Còn nhớ hồi còn bé, lúc xem phim trên ti vi hay có mấy tình tiết yêu đương. Hồi đấy tôi hỏi mẹ, mẹ ơi tình yêu là gì, người ta yêu nhau như nào, sao lại phải yêu nhau, mấy câu hỏi ngô nghê về một chủ đề hết sức to tác lúc ấy nghe đến là dễ thương. Lúc đó mẹ chỉ bảo tôi, khi nào lớn lên con sẽ biết. 
Lúc lướt TikTok, tôi thấy dân mạng hay dùng câu nói đậm chất ngôn tình: "Khí chất của người phụ nữ sẽ được nuôi dưỡng bởi những cuốn sách cô ta đã đọc và những người cô ta đã yêu", nói thật là tôi thấy câu nói này vừa deep vừa lame, nhưng cũng không hẳn là không có cơ sở. Yêu đương cũng như khí chất, không thể ép cho chín được, phải từ từ vừa học hỏi vừa thực hành có khi cũng chưa chắc đã tốt lên. Mẹ đã bảo rồi, "khi nào lớn lên con sẽ biết".


Đọc thêm:

Tôi đang đọc cuốn "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ" của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Cuốn sách xuất bản từ năm ngoái mà giờ tôi mới đọc được. Ở Nhật tìm mua sách tiếng Việt đúng là không dễ, thời đại Covid nên tôi cũng ngại nhờ mẹ ship sang tận Nhật mỗi cuốn sách bé tí. Muộn còn hơn không, tôi chỉ tiếc sao mình không đọc nó sớm hơn. "Hậu tuổi thơ", thật là một cụm từ kì diệu, nó chính xác và nên thơ đến lạ kì. Những người ở lứa tuổi early 20s như tôi, trẻ con thì chằng phải mà người lớn cũng chưa tới, "hậu tuổi thơ" như một bước đệm ở giữa hai thế giới này. "Trong thế giới đó có những run rẩy của va chạm thân thể lần đầu, có lấp lánh của tình yêu, có những đêm dài, những chuyến đi xa, những hoang mang và băn khoăn hiện sinh", thế giới của những người muốn yêu nhưng khó yêu, nói tóm lại là thế. 
Tôi rõ ràng là đang lớn, cái tuổi của tôi, cái tuổi đẹp đẽ vô cùng, nhưng vấn đề yêu đương lại chẳng đơn giản như câu trả lời năm xưa của mẹ. Hồi đi thực tập, tôi phì cười khi nghe chị manager ở một công ty Big4 giải thích quá trình thăng tiến từ Associate lên Partner, tổng cộng có khoảng 7-8 cấp bậc và mất khoảng 13 năm. Về mặt lý thuyết thì đúng là thế thật, nhưng chẳng mấy ai thuận lợi đi từ Associate lên Partner trong 13 năm ở một công ty Big4, nghe rất là đơn giản và dễ hiểu nhưng làm được hay không lại là câu chuyện khác. Chuyện yêu đương cũng thế, ai cũng nghĩ lớn lên rồi sẽ hiểu chuyện yêu đương là gì, vì hình như quanh ta ai cũng sẽ có người yêu, kết hôn rồi lập gia đình, mọi người cũng làm được mà, mình rồi cũng thế thôi.

I - Hồi chưa lớn

Tôi không phải dạng xuất chúng nhưng tôi nghĩ là ít nhất tôi cũng đủ tự tin để biết mình như nào. Mặt tôi cũng xinh, cao ráo, chưa chăm tập gym nhưng sắp (hopefully), học hành cũng được, nói 3 ngoại ngữ, nói chung là không phải tự phụ nhưng cũng chưa tìm ra chỗ nào để coi là "red flag". Bạn bè tôi cũng đa phần có hoàn cảnh tương tự, nhưng chúng tôi hoặc là chưa từng có mảnh tình vắt vai, hoặc là bị conditinhyeu đánh cho lên bờ xuống ruộng. 
Tầm tuổi này thì các mối quan hệ hay có chân lí kiểu thế này: Bạn bè giống nhau thì hay hút nhau, chuyện yêu đương thì ngược lại, ta hay hút những người có thứ mà ta thiếu. Chúng tôi trẻ, dại, hay đi đâm đầu thích những người không thích mình. Lí do thì vô số nhưng toàn là những lí do vô cùng ích kỉ, phần là vì muốn có cái mà người ta đang có, phần là vì thích cảm giác chinh phục. Chúng tôi lao vào chuyện yêu đương như cách chúng tôi lao vào các hoạt động xin thực tập và học bổng, nghĩ là chỉ cần cố gắng là được. Nhưng mà, chuyện thực tập hay học bổng thì mình còn quản lí được, trượt là do mình chưa đủ giỏi, hay chưa hợp, lần sau cố tiếp, còn chuyện yêu đương thì chẳng biết đổ tại ai. Lúc đó chúng tôi còn quá trẻ để chấp nhận rằng chuyện yêu đương phải là chuyện của hai người. Chúng tôi kiểm soát được bản thân để đạt điểm cao hơn, đi làm nhiều hơn, nhưng sẽ không bao giờ kiểm soát được những thứ chưa và sẽ không bao giờ thuộc về mình, ví dụ như cảm xúc của người khác chẳng hạn. 

Đọc thêm:

Thời sinh viên tôi crush nặng một cậu bạn ở cùng tầng kí túc xá. Có bữa tôi hẹn một bà chị qua chơi, bà chị học cùng trường, sống cùng khu kí túc nhưng đang học PhD và tất nhiên là kinh nghiệm sống hơn hẳn con bé du học sinh mới rời nhà xa xứ là tôi. Tôi lăn lê bò toài trong phòng, stalk ảnh người yêu cũ của crush, than thở sao bạn này xinh thế, giỏi thế, em chán vãi chị ạ. Chị chỉ cười khẩy bảo tôi đúng là đứa trẻ con, nó không thích em thì là vấn đề của nó chứ chẳng phải là do em. Con trai thực ra đơn giản lắm, thích là thích thôi, thích vào rồi thì nhìn đâu cũng thấy đẹp thấy giỏi, mình chỉ cần sống đời mình thôi, chuyện người khác thích mình hay không vốn nằm ngoài khả năng quản lí của mình nên đừng nghĩ làm gì cho mệt. Hồi đấy tôi không tin, nhưng giờ nghĩ lại thấy đúng thật, đúng vãi ra. Thời đó tôi nhìn crush như một phần thưởng, tôi xinh lên, giỏi lên, tốt lên thì sẽ có được phần thưởng ấy. Cái tâm lí này xuất phát từ một tuổi thơ miệt mài theo đuổi thành tích, "điểm cao hơn sẽ được mẹ khen", "học thêm 2 tiếng nữa thôi là mai thi điểm sẽ cao", "apply nốt hoạt động này thôi thì hồ sơ sẽ thêm đẹp", cố là được, chưa được thì cố tiếp. 
Chuyện yêu đương khó là vì nó vốn không và sẽ không nằm trong phạm vi quản lí của mình. Nó là câu chuyện giữa người với người, và người thì không thể được coi là một "phần thưởng" để ta cố gắng đạt được như cách chúng tôi chai mặt cố gắng cả một thời trẻ trâu. Mà kể cả nếu cố được rồi thì sao? Phạm Lữ Ân từng viết, "đợi tình đến rồi hãy yêu", chúng tôi không muốn đợi vì chẳng ai muốn lúc tốt nghiệp rồi vẫn là "tấm chiếu mới", và tai họa bắt đầu từ đấy. Để giữ học bổng thì cần GPA trên 3.0, để giữ người yêu thì cần luôn đủ xinh, đủ giỏi, đủ...thứ. Chúng tôi phát điên lên khi thấy mình tăng cân một chút, lo lắng liệu họ có bỏ rơi mình không, bộc lộ bản tính kiểm soát, chiếm giữ, như thể người kia là của mình khi mà họ chưa từng là. Cha mẹ tức giận khi con cái bị điểm 6 điểm 7 dù họ đã gửi con cái họ đi đủ các loại lớp học thêm, chúng tôi tức giận khi họ không thể yêu chúng tôi như cách chúng tôi muốn dù cho bao cố gắng gìn giữ vun đắp. Những người cần điều kiện để yêu chính họ thì làm sao có thể yêu được người khác vô điều kiện đây? Biết là cái gì cũng phải có điều kiện, nhưng một thứ tình yêu từ đầu đến cuối phải đạt đủ các điều kiện mới có thể được duy trì như cái quạt phải có điện mới quay thì cũng thực dụng quá đi. Cái quạt không có điện thì ngừng quay, chuyện tình yêu có điều kiện cũng thế, hết điều kiện rồi thì...thôi. 
Chưa biết yêu đã lao vào yêu đương, thôi, "yêu đúng là tình yêu, yêu sai là tuổi trẻ" (trích tiểu thuyết "Tai trái').

II - Khi lớn hơn, khá hơn được một tí

Lớn hơn được một chút, bị conditinhyeu quất cho vài cái cũng tỉnh ra một tí, cũng biết nhận ra chuyện mặt xinh, dáng cao ráo, sắp tập gym, học hành được,... không phải là bản chất vấn đề, nhưng chúng tôi lại gặp những vấn đề khác, tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa. 
Lớn hơn rồi, chúng tôi bắt đầu nhận ra hóa ra trên đời không chỉ có hai trạng thái single và taken, mà còn có open relationship, không-rõ-ràng relationship, emotionally unavailable, casual,...Nói chung là chẳng hiểu kiểu gì, chúng tôi đi vào dating life như những tấm chiếu không mới nhưng vẫn phải trải lại từ đầu. Network của tôi nếu không phải những người đang trong committed relationship thì cũng chẳng mấy ai thực sự single, chúng tôi đều đang có, hoặc từng có một (vài) hidden situationship nào đấy. Big city, busy people, chúng tôi thực sự đã trở thành những người lớn độc thân, nhưng lúc này chuyện yêu đương đôi khi còn khó hơn cả chuyện được thăng chức sớm. 


Đọc thêm:

Xem mấy cái phim tình cảm như Before Sunrise với About Time lắm quá, tôi đã từng khinh khỉnh đi lướt quá dãy sách về tâm lí khi yêu khi đi dạo trong nhà sách. Tình yêu cơ mà, làm sao có ai định nghĩa được tình yêu, tại sao lại có thể giảng giải về một thứ kì diệu như tình yêu trong dăm ba cuốn sách best-seller, chẳng lẽ ai đọc cũng hiểu được tình yêu à, sao lại chán thế? Hóa ra những thứ như first date ai trả tiền, có nên tấn công dồn dập quá không, giữ giá bao nhiêu là đủ, sau bao lâu thì "official", có nên "exclusively committed" từ sớm không, cái gì cũng có câu trả lời tường tận dài vài trang giấy, như thể những bài tập làm văn mẫu có dàn ý sẵn. Dần dần, tôi phải mang cụm từ "tình yêu" trong tôi ra để định nghĩa lại, và tôi nhận ra hình như nó không phải là vấn đề về single hay taken. Có những người single và đang yêu, có những người taken nhưng chưa từng biết yêu là gì. Single hay taken, họ phải chọn tình yêu thì tình yêu mới chọn họ.
Hopeless romantic từ tấm bé, tôi khóc lóc lên xuống khi xem các thể loại phim tình cảm rồi nghĩ tình yêu nó phải như thế. Nó phải là thứ cảm xúc thiêng liêng, là thứ khiến con người bộc lộ những phản ứng hóa học và ham muốn mãnh liệt cho một người định mệnh được sắp xếp bởi số phận. Nếu ai đó có được những trải nghiệm này thì mừng cho họ, nhưng tôi đã chấp nhận rằng yêu là một lựa chọn, một lựa chọn rất khó khăn. Thời đại này yêu đương khó khăn là vì dating is fun, love is not. Tôi cũng thích cái cảm giác thinh thích một ai đó, mặc đẹp, đi ăn cùng nhau một bữa tối, đi xem một bộ phim, have a good time, nhưng rồi sau đó thì sao? Chúng tôi thích những cái hay cái đẹp của nhau, có thể ngồi cùng nhau hàng giờ ở quán cà phê ven biển để bàn luận về 1984, về Franz Kafka, về recipe món mới, về việc chúng tôi cùng thích một bài hát nào đấy, chúng tôi thích nhau, đại khái là thế. Thích một người thì đơn giản, bây giờ không thiếu những người single thú vị để ta tìm hiểu, nhưng sau cái "talking stage" đó là một hành trình lột bỏ lớp vỏ bọc hào nhoáng để đào sâu những thương tổn, khiếm khuyết, đau đớn bên trong không chỉ của họ mà cả của ta để yêu và được yêu. Cái này mới khó, và ta thường dừng lại rồi xa nhau ở điểm này. Dating app mọc lên để ta cứ trial rổi repeat như một hệ thống, may thì gặp soulmate và fix bug thành công, không thì trial rồi repeat đến khi chán, hoặc đến khi chai sạn. 
Thời đại bây giờ yêu đương tán tỉnh toàn game rồi trick vì ai cũng có ego cao ngất trời, vì ai cũng tin rằng there are plenty of fish in the sea và chẳng mấy ai chịu xuống nước để chấp nhận rằng, ở một mình rất tốt, nhưng nếu gặp một người xứng đáng thì cũng đừng sợ rủi ro mà hãy thể hiện nó ra. Hơn nữa, hóa ra việc có một mối quan hệ hóa ra lại dễ hơn hẳn việc yêu một người. Tôi thường nghe nhiều câu chuyện về việc cưới xin thời xưa của ông bà bố mẹ. Nhiều người trong số họ không yêu nhau ngay từ đầu, cưới nhau được vài năm, có vài mặt con rồi mới yêu nhau. Thứ tình yêu được nảy sinh từ tình nghĩa, tình thương, tình thân ấy được bồi đắp bởi sự lựa chọn cho người kia một cơ hội để nhìn thấu mình và ngược lại. Yêu là lựa chọn để ta nuôi dưỡng những cảm xúc lãng mạn cho đối phương, để chuyển hóa những buồn đau và sự giận giữ thành niềm cảm thông và sự trân trọng. Yêu là một sự lựa chọn khó khăn và cao thượng, vì luôn ở bên nhau nên họ tình nguyện lựa chọn điều đó vì nhau để xây dựng gia đình, tất nhiên không phải ai cũng làm được điều này. 
Nhưng những người trẻ độc thân thì khác, there are plenty of fish in the sea, nếu lựa chọn ấy khó khăn quá thì thôi, ta có thể bỏ qua và đợi người khác, nhưng rồi cái "người khác" ấy có tới không? Bạn tôi từng nói: "If he knows that he loves you but he can't give you what you want, he is just not that into you", không ai có thể cho người khác những thứ họ không có, bạn không thể ép anh ta yêu bạn khi anh ta chưa sẵn sàng. Họ yêu bạn vì họ muốn thế, simple as it is. Họ yêu bạn, nhưng họ phải chọn việc yêu bạn thì bạn mới cảm nhận được. Đôi khi, ta nghĩ rằng ta không cảm nhận được tình yêu thì tức là nó không ở đó, nhưng thực ra nó đã ở đó, nhưng việc chọn để bất chấp mọi rủi ro để thể hiện và theo đuổi nó lại không phải là một lựa chọn đủ dễ dàng để ai cũng nắm bắt, và đôi khi nó cứ tuột đi mất vậy thôi. Và thế là mình cứ chỉ date, for fun.
Yêu không dễ dàng, nó là một chuỗi những lựa chọn để ta mở lòng, để họ bước vào thế giới của ta và tạo một không gian đủ an toàn để ta cảm nhận được tình yêu của họ. Nhiều người bảo yêu là khổ, nhưng con người vốn đâu có thích chọn cái khổ, và thực ra tình yêu đâu có lâm li bi đát đầy khổ hạnh như vậy. Cái khổ ở đây là cảm giác bị nhìn thấu, bị bóc tách, bị ép phải đối diện với những góc khuất mà ta chưa đủ can đảm để đối mặt nếu ta ở một mình. Yêu là có một người bạn đồng hành để ta không phải làm điều đó một mình, single hay taken, cái ta cần chỉ là một người bạn đồng hành như vậy.
Lớn hơn rồi, khá hơn được một chút, nhưng không có nghĩa là đã có thể yêu. Yêu thì không phải lớn hay chưa, nếu không thì đã dễ quá.