Hãng tư vấn định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh - Brand Finance vừa công bố bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2018. Trong đó, Apple có giá trị thương hiệu là 146,311 tỷ USD, đứng vị trí thứ 2 trong danh sách, vượt qua các thương hiệu nổi tiếng như Google, SamSung và Facebook.
Nhiều người tự hỏi: “Tại sao Apple có thể bỏ lại "những cái tên" tiếng tăm đó để trở thành thương hiệu đắt giá nhất thế giới?” hay “Tại sao khách hàng của Apple lại trung thành đến vậy?”. Có lẽ lý do chính đến từ vị Giám đốc điều hành vĩ đại đã quá cố – Steve Jobs. Apple là Steve Jobs. Steve Jobs là Apple. Từ niềm đam mê, khát khao và nhiệt huyết cháy bỏng với Apple, ông đã tạo ra những sản phẩm không chỉ vượt trội về chất lượng mà còn độc đáo về thiết kế.


Chọn cho mình hướng đi riêng biệt: Apple tập trung vào thiết kế. Chính điều này đã thúc đẩy giá trị thương hiệu của công ty. Kết hợp hai yếu tố chức năng và hình thức, tất cả các dòng sản phẩm của Apple đều bắt mắt, gần như hoàn hảo đến từng chi tiết và thậm chí hoàn hảo ở ngay những mẫu quảng cáo truyền hình. Nhắm vào mức độ hiện diện cao, Apple xuất hiện khắp nơi và điều đó tác động lớn đến giá trị thương hiệu của họ.
Apple sử dụng sự phân biệt mạnh mẽ của sản phẩm để tạo nên sự khác biệt. Nghĩa là: họ chọn cách tạo dựng một nhóm - nơi khách hàng nghĩ rằng mình là một phần trong đó. Phải chăng, Apple đang dựa trên lý thuyết “Social Identity Theory” (Bản sắc xã hội). Apple tạo ra những sản phẩm với những giao diện và tính năng khiến khách hàng cảm nhận rằng họ khác biệt so với những người sử dụng thương hiệu khác. Chính điều này đưa thương hiệu Apple trở thành một phần trong điểm nhận diện xã hội của khách hàng. Khách hàng tự hào với sản phẩm và thương hiệu Apple mà mình đang sở hữu và dần trở nên trung thành với thương hiệu.
Mọi tương tác của khách hàng đều được Apple lên kế hoạch cẩn thận, những trải nghiệm trên website và cửa hàng cũng mang lại sự vui vẻ và thoải mái. Điều này khẳng định sự hài lòng tuyệt đối khi khách hàng trải nghiệm với Apple. Giá trị thương hiệu của Apple nằm ở đó: “Họ sở hữu số lượng lớn khách hàng hài lòng”.
Điểm cuối không thể không nhắc tới chính là cách Apple truyền thông cho các sản phẩm của mình. Mỗi sự kiện ra mắt của Apple đều được giới công nghệ chào đón. Sự yên lặng của Apple, thời gian dài giữ bí mật cùng những tin đồn được tung ra luôn tạo sự tò mò đối với báo chí. Điều này tạo nên sự hấp dẫn và thu hút cho các sản phẩm của Apple ngay trước khi ra mắt công chúng.
Qua những phân tích trên, bạn đã có được câu trả lời cho những vấn đề bạn đang băn khoăn? Bạn có thể tự tìm kiếm và phân tích một vài case study. Chẳng hạn như: “Tại sao Amazon lại có thể đánh bật các thương hiệu nổi tiếng để đứng vị trí đầu tiên trong Top 10 các thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2018?”. Thật ngạc nhiên khi Amazon có thể đứng lên vị trí cao nhất, vượt qua Apple phải không? Hãy thử nghiên cứu và đưa ra các lý luận của chính bạn. Nếu bạn muốn có những tín đồ thương hiệu, hãy khám phá cách thức kết nối với khách hàng và khởi đầu một trào lưu mà bạn tin tưởng. Mọi người chắc chắn sẽ theo chân bạn.