Tuần rồi mình ra thăm Hà Nội.
Đúng, giờ chỉ dám nói là ‘ra thăm’ thôi. Đi lâu quá rồi, làm sao mà còn dám nói là hiểu được về nơi ấy kia chứ.
Dù thực sự, vẫn còn đâu đó những góc nhỏ, những thói quen, khiến cho dù có đi đâu, mình vẫn nghĩ rằng HN là nơi hợp nhất với mình.
- cái cảm giác ngồi Lâm sáng chủ nhật, bên tách đen nóng đậm đà, và những câu chuyện vu vơ (cám ơn con người đã chịu dậy sớm đi cùng anh nhé. Và khẳng định: Lâm không phải nơi để oánh cờ nhé).
- hay việc dạo bộ lang thang Bờ Hồ, cảm nhận rõ ràng sự khác biệt giữa một bên là phố xá tấp nập, xe cộ ồn ào với một bên là mặt nước phẳng lặng, các bà các cụ thảnh thơi tập tành.
- rồi tạt vào làm bát bún sườn-thịt-mọc Cầu Gỗ. Dù ngày xưa nó văn hóa, nó chậm rãi hơn nhiều, từ cách ăn nói, chuyện trò với khách, đến cách phục vụ. Để rồi lại bần thần tự hỏi: là bởi quán đông, hay bởi cái chất Hà Nội ấy cứ nhạt dần theo năm tháng…
Một bức ảnh, chs, cảm giác rất HN nhé! Nguồn: Google.
Một bức ảnh, chs, cảm giác rất HN nhé! Nguồn: Google.
Nhưng, có một điểm đặc biệt, là những ngày tháng 38 40 độ vừa rồi của HN, ngủ ít, ngày đi chạy giấy tờ rong ruổi ngoài đường dưới cái nắng gay gắt, lại không làm mình mệt.
Phải chăng, những cuộc gặp gỡ thú vị, những bữa hàn huyên bạn bè, đã tiếp thêm sức mạnh cho mình.
Vẫn là cái cảm giác của lần về trước, thậm chí lần này còn đậm hơn: rằng mỗi con người chọn lựa gắn bó với Hà Nội, chấp nhận bon chen giữa mảnh đất ngày càng xô bồ khắc nghiệt này, sao thấy đều đặc biệt đến thế - là mạnh mẽ, linh hoạt, hay nếu không thì lại cực kỳ vững vàng từ bên trong. Để đến nỗi mà chỉ cần nghe mọi người nói chuyện cũng cảm nhận được cái sức sống, sức vươn lên nó cứ tự nhiên mà toát ra, mà lan tỏa đến vậy.
(trong số ấy, tận 6 cuộc gặp là với các Nhện. May mắn được diện kiến từ 2 founder của Động đến những người gặp mặt lần đầu mà ngỡ như quen lâu lắm rồi. Để được nghe Việt Anh chém - một cách rất chill mà lại rất chất chs; rồi được nghe Nga tâm sự, mà hiểu được rằng đằng sau con người ‘được việc’ cả-công-ty-sợ ấy là một cô gái chỉn chu, cẩn thận, nhưng hơi ôm đồm đến thế nào - để mà quý em nhiều hơn nữa; rồi thì được Mon cho thử cảm giác ngồi sau xe con gái mà đặc biệt lại là người con gái không bao giờ tránh ổ gà; và nhận được chiếc notes dễ thương thì thôi của Giang; và để cô gái chuyên-lý-mù-đường-máu-kinh-doanh oánh cờ cho mình toát hết mồ hôi.
Xin chân thành cảm ơn Động, vì đã là nơi tụ hội của những con người thú vị đến như thế!!!)
Vì đi lại nên tuần này mình đọc ít lắm. Cuốn tự truyện của Malcolm X khá hay, dù hơi khó đọc. Có lẽ vì mình đồng cảm được với ông, khi quãng 18 20 năm đầu đời để phí hoài trong những thú chơi bời, những cuộc vui không lối thoát, nhưng may mà tìm đến được với sách, để sách cứu rỗi không chỉ tâm hồn mà có lẽ cả cuộc đời.
I have often reflected upon the new vistas that reading opened to me. I knew right there in prison that reading had changed forever the course of my life. As I see it today, the ability to read awoke inside me some long dormant craving to be mentally alive. I certainly wasn’t seeking any degree, the way a college confers a status symbol upon its students. My homemade education gave me, with every additional book that I read, a little bit more sensitivity to the deafness, dumbness, and blindness that was afflicting the black race in America. 
Nhưng nói thì nói vậy, chứ để có thể tiếp nhận và, có lẽ hơi to tát, xây lại cuộc đời từ sách, là một quá trình cực kỳ gian nan, vất vả, và thử thách. Mình nghĩ ai đọc cuốn này đều sẽ phải ấn tượng với sự kiên trì của Malcolm X. Ông bỏ học từ năm lớp 8, và sau một thời gian ngập chìm trong các cuộc chơi thâu đêm và các chất gây nghiện, thì khả năng ngôn ngữ của ông không cần nói cũng biết là thấp đến mức nào. Vậy nên việc ngay lập tức đọc sách và tiếp nhận được tri thức là 'mission impossible'. Thay vào đó, để có thể bắt đầu lại, ông đã phải chép lại từng trang cuốn từ điển, để từng chút từng chút hấp thụ lại ngôn ngữ câu từ.
Đúng, bạn không đọc nhầm đâu: Ông đã kiên trì chép lại từng trang một cuốn từ điển, để có thể hấp thụ lại ngôn từ đấy.
Và từ đó mà việc đọc, cả về kỹ năng đọc lẫn khả năng tiếp thu, mới được cải thiện.
Và đặc biệt hơn nữa, ông làm việc ấy trong tù, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn canh đêm.
Nguồn ảnh: Google
Nguồn ảnh: Google
Fiction thì tuần này mình đang cày 1q84.
Và phải nói là thực sự khá mông lung giữa hai trạng thái cảm xúc: một là sự thán phục trước trí tưởng tượng có thể nói là thượng thừa của Murakami, tại sao ông lại có thể nghĩ ra được những thứ xuất sắc đến vậy; nhưng bên cạnh đó sao cứ lăn tăn một cảm giác đọc cuốn này ... phí thời gian. Mình cũng không biết nữa, là vì thể loại siêu thực này nó thế, hay vì mình đã hơi nhàm với những cuốn fiction cứ phải đặt nhân vật chính vào các tình huống như phải thay đổi thế giới blah blah các thứ.
Nhưng nói gì thì nói, mình thực sự phục văn phong của Murakami, từ tiết tấu, nhịp điệu đến cách sử dụng ngôn từ, nó mang lại cho người ta một cảm giác của sự lão luyện và tận tâm. Và, luôn có những đoạn, những suy tư rất đi vào lòng người:
Tengo sắp xếp lại mạch tư duy trong đầu, rồi nói: “Có lẽ anh đã đi một quãng đường vòng rất dài. Cô bé tên là Aomame ấy, nói thế nào nhỉ? Bấy lâu nay cô ấy luôn ở sâu thẳm trong tim anh. Với anh, cô ấy giống như một cái neo quan trọng cho sự sống còn của anh. Mặc dù thế, chính vì vị trí của cái mỏ neo ấy quá gần trung tâm nên anh lại không thể nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa của nó”
Mở rộng thêm ý này một chút, nó rất giống với chia sẻ của một bạn trong sự kiện về sách mà mình tham gia hôm chủ nhật, khi bạn nói rằng việc đọc 1 cuốn sách thực ra không phải là một quá trình có kết thúc. Vì sau đó còn là bao nhiêu suy nghĩ được mở ra, bao nhiêu kết nối được chữ duyên se lại, và thậm chí là cả cảm giác ấn tượng, vấn vương đến nỗi cứ muốn tìm lại và lật giở những trang sách đã từng lướt qua hay thậm chí đã trở nên quen thuộc ấy.
P.s. Và một bài nhạc nhẹ rất không liên quan đến nội dung, nhưng có lẽ hợp tâm trạng của một buổi chiều tối thứ 3 bão gió.
A Dreamer