Đường Hai Bà Trưng, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: nvthuongg
Đường Hai Bà Trưng, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: nvthuongg
Có lẽ không ai dùng từ như vậy cả. Người ta sẽ gọi là "chuyến đi du lịch", "chuyến đi công tác", "chuyến đi nghỉ dưỡng", không ai gọi đi làm là "chuyến đi làm". Tuy nhiên trong bối cảnh phải ở nhà gần hai tháng trời, không đi đâu xa quá siêu thị ngoài đầu đường thì gọi việc đi làm như những chuyến đi cũng hợp lý, bởi cách gọi vậy nó gợi lên hình ảnh về một nơi xa xôi, nơi mình từng đến trong quá khứ và chỉ ngóng đi lại một lần nữa.
Mình phải thừa nhận việc bị hạn chế đi lại một thời gian dài đang tạo ra một khoảng trống ở bên trong mà dường như không có cách nào lấp đầy. Có vẻ như việc chạy ra đường, nghe tiếng còi xe, tiếng động cơ, pha lẫn với âm nhạc phát ra từ tai nghe, ngửi mùi khói, lách xe tránh ổ gà, những thứ đó tạo ra những cảm xúc rất sống động. Không phải ai cũng có góc nhìn thoải mái như vậy về việc đi làm, bằng xe cá nhân hoặc bằng phương tiên công cộng. Thật sự có lẽ mình chỉ đang cố gắng duy trì sự lạc quan vì mình không muốn đến công ty hay về nhà với vẻ mặt cau có.
MỆT MỎI/NẮNG NÓNG/BỤI/CHEN CHÚC/KẸT XE/ỒN ÀO/BUỒN NGỦ dường như sẽ là những tính từ mà mọi người hay tả chặng đường đi của họ từ nhà đến công ty và ngược lại. Việc bị kẹt xe dưới cái nóng gay gắt với tiếng còi inh tai bên cạnh và nhìn thấy khẩu hiệu: "Chung tay góp phần xây dựng thành phố văn minh" càng khiến người đi đường cảm thấy họ như đang bị kẹt trong một vở bi hài kịch. Mình vẫn còn nhớ lúc mới đi làm, công ty ở xa cách nhà hơn 15km. Mỗi buổi sáng là một cuộc đua với thời gian, còn phải ghi nhớ chỗ nào làm bánh mì nhanh để mà mua để còn kịp đến chỗ bắt xe buýt. Quên cái gì ở nhà là coi như quên luôn do đó việc chuẩn bị cho buổi đi làm hôm nay phải bắt đầu từ tối hôm qua.
Dường như không ai tận hưởng các chuyến đi làm cả, dù là ở quốc gia nào. Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, Daniel Kahneman đã tiến hành nghiên cứu và kết luận rằng đi làm là một trong những quãng thời gian tồi tệ nhất mà mọi người phải trải qua trong một ngày. Một nghiên cứu tiến hành tại Thụy Sĩ cho thấy việc di chuyển đi làm "làm giảm chất lượng cuộc sống của mỗi người một cách có hệ thống". Giống như là mỗi ngày bạn đều bị bào mòn từng chút từng chút bởi những lần di chuyển vậy.
Thế rồi dịch Covid-19 xuất hiện như một ân nhân giúp chúng ta thoát khỏi lời nguyền đi làm. Những người cảm thấy cay nghiệt với việc phải dậy sớm hơn bình minh và về muộn hơn hoàng hôn cảm thấy như được giải phóng khi chính quyền thành phố thực hiện phong tỏa, và công ty không có cách nào khác ngoài việc yêu cầu họ làm ở nhà. Một số người cảm thấy như họ cuối cùng đã đạt được cuộc sống lý tưởng họ mong muốn: được làm việc ở nơi mình ưa thích là nhà mình. Cuộc sống chưa bao giờ nhẹ nhàng hơn thế: không phải tốn công lựa quần áo, trang điểm, không còn hoảng hồn vì dậy muộn hơn mọi lần 5 phút. Không phải lo về tiền xăng, về việc bị kẹt xe dưới mưa, phải đối mặt với những người mình không ưa.
Nhưng có nhiều người lần đầu tiên ở nhà trong một thời gian dài bỗng cảm thấy những sự thay đổi kỳ lạ trong tâm lý của họ. Dường như khi tâm trí họ không còn bị phiền nhiễu bởi những sắc màu thanh âm của phố phường nữa thì họ cảm thấy một sự thiếu thốn. Có thể nói mọi mặt trong cuộc sống của họ đã gộp vào làm một, không còn những bản thể bị tách rời. Không còn khái niệm bắt đầu hay kết thúc một thứ gì đó nữa. Đầu tuần cũng như cuối tuần, mọi thứ đều như vậy. Không còn những cảm xúc từ những chuyến đi mang lại. Không còn những cánh cổng để bước qua. Họ buổi sáng cũng như họ buổi chiều, đồng nhất, không phải thay đổi tâm lý, vẻ mặt cho phù hợp với từng hoàn cảnh. Một báo cáo của Microsoft về việc cho nhân viên làm từ xa cảnh báo rằng: "Việc không đi làm dường như đang làm tổn hại đến năng suất lao động của nhân viên, chứ không phải là giúp họ." Công ty cũng ghi nhận rằng số lượng tin nhắn trò chuyện sau giờ làm tăng thêm 69%, và nhiều người nói rằng họ cảm thấy đừ người và mất năng lượng nhiều hơn.
Trước khi đại dịch diễn ra, chúng ta nghĩ rằng việc di chuyển chỉ có một lợi ích duy nhất là giúp chúng ta đến nơi làm việc. Nhưng những gì xảy ra trong tâm trí chúng ta khi chúng ta phải ở nhà thời gian dài cho thấy có vẻ như những chuyến đi đó có nhiều ích lợi hơn chúng ta nghĩ.
Bài viết cùng tác giả:
Vào năm 1994, một bác sĩ người Ý là Cesare Marchetti đã ghi chép rằng trong suốt lịch sử loài người, con người cho thấy họ sẵn sàng dành 60 phút mỗi ngày để di chuyển. Đó là lý do mà các đô thị cổ đại ở La Mã thường có đường kính không bao giờ quá 3 dặm (khoảng 4.8km). Những xe ngựa, tàu lửa hơi nước, xe đạp, xe hơi giúp tăng diện tích đô thị lên, tuy nhiên thời gian di chuyển là không đổi. Thống kê cho thấy trung bình một người Mỹ mất 27 phút để di chuyển một chiều từ nhà đến nơi làm việc.
Nghiên cứu của Cesare Marchetti đã chỉ ra 60 phút là quãng thời gian di chuyển trong ngày mà con người sẵn sàng chịu đựng, nhưng chưa chắc đó là quãng thời gian mà họ mong muốn có. Hẳn chúng ta tin rằng di chuyển càng ít thì càng tốt, thậm chí thuê nhà sát công ty là lý tưởng nhất. Nhưng nếu nhìn vào những người giàu có nhất thời xưa, những người có thể thoải mái lựa chọn được địa điểm họ muốn sống, và tính thời gian họ phải di chuyển từ nhà đến công ty mỗi ngày thì chúng ta thấy gì? J.P. Morgan, người sáng lập ra ngân hàng Morgan Chase lớn nhất nước Mỹ, đi mất khoảng 25 phút bằng xe ngựa kéo. John D. Rockefeller, ông trùm dầu mỏ ở Mỹ, di chuyển mất khoảng 30 phút bằng tàu.
Vào năm 2001, hai nhà nghiên cứu ở Đại học California, Davis (UC Davis) đã công bố một báo cáo mà trong đó kết luận rằng thời gian lý tưởng để di chuyển giữa hai nơi là 16 phút. Phải nhấn mạnh rằng đây là con số lý tưởng, và nó thấp hơn nhiều so với con số trung bình của những người tham gia nghiên cứu, vào khoảng nửa tiếng. Nhưng điều thú vị đó là con số lý tưởng này không phải là 0. Thậm chí nhiều người tham gia nghiên cứu còn nói rằng họ muốn thời gian di chuyển lâu hơn nữa. Khi được hỏi lý do tại sao, họ đưa ra nhiều lý do: cảm giác được làm chủ xe của mình, có thời gian để lên kế hoạch, để giảm căng thẳng tinh thần, để gọi điện, để nghe sách nói. Do đó hai nhà nghiên cứu đã kết luận rằng việc di chuyển đi làm rõ ràng là có tác động tích cực nhất định.
Trước khi đại dịch xảy ra, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu tìm hiểu về lợi ích của việc di chuyển đi làm. Một trong số đó là ông Jon Jachimowicz của Trường Kinh doanh Harvard. Nhà nghiên cứu đã chỉ ra sự đối lập giữa WeWork và WeLive, một sản phẩm chết yểu của công ty WeWork. Trong buổi giới thiệu sản phẩm đến các nhà đầu tư, lãnh đạo của WeLive tuyên bố rằng họ "cung cấp mọi thứ bạn cần để sống, làm việc và chơi ở trong một địa điểm duy nhất". Thế nhưng suốt quãng đời của nó, WeLive chỉ hiện diện ở hai địa điểm duy nhất. Sự thất bại có thể một phần là do nhu cầu dùng tiện ích trong chung cư của người trưởng thành không có nhiều. Nhưng Jachimowicz, theo ghi chép của nhà báo của tờ The Atlantic, đã nhận xét rằng: "Nếu con người ta thực sự ghét việc đi làm nhiều như họ hay nói, thì hẳn chúng ta đã thấy những thứ như WeLive ở khắp mọi nơi".
Gail Sheehy đã viết một bài báo đăng trên tạp chí New York năm 1968 về "cuộc sống hai mặt của những hành khách", ghi rõ chi tiết về những thay đổi trong nhân cách của những người lên các chuyến tàu 5:25 sáng, 6:02 sáng, và 9:57 sáng ở trạm Grand Central, thành phố New York. Ông viết rằng: "Bạn có cảm giác sâu sắc rằng có hai con người xuất hiện với con tàu là cầu nối giữa hai nhân cách đó". Khoảng cách giữa hai nhân cách đó được nghiên cứu và nhắc đến trong một chủ đề khoa học còn khá mơ hồ là "thuyết ranh giới" (boundary theory) và thuyết này như chìa khóa giúp chúng ta thấy được nhiều lợi ích hơn của việc di chuyển.
Các công ty hay khuyến khích mỗi nhân viên mang theo "bản thể chân thực" của mình đến nơi làm việc, hoặc mọi người hay khuyên chúng ta "hãy là chính mình" khi chúng ta phải tham gia cuộc thi nào đó, hoặc khi đi hẹn hò, những lời khuyên này đều dẫn đến sự hiểu nhầm. Sự hiểu nhầm này đó là chúng ta có một phần bản thể "thật" và một bản thể "giả". Chúng ta hay nghĩ là mình "đeo mặt nạ" khi ở với người khác. Nhưng thực chất điều đó không đúng, và theo thuyết ranh giới thì tất cả bản thể của chúng ta đều là thật. Chúng ta luôn có nhiều bản thể, và mỗi bản thể đều là thật.
Việc chuyển đổi từ một bản thể này sang một bản thể khác không hề dễ dàng, nó đòi hỏi chúng ta phải vượt ranh giới. Và theo nghiên cứu của giáo sư Blake Ashforth cùng hai cộng sự tại trường Đại học bang Arizona công bố trong một hội thảo khoa học, thì việc di chuyển "thật ra lại là một cách hiệu quả để hỗ trợ việc chuyển đổi bản thể về mặt vật lý cũng như tâm lý. "
Tất cả những hành động buổi sáng chúng ta làm như vệ sinh cá nhân, trang điểm, thay đồ có thể coi là một nghi thức nhỏ để báo hiệu rằng sự chuyển đổi bản thể bắt đầu diễn ra. Khi chúng ta ra đường thì tâm trí chúng ta bắt đầu thay đổi. Chúng ta tắt đi chế độ ở nhà và bật chế độ công sở lên. Và điều tương tự xảy ra khi chúng ta đi về. Nếu chúng ta không làm được như vậy, hai bản thể bị trộn lẫn vào nhau và dẫn đến một sự "ô nhiễm bản thể". "Nếu bạn nói chuyện ở nhà với giọng điệu của một người quản lý, khả năng cao tối đó bạn ngủ ngoài phòng khách", Jachimowicz giải thích. Còn nếu bạn nói chuyện với cấp dưới như một phụ huynh nói chuyện với con cái, thì nó rất là kì quặc.
Jachinmowicz và các đồng nghiệp nhận ra rằng những nhân viên có thể chuyển đổi tâm trí trong lúc di chuyển, tức chủ động suy nghĩ về các công việc phải giải quyết sắp tới, tự nhận xét rằng họ cảm thấy hài lòng khi ở công ty và cũng cảm thấy thoải mái khi về lại nhà . Còn ngược lại những người không tìm được ranh giới rõ ràng giữa chuyện cá nhân và công việc, thường khiến họ cảm thấy bế tắc. Việc họ không tập trung hoàn toàn vào một thứ khiến họ cảm thấy như không đạt được tiến triển gì ở cả hai khía cạnh.
Việc di chuyển đôi lúc sẽ có tác động như trị liệu, nó giúp kích thích tâm trí tách khỏi những phiền muộn của công việc để một người thực sự nghỉ xả hơi đầu óc. Sự nghỉ ngơi này là điều cần thiết để giúp não lấy lại năng lượng cần thiết, giúp tránh kiệt sức và căng thẳng cao độ. Điều này đúng cho dù bạn lái xe hay bạn là hành khách. Nếu bạn là người lái, việc phải tập trung trên đường sẽ như một hoạt động thể thao nhỏ giúp não bạn quên đi bản thể trước đó. Trong khi việc bạn là hành khách bạn có thể thoải mái thư giãn và nghĩ về những điều mà ở trên công ty bạn không có thời gian nghĩ đến.
Đối với bản thân mình, việc di chuyển liên tục tạo ra một cảm giác khai phóng tâm trí, bởi vì khi đó mình không là ai cả. Mình không phải là nhân viên, mình cũng không phải là một thành viên của gia đình, mình chỉ là một người tham gia giao thông. Đó là quãng thời gian ngắn ngủi ở trong ngày mà mình có thể không là ai, chỉ là một chấm đen trong dòng người.
Trước đây khi được di chuyển đi làm, mỗi chuyến đi với mình như là một lần thực hành làm thuật toán và tính xác suất. Việc đường mình đi có mật độ giao thông như thế nào phụ thuộc vào giờ mình ra đường. Mỗi giờ ra đường hay về nhà khác nhau đều dẫn đến xác suất bị kẹt xe khác nhau, và mỗi lần như vậy mình phải tính toán xem nên đi đường nào cho phù hợp. Ngày còn làm ở công ty cách nhà 15km, trong những lần không đi xe buýt mà phải tự đi xe máy, mình đã phải tự mò nhiều lần, thử nghiệm nhiều lần các con đường khác nhau, tìm lối đi có xác suất đèn xanh cao nhất để tìm được lối đi tối ưu nhất. Một thành tích mình đã đạt được là tìm được cách đi tối ưu để có nhiều lần chạy xe máy 15km từ công ty về nhà mà không một lần phải dừng đèn đỏ.
Bây giờ mình không đi làm xa như vậy nữa và đường đi làm chỉ còn tốn khoảng 15 phút mỗi chiều. Nhưng nếu phải nhớ lại những chuyến đi thì những chuyến đi xa như vậy luôn để lại ấn tượng sâu sắc hơn, từ việc dính những trận mưa khủng khiếp đến mức tưởng như phải ở ngoài đường qua đêm đến việc té xe ngay sát container chạy bên cạnh. Những điều đó như giúp tô điểm thêm trải nghiệm đi làm của bản thân.
Bài viết cùng tác giả:
Chúng ta thường không quan tâm đến những lần phải di chuyển đi làm và cho rằng thời gian di chuyển phải càng ngắn càng tốt để tối ưu công việc. Tuy nhiên có những thứ chúng ta nghĩ tối ưu hóa ra lại có tác dụng ngược. Chúng ta cần những khoẳng lạnh, khoảnh khắc, ranh giới để tâm trí phục hồi, để tâm trí có thời gian chuẩn bị cho việc chuyển đổi bản thể cho phù hợp. Di chuyển cũng giúp chúng ta cảm thấy mình là một phần của cộng đồng hơn, vì chúng ta ra đường và hòa vào một dòng người khổng lồ. Những tiếng còi xe ồn ào, mùi khói bụi, nó cũng là một phần của trải nghiệm đi làm.
Bài viết có sử dụng nguồn từ báo The Atlantic và các nguồn báo khoa học khác.