Hôm nay, một người bạn của tôi chết.
Tôi không thân với anh lắm. Thật ra, bọn tôi gặp nhau mới đúng một lần: Giáng Sinh 2017, tôi và anh cùng trọ một phòng bốn giường tại một hostel rẻ tiền ở Sydney. Khu King Cross, rặt những cô gái gọi và những kẻ xin thuốc. Đêm đầu tiên, trằn trọc khó ngủ, tôi gặp anh chàng khi vừa tắm xong. Anh nói:
“Địt mẹ, mấy thằng Iran kia chân thối quá, ngủ đéo được. Bar không mày?”
“Ừ ok thôi, tao cũng mới đến đây”.
Thế là chúng tôi đi bar. Derick là lính thủy đánh bộ, gốc California, hiện đang đi chu du thế giới. Gã lướt qua vài tấm ảnh trên điện thoại. Một tấm mặc đồ nâu đất, tay cầm súng Mỹ, đeo kính đen trên nền sa mạc, tóc lún phún. Một tấm ngồi trên lưng lạc đà, miệng cười tươi, đầu chít khăn hoa.
“Tao đã đi rất nhiều nước rồi. Ai Cập, Iran rồi cả Mỹ Latin, Arghentina các thứ… Mày biết không? Rồi tao ở New Zealand một thời gian, rồi về đây. Úc. Mày biết đấy, tao định bắt máy bay về nhà trước Giáng Sinh cơ, vì, kiểu, Giáng Sinh mà. Nhưng mà vé đắt quá nên tao ở đây một thời gian”.
Tôi ậm ừ. Chúng tôi tới một vũ trường nổi tiếng của Sydney theo bản đồ đặt trước quầy tiép tân, hình như tên là “Ba Con Khỉ”. Dereck cười cười:
“Mày thích kiểu này à? Tao nghĩ mày trầm hơn cơ”.
“Biết đéo, tao thấy bảo chỗ này nổi”, tôi chống chế. Nhưng mà tôi không thích thật. Đắt và ồn.
Bọn tôi đến một quán bar nhạc đồng quê, ngay trên đầu King Cross. Rặt dân bản địa và chỉ phục vụ bia. Anh nói:
“Đéo thích mấy chỗ kia lắm, toàn lũ trẻ con cánh tả”.
“Cánh tả thì sao? Tao tưởng Cali toàn cánh tả? Mày vote cho Trump hồi năm ngoái à?”.
“Cali nhiều cánh tả thật, nhưng tao là lính. Đãi ngộ của Obama như cứt. Cách lão đối xử với cựu binh… cũng như cứt nốt.” – Dereck cười, “chả phải lần đầu tiên tao bị hỏi…”
“Mày đéo sợ tao là cánh tả à?”, tôi cười.
“Đéo sợ lắm. Có thì mày làm gì được tao?”.
Quán bar đông nghẹt, anh ca sĩ ngồi gảy đàn một góc chẳng ai quan tâm. Tiếng Tivi át tiếng nhạc. Một cô nàng say xỉn nhảy lại chỗ bọn tôi, twerk phía trước tôi. Derick cười phá lên:
“Ai đó chú ý đến mày kia”.
“Tao có người yêu rồi”, tôi đỏ mặt, gào hơi to một chút. Dereck chả quan tâm.
Một lúc sau, gã đi với cô gái twerk kia lại chỗ tôi. Gã bảo,
“Đây là [chỉ vào tôi], cái gã Việt Nam mà tao nói. Hắn chỉ sang đây vài ngày thôi”.
Tôi đang không hiểu mô tê gì thì cô gái kia đã sán lại gần.
“Mày ra hút thuốc với tao nhé?”
“Tao không có thuốc”, tôi lắp bắp. Không có thuốc thật, mà cũng không hút.
“Bạn mày dị vãi đái thế”, cô quay sang bảo Derick. Gã  gãi gãi cái đầu trọc bóng loáng, ngại ngại, cười cười rồi cả hai lảng lảng đi.
Tôi về nhà trước Derick một quãng. Trước khi về, tôi thấy tay gã đã quàng trên vai một cô bạn nữ Á trang điểm Tây.
Khi tôi vừa chợp mắt vài phút, Derick đạp cửa đi vào, giọng gần như gào lên:
“Ng… Mày có điện thoại không? Ta… Tao cần gọi cho mẹ. Tao đau quá”.
Hai gã Iran trở mình, rủa một câu gì đó không cần dịch cũng biết là tục. Tôi lục giở tìm cái iPhone rách đang cắm cùng sạc dự phòng.
Gã quay trở lại sau vài phút. Gã lại làu bàu:
“Đéo kết nối sang Mỹ được. Giáng Sinh… Chán vãi cứt. Tao muốn ngủ.”.
Và gã đi ngủ. Gã cũng chẳng bao giờ nói về cô gái người Á kia hay có chuyện gì đã xảy ra tối hôm đó. Hôm sau, gã với tôi dậy:
“Mày biết không, tao rất may mắn khi gặp được mày… Tại tao sắp đến Việt Nam. Ở Việt Nam, chỗ nào đổi được tiền nhỉ? Mày ở miền Bắc đúng không?”
“Hay mày cứ ra ngân hàng?”
“Đắt quá, giấy tờ các thứ. Mấy thứ kiểu, mày biết đấy, chợ đen ở Hà Nội ấy”.
“À, thế mày ra Hà Trung”.
Rồi chúng tôi trao đổi vài thứ. Tôi hứa sẽ chỉ cho gã chỗ ăn phở gà ngon quanh khu Bát Đàn (ra phở Hồng ở Hàng Hòm ấy) và gã dạy tôi cách pack đồ khi đi du lịch:
“Pack đồ như mày là ngu! Đéo gì đi hai ba ngày mà mang đến ba cái quần. Mang nhiều áo vào, một hai cái quần thôi! Mày xem, ra ngoài đéo ai để ý đến quần người khác. Chủ yếu là áo với giày thôi,” gã lắc lắc chân. Một đôi giày PUMA đỏ rất nổi bật. Tôi ậm ừ. Gã cũng chỉ cho tôi một vườn thú rất xinh, rẻ, ở ngoại ô Sydney. Mấy con Koala ở đấy ôm mình thật, còn kangaroo thì cứ đầy ra đất.
Bọn tôi chia tay và, ngoài khi nhờ dịch mấy chữ trên đường đến Sapa, gã hầu như chẳng liên lạc lại. Quãng độ hai tháng sau đó, gã nhắn:
“Việt Nam đẹp lắm. Tao sẽ còn quay lại nữa. Giờ tao đi Cam… Có lời khuyên gì không?”
Chẳng có lời khuyên gì. Gã đi mất.
Tôi nhận được tin Derick chết hôm nay. Tôi nhận được tin gã chết qua Facebook mẹ gã. Bà ấy cầu xin mọi người quyên góp ủng hộ việc chở xác con trai về.
Derick chết ở Campuchia hoặc nước nào đó kiểu vậy. Gã bị ung thư tụy. Ảnh mẹ Derick post lại là cái ảnh cưỡi lạc đà đó. Gã cười rất tươi.
Tôi chợt nghĩ, trong tôi, Derick là gì? Hoặc, câu hỏi ngược lại sẽ dễ hơn chăng, trong Derick, tôi là gì? Một thằng Việt Nam đụt đụt kém 10 tuổi và không biết tán gái? Hoặc một cái gì đó khác? Một tôi nào đó khác đã dành thời gian cho gã những ngày cuối năm 2017?
Tôi nghĩ, khi một người bạn chết đi, mình chợt có ý thức về bản thân. Về sự hữu tử và, như ai đó nói, cái chết của chính mình trong mắt người khác. Chúng ta cũng xa rời bản thân một chút khi một người chứng giám mình biến mất. Thế giới tự nó lạnh hơn một chút, xa lạ hơn một chút khi có ai đó quen thuộc đi mất… Có thể vì thế mà chúng ta vẫn sống tiếp chăng? Vì tự cái chết của một người bạn đã là hậu nghiệm cho chính nó, tự sự biến mất của gã đã làm thế giới nhỏ đi, và chính khi nó nhỏ đi thì nó mới bớt đau đớn cho những người yêu thương gã.
Tôi không thân với Derick. Tôi chỉ thấy một phần của tôi mất đi. Một vài ký ức, một vài kỷ niệm. Tôi thấy thế giới nhỏ hơn một chút và khó hiểu hơn một chút, giống như thiếu thứ gì đó không thể quay về.