. Novgorod là một vùng kháng cự lại sự truyền đạo Cơ đốc từ Kiev.

*Thực hư chuyện người Nga nghiện rượu trong lịch sử

Câu chuyện Vladimir Đại đế chọn đạo kể ở trên được chép trong Biên niên sử chính thống của lịch sử, và do vậy thường bị lấy ra làm ví dụ vui về "truyền thống" nghiện rượu của người Nga. Khỏi nói cũng biết, nhiều người hiện nay nghĩ tới nước Nga là thấy ngay ý nghĩ người dân Nga từ trẻ tới già, từ trai tới gái, từ quan chức chính phủ đến nông dân,... đều kè kè chai Vodka say khướt. Thời nay thì không nói vì hình ảnh đó có thật, nhưng trong lịch sử có phải người Nga nghiện rượu tới mức đó không?
Trả lời thật thì rất khó mà nói được tổng quát toàn bộ xã hội Nga thời trước. Nhưng thử xem một thống kê dưới đây trên báo của Đế quốc Nga:
Ảnh: lượng tiêu thụ rượu trung bình của người dân các nước vào năm 1910, theo cách tính của người Nga.
Ảnh: lượng tiêu thụ rượu trung bình của người dân các nước vào năm 1910, theo cách tính của người Nga.
Trong hình ảnh trên, ta thấy được thống kê trong một bài báo của Đế quốc Nga năm 1910, thể hiện lượng tiêu thụ rượu trung bình của người dân các nước châu Âu. Đơn vị tính ở đây là Штоф (shtof) - là một đơn vị đo thể tích cổ của Đức dùng tương đối phổ biến ở Đế quốc Nga trước cách mạng, đặc biệt liên quan tới rượu. Chả là nó dựa theo thể tích của các chai rượu tiêu chuẩn được cấp phép bán trong các cửa hàng rượu do nhà nước quản lý ở Nga, với các cỡ chai 1, 0.5 và 0.25 shtof. Chai một shtof ở Nga tương đương 1,54 lít.
Theo như trong hình, tiêu thụ rượu của các nước (từ trái qua phải) là:
-Người Nauy: 3 shtof = 4.62 lít
-Người Nga: 4 shtof = 6.16 lít
-Người Anh: 12 shtof =18.48 lít
-Người Đức: 13 shtof = 20.02 lít
-Người Italy: 22 shtof = 33.88 lít
-Người Pháp: 76 shtof = 117.04 lít (riêng ông Pháp cầm cái chai cỡ đại luôn chứ không cầm chai nhỏ như 5 ông kia)
Nếu nhìn theo các thống kê trên (và thêm điều kiện các ông thống kê Nga phải làm đúng), thì có thể thấy lượng tiêu thụ rượu của người Nga trong lịch sử có lẽ cũng chỉ thuộc vào mức trung bình tới thấp ở châu Âu. Họ uống nhiều hơn các nước Bắc Âu, nhưng vẫn ít hơn các nước Tây Âu. Cùng thời, nếu theo một số thông tin kiếm được, tiêu thụ rượu ở Việt Nam thời thực dân Pháp tiêu thụ 4 lít/người chưa tính rượu lậu, thuộc loại thấp.
Nhưng nếu có người đọc thấy có gì đó sai sai, lấn cấn, thì cũng xin mạn phép đưa ra một số giải thích nhỏ. Ở đây, chênh lệch quá lớn trong tiêu thụ rượu của Nga và các nước Tây Âu khác, có thể nằm ở cách tính "rượu" hay "đồ có cồn" của mỗi nước khác nhau.
Như ở Nga tính rất chặt, rượu vodka dưới 40 độ thời Đế quốc Nga thì được tính là... nước! Mà dân Nga chủ yếu uống loại rượu nhẹ kiểu này cộng thêm moonshine tự chế, nhà nước không quản được. Khi Liên Xô thay đổi cách tính rượu, tính luôn cả vodka 40 độ thì số tiêu thụ ở Liên Xô tăng lên 8,07 trong những năm 1920s, theo một số tiết lộ. Nói "tiết lộ" ở đây, là do nhà nước Xô Viết thời kỳ đó không tiến hành thống kê chính thức, mà con số trên chỉ có được do tổng hợp từ doanh số bán rượu từ cửa hàng quốc doanh. Lý do không điều tra có thể giải thích bằng việc Liên Xô chuẩn bị thay đổi cách tính độ "rượu". Thời gian sau, lượng tiêu thụ tăng dần theo từng thập kỷ, lên khoảng trên 10 lít, dù vậy con số đó cũng chỉ ở mức trung bình.
Thống kê tiêu thụ rượu trong lịch sử Nga qua từng thập kỷ. Lưu ý giai đoạn 1920s con số gần bằng mức 0 do nhà nước Xô Viết không công bố thống kê.
Thống kê tiêu thụ rượu trong lịch sử Nga qua từng thập kỷ. Lưu ý giai đoạn 1920s con số gần bằng mức 0 do nhà nước Xô Viết không công bố thống kê.
Hay như ở Pháp thì lại tính rất lỏng, rượu vang của họ uống thường ngày cũng tính là rượu, nên con số của Pháp mới cao tới mức ảo diệu như vậy. Ai cũng biết người Pháp uống rượu vang đã trở thành thói quen thậm chí có khi đi đôi với bữa ăn hàng ngày. Một vài thống kê gần đây như năm 2019 cho biết một người Pháp trung bình 1 năm uống khoảng 60 lít rượu vang, tức khoảng 2-3 ly vang mỗi ngày, chưa tính các loại rượu khác mà đó đã là có xu hướng tiêu thụ giảm.
Thống kê tiêu thụ rượu vang ở một số nước so sánh trong 2 năm 2007 và 2010, cho thấy Pháp luôn dẫn đầu trong tiêu thụ rượu vang.
Thống kê tiêu thụ rượu vang ở một số nước so sánh trong 2 năm 2007 và 2010, cho thấy Pháp luôn dẫn đầu trong tiêu thụ rượu vang.
Thành ra, do sự khác biệt trong loại rượu sử dụng, mà hình ảnh người Pháp được nghĩ tới là những quý ông quý sờ tộc bên bàn ăn cầm ly rượu vang, trong khi người Nga được nghĩ tới là những chàng bợm nhậu cầm chai Vodka. Do vậy, với riêng ý kiến chủ quan, việc định kiến dù là vui vẻ rằng người Nga "nát rượu" trong cả lịch sử có phần "oan uổng" với họ.
Nó vẫn không thay đổi sự thật là trong kỷ nguyên hiện tại nước Nga đang phải đương đầu với vấn nạn nghiện rượu nghiêm trọng hơn nhiều, ảnh hưởng lớn tới vấn đề nhân khẩu học vốn đã khó khăn của họ. Còn nói về lịch sử, thứ mà người Nga nghiện nhiều nhất không phải rượu, mà là trà (chè). Bài viết về chè ở Nga, có lẽ để hẹn bài khác!