Trên Nonfic+, nếu bạn đọc từ đầu, chúng tôi đã đưa ra nhiều bình luận nhắm đến lối sống đương đại, lối sống được phổ biến bởi sách tự lực (self-help). Người ta có như cầu tự lực. Bản thân mạng xã hội như Likedin hay Substack là một cuốn sách tự lực to tướng phải không?
Vấn đề của Sách Tự Lực còn nằm ở chỗ: rất nhiều (có khi là đa phần) độc giả đâu có... thật sự đọc sách, có số ít người chỉ đọc cái tựa, nhặt vài ba ý và nói bừa. Gần đây, chúng tôi có truyền thông cuốn sách Hiểu Về Cuộc Đời của Alfred Adler - không mấy độc giả nhận ra đó là tác giả được Dale Carnegie trích dẫn trong “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, và là chủ đề được bàn trong cuốn sách của Ichiro Kishimi - “Dám bị ghét” - hai cuốn tưởng như đã cả triệu người đọc Việt Nam biết đến, tưởng như phải nghìn người đọc nẫu cả ra rồi.
Khi nói về chủ đề tự lực  và quản trị (hai chủ đề dính đến nhau) - đây là hai câu chuyện của nhân chi sơ, của bản chất con người: sống với mình và sống với kẻ khác, chúng tôi đã đưa ra nhiều góc độ về kinh nghiệm của mình, với một số bài viết được tán thành cao. Một số series còn dang dở. Nhưng trước đó, chúng tôi nhận ra phải quay lại với các lý thuyết gốc của nó, nhằm tìm ra những điều giá trị bị bỏ qua.
Muốn chống self-help ẩu, thì phải hiểu self-help, chứ không phải là chửi bừa được
Bối cảnh kinh tế, công sở, văn phòng hiện nay: con người biến mất, đây là một kinh tế không mang gương mặt con người, bản thân con người cũng chưa chắc đã còn gương mặt. Hãy đọc một blog The1ght phần cuối của entry này
—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-

THẾ THÌ: Sách tự lực có từ bao giờ?

Chắc nhiều bạn cho rằng, nó đến từ cuốn Tinh thần tự lực của Smiles: bản thân từ Self-help là từ đây. Nhưng chúng tôi không nghĩ thế. Tuy vậy, tạm bỏ qua nó, thì giai đoạn cuối thế kỷ XIX, chính là quãng thời gian tạo ra nhiều thứ mà ta còn dùng đến ngày nay: truyện trinh thám, sách tự lực, sách sci-fi (Cuốn sách du hành thời gian đầu tiên không phải là của H.G. Wells mà là của Gaspar y Rimbau), tâm lý học cá nhân.
 [Đây cũng là thời gian xuất hiện những nhà văn lớn là những người tạo ra văn chương hiện đại như Kafka, Dostoevski, Joseph Conrad, Bernard Shaw, Oscar Wilde (quả thật là những năm 1850 đẻ ra một lò thiên tài văn học) rồi thì Thomas Mann, Miguel De Unamuno… nhiều vô kể… Ở Nhật, Duy tân Minh trị xong xuôi, nhiều tác giả viết sách y như Charles Dickens]. 
[Hình như rất nhiều bạn thích Love Death And Robots, nhưng cách đó 100 năm Valery Bryusov đã viết một tập truyện hay hơn nhiều, tên là Cộng Hoà Nam Thập Tự]
Đây là thời kì mà việc sống - mưu sinh - sinh hoạt hằng ngày của con người bắt đầu trở thành vấn đề: vì chủ nghĩa tư bản cộng với khoa học thực dụng đã lên đỉnh cao
Trong bài này, Nonfic+ sẽ giới thiệu Arnold Bennett - một nhà văn cổ điển. Ở đây, ông là một nhà truyền cảm hứng (vào thời kì cụm từ “truyền cảm hứng” chưa bị trở thành lừa đảo, và sách tự lực vẫn còn là một thứ lý tưởng ngây thơ chân thành so với thời nay - chủ blog trộm nghĩ Dale Carnegie rất chân thành, chỉ có điều sách Đắc Nhân Tâm của ông bị lạm dụng trong bối cảnh không còn hợp với nó). Arnold Bennett là người sống cùng thời với Dale Carnegie và Alfred Adler, đều viết sách vào đầu thế kỷ XX. 
Trong các đoạn trích dưới đây, Bennett bàn về Thời Gian (làm sao để sống trọn vẹn trong khoảng thời gian cố định), về việc mất thời gian khi đọc báo (tương tự mất thời gian lướt mạng - vậy là sau 100 năm con người không tiến bộ lên) đặc biệt bàn về Tự truyện của Benjamin Franklin: ông nói rất hay về việc liệu thành công có phải làm nên từ các tố chất ưu tú như Franklin chém gió hay không? Thành công không nằm ở đó đâu. Với cả còn phải xem thành công lĩnh vực gì
Arnold Bennett cũng nhắc sơ qua đến Tennis - hẳn bạn sẽ liên hệ với ngày nay. Lẽ nào, khi nào xã hội hình thành một tầng lớp trung lưu mới lại có một trào lưu thể thao thịnh hành? Ở xã hội Đông Dương, Tennis (ban quần) được Vũ Trọng Phụng miêu tả, Ping-Pong thi thoảng được Khái Hưng nhắc đến, Nguyễn Công Hoan nói đến túc cầu.
Còn ngày nay, hẳn là Píc-Cờ-Bôn và Chạy việt dã.
img_0
———————————————————————————-

NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG RỐI REN

Rút Từ How to live on 24 hour a day, 1908
Ngô Dao Phương Lan chuyển ngữ
Để ngay lập tức giải quyết vấn đề tiêu xài thời gian trong tất cả thực tiễn của nó, tôi phải chọn một trường hợp cá nhân để nghiên cứu. Tôi chỉ có thể giải quyết một trường hợp, và trường hợp đó không thể là trường hợp trung bình, vì không có trường hợp trung bình, cũng như không có người đàn ông trung bình. Mỗi người và mỗi cảnh ngộ của người đó đều là cá biệt.
Nhưng nếu tôi lấy trường hợp của một người Luân Đôn làm văn phòng, giờ làm việc của anh ta từ mười giờ sáng đến sáu giờ chiều, và anh ta dành năm mươi phút mỗi buổi sáng và buổi tối để di chuyển giữa cửa nhà và cửa văn phòng, thì tôi sẽ gần với trung bình nhất có thể, tùy theo sự cho phép của các sự kiện. Có những người phải làm việc lâu hơn để sinh nhai, nhưng cũng có người không phải làm việc lắm như vậy.
May thay, khía cạnh tài chính của cuộc sống không phải là điều chúng ta quan tâm ở đây; vì mục đích hiện tại, người thư ký ba cọc ba đồng cũng có vị trí giống hệt như triệu phú ở Carlton House-terrace.
Giờ đây, sai lầm chí tử mà nhân vật điển hình của tôi mắc phải đối với thời gian của y là một sai lầm thuộc về thái độ chung, một sai lầm làm suy yếu và làm giảm hai phần ba năng lượng và mối quan tâm của anh ta. Trong phần lớn các trường hợp, anh ta không thực sự cảm thấy đam mê với công việc của mình. Anh ta bắt đầu các công việc kinh doanh với sự miễn cưỡng, muộn nhất có thể, và kết thúc chúng với niềm vui, sớm nhất có thể. Và các động cơ của anh ta khi đang làm việc hiếm khi hoạt động với đầy đủ "mã lực" (Tôi biết sẽ có những độc giả tức giận buộc tội tôi làm xấu hình ảnh nhân dân lao động thành phố; nhưng tôi khá quen thuộc với Thành phố, và tôi vẫn giữ vững quan điểm của mình.)
Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều này, anh ta vẫn tiếp tục coi những giờ từ mười giờ sáng đến sáu giờ chiều là "ngày", coi mười giờ trước đó và sáu giờ sau đó chỉ là mở bài và kết bài. Thái độ như vậy, dù là vô thức, tất nhiên sẽ giết chết sự quan tâm của anh ta đối với mười sáu giờ còn lại, với kết quả là, ngay cả khi anh ta không lãng phí chúng, anh ta cũng không coi trọng chúng; anh ta chỉ coi chúng là phần thừa.
Thái độ chung này là hoàn toàn phi lý và không lành mạnh tẹo nào, vì nó chính thức đưa tâm can của ta vào một khoảng thời gian và một chuỗi việc mà ý hướng duy nhất là "hoàn thành" và "xong việc". Nếu một người đàn ông làm hai phần ba cuộc sống của mình phục vụ một phần ba còn lại, mà rõ ràng anh ta không có niềm đam mê nhiệt thành đối với nó, làm sao anh ta có thể hy vọng sống trọn vẹn và đầy đủ? Anh ta không thể.
Nếu người đàn ông điển hình của tôi muốn sống trọn vẹn và đầy đủ, anh ta phải, trong tâm trí mình, sắp xếp một ngày trong một ngày. Và ngày nội tại này phải bắt đầu từ 6 giờ chiều và kết thúc vào 10 giờ sáng. Đây là một ngày dài mười sáu giờ; và trong suốt mười sáu giờ này, anh ta không có gì khác ngoài việc chăm chút cơ thể, tâm hồn và những người xung quanh. Trong mười sáu giờ đó, anh ta tự do; anh ta không phải là người kiếm kế sinh nhai; anh ta không phải lo lắng về các vấn đề tiền bạc; anh ta cũng tốt như một người có thu nhập riêng. Đây phải là thái độ của anh ta. Và thái độ của anh ta là vô cùng quan trọng. Thành công trong cuộc sống của anh ta (quan trọng hơn rất nhiều so với số tài sản mà người thi hành di chúc của anh ta sẽ phải nộp thuế thừa kế) phụ thuộc vào nó.
Và sao kia? Bạn nói rằng nếu dành toàn bộ năng lượng cho mười sáu giờ đó thì giá trị của tám giờ công việc sẽ giảm đi? Nhầm rồi! Ngược lại là khác, nó chắc chắn sẽ làm tăng giá trị của tám giờ công việc. Một trong những điều chính mà người đàn ông điển hình của tôi phải học là các năng lực trí tuệ có khả năng hoạt động liên tục và chăm chỉ; chúng không mệt mỏi như tay hay chân. Tất cả những gì chúng cần là sự thay đổi—chứ không phải là nghỉ ngơi, ngoại trừ trong giấc ngủ.
Bây giờ tôi sẽ xem xét phương pháp hiện tại của nhân vật điển hình trong việc sử dụng mười sáu giờ  của anh ta, bắt đầu từ lúc thức dậy. Tôi chỉ đơn giản chỉ ra những việc anh ta làm và tôi nghĩ anh ta không nên làm, hoãn lại các gợi ý của tôi về việc "trồng" những thời gian mà tôi sẽ dọn sạch — giống như người định cư dọn dẹp các khoảng không trong rừng.
Để công bằng với anh ta, tôi phải nói rằng anh ta lãng phí rất ít thời gian trước khi rời khỏi nhà vào lúc 9:10 sáng. Ở quá nhiều ngôi nhà, anh ta thức dậy lúc 9 giờ, ăn sáng từ 9:07 đến 9:09 rưỡi, rồi vội vàng đi. Nhưng ngay khi anh ta đóng cửa chính, các năng lực trí tuệ của anh ta, vốn không mệt mỏi, bắt đầu trở nên lười biếng. Anh ta đi bộ đến ga trong trạng thái hôn mê tinh thần. Khi đến nơi, anh ta thường phải chờ tàu. Tại hàng trăm ga ngoại ô mỗi sáng, bạn sẽ thấy những người đàn ông thản nhiên đi lên đi xuống các sân ga trong khi các công ty đường sắt không ngần ngại lấy đi của họ thời gian, thứ quý giá hơn tiền bạc. Hàng trăm ngàn giờ như vậy bị lãng phí mỗi ngày chỉ vì người đàn ông điển hình của tôi coi thường thời gian đến mức anh ta chưa bao giờ nghĩ đến việc thực hiện những biện pháp đơn giản để tránh mất nó.
Anh ta có một đồng tiền thời gian cố định để tiêu mỗi ngày — hãy gọi nó là một đồng sovereign. Anh ta phải đổi lấy tiền lẻ, và trong việc đổi này, anh ta bằng lòng mất đi một khoản lớn.
Giả sử rằng khi bán vé cho anh ta, công ty nói, "Chúng tôi sẽ đổi cho bạn một đồng sovereign, nhưng chúng tôi sẽ tính phí ba pence cho việc đó," thì đương sự của tôi sẽ thốt lên điều gì? Tuy nhiên, đó chính là tương đương với những gì công ty làm khi lấy của anh ta năm phút mỗi ngày hai lần.
Bạn nói tôi đang chi li vun vặt. Đúng vậy. Và ngay dưới đây tôi sẽ biện minh cho mình.
Bây giờ, vui lòng mua báo và lên tàu nhé! 
—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-

Tennis và linh hồn bất tử

Rút Từ How to live on 24 hour a day, 1908 - đây là phần ngay sau phần trên
Ngô Dao Phương Lan chuyển ngữ
Bạn bước lên chuyến tàu buổi sáng với tờ báo của mình, và bạn bình thản, trang nghiêm đắm mình trong tờ báo. Bạn không vội. Bạn biết mình đang có ít nhất nửa giờ rảnh. Khi ánh mắt bạn lướt qua những quảng cáo về vận tải và những bài hát ở trang nhất, dáng vẻ của bạn là của một người có thời gian, là của một người từ hành tinh nào đó nơi có một trăm hai mươi bốn giờ trong ngày thay vì hai mươi bốn giờ. Tôi là một người say mê đọc báo. Tôi đọc năm tờ báo Anh và hai tờ báo Pháp hàng ngày, và chỉ riêng các đại lý báo chí thôi cũng biết tôi đọc bao nhiêu tờ báo tuần. Tôi buộc phải đề cập đến sự thật cá nhân này, kẻo tôi bị cáo buộc có thành kiến với báo chí khi tôi nói rằng tôi phản đối việc đọc báo trên chuyến tàu buổi sáng. Báo chí được sản xuất nhanh chóng, để đọc nhanh chóng. Trong chương trình hàng ngày của tôi, không có chỗ cho báo chí. Tôi đọc chúng khi có thời gian rảnh. Nhưng tôi vẫn đọc chúng. Ý tưởng dành ra ba mươi hay bốn mươi phút liên tiếp trong một không gian tĩnh lặng tuyệt vời (vì không đâu có thể hoàn toàn đắm mình vào bản thân hơn là trong một toa tàu đầy những người đàn ông lặng lẽ, thu mình lại, hút thuốc) là điều khiến tôi khó chịu. Tôi không thể nào để bạn tiêu tán những viên ngọc quý giá của thời gian một cách hoang phí như vậy. Bạn không phải là Shah của thời gian. Xin phép nhắc nhở bạn rằng bạn không có nhiều thời gian hơn tôi. Không đọc báo trong tàu! Tôi đã có riêng khoảng ba phần tư giờ cho bản thân.
Giờ bạn đến văn phòng. Và tôi sẽ bỏ bạn lại đó cho đến sáu giờ chiều. Tôi biết là bạn có một giờ (thực tế thường là một giờ rưỡi) giữa ngày, ít hơn phân nửa thời gian dành cho việc ăn uống. Nhưng tôi sẽ để bạn tự do sử dụng thời gian đó theo ý muốn. Bạn có thể đọc báo vào lúc đó.
Tôi gặp lại bạn khi bạn ra khỏi văn phòng. Bạn nhợt nhạt và mệt mỏi. Dù sao đi nữa, vợ bạn nói bạn nhợt nhạt, và bạn làm cho cô ấy hiểu rằng bạn mệt mỏi. Trong suốt hành trình về nhà, bạn dần dần cảm thấy mệt mỏi. Cảm giác mệt mỏi bao trùm các vùng ngoại ô rộng lớn của London như một đám mây đạo đức và u sầu, đặc biệt là vào mùa đông. Bạn không ăn ngay khi về đến nhà. Nhưng khoảng một giờ sau, bạn cảm thấy như mình có thể ngồi dậy và ăn uống một xíu. Và bạn làm vậy. Sau đó bạn hút thuốc, nghiêm túc; bạn gặp gỡ bạn bè; bạn tản bộ; bạn chơi bài; bạn đọc lớt phớt một cuốn sách; bạn nhận ra tuổi già đang đến gần; bạn đi dạo; bạn vuốt ve phím dương cầm... Trời ơi! Một giờ mười lăm phút. Sau đó bạn dành hẳn bốn mươi phút để nghĩ về việc đi ngủ; và có thể bạn quen thuộc với một loại whisky thực sự ngon. Cuối cùng bạn đi ngủ, kiệt sức vì công việc trong ngày. Sáu giờ, có lẽ hơn, đã trôi qua kể từ khi bạn rời văn phòng – đã trôi qua như một giấc mơ, đã trôi qua cứ như thể tà thuật, không thể lý giải được!
Đây là một ví dụ điển hình. Nhưng bạn nói: "Nói vậy thì dễ quá. Một người đàn ông cũng có lúc phải đi gặp anh em bạn bè. Anh ta không thể lúc nào cũng phải căng thẳng." Đúng vậy. Nhưng khi bạn sắp xếp để đi xem kịch (đặc biệt là với một một cô nàng thanh tân), chuyện gì xảy ra? Bạn vội vã về ngoại ô; bạn không tiếc công sức để làm cho mình bảnh hơn; bạn vội vã trở lại thành phố bằng chuyến tàu khác; bạn giữ mình trong trạng thái căng thẳng suốt bốn giờ, nếu không phải năm giờ; bạn đưa cô ấy về nhà; bạn về nhà. Bạn không dành ba phần tư giờ để "suy nghĩ" về việc đi ngủ. Bạn đi luôn. Bạn đã quên cả bạn bè lẫn mỏi mệt, và buổi tối đó có vẻ dài vô tận (hoặc có thể là quá ngắn)! Và bạn có nhớ lần đó khi bạn bị thuyết phục hát trong dàn hợp xướng của hội opera nghiệp dư, và lao động hai giờ mỗi tối cách ngày suốt ba tháng không? Bạn có thể phủ nhận rằng khi bạn có một điều gì đó cụ thể để mong đợi vào buổi tối, điều gì đó sẽ chiếm hết toàn bộ năng lượng của bạn—suy nghĩ về điều đó đã mang đến một sự rực rỡ và sức sống mãnh liệt hơn cho cả ngày không?
Ý tôi ở đây là: vào lúc sáu giờ, bạn hãy đối diện với sự thật và thừa nhận rằng bạn chẳng mệt lắm đâu (vì bạn không mệt, bạn biết mà), và bạn hãy sắp xếp buổi tối sao cho không bị gián đoạn giữa chừng bởi bữa ăn. Làm vậy bạn sẽ có ít nhất ba giờ rảnh để sử dụng. Tôi không gợi ý bạn phải dùng ba giờ mỗi tối trong suốt cả đời để tiêu tốn năng lượng trí óc. Nhưng tôi gợi ý rằng bạn có thể, bắt đầu từ bây giờ, dành một giờ rưỡi mỗi tối cách ngày để phát triển trí tuệ một cách quan trọng và liên tục. Bạn vẫn còn ba buổi tối để gặp gỡ bạn bè, chơi bài, chơi tennis, cảnh gia đình, đọc sách lặt vặt, hút ống, làm vườn, tản bộ, và tham gia các cuộc thi. Bạn vẫn sẽ có sự giàu có khổng lồ của bốn mươi lăm giờ giữa 2 giờ chiều thứ Bảy và 10 giờ sáng thứ Hai. Nếu bạn kiên trì, bạn sẽ sớm muốn dành bốn buổi tối, và có thể là năm, vào một nỗ lực bền bỉ để sống thật sự. Và bạn sẽ bỏ được thói quen tự lẩm bẩm vào lúc 11 giờ 15 tối, "Đến lúc nghĩ về việc đi ngủ rồi." Người bắt đầu đi ngủ trước bốn mươi phút khi mở cửa phòng ngủ của mình là người chán nản; tức là, họ chẳng sống bao giờ
Nhưng hãy nhớ, ngay từ đầu, những phút tối quan trọng ba lần mỗi tuần phải là những phút quan trọng nhất trong mười nghìn không trăm tám mươi phút đó. Chúng phải được coi là thiêng liêng, cũng thiêng liêng như một buổi diễn tập kịch hay một trận tennis. Thay vì nói, "Xin lỗi, tôi không thể gặp bạn, bạn ạ, giờ tôi phải chạy đi đến sân quần," bạn phải nói, "...nhưng tôi phải làm việc." Điều này, tôi thừa nhận, rất khó nói. Tennis quan trọng hơn rất nhiều so với linh hồn bất tử.
—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-—-

Thành công và bất thành - về cuốn tự truyện của Benjamin Franklin

(Trích từ MENTAL EFFICIENCY, 1911)
Sau khi dũng cảm tuyên bố rằng rằng thành công không phải, và không thể, nằm trong tầm với của đại đa số, tôi bây giờ tiến hành tuyên bố về thiểu số, rằng họ không đạt được thành công theo cách mà người ta thường nghĩ là họ đạt được. Và tôi có thể thêm một lời cảm ơn rằng họ không làm như vậy. Ảo tưởng phổ biến là thành công đạt được qua phương pháp mà tôi có thể gọi là phương pháp "Benjamin Franklin". Franklin là vĩ nhân; ông thâu gồm trong nhân cách của mình một loạt các phẩm chất tuyệt vời, đa dạng theo các cách khác nhau, giống như những phẩm chất mà Leonardo da Vinci sở hữu. Tôi vô cùng ngưỡng mộ ông. Nhưng cuốn Tự truyện của ông khiến tôi nổi đoá. Tự truyện của ông được hiểu là một tác phẩm cổ điển, và nếu bạn nói một lời nào đó chống lại nó ở Hoa Kỳ, bạn có thể bị xử tử. Tuy nhiên, tôi không có kế hoạch du lịch Hoa Kỳ ngay lập tức, và tôi sẽ dám khẳng định rằng Tự truyện của Benjamin Franklin là một cuốn sách đáng ghét và dễ gây hiểu lầm. Tôi chỉ có thể nhớ hai cuốn sách khác mà tôi sẽ sẵn sàng phê phán hơn. Một là Samuel Budgett: Thương nhân thành công, và cuốn còn lại là Từ Cabin Gỗ đến Nhà Trắng, lịch sử của Tổng thống Garfield. Những cuốn sách như vậy có thể gây ấn tượng với các cậu bé, và có thể chúng không gây hại cho các cậu bé (Franklin, nhân tiện, đã bắt đầu Tự truyện của mình dưới dạng một lá thư gửi con trai mình), nhưng người đàn ông trưởng thành mà có thể ủng hộ chúng mà không cảm thấy buồn nôn thì nên đi gặp bác sĩ, vì có gì đó sai với anh ta.
"Tôi bắt đầu," Franklin nhẹ nhàng nhận xét, "có một số mối quan hệ với những người trẻ trong thành phố yêu thích đọc sách, với những người tôi đã dành những buổi tối rất vui vẻ; và kiếm tiền nhờ sự cần cù và tiết kiệm của mình." Hoặc một lần khác: "Vào khoảng thời gian này, tôi đã nảy ra một dự án táo bạo và đầy thử thách là đạt được sự hoàn hảo về đạo đức... Tôi đã làm một cuốn sách nhỏ, trong đó tôi dành một trang cho mỗi đức tính. Tôi kẻ mỗi trang bằng mực đỏ, để có bảy cột, mỗi cột cho một ngày trong tuần... Tôi vẽ những đường kẻ đỏ này với mười ba dòng, đánh dấu mỗi dòng bằng chữ cái đầu của một trong các đức tính; trên mỗi dòng đó, và trong cột tương ứng, tôi có thể đánh dấu, bằng một chấm đen nhỏ, mọi lỗi tôi phát hiện khi kiểm tra đã phạm phải đối với đức tính đó vào ngày hôm đó." 
Ôi Franklin, dù ở đâu, thực sự điều này có vẻ hơi cứng nhắc! Một người có thể được tha thứ cho những hành vi đạo đức như vậy, nhưng thật sự anh ta không nên viết chúng ra, đặc biệt là gửi cho con trai mình. Và tại sao lại phải chi tiết về mực đỏ? Nếu con trai của Franklin không bị dẫn dắt vào những con đường xấu bởi việc đọc cuốn Tự truyện khủng khiếp đó, anh ta phải là một người gần như phi thường giống như cha mình. Bây giờ Franklin chỉ có thể viết "tác phẩm bất hủ" của mình vì một trong ba động cơ: (1) Tự cao tự đại. Ông là một người có phẩm giá, nhưng không tự cao tự đại. (2) Mong muốn người khác sẽ học hỏi từ những sai lầm của ông. Ông không bao giờ phạm sai lầm. Thỉnh thoảng ông nhấn mạnh một lỗi nhỏ, nhưng đó chỉ là "trò vui" của ông. (3) Mong muốn người khác sẽ học hỏi từ những lời kể về sự sáng suốt và đức hạnh của ông để đạt được thành công tương tự. Đây chắc chắn là động cơ chính của ông. Một người lương thiện, tình cờ là một thiên tài! Nhưng vấn đề là thành công của ông không hề là kết quả của sự sáng suốt đạo đức của ông. Tôi sẽ đi xa hơn và nói rằng sự sáng suốt đạo đức khủng khiếp của ông đôi khi cản trở thành công của ông.
Không ai là người hướng dẫn kém cỏi về thành công hơn là chính những kẻ thành công điển hình. Anh ta hiếm khi hiểu được lý do tại sao mình thành công; và khi một tạp chí đại chúng yêu cầu anh ta chia sẻ những kinh nghiệm của mình để phục vụ lợi ích của tuổi trẻ đất nước, thì anh ta không thể “phổi bò” quá được. Anh ta biết loại thông tin mà người ta kỳ vọng từ mình, và nếu anh ta không đến London với chỉ nửa đồng xu trong túi, thì có lẽ anh ta cũng làm điều gì đó ngớ ngẩn tương tự, và anh ta ghi lại điều đó, và tông điệu của bài viết hoặc cuộc phỏng vấn đã được thiết lập, và lời chia tay với sự thật chân thực! Gần đây, một tác phẩm tự truyện - giáo huấn của một trong những người giàu nhất thế giới đã xuất hiện trên một tờ báo hàng ngày, và đó là bài viết “bất toàn" nhất mà tôi từng gặp. Những người thành công quên đi rất nhiều điều trong cuộc sống của họ! Hơn nữa, không có gì dễ dàng hơn việc giải thích một sự kiện đã hoàn thành theo một cách dễ chịu, thuận theo lối mòn. 
Toàn bộ công việc của thành công là một âm mưu ngầm khổng lồ của thiểu số nhằm lừa dối đại đa số.
Liệu những người thành công có siêng năng, tiết kiệm và thông minh hơn những người không thành công không? Tôi đoan chắc là không, tôi quan sát và ngẫm ngợi mãi về những người thành công rồi. Một trong những đặc điểm chung nhất của người thành công là sự lười biếng của anh ta, khả năng to lớn trong việc lãng phí thời gian. Tôi khẳng định mạnh mẽ rằng, theo thói quen, những người thành công thường là người lười biếng. Còn về sự tiết kiệm, điều này hầu như không tồn tại trong các tầng lớp thành công: tuyên bố này đặc biệt đúng với các nhà tài chính. Còn về trí thông minh, tôi đã nhiều lần kinh ngạc về sự thiếu trí thông minh ở những người thành công. Họ thực sự có thể phạm phải những sự ngớ ngẩn mà nếu là một nhân viên bình thường thì đã phá sản. Và rất nhiều cuộc trò chuyện trong những vòng tròn xung quanh người đàn ông thành công là về việc liệt kê những ví dụ chứng minh sự thiếu trí tuệ của anh ta. Một điểm nữa: những người thành công hiếm khi thành công nhờ vào việc sắp xếp có trật tự trong cuộc sống của họ; họ là những sinh vật ít có phương pháp nhất. Một cách tự nhiên, khi họ đã "đạt đến" thành công, họ thư giãn và gây ấn tượng với số đông bằng cách thuyết phục rằng ngay từ ban đầu, với tầm nhìn vững vàng về mục tiêu, họ đã lên kế hoạch cẩn thận cho mỗi bước đi.
Không! Thành công lớn không bao giờ phụ thuộc vào việc làm theo tài đức, thậm chí có thể phụ thuộc vào làm theo tật. Hãy sử dụng sự siêng năng, tiết kiệm và lý trí, cứ việc, nhưng đừng mong rằng chúng sẽ giúp bạn đạt được thành công. Vì chúng sẽ không như thế đâu. Tôi chắc chắn sẽ bị nói rằng những gì tôi vừa viết có xu hướng khuyến nghị người ta vô đạo đức, nhác biếng, hoang huỷ, v.v. Nhưng: một trong những lỗi lớn của xứ ta là ham muốn đạo đức giả trong việc che giấu sự thật dưới cái cớ rằng việc thừa nhận nó sẽ tạo cảm giác mang tội, trong khi ta phải thừa nhận rằng chúng ta sợ sự thật. Lỗi đó tôi sẽ không dính đâu. Tôi thực sự thích đối diện với sự thật mà không chớp mắt. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, bình quân ra thì có nhiều đức tính hơn trong đại đa số những người không thành công so với thiểu số thành công. Chỉ riêng ở London, có cả cây số đường đầy ắp con người siêng năng, tiết kiệm và cẩn thận. Một số người đàn ông sáng giá nhất mà tôi đã biết là những người thất bại, và không phải vì thiếu phẩm chất. Và một số người ít tài năng lại thành công kỳ diệu. Không thể chỉ ra một lĩnh vực hoạt động nhân loại nào mà thành công có thể được giải thích bằng các nguyên lý thông thường mà mọi người thường chấp nhận. Tôi nghe bạn, Ô độc giả, có khi đang lẩm bẩm: "Tất cả những điều này là rất hay, nhưng anh ta chỉ đơn giản là đang nói ngược để làm vui mình thôi." Tôi ước gì tôi có thể thuyết phục bạn về sự nghiêm túc tuyệt đối của mình! Tôi đã cố gắng chỉ ra những điều không tạo nên thành công. Tiếp theo, tôi sẽ cố gắng chỉ ra những điều thực sự tạo nên thành công. Nhưng hy vọng của tôi là vô vọng.
(còn tiếp)
----
Về bài viết của The1ght:
Theo dõi Nonfic+: