Andy’s weekly digest - #10
Chỉ là một cái review nho nhỏ vài điều mình học được trong tuần.
Chưa đi chưa biết Huế thơ
Đi rồi mới biết thơ không muốn về
...
Huhu, Huế lấy trộm mất trái tim của mình rồi.
Thành phố gì mà cảnh, con người, và cả … giá cả, cái gì cũng cứ nhẹ nhàng mà thơ mộng sao ấy…
Mình sẽ nhớ lắm:
- cảm giác thư thái khi ngồi chỗ cầu gỗ lim ngắm hoàng hôn Huế
trải dài nơi chân trời hướng Đại Nội
- rồi chạy xe thư thả bên bờ sông Hương, ngang qua trường THPT
Hai Bà Trưng + trường Quốc học Huế, nơi những dãy nhà tông đỏ nằm ngay ngắn giữa những hàng cây xanh tươi, dù là mùa hè mà vẫn đây đó điểm xuyết những bóng áo dài mềm mại, thướt tha
- hay lang thang dạo bộ trên đồi Vọng Cảnh lúc sáng sớm, mở rộng
tầm mắt ngắm dòng sông hiền hòa uốn lượn quanh mảnh đất cố đô thân thương
Chỉ tiếc là mình lưu lại Huế được có 2 ngày, rồi lại phải tiếp tục hành trình. Sau một Hội An xô bồ đông nghịt, tránh người còn không kịp chứ nói gì vãn cảnh, mình về Đà Nẵng, về với những con đường rộng rãi tưởng đang ở Sài Gòn mà sao vắng người đến vậy, với đường bờ biển dài đi mãi không hết, đẹp đến nao lòng (khiến cho cái Vũng Tàu nhà mình cảm giác đúng là cái … vũng, không hơn được). Đi dạo dọc bờ biển ĐN dài dằng dặc, cảm giác thoải mái ung dung giữa đất trời. Nhưng, thứ giữ chân mình ở biển đến tận tối mịt hôm ấy thực ra lại là một hình ảnh rất giản dị: hai cha con chơi đắp lâu đài trên cát.
Có lẽ, đã lâu lắm rồi, mình mới thấy hình ảnh một người đàn ông trung niên cười nhiều và tươi đến thế!
Và rồi lúc rời biển, tự dưng nhớ ra, thứ hạnh phúc ấy, lại còn free.
***
Ah, mới hơn tuần trước, hôm ở ngoài Hà Nội Mon có dắt mình đi ăn kem Tràng Tiền. Trong lúc đang thưởng thức vị đường ngọt lịm của chiếc kem ốc quế huyền thoại, hai anh em đã không nhịn được cười trước cái thông báo cute vồn của nhà kem: “Chúng tôi xin thông báo bé A đã ra cửa chờ rồi, bố mẹ nhanh nhanh ra gặp bé”. Thế là trong đầu tưởng tượng ra cảnh ông bố bà mẹ hớt hơ hớt hải nuốt vội cái kem rồi vừa ngượng vừa chạy ra, xong bé A sẽ đứng chống nạnh, phán: “Ông bà ăn hơi lâu rồi đấy”.
Thế nhưng đến khi cũng một tin nhắn tương tự được đọc lên ở biển Đà Nẵng, về việc người ta tìm được một bé gái bị lạc, thì không tránh khỏi thoáng giật mình. Hình như các bậc cha-thanh-mẹ-niên bây giờ có vẻ hơi vô tư quá rồi hay sao ấy!?!
***
Mấy ngày hội thảo ở ĐN cũng khá bận, nhưng may mà cũng dành được chút thời gian leo núi Ngũ Hành Sơn. Vì cái tính đi đâu cũng thích leo lên chỗ cao nhất mà lấy view, nên bò lê bò lết lên tận đỉnh Thượng Thai giữa cái nắng như thiêu như đốt lúc 4 giờ chiều. Nhưng nếu như việc leo lên đỉnh, giữa cái bao la đất trời ấy, làm mình sợ bằng chết và cẩn thận từng bước, thì những bước cuối cùng trước khi xuống đến mặt đất lại bất cẩn đến độ ngã dập mông. Nghĩ mà cay!!!
Bài học này, có lẽ sẽ nhớ đến suốt đời: những bước cuối cùng, khi mọi thứ đã tiến rất gần đến thành công/kết thúc, có lẽ lại là những bước dễ vấp váp nhất.
(đêm hôm ấy vừa xoa mông đau chẳng ngủ được vừa thề từ giờ làm gì ông cũng cẩn thận đến bước cuối cùng cho biết)
Về sách, tuần này mình cày xong “Gánh gánh gồng gồng” của bà Xuân Phượng (XP). Cảm giác thật may mắn khi được đọc về cuộc đời một con người, với biết bao thăng trầm, khổ cực, giữa những ngày tháng chiến tranh hào hùng của dân tộc. Bên cạnh lời kể mộc mạc, giản dị, bà XP chọn lối viết thiên về trần thuật - liệt kê lại những sự kiện thay vì đi sâu vào cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Tưởng như đọc sẽ khô khan, nhưng không, chính lối kể trần thuật ấy lại khiến cuộc đời bà tỏa sáng hơn nữa trong từng trang sách, khi mà mỗi sự kiện, đặt trong bối cảnh ấy, tự nó đã hàm chứa quá nhiều cảm xúc rồi.
Các anh khiêng tôi xuống bến. Anh Hoàng (chồng bà XP) cầm tay tôi: "Thôi em cố gắng, anh phải đi ngay sáng nay mất rồi". Tôi thất thanh: "Em ở một mình sao?" Anh thở dài, rồi nhảy vọt lên bờ. Một mình tôi nằm lại trên một con đò rách nát với hai vợ chồng người chèo đò đã lớn tuổi. Con đò ngược sông Lô, chậm chạp xuyên màn đêm. Khoảng chừng một tiếng sau, tôi lại lên cơn đau. Năm ấy, hai mươi tuổi đầu, đẻ con so, xung quanh không có ai. Tôi muốn chết...
Và câu chuyện về cặp vợ chồng đạo diễn người Pháp Joris và Marceline Ivens thì thật sự là đáng ngưỡng mộ và trân trọng:
Marceline kể, giọng trầm hẳn: “Từ năm 1965, trước tin tức bom đạn Mỹ tàn phá đất nước Việt Nam, Joris bàn với tôi sẽ sang làm những phim Việt Nam trong chiến đấu. Cùng với những phim như: Đất Tây Ban Nha, Indonesia Kêu gọi, ông không thể ngồi yên, không thể không tố cáo những cuộc chiến tranh xâm lược. Sau khi bàn bạc, Joris bảo tôi cầm cố ngôi nhà này lấy một số tiền sang Việt Nam làm phim. Nhất định không dựa vào tiền của một đất nước đang bị bom đạn trút xuống…
Cùng câu nói của Joris:
Nếu có chết thì chết trên chiến trường, còn hơn là nằm ngắc ngoải trên giường bệnh.
A Dreamer
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất