Bản dịch "Bà Dalloway" của Trần Nguyên do Rainbow Books xuất bản và phát hành năm 2022.
Bản dịch "Bà Dalloway" của Trần Nguyên do Rainbow Books xuất bản và phát hành năm 2022.
Một cuốn sách rất khó đọc, khó nắm bắt, khó hiểu, các câu chữ, suy nghĩ, không theo tuyến tính nào, logic nào, cứ ào ào “nhảy bổ” ra trang giấy, nhân vật cũng tự do “chạy ra chạy vào” không cần báo trước. Thứ giữ bạn lại, đẩy bạn lật giở tiếp trang sau chính là ngôn ngữ, những dòng ngôn ngữ cuộn trào, tinh tế, đầy ắp xúc cảm, hay như thơ, sắc như bạc, có những từ đắt sắc tới nỗi, trong tình huống ấy, bạn chỉ có thể thốt lên, “Ồ sao chỗ này diễn đạt thật tuyệt”. Đó là biệt tài của Woolf, chỉ Woolf mới có thể dùng thứ công cụ ngôn ngữ để diễn tả cả cái sâu tới tận cùng, rộng tới tận cùng, rất bao quát, nhưng lại không thể đặc tả hơn được nữa. Không thể trích dẫn một câu hay một đoạn ở đây, vì nó có ở các trang trong cuốn sách, xin được viết riêng một bài về ngôn ngữ của Woolf trong cuốn Bà Dalloway ở một bài khác.
Có quá nhiều ẩn ý, chủ đề, triết lý, với tầng tầng lớp lớp những quan điểm mang tính cách mạng và khai phóng, không chỉ ở thời của bà (cách đây cả trăm năm) mà mới tới tận ngày nay. Bởi đó là những câu hỏi căn bản về ý nghĩa sự tồn tại, sự lựa chọn, hay bản chất của sự sống và cái chết, là xung đột giai tầng, là quan niệm về tình dục, về quan hệ khác giới và đồng giới. Bạn thấy, ngày nay, người ta vẫn còn e ngại khi công khai chuyện hai người nữ yêu nhau. Woolf đã dám công khai điều đó ngay chính đời thực của mình lẫn các nhân vật trong các tác phẩm của bà. Một sự can đảm mang tính cách mạng.
Để đi sâu từng chủ đề thì khuôn khổ một bài viết là không thể đủ, xin được thể hiện quan điểm riêng của mình về một khía cạnh mà theo mình, chính là “sợi chỉ” xuyên suốt, kết nối tất cả những thứ “lộn xộn” đã diễn ra trong cuốn sách này. Đó là bi kịch đánh mất chính mình trong tiến trình cuộc sống.
Hãy bắt đầu từ Bà Dalloway.
Bà Dalloway của hiện tại, một quý bà trung niên năm mươi hai tuổi, thuộc tầng lớp thượng lưu. Không phải lo tới cái ăn cái mặc, cuộc sống xa hoa đầy đủ cùng với những bữa tiệc, các mối quan hệ xã giao… có tiền, có danh tiếng, có địa vị. Bà có một người chồng làm điểm tựa an toàn tuyệt đối cho bà. Một người chồng yêu bà, ngưỡng mộ bà, hiểu và sẵn sàng tạo cho bà, dành cho bà sự tự do cần thiết mà bà muốn… Về lý, bà phải hạnh phúc, phải vui, phải hài lòng với cuộc sống của mình. Bề ngoài có vẻ vậy, nó thể hiện qua những bữa tiệc hoàn hảo, qua nụ cười tươi rói, qua sự hoạt bát và “vẻ hài lòng mãn nguyện” của bà.
Nhưng…
Tại sao bà luôn chú ý tới hoa, tại sao lại luôn tổ chức các bữa tiệc, luôn phải giữ trên môi nụ cười thật tươi và tiến hành các hoạt động xã giao hoàn hảo… Phải đọc tới cuối sách, bạn mới tìm thấy câu trả lời, nhờ vào việc cùng bà du hành thời gian về quá khứ, về những năm tháng tuổi trẻ, những hoài niệm thủa ngoài 20 của bà.
Một Calarissa (tên thời con gái của bà Dalloway), hoạt bát, sôi nổi, cảm tính, bốc đồng… đã yêu một Peter Walsh có thể “nhìn thấu” bà, người duy nhất có thể khiến bà nói được hết những gì mình nghĩ, họ luôn có khả năng giao tiếp lạ lùng mà không cần lời nói, chỉ Peter Walsh – con người cũng bốc đồng, không hề  mang lại cảm giác an toàn này là người có thể chạm tới phần sâu nhất trong cảm xúc của bà… Nhưng với bản tính “quái ác của bà, sự lạnh lùng này, sự cứng rắn này, một đặc tính đã bám rễ trong con người bà… Nhưng có trời chứng giám, ông đã yêu bà. Bà có sức mạnh kỳ quái khiến người ta phải bực bội, đùa giỡn với cảm xúc của người khác như thể chúng là những sợi dây đàn”… “Ông cảm thấy mình đang mài trên một cục đá lửa, cứng đến tận lõi. Rồi khi bà nói: Chẳng có ích gì nữa, chẳng có ích gì nữa. Đã kết thúc rồi”. Đó là một ngày khi Peter Walsh gặp Richard Dalloway, ông biết, ông đã mất bà. Calarissa sẽ cưới Dalloway. Đó là lựa chọn của Calarissa. Lựa chọn sự an toàn, một sự đảm bảo, bởi Richard Dalloway luôn bắt đầu một ngày bằng “sự che chở cho bà”. Bà đã chọn sự an toàn thay vì sự bốc đồng của cảm xúc – Peter Walsh. Ấy là khi họ ngoài 20 tuổi, tại Bourton mùa hè năm ấy.
Bà có hài lòng với lựa chọn của mình không? Đi qua tuổi trẻ, sống những ngày quán tính, và bị kéo đi bởi những thói quen hằng ngày, che giấu nỗi cô đơn, sự mất mát thẳm sâu trong tâm hồn, hoài niệm về những đam mê của tuổi trẻ, ngụy ngụy trang chúng bằng cách luôn phải hoạt động thật hết công suất, gặp gỡ thật nhiều người, cười thật tươi, giao tế thật hoàn hảo… Tất cả chỉ là phù phiếm, giữ sự kiêu hãnh phù phiếm, để rồi vẫn còn đó một nỗi hoài vọng về một niềm đam mê chưa thỏa của tuổi thanh xuân.
Mọi nỗ lực che dấu con người thật đều bị lột ra trần trụi vào ngày hôm ấy, trước khi bữa tiệc diễn ra, họ gặp nhau, và “Bà nhìn Peter Walsh, cái nhìn của bà, xuyên qua tất cả thời gian và cảm xúc ấy, chạm tới ông một cách nghi hoặc, bám lấy ông trong nước mắt, rồi vùng dậy và bay đi, như chú chim khẽ chạm cành, rồi vùng dậy và bay đi. Bà nhẹ  nhàng đưa tay gạt nước mắt.”. Những hoài niệm xưa đã đưa họ trở về thời điểm họ chưa đánh mất chính mình, khiến cho “những áp lực cảm xúc siết lấy trái tim bà, kéo đôi môi bà thành một cái co giật”. Và rồi, ngay lúc ấy, trong phút chốc ngắn ngủi của cảm xúc: “Hãy đưa tôi đi cùng, bà đã nghĩ một cách bốc đồng, như thể ông ấy đang nhìn thẳng vào cuộc hành trình vĩ đại, và rồi, ngay khoảnh khắc tiếp theo đó, có cảm giác như thể năm màn của vở kịch thật hấp dẫn, thật cảm động đã kết thúc và bà đã sống cả đời trong chúng, đã chạy trốn, đã sống cùng Peter, và giờ nó đã kết thúc.” Đó là lần thứ nhất, bà đối diện với chính con người thật của mình, có mong muốn quay trở lại với con người thật của mình, con người mà bà đã đánh mất hơn 20 năm về trước.
“Nhưng cái tôi cứ bất khuất, cứ kiên cường trái ngược với chủ nhân của nó.” Cái tôi kiêu ngạo đã ngay lập tức kéo bà quay trở lại với cuộc đời hiện tại, cuộc đời  mà bà đã chọn, đã tạo ra, cái tôi gắn liền với những bữa tiệc, hoa, những cuộc giao tế, sự hoạt bát và hoàn hảo phù phiếm. Nhưng nó chính xác là cuộc đời bà đã chọn, đã tạo ra và để trốn trong nó, để cất giấu trong nó nỗi cô đơn, niềm khát khao, và những đam mê tuổi trẻ.
Lần thứ 2 bà có cơ hội tìm lại chính mình, là bữa tiệc khuya chính trong ngày hôm đó, khi bà nghe nói về cái chết của Septimus. Rất nhanh, với dáng vẻ không hề quan tâm tới thông tin vừa được nhà Bradshow nói tới… “Bà bỏ đi, sang căn phòng nhỏ nơi Ngài Thủ tướng đã bước vào…” Nhưng thực tế, tin về cái chết của Septimus – một người hoàn toàn xa lạ lại có tác động như một tiếng súng hiệu. “Cơ thể bà đã tiếp nhận nó trước tiên, khi bất chợt bà nghe kể về tai nạn, chiếc váy của bà bén lửa, cơ thể bà bốc cháy. Cậu ta đã ném mình qua cửa sổ. Mặt đất chợt lóe sáng…”.
Câu trả lời về cuộc đời bà được sáng rõ sau cái chết của Septimus. Thực tế “cái chết về linh hồn” của bà đã diễn ra vào ngày bà đưa ra lựa chọn hơn 20 năm trước. Cái chết về linh hồn của Septimus diễn ra khi bạn thân của anh chết ở chiến trường, khi anh trở về và mang theo những sang chấn tâm lý từ cuộc chiến. Và giờ, anh đã “dũng cảm” tiến tới cả cái chết về thể xác. “Cái chết là sự thách thức. Cái chết là nỗ lực để giao tiếp, mọi người đều cảm nhận điều bất khả của việc chạm đến điểm trọng tâm đang kỳ bí lẩn tránh khỏi tay họ, sự gần gũi rời ra, sự hân hoan tan biến, chúng ta chỉ còn lại một mình. Cái chết là sự vỗ về an ủi”. Trong khoảnh khắc bà cũng nghĩ tới cái chết: “Nếu phải chết lúc này, thì đây sẽ là khoảnh khắc hạnh phúc nhất.” “Đồng hồ đã bắt đầu điểm. Chàng trai trẻ đã tự sát… Nhưng quả là, một đêm mới phi thường làm sao. Vì một lý do nào đó mà bà cảm thấy rất giống với cậu ta – chàng thanh niên đã tự tử ấy. Bà thấy mừng vì cậu ta đã làm vậy, đã ném bỏ tất cả. Đồng hồ đang điểm, những đường tròn u ám tan biến vào không trung. Cậu ta đã khiến bà cảm thấy cái đẹp. Khiến bà cảm nhận niềm vui.” Niềm vui tìm lại chính mình.
Và không phải bà không từng có lúc muốn tìm lại chính mình. Với bản tính say mê cuộc sống, với niềm vui và khao khát được tận hưởng mọi gram chiết xuất từ cuộc sống, không có gì đủ chậm, không có gì kéo dài quá lâu, không có niềm hân hoan nào có thể sánh ngang, dù chỉ là hành động bình thường như “xếp cho những chiếc ghế ngay ngắn lại, đẩy cho một cuốn sách lui vào trên kệ. Điều ấy được thực hiện trong những phút khải hoàn của tuổi trẻ, đánh mất chính mình trong tiến trình cuộc sống, để tìm ra nó, trong sự bàng hoàng của khoái lạc, khi mặt trời ló dạng, khi ngày dần buông.”
Nhưng đến cuối cùng, bà vẫn chọn quay trở lại với cuộc sống hiện tại, từ chối tìm lại tuổi trẻ, từ chối tìm lại mình đã mất, từ chối quay trở lại gặp Peter và Sally – hai chiếc neo nối kết có thể lôi bà trở lại với con người thật của bà. Peter và Sally đã chờ trong vô vọng. Bà đã trở lại với phòng tiệc, nơi có Ngài Thủ tướng.
“Bộ não thì có nghĩa lý gì” “khi đem so với trái tim” – Phu nhân Rosseter nói.
Mọi người nói.
Bà Dalloway chọn. Chúng ta chọn.
Sơn Lam