BÀI HỌC LỚN TỪ…DÁM BỊ GHÉT
Chúng ta là sản phẩm của quá khứ và môi trường sống xung quanh chúng ta- đó hẳn là 1 câu bạn sẽ thấy ở các bài viết về tâm lý cứ nhai...
Chúng ta là sản phẩm của quá khứ và môi trường sống xung quanh chúng ta- đó hẳn là 1 câu bạn sẽ thấy ở các bài viết về tâm lý cứ nhai đi nhai lại không biết chán. Sau này, tôi mới biết đó là quan điểm của Sigmund Freud, nhà tâm lý học nổi tiếng đặt nền móng cho thuyết phân tâm học. Tới bây giờ, tôi lại biết thêm Alfred Adler, một nhà tâm lý học khác lại bổ sung thêm rằng, cái quá khứ ấy lại chẳng quan trọng lắm đâu, vì bất kể bạn là ai quá khứ là gì, hoặc sống trong môi trường như thế nào, thì bạn được quyền lựa chọn một cuộc đời mà bạn muốn. Đó là hai quan điểm luôn được tranh cãi bất tận, nhưng dù sao, không thể phủ nhận được nhờ hai luồng lý thuyết đó mà ta lại có thêm những góc nhìn bổ ích để nâng cao chất lượng cuộc sống của chính chúng ta.
Người ta nói Freud theo thuyết nguyên nhân, còn Adler theo thuyết mục đích. Tức là, theo Freud, bạn đang bất hạnh vì quá khứ của bạn bất hạnh, tương tự như luật nhân quả vậy, khởi nguồn của bạn không tốt là nguyên nhân dẫn tới con người của bạn ngày hôm nay. Còn theo Adler, bạn bất hạnh vì bạn chọn sống một cuộc sống bất hạnh. Đến đây, thì tôi lại thấy hai thuyết này bổ sung cho nhau chứ không phủ định nhau như nhiều người vẫn hay nói. Vì đúng là bạn là sản phẩm của quá khứ, nhưng cách bạn chọn đi tiếp như thế nào lại là do bạn, bạn có quyền tập trung vào quá khứ và chấp nhận hiện tại hoặc tập trung vào mục tiêu và tự thay đổi chính mình ở hiện tại. Chúng khá giống với NLP, đó là bạn có thể lập trình lại cách tư duy của mình để hành động tốt hơn dẫn đến tương lai tốt hơn. Tạm gác lại sự đúng sai phải trái của hai lý thuyết trên, tôi lại học được những bài học thú vị từ thuyết của Adler, được mô tả rõ trong cuốn Dám bị ghét:
1. Mọi thứ đều là vô nghĩa cho đến khi ta gán ý nghĩa cho chúng
Chúng ta cứ hay đi tìm một thứ gọi là ý nghĩa cuộc sống mà lại không biết rằng, thực ra, chúng ta đều có thể gán cho cuộc sống của chình mình một ý nghĩa nào đó, tích cực hoặc tiêu cực. Sẽ có những người cảm thấy việc đi học thật ý nghĩa, nhưng cũng sẽ có một số ít cho rằng đi học là thứ vô bổ. Sẽ có những người cảm thấy sự hòa bình ý nghĩa biết bao, nhưng nói chuyện hòa bình với quân khủng bố là vô nghĩa. Sẽ có những đứa trẻ cảm thấy ở bên cạnh cha mẹ là một điều ý nghĩa, nhưng lại có những đứa trẻ bất hạnh không cha không mẹ, cả cuộc đời cuốn vào sự cơ cực và khốn cùng thì sẽ khó mà cảm nhận được cái ý nghĩa này. Vì vậy, Adler cho rằng, cuộc đời chúng ta cơ bản là vô nghĩa. Chúng ta không thể gán một ý nghĩa cho một đứa trẻ mới sinh ra đời và bắt chúng tin vào đó được, tự nó phải tìm ra ý nghĩa của chính mình, thông qua sự trải nghiệm, trưởng thành và trau dồi cảm xúc.
Việc nhìn lại quá khứ thất bại và tự gán ý nghĩa tiêu cực cho nó không giúp chúng ta giải quyết được vấn đề. Adler cho rằng, để tiến lên, bạn phải tự tìm cho mình một ý nghĩa tích cực và theo đuổi nó. Và thông thường, đó là việc cống hiến cho người khác, việc làm gì đó cho người khác sẽ giúp bạn cảm thấy cuộc đời mình ý nghĩa, bởi vì bạn thấy được giá trị của chính bạn. Tôi nghĩ đó cũng là lí do mà chúng ta thất rất nhiều người họ tìm cho mình những ý nghĩa của cuộc đời họ khi họ giúp đỡ người khác trong các hoạt động như làm thiện nguyện, dạy học cho trẻ em vùng cao, diễn giả, bác sĩ,… Quá khứ của họ có nỗi đau và thất bại không, có chứ, nhưng họ không tập trung vào nó, mà họ tìm thấy một ý nghĩa khác tích cực hơn và theo đuổi nó trên hành trình giúp đỡ người khác.
Cùng là dạy một đứa trẻ, sẽ có người cảm thấy bực dọc, chán nản vì đồng lương ít ỏi, nhưng vẫn có người thấy việc này thật ý nghĩa, họ kiên nhẫn và bao dung, họ tin rằng họ có thể giúp đứa trẻ ấy trở nên tốt hơn, và điều đó đối với họ ý nghĩa biết bao. Không khó để bạn tìm được những tấm gương như vậy, những con người như vậy, họ vui vẻ mỗi ngày và trên gương mặt họ luôn nở những nụ cười hạnh phúc.
Sẽ có người bảo rằng: Ừ thì cười hạnh phúc đấy nhưng lương ít quá thì có cười được lâu không? Tôi nghĩ rằng bạn đã nhầm, bạn đang so sánh cái ý nghĩa của bạn với cái ý nghĩa của người khác. Nếu ý nghĩa của bạn là kiếm được nhiều tiền, bạn đã chọn đi làm kinh doanh, mà kể cả làm kinh doanh, bạn sẽ vẫn quay về với điều cơ bản: cống hiến cho người khác. Bạn bán hàng, tức là bạn đang cống hiến rồi, bạn đang giúp khách hàng giải quyết vấn đề của chính họ, bạn không làm tốt thì sẽ luôn có người khác làm tốt hơn bạn, và tiền không đến với bạn, bạn lại nghi ngờ cái “ý nghĩa” trong công việc của bạn. Bạn hiểu ý tôi chứ?
2. Biết ơn
Nếu bạn từng thấy sự tồn tại của bản thân là vô dụng, hay chí ít là từng đặt câu hỏi về ý nghĩa của bản thân trên cuộc đời này, thì biết ơn là bài học sâu sắc mà bạn có thể tham khảo. Thứ đầu tiên bạn nên cảm thấy biết ơn chính là sự tồn tại của bạn, việc bạn được sinh ra trên cuộc đời này bản thân nó đã là một ý nghĩa lớn. Nó ý nghĩa bởi vì, bạn hãy suy nghĩ đi, nếu bạn mất đi, bởi cái búng tay của Thanos chẳng hạn, thì nụ cười trên gương mặt của ba mẹ bạn, người thân bạn sẽ vụt tắt. Điều này có nghĩa là, nội cái việc bạn tồn tại trên cuộc đời này đã là một niềm vui cho những người xung quanh bạn. Tiếp theo, là cảm thấy biết ơn với những gì mình có. Đôi khi chúng ta cứ hay nhìn cái người khác có và quên đi những cái mình đang có. Đã có thời gian tôi như vậy, tôi chỉ nhìn vào cái người khác có và cảm thấy bản thân thật thiếu thốn, đi kèm với nó là những suy nghĩ chán nản kiểu như sao cuộc đời bất công như vậy. Tôi đã liệt kê ra những thứ mình có, những trải nghiệm, những con người từng gặp, và thấy rằng, thực sự, nếu không có chúng, tôi đã không thể phát triển bản thân được như ngày hôm nay, tôi đã không có những bài học mà nó đã đi cùng với bản thân trong nhiều năm và tôi đã không có những người bạn, người thầy giúp đỡ mỗi khi khó khăn. Mỗi lần cảm thấy tiêu cực, tôi lại lôi danh sách ấy ra xem và tự nhắc nhở bản thân rằng mình còn rất may mắn và hạnh phúc.
Trên đây là 2 bài học lớn nhất tôi học được từ cuốn Dám bị ghét. Tất nhiên, đọc và học thôi chưa, tôi sẽ vẫn đang áp dụng nó vào bản thân mỗi ngày. Hy vọng rằng nó cũng có thể giúp được bạn.
P/s: Khi bạn tìm ra được ý nghĩa cuộc đời mình, sống với nó, có quan điểm riêng, dấn thân, thì chắc chắn bạn sẽ có lối đi riêng, lúc này bạn phải chấp nhận để “bị ghét”, bởi bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người, đó là thông điệp của cuốn sách và tại sao nó lại tên là Dám bị ghét.
Tham khảo Sách Dám bị ghét – Koga Fumitake, Kishimi Ichiro.
Đọc thêm:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất