Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:


Lấy cảm hứng từ cuốn sách I Will Teach You To Be Rich của tác giả Ramit Sethi, mình đã xây dựng và áp dụng phương pháp budgeting với mục tiêu đảm bảo sự hiệu quả trong việc quản lý tài chính nhưng cũng đủ đơn giản để mình duy trì trong một thời gian dài.
Thông qua bài viết này, mình muốn chia sẻ hệ thống budget của bản thân hy vọng sẽ truyền được hứng khởi cho mọi người về việc phát triển hệ thống budgeting cho riêng mình.

TẠI SAO PHẢI BUDGETING?

Budgeting là một trong những thành phần chủ chốt của một hệ thống quản lý tài chính cá nhân. Có thể hiểu đơn giản Budgeting là lập ra những ngân quỹ (budget) để kiểm soát việc sử dụng thu nhập của mình vào những mục đích cụ thể. Duy trì một hệ thống Budgeting đã giúp mình:
•    Đảm bảo thu nhập được phân bổ hợp lý, phục vụ cho những mục tiêu cá         nhân trong cuộc sống,
•    Hạn chế tình trạng “vung tay quá trán”, không biết thu nhập của mình đã     “bay” đi đâu mất,
Hay nói cách khác, nền tảng của việc quản lý tài chính cá nhân bắt đầu từ việc budgeting! Bạn không thể đưa tài chính vào tầm kiểm soát, nếu như không bắt đầu ‘kiểm soát’ chi tiêu của mình.
Hoặc bạn quá giàu tới mức không cần phải đọc bài viết này…
Nếu không, hãy thử ngồi xuống, bắt đầu suy nghĩ về câu hỏi “Với số tiền hiện tại, mình sẽ chi tiêu trong tương lai như thế nào?”

CÁC BUDGET CHÍNH

Budget 1.5

Mình chọn phân bổ toàn bộ thu nhập take-home (thực nhận mỗi tháng) thành 4 mục chính với tỷ lệ như sau:
•    ĐẦU TƯ – INVESTMENT – 10%
•    CHI PHÍ SINH HOẠT – FIXED COST – 50%
•    TIẾT KIỆM MỤC TIÊU – GOAL SAVER – 20%
•    TIÊU XÀI – GUILT-FREE – 20%
Mình đã thử và thay đổi nhiều tỷ lệ khác nhau để tìm được một tỷ lệ mà hiện tại mình thấy phù hợp nhất với bản thân.

1. INVESTMENT (ĐẦU TƯ)

Mình sẽ không tập trung nói về Investment trong bài này do để nói đầy đủ thì sẽ cần nhiều bài viết riêng. Tuy nhiên nguyên tắc của mình là luôn dành ít nhất 10% thu nhập để Đầu tư nhằm phát triển được networth và phải đầu tư càng sớm càng tốt để tận dụng được COMPOUND INTEREST (lãi kép).

2. FIXED COST (CHI PHÍ SINH HOẠT)

Fixed Cost bao gồm các chi phí cố định hằng tháng để duy trì sự sống một cách “vừa đủ”. Tất nhiên khái niệm “vừa đủ” với mỗi người là khác nhau. Nhưng mình hay tưởng tượng nếu 1 tháng không có thu nhập thì số tiền tối thiểu mình phải chi để duy trì cuộc sống là bao nhiêu.
Fixed Cost của mình bao gồm các mục như sau:
- Tiền thuê phòng: Có thể là tiền trả góp căn nhà trong trường hợp bạn vay mua nhà
- Tiền điện, nước, Internet: Bạn có thể cân nhắc các khoản như tiền license Office 365, Google Drive, tiền Spotify/Netflix subscription vào mục này nếu bạn thấy nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống
- Tiền di chuyển: Do mình có xe máy nên mình sẽ không tính tiền đi Grab vào phần này. Bao gồm: tiền xăng, tiền gửi xe… Ngoài ra, mình sẽ ước tính mỗi năm cần bao nhiêu tiền để sửa xe, thay nhớt để tính ra tiền cho 1 tháng
- Tiền quần áo, vệ sinh cá nhân: Tiền để mua quần áo: bạn có thể ước tính số tiền bạn bỏ ra hằng năm để mua quần áo, sữa tắm, wax… để tính được trung bình mỗi tháng cần bao nhiêu
- Tiền quà: Tiền tặng quà sinh nhật, đám cưới…
- Tiền đóng bảo hiểm, trả nợ khác: Các khoản tiền bắt buộc phải đóng cho một bên thứ ba
- Tiền cho những trường hợp không ngờ tới: Tất nhiên cuộc sống sẽ có những tình huống mình không bao giờ tính trước được nên mình luôn dành ra một phần tiền sẵn sàng cho những tình huống này



Khi thực hiện phân bổ cho từng mục nhỏ, mình đi theo thứ tự Quan trọng nhất -> Ít quan trọng nhất sao cho vừa đủ tỷ lệ 50% của thu nhập hiện tại. Nếu không đủ thì mình sẽ phải cân nhắc giảm tỷ lệ của mục Guilt Free xuống hoặc bỏ một số khoản chi khỏi mục Fixed Cost này (như tiền Netflix chẳng hạn).

3. GOAL SAVER (TIẾT KIỆM MỤC TIÊU)

Tùy vào từng giai đoạn trong cuộc sống, một người đều có những mục tiêu khác nhau. 20% thu nhập của mình được tích lũy dần cho các mục tiêu này. Tùy thuộc vào mục tiêu và thời gian phải thực hiện mà mình phân bổ phù hợp. Các mục tiêu hiện tại của mình:
•    Wedding: tổ chức đám cưới
•    House: mua nhà (ít nhất 30% trả trước – down payment)
•    Vacation: dành tiền cho ít nhất một chuyến du lịch đến địa điểm mới mỗi         năm
•    Emergency Funds: mục tiêu của mình là để dành được ít nhất 3 tháng              FIXED COST trong trường hợp mình không có thu nhập trong vòng 3 tháng


4. GUILT-FREE (TIÊU XÀI)

Sau khi đã đảm bảo được 3 việc: Đầu Tư, Sinh Hoạt, Tích Lũy thì phần còn lại (20%) mình có thể dùng vào bất cứ việc nào mình thích. Điểm mấu chốt ở đây là mình không cần lo sợ hay đắn đo khi sử dụng phần tiền còn lại này vì 3 khoản budget trước đã đảm bảo được việc mình vẫn đang từng bước thực hiện những mục tiêu tài chính của bản thân
Muốn một bữa ăn ở một nhà hàng “xa xỉ”? Muốn mua một món đồ công nghệ đắt tiền? Mình hoàn toàn thoải mái trong việc tiêu xài miễn sao không “cấn” vào các ngân sách trước kia.

LÀM SAO ĐỂ ĐẢM BẢO VIỆC TUÂN THEO BUDGET ĐÃ ĐỀ RA

Sau khi đã lập được những budget, việc tuân theo những budget này không hề dễ dàng. Một số kinh nghiệm của mình trong việc áp dụng budget một cách nghiêm túc:
•    Ưu tiên sử dụng Tiền mặt (CASH) hoặc Thẻ ghi nợ (DEBIT CARD) thay vì thẻ tín dụng vì mình chỉ sử dụng được đúng số tiền mình thực có (cũng là số tiền mình đã lên budget),
•    Đối với các khoản GOAL SAVERS, mình sử dụng một tài khoản ngân hàng phụ mà mình ít sử dụng đến, tách biệt với tài khoản giao dịch chính. Mục tiêu là để cho việc “đụng” đến những khoản này càng khó khăn và phiền phức càng tốt,
•    Tự động hóa: Do thu nhập của mình là cố định hằng tháng nên mình sử dụng chức năng “chuyển khoản định kỳ” để ngay sau khi có lương thì những khoản INVESTMENT, GOAL SAVERS và các khoản nợ phải thanh toán sẽ ngay lập tức được thanh toán hoặc đưa ra khỏi tài khoản chính. Điều này giúp mình tránh được những “cám dỗ” khi có một khoản tiền lớn trong tài khoản
spilled coins from the jar

MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

Nếu một budget bị “cạn” trước kỳ lương kế tiếp thì phải làm sao?
Có 2 quan điểm về cách xử lý trong trường hợp hết budget. Một số cho rằng budget là cố định, nếu đã lỡ tiêu hết thì phải chấp nhận, không được bù đắp từ những budget khác sang. Phần còn lại cho rằng các budget có thể bù qua sớt lại miễn sao vẫn chỉ chi tiêu trong số tiền mình có. Bản thân mình chọn cách thứ 2 vì sẽ có những lúc mình sẽ cần chi nhiều hơn trong các hoạt động giải trí (ví dụ như thời điểm gần Tết) thì mình sẽ giảm bớt chi tiêu cho các mục trang phục, uống cafe (uống loại cafe rẻ hơn…). Tuy nhiên, tuyệt đối mình sẽ không cắt từ mục INVESTMENT và GOAL SAVER.
Những trường hợp nào được xem là emergency (khẩn cấp)?
Các trường hợp khẩn cấp có thể là bệnh, gặp tai nạn, hư hỏng xe, máy tính, nhà bị mọt… Tuy nhiên, sau mỗi lần phải tiêu emergency funds thì nên suy tính lại xem có chuẩn bị sẵn budget cho vấn đề này thường xuyên xảy ra.
Các trường hợp không phải khẩn cấp như là món đồ đang sale không ngờ, vé máy bay 0đ, điện thoại chụp hình không đẹp cần mua điện thoại mới…
Nên sử dụng công cụ nào để quản lý budget?
Để bắt đầu thì cách dễ nhất là bạn lập ra bảng kế hoạch theo tháng trong Excel sau đó sử dụng một số app trên điện thoại để ghi nhận chi tiêu hằng ngày. Cá nhân mình đang dùng Money Lover – một ứng dụng của người Việt và mình thấy rất hài lòng với công cụ này
Giao diện của ứng dụng Money Lover – hiện đại và đơn giản phải không nào?

HÃY BẮT ĐẦU NGAY TỪ BÂY GIỜ

Hy vọng bài viết này giúp được các bạn ít nhiều trong việc xây dựng nên Budgeting của chính mình.
Lời khuyên duy nhất của mình là đừng suy nghĩ quá nhiều về việc có một hệ thống budget hoàn hảo ngay từ đầu. Hãy cứ bắt đầu rồi dần dần bạn sẽ tự nhận ra được cách điều chỉnh sao cho hợp lý nhất
-
Tác giả: Randy Bùi
Xem bài gốc và các bài viết khác về quản lý tài chính dành cho người trẻ tại Rich Kids Vietnam Finance nào!