Nhà Anh Ấy Có Tiền. Nhà Tôi Thì Không.
Liệu mối tình tan vỡ của chúng tôi có giải thích được tại sao Brexit xảy ra?
Bài viết của Kate Jackson đăng trên báo New York Times ngày 12 tháng 9 năm 2019
Toffee Dating là một ứng dụng hẹn hò mới xuất hiện gần đây ở Vương quốc Anh với nhóm đối tượng khách hàng là những người học ở trường tư, bởi vì theo tuyên bố của nhà sáng lập thì "chúng tôi biết rằng những người có gia cảnh giống nhau thường gắn kết với nhau".
Suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là: cái thứ này thật thừa thãi. Bởi vì mọi người trong trường tư thì đã gắn bó chặt với nhau sẵn rồi. Tôi biết điều đó là vì tôi đã trải qua một quãng thời gian ngắn nhưng nghẹt thở ở đó khi tôi gặp bạn trai đầu đời của mình ở tuổi 17, anh Charlie.
Xác suất mà chúng tôi có thể gặp nhau khi ấy vô cùng nhỏ. Mặc dù nhà anh ấy thì không ở xa tít tắp khu ngoại ô, đường đời của chúng tôi hầu như không thể giao nhau vì những rào cản trong khu rừng quy tắc của giới trung lưu Anh Quốc. Thật sự chỉ có nhờ định mệnh mà chúng tôi lại gặp nhau trong một bữa tiệc tại gia.
Nếu chỉ nhìn bên ngoài thì chúng tôi hầu như không có gì khác nhau cả. Chúng tôi đều mặc áo gió có zip kéo và bên trong là một áo thun có hình ban nhạc. Chúng tôi đều uống rượu vodka rẻ tiền (loại của Glen), được pha trộn với vị ngọt của saccharine. Chúng tôi đều có giọng miền Nam, mặc dù có chút khác biệt là giọng anh ấy nghe gọn và chắc, còn của tôi nghe nó nhừa nhựa, hơi yếu đuối và dễ bị bẻ gãy, tùy thuộc vào người tôi đang nói chuyện là ai. Nhưng nếu nhìn vào kỹ hơn thì mọi người sẽ thấy, chúng tôi như là hai hành tinh ở hai đầu vũ trụ khác nhau.
Sự khác biệt lớn nhất rõ ràng nhất là ngôi trường mà chúng tôi theo học. Nếu lớp học của anh ấy như một kho vàng thì của tôi như một bãi rác, con người chúng tôi gặp nói chuyện hằng ngày cũng khác, còn giáo viên của anh ấy thì giúp học sinh tự tin lên, còn của tôi thì giúp lòng tự trọng của tôi tan nát.
Trường của anh ấy, trường Eton, được thiết kế để khiến học sinh cảm thấy thoải mái ở trong nghị trường Quốc hội. Đó là ngôi trường của những thủ tướng, bộ trưởng tương lai. Nếu bạn đến thăm Windsor, bạn sẽ thấy học sinh ở đó đi lướt trên các con đường lát đá trong trang phục áo đuôi tôm nhìn như những chú chim cánh cụt.
Có lần lái xe qua ngang đó, anh trai tôi nói: "Mấy hồn ma năm 1800 đang gọi và đòi lại trường cho họ". Rất nhiều cựu học sinh của trường (họ được gọi là Old Etonian) sau khi tốt nghiệp thì nhảy thẳng vào Oxford và đó là bàn đạp để họ đến thẳng một ghế trong Quốc hội. Họ chỉ phải chạm trán những gương mặt ủ rũ của nước Anh trong thời gian ngắn ở trường đại học, giống như những hành khách dừng chân ở một điểm du lịch.
Ngôi trường công lập tôi học thì trông như một thùng carton ướt mưa còn sót lại của những năm 1970. Trong khi các giáo viên của Charlie là nhà văn, nghệ sĩ, nhà khoa học, thì chúng tôi phải học với những người vừa làm nghề dạy học vừa kiêm luôn các hoạt động xã hội bên ngoài. Một kỷ niệm vẫn in đậm trong đầu tôi là việc bị gán cho điểm F trong lớp âm nhạc vì tội "thích chơi trội". Còn môn ngoại ngữ thì được dạy rất hời hợt bởi vì mấy giáo viên ở đó tin chắc rằng sau này bọn tôi lớn lên sẽ chẳng làm công việc nào mà đòi hỏi phải biết tiếng Pháp.
Charlie nói rằng anh khác với những bạn học của mình. Tôi nghĩ anh ấy cho rằng việc hẹn hò với tôi là bằng chứng cho sự khác biệt đó. Anh để kiểu tóc khác với bạn bè trong trường và là biểu tượng cho tính cách riêng của anh, với phần mái uốn lượn và thường bị bết lại buổi tối. Mặc dù để tóc như vậy là trái với nội quy nhà trường, anh đã thuyết phục được giáo viên cho phép anh làm vậy. Bạn bè anh để tóc theo đúng nội quy, với những nếp mái thẳng tắp một cách quy phục.
Tôi đã luôn tin rằng Charlie hiểu sâu sắc về mọi thứ hơn tôi, kể cả tình yêu. Anh ấy biết Shakespear muốn nói gì qua từng câu chữ, và thuộc lòng các bài thơ ấy. Để mừng sinh nhật tôi, anh tặng tôi quyển sách "Chúng ta nói gì khi chúng ta nói về tình yêu" của Raymond Carver, một quyển sách mà tôi rất thích nhưng không dám bàn luận về nó với anh ấy, vì tôi sợ tôi đã hiểu sai ý trong đó.
Khi anh ấy hỏi tôi nghĩ gì về quyển sách ấy, tôi đã nói dối rằng tôi chưa đọc nó. Bây giờ tôi vẫn lâu lâu mở quyển sách ra xem và thấy những dòng chữ con nít nguệch ngoạc của anh - "Chúc mừng sinh nhật Katy. Yêu em, Charlie X." và nó khiến tôi hối hận vì đã có những nghi ngờ bản thân cũng như những sự xấu hổ.
Nhóm bạn của anh thì luôn rực sáng với sự tự tin còn nhóm của tôi thì tràn ngập sự bất an. Đôi lúc mấy đứa trong xóm tôi sẽ giả vờ tỏ ra cứng cáp bằng thái độ gây hấn, nhưng mấy cái đó không bao giờ thật bằng việc mặc vét. Ước mơ của anh và nhóm bạn thì luôn gần gũi và rõ ràng, còn của chúng tôi thì luôn mờ ảo và xa xôi.
Charlie không nhìn mọi chuyện như thế. Anh nói rằng anh muốn trở thành ngôi sao nhạc rock và sợ rằng thế giới sẽ không chấp nhận một học sinh Eton như anh. Tôi phải cố gắng để phát âm thành tiếng mấy chữ "tội nghiệp anh, tội nghiệp anh, tội nghiệp anh."
Lần đầu tiên Charlie bước vào nhà tôi, tôi đã quan sát anh rất kỹ. Nhiều năm sau tôi mới hiểu được cái vẻ mặt của anh ấy khi đó, nó giống như vẻ mặt của các chính trị gia khi họ bước vào các nhà máy hay các thị trấn của tầng lớp lao động, một vẻ mặt hiền hậu đầy cân nhắc, cứ như là họ đã tập luyện các cơ mặt hàng giờ trước gương và trước các phụ tá truyền thông.
Nhưng họ biết rằng họ có thể chọn thoát khỏi nơi đó. Giống như Charlie vậy. Charlie không hề cố ý tỏ ra khinh thường. Anh ấy không phải là người xấu. Anh ấy chứng kiến cuộc sống của chúng tôi một cách sát sao, thấy được sự khó khăn của mẹ tôi mỗi lần thanh toán các hóa đơn. Chúng tôi đã nói về việc đó. Anh ấy nói anh muốn "cứu giúp" chúng tôi.
Bếp của nhà tôi là một đống hổ lốn. Chén dĩa bẩn chất chồng lên nhau. Sàn nhà thì luôn ẩm ướt. Trong vài năm chúng tôi đã phải chịu đựng lỗ thủng trên trần nhà, hậu quả của một lần tắm trên lầu mà quên tắt nước của em trai tôi. Phòng ngủ mà tôi chia sẻ với mấy anh chị em họ hàng thì được dán bởi năm loại giấy màu khác tôi, do tôi tự dán. Các lớp sơn thì bóng ra, và trên tường có vài dấu vết của những tấm áp phích được dán trước đây mà chúng tôi đã xé xuống. Charlie chạm vào một vết bong ấy, nhíu chân mày. Anh ấy cứ như là một khách du lịch, hứng thú với những sự bừa bộn trong nhà tôi.
Nhà của anh ấy (nơi mà anh ít khi ở lại từ năm 13 tuổi do chuyển vào trường nội trú ở) là một dinh thự nhỏ có 5 phòng ngủ nằm cách London 30 phút lái xe. Khi tôi lần đầu bước vào trong căn nhà, mắt tôi không thể ngừng rời khỏi mọi đồ vật trong đó. Mọi thứ đều tỏa sáng. Quần áo mà Charlie và ba mẹ anh ấy mặc tỏa ra hơi ấm, mùi thơm tho sạch sẽ, những cái khăn trong phòng tắm thì luôn khô ráo.
Đôi lúc khi ba mẹ anh ấy đi vắng, và Charlie ngủ thiếp đi, tôi sẽ lang thang trong từng căn phòng, ngửi từng mùi thơm của những ngọn nến - mùi vanilla, mùi xì gà, mùi lê. Tôi sẽ mở tủ lạnh ra và nhìn vào đống đồ ăn được xếp ngăn nắp gọn gàng theo từng loại ở trong ấy. Cái ngăn đựng phô mai trong tủ lạnh thực sự có chứa phô mai. Còn ngăn rau thì đúng là chứa rau, từng bó rau được xếp ngăn nắp. Mọi thứ đều tạo ra cảm giác an tâm.
Hẹn hò với Charlie, tôi cứ như đã mở một cánh cửa vào một thế giới khác. Tôi thấy rằng điều mà giai cấp của anh ban cho anh là một niềm tin rằng anh sẽ đạt được mọi thứ. Tôi không có niềm tin vào mối quan hệ của chúng tôi. Tôi đã thấy những thứ tôi không nên thấy. Tôi nhận ra rằng rất nhiều bạn cùng trường của Charlie sẽ không đến những căn nhà như nhà của tôi. Hoặc nếu mà họ đến họ biết họ có thể rời đi. Họ sẽ không thấy có gì thân mật trong sự hỗn loạn đó.
Trong thế giới của anh, không ai nói gì cả, nhưng ai cũng thấy hết mọi thứ.
Cái bong bóng chứa hai thế giới của chúng tôi bắt đầu tách lìa khỏi nhau theo lẽ dĩ nhiên khi chúng tôi vào đại học, và những sự khác biệt nhỏ nhất cũng bắt đầu có những khoảng cách to lớn. Anh ấy nhẹ nhàng vượt qua kỳ thi và đậu vào một trường đại học danh tiếng được xây bằng những viên gạch nung đỏ. Điểm của tôi thì thấp tệ hại và tôi quyết định không học đại học, ít nhất là ngay mới khi tốt nghiệp. Thay vào đó tôi dành rất nhiều thời gian đến trường của Charlie, không làm gì nhiều cả. Điều đó kéo dài khoảng một năm.
Sau khi chia tay, tôi thấy anh ấy đăng trên Facebook là đang hẹn hò với một cô gái đến từ trường Princess Helena College. Tám năm sau đó tôi thấy họ vẫn gắn bó với nhau. Nhà sáng lập của ứng dụng hẹn hò Toffee Dating đã đúng, người có chung gia cảnh thì hay gắn bó với nhau. Có lẽ là ăn chung loại kẹo bơ với nhau (chơi chữ: toffee tiếng Anh là kẹo bơ cứng - ND), an toàn trong một cái bong bóng không thể bị xuyên thủng.
Tôi không thể ngừng nghỉ về Charlie và trường của anh ấy, gia đình của anh ấy, và bạn bè của anh ấy cũng như thế giới của anh ấy, một thế giới mà đã vô tình va vào thế giới của tôi. Tôi đã nghĩ rất nhiều về về gia cảnh của hai đứa và dù hai đứa đã cố gắng như thế nào, cả hai đều không cảm thấy thoải mái khi có nhau. Vậy thì tại sao một người lại còn muốn khiến sự khác biệt đó trở nên tồi tệ hơn với một ứng dụng hẹn hò như vậy chứ?
Theo những gì tôi hiểu thì thứ mà chúng ta cần là sự thấu hiểu nhiều hơn đến từ hai phía. Tôi đã nghĩ đến việc làm thế nào mà sự thấu hiệu đó sẽ giúp cải thiện hệ thống xã hội của chúng ta.
Sau khi uống một chai rượu vang, tôi nhắn tin cho anh. Tôi muốn biết liệu anh có nghĩ về những sự khác biệt trong mối quan hệ xưa cũ của chúng tôi hay không.
"Đã lâu rồi anh nhỉ", tôi gõ. "Anh thế nào rồi?". Rồi tôi xóa dòng ấy. Lại gõ rồi lại xóa. Cho đến khi cuối cùng tôi cũng gõ và nhấn "gửi".
Anh ấy phản hồi: "Thứ có ý nghĩa nhất mà anh có thể nói là tóc anh bắt đầu rụng rồi." Tôi nhìn vào hình đại diện của anh và thấy phần mái của anh đã thưa thớt đi rất nhiều. Không còn mái nữa, trông anh không khác gì những bạn học của anh trước đây.
Tôi nói cho anh một chút về những điều tôi đang nghĩ trong đầu, và anh đưa ra một câu trả lời rất trung lập: "Anh vui vì em đã liên lạc lại" (hoặc đại loại vậy) - theo một cách mà làm tôi nhớ tới mấy câu nói của các chính trị gia. Tôi muốn hỏi anh rằng có bao giờ anh nghĩ đến sự khác biệt trong gia cảnh của chúng tôi khi chúng tôi quen nhau. Liệu rằng anh có học được gì từ cuộc sống của tôi, bởi vì tôi đã học được rất nhiều khi nhìn vào cuộc sống của anh.
"Mối tình của chúng ta đã dạy em rất nhiều," tôi gõ. "Hệ thống giai cấp ở Anh được thiết kế để ngăn những người như chúng ta yêu nhau. Có bao giờ anh nghĩ như vậy không? Anh có nghĩ rằng Brexit sẽ chẳng bao giờ xảy ra nếu có nhiều cặp đôi như chúng ta tồn tại?"
Rồi tôi xóa dòng ấy đi.
Đọc bài gốc tại đây
Đọc thêm
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất