Âm nhạc 'Cảm Xúc' của Cá Hồi Hoang
Tôi gặp Cá Hồi Hoang lần đầu tiên vào năm 2019 trong Tour diễn F(x) tại Hà Nội. Lúc đó, có lẽ tôi là một khán giả đặc biệt. Dù là fan...
Tôi gặp Cá.
Tôi gặp Cá Hồi Hoang lần đầu tiên vào năm 2019 trong Tour diễn F(x) tại Hà Nội. Lúc đó, có lẽ tôi là một khán giả đặc biệt. Dù là fan phong trào nhưng tôi vẫn đến sớm và đu rào thành công, thậm chí còn được đứng sát loa. Tôi vừa được nghe nhạc to, lại còn được nhìn rõ mọi thành viên chơi nhạc trên sân khấu, một vị trí hoàn hảo. Nói tôi là fan phong trào là bởi ngoài những bài ai cũng nghe như Tầng Thượng 102 hay 5AM, tôi không biết bài nào khác của band. Vì thế tôi không kỳ vọng quá nhiều vào buổi tối hôm đó, thậm chí còn lo lắng là mình sẽ không hòa nhập được.
Nhưng chỉ vài chục phút sau, mọi thứ thay đổi khi sân khấu sáng đèn.
Mời anh hoặc chị Cá Hồi Hoang đến quầy dịch vụ số 250 để nhận lại hành lý đã thất lạc’
Cả khán đài nổ tung. Bài hát vào nhịp bằng những hồi trống dũng mãnh và chắc nịch, đập thẳng vào màng nhĩ tôi.
Tiếng trống ấy làm tôi tỉnh cả người. Năng lượng của thứ âm thanh này áp đảo đến mức lúc nhìn vào người đứng sau dàn trống, tôi không tin nổi vào mắt mình. Đó là một anh chàng thư sinh với mãi tóc gọn ghẽ lãng tử. Nhìn anh rất tinh tế, nhất là trong cách đánh trống. Nhưng, sự nhẹ nhàng trong mỗi cú vung tay của anh trái ngược hoàn toàn với uy lực trong mỗi tiếng trống phát ra. Lờ mờ trong bóng hình có phần mềm mại này, tôi nhìn thấy một ngọn lửa khổng lồ, bập bùng không ngừng và lan tỏa sức nóng đến những người ở dưới. Tôi nghe da gà của mình nổi lên. Một tia điện chạy dọc sống lưng, các mạch máu trong người như được bơm gas, thật sảng khoái.
Tiếng guitar điện vang lên tiếp nối là một trong những thứ giai điệu đẹp nhất tôi từng nghe. Tình cảm, nhẹ nhàng nhưng có một chút gì đó đầy trăn trở. Giai điệu này không biến chuyển trong suốt bài hát, nhưng mỗi lần vang lên, nó lại thổn thức như thể đang muốn kể nhiều câu chuyện. Một trong chúng hắn là câu chuyện cất lên bởi giọng ca chính Thành Luke.
‘Mình làm từ xương và da, café, thuốc lá và 250 lít đồ có cồn Còn bao ô trống cho ta điền vào?’
Anh không hát một mình, mà hát với hàng ngàn người hâm mộ ở dưới. Họ hòa với nhau, có người hát to đến lạc cả giọng, len lỏi còn có tiếng nức nở. Tôi không hiểu họ hát gì, nhưng tôi không quan tâm, vì khoảnh khắc này đang làm tôi dao động mạnh mẽ. Trước mắt tôi là một bức tranh thật đẹp vẽ nên bởi những gam màu rực cháy nhất, nhiệt huyết nhất. Lan tỏa từ bức tranh này là một thứ ‘niềm vui’. Cùng âm nhạc, tôi nghĩ đó là niềm vui của sự gặp gỡ, đoàn tụ giữa ban nhạc và khán giả, như những tri kỷ đã lâu không gặp.
‘Mình ngồi lại đây thật lâu để khóc, để quên đi 250 khuôn mặt giống nhau’
Cá Hồi Hoang - Cảm xúc là cốt lõi.
Từ lần đi show đó, tôi nhận ra sức mạnh kỳ diệu của âm nhạc, đó là ‘cảm xúc’. Tại sao âm nhạc của Cá Hồi Hoang lại gợi lên những cảm xúc mãnh liệt đến thế? Tại sao lyrics của band này có lúc nghe không hiểu gì, lại có gì đó cuốn hút kỳ lạ?
Tôi tìm nghe lại những đĩa nhạc cũ của Cá để tìm cho mình những câu trả lời. Và trong suốt 4 năm say mê (và nghe thêm 2 album mới sau đó), tôi có thể mô tả nhạc của Cá Hồi Hoang như sau. Các bài hát của Cá hầu như hoặc là (1) mang trong mình những câu chuyện cụ thể với những nhân vật gần gũi và đời, hoặc là (2) tập trung vào mô tả một thứ cảm xúc nào đó. Cả hai điều trên đều phải được thể hiện bằng sự thống nhất tuyệt đối giữa mặt phối khí và lời ca. Nghĩa là cả hai phải bổ trợ cho nhau, không phần nào làm nền cho phần nào.
Những câu chuyện.
Âm nhạc của Cá Hồi Hoang kể nhiều câu chuyện. Như trong đĩa mới nhất ‘Chúng Ta Đều Muốn Một Thứ’, hành trình tìm vàng bươn chải mưu sinh của nhân vật Chú Sáu là chủ đề xuyên suốt. Đây là đĩa nhạc dài nhất của cá với 18 tracks, với mỗi bài là một chương trong đời của nhân vật.
Có thể kể tới ‘Người Tìm Vàng’ với những nhịp trống như hành quân và tiếng đàn thôi thúc, như mô tả ý chí sắt đá của một người đàn ông quyết định làm ăn xa gia đình, và luôn tin rằng mình có một nơi để trở về. Tôi đặc biệt thích bài này, bởi ẩn đằng sau giai điệu phấn chấn, là lời hát chạm tới sự lạc lõng, cô đơn của không chỉ người đàn ông trong câu chuyện, mà còn là của bất kỳ ai đang bám trụ lại nơi đất khách quê người.
Qua bài Interlude, những lời bộc bạch của Chú Sáu còn cho ta biết vợ con đã từng tha thiết mong chú ở lại. Chú đã phải dứt ruột ra đi vì mong muốn gia đình có một cuộc sống khấm khá hơn. Sống qua một đời người, Chú Sáu chợt nhận ra quyết định ấy đã khiến chú phải đánh đổi quá nhiều thứ. Tay trắng, tuổi đã già, nhưng chú vẫn luôn tự hào vì người con trai thành đạt giỏi giang, dù nó chẳng mấy khi nhìn cha vì thiếu thốn tình thương từ bé. Cuối cùng, qua bao thăng trầm, với chú, tình yêu vẫn là thứ đáng trân trọng nhất.
Theo tôi, đó là lý do tại sao bài nhạc cuối cùng của album lại có tên là ‘Tình Yêu’, một cái kết cho câu chuyện của chú. Trên chặng đường đó là những ‘Một Đời’ - đặt câu hỏi lửng lơ cho ta về giá trị của đời người, ta đang cố gắng vì điều gì; hay là những giai điệu an nhiên trong ‘Cửa Sắt’ nhắn nhủ hãy trân trọng những hạnh phúc nhỏ bé và cho phép bản thân mình được nghỉ ngơi; hoặc những lời thủ thỉ trong ‘Đến Hết Hôm Nay’ luôn nhắc tôi phải tin vào con tim mình, và luôn mở lòng với tình yêu.
Đúng, dù toàn bộ album là một thước phim về Chú Sáu, nhưng với tôi, một người với tuổi đời còn rất trẻ, vẫn nhìn thấy bản thân mình đâu đó trong chú. Có lẽ, dù khác nhau về hoàn cảnh, tuổi tác, nhưng âm nhạc của Cá Hồi Hoang lại kết nối chúng ta lại với nhau bằng câu chuyện và những cảm xúc rất ‘con người’. Đó là sự an ủi, vỗ về rằng dù bạn có đang bế tắc thế nào đi nữa, bạn vẫn không một mình. Có lẽ vì vậy, mà sợi dây đồng cảm ấy đã cứu lấy rất nhiều người trong những khoảnh khắc lạc lối nhất. Với tôi, một người biết Cá chưa lâu, luôn coi âm nhạc của Cá là bạn đồng hành. Còn với những người đến sớm hơn, tôi tin với họ Cá Hồi Hoang là tri kỷ.
Tại vì nhạc của mình không phải là làm cho người trẻ đúng không anh em? Nhạc của mình là để lớn lên và già đi cùng với bọn mình. Và bọn mình hy vọng là nhiều năm sau này, nhìn lại, nó vẫn sẽ ở đó thôi, chả đi đâu cả!
Nói là vậy, chứ người trẻ vẫn là nhân vật hay xuất hiện nhất trong nhạc Cá Hồi Hoang. Chúng ta có thể kể đến câu chuyện của Bin trong đĩa ‘Hiệu Ứng Trốn Chạy’, từ khi sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc và hành trình trưởng thành trắc trở. Hay trong ‘Quả Bóng Màu Hồng’, Cá còn tiếp cận chủ đề trầm cảm, tự tử ở những người trẻ bằng với một tông giọng thanh thản, nhẹ nhàng nhưng vẫn đầy đớn đau, cũng là một câu chuyện đáng giá. Nhưng để mà nói về sự hoàn thiện trong khả năng storytelling ở cả mặt lyrics và âm thanh, ‘Bandamusical’ xứng đáng là đại diện tiêu biểu nhất.
Với độ dài gần 9ph, ‘Bandamusical’ như một vở nhạc kịch được kể qua 4 Chương, 4 Phân cảnh khác nhau với phần phối khí biến đổi liên tục qua mỗi chương nhưng vẫn giữ được thống nhất. Mở đầu, ban nhạc kể câu chuyện của chính họ, về những bước chập chững đầu tiên khi làm nhạc. Chất giọng tự sự của Thành Luke được trải trên nền piano ấm áp và phảng phất hoài niệm.
'Từ một hai con người/ Từ vài ba cây đàn.Ngồi lại đây với nhau/ Mình là ban nhạc.'
Khi nhịp trống rộn ràng vang lên ở 2:15, Cá lại đưa ta tới cảm xúc háo hức của những người hâm mộ chuẩn bị xem ca nhạc, nơi họ tìm được bạn tâm giao và nên duyên từ đó.
‘Và bạn trai đang đỗ xe bên hè/ Tay anh cầm vé nghe ban nhạc’
Dù với thời lượng có thể coi là dài, Cá Hồi Hoang vẫn rất điềm tĩnh và kiên định trong mặt phối khí. Họ không cần đến một cao trào cụ thể ở cuối bài để tạo điểm nhấn. Thay vào đó, mọi khoảnh khắc trong ‘Bandamusical’ đều ấn tượng theo cách riêng nhờ sự phong phú trong phần soạn trống với tiết tấu thay đổi nhịp nhàng và có chủ đích. Cuối cùng, Cá để lại những lời tâm sự, rằng dù mai này có ra sao, chỉ cần khi ấy có người nghe họ hát, cùng hàn huyên với nhau, họ sẽ luôn ‘thật vui như phút ban đầu’.
‘Và ta tay trong tay/ Rồi bài hát cuối vang lên em muốn được ở đây. Thật vui như lúc ban đầu/ Ta gặp nhau.’
‘Bandamuscical’ từng suýt là bài cuối cùng của ban nhạc vào năm 2017, cho nên ở đâu đó, ta nghe ra được sự lưu luyến, chưa sẵn sàng để nói lời tạm biệt. 6 năm sau, điều mà không ai muốn đã xảy đến, ‘Bandamusical’ trong vai trò như một người ghi sử, cũng vì thế mà trở nên đáng quý và thiêng liêng hơn bao giờ hết.
Âm nhạc của cảm xúc
Tôi khá chắc rằng, sẽ không ai hiểu Cá Hồi Hoang hát về cái gì ở lần đầu nghe. Ngoài những bài có câu chuyện cụ thể, lyrics của band thường khá mơ hồ và khó nắm bắt. Chưa nói đến việc, nếu xét ở tiêu chuẩn thường thấy, vocal của Thành Luke sẽ khiến nhiều người nghe cảm thấy không thoải mái, bởi cách hát bản năng và phát âm đậm phương ngữ. Ban nhạc thừa biết điều đó, thậm chí nội bộ band còn có người chỉ chấm giọng Thành 5 điểm. Thế thì, Cá Hồi Hoang hay ở chỗ nào nhỉ?
Tôi sẽ nói rằng, Cá Hồi Hoang rất biết cách biến những thứ ‘kỳ lạ’ đó thành chất riêng khó nhầm lẫn.
Lấy ví dụ ở bài ‘Điền vào ô trống (250)’ nhắc ở đầu bài, giọng của Thành Luke liên tục chuyển quãng từ giọng thật sang giọng giả thanh. Anh hát kéo dài hơi ở cuối câu và mix khéo léo để giọng trở nên mỏng nhẹ, nghe như một loại nhạc cụ, lên lỏi và tỏa sáng trong nền phối khí bay bổng. Nhờ vậy mà bài hát ngay lập tức đạt được hiệu quả cảm xúc mà không cần đến một cao trào nào.
Hay như cả album ‘Hiệu Ứng Trốn Chạy’, tên gọi tắt là F(x) hay effect (hiệu ứng), được Thành chia sẻ là ám chỉ đến rất nhiều hiệu ứng âm thanh được sử dụng suốt toàn bộ đĩa nhạc. Ta có thể thấy giọng của Thành được xử lý nhiều reverb hơn hẳn các đĩa trước, với nhiều lớp vocal được xếp đè lên nhau nghe rất ảo.
Có thể với nhiều người nghe mới sẽ nghĩ rằng, đó là cách mà band xử lý để lấp liếm đi thiếu sót về giọng hát. Nhưng, tôi tin rằng Cá Hồi Hoang không bao giờ, và cũng chưa bao giờ coi đó là một thiếu sót. Họ là những phù thủy âm thanh, nắm rõ được cái chất mình có, và biến hóa nó cho phù hợp với thông điệp mà mình muốn truyền tải. Còn gì phù hợp hơn để mô tả một buổi sáng nửa tỉnh nửa mơ trong ‘5AM’ với chất giọng bảng lảng của Thành? Hay là sự mỏi mệt của nhân vật Bin trong ‘Inside Mr. Bin’? Hay là cảm giác ảo mộng thật giả đan xen trong ‘Acid8’?
Chất độc đáo trong âm nhạc của Cá không dừng lại ở đó. Ta bắt gặp ở Cá những bản phối rất thích đánh lừa kỳ vọng của người nghe. Trong bài ‘Lặp Đi, Lặp Lại’, tiếng trống không hề ‘lặp lại’ mà cứ khoảng 20s lại thay đổi một lần, thế nhưng lại kết bài bằng một câu hook … ‘lặp đi lặp lại’ kéo dài. Hay như ở ‘Lola’, Cá chiêu đãi chúng ta bằng một mở đoạn dài tới 40s với phần trống mạnh mẽ và tiếng guitar rải thoắt ẩn thoắt hiện. Ta không lường trước được 60% thời lượng sau đó của bài hát, Cá lại đi chậm rãi trong một nền phối như đang kìm nén, giấu bài. Rồi đến cuối, sau khi cảm giác slow-burn đạt đến độ chín muồi, họ tung ra một màn pháo hoa với những lớp nhạc cụ dày đặc, hỗn loạn, thậm chí che lấp cả giọng hát của Thành Luke. Lần lượt đi từ hứng thú, đến sâu lắng rồi về đích bằng sự bùng nổ đầy thỏa mãn, Cá đưa người nghe đi qua mọi cung bậc cảm xúc chỉ trong vỏn vẹn gần 6 phút.
Ta còn được trải nghiệm cảm giác thỏa mãn này ở những bản phối xuất sắc khác của Cá như ‘Đảo giữa dòng nước lạnh’, ‘CCPCL’, hay ‘Gap’. Đó là thứ tôi khoái nhất khi nghe nhạc của họ, rằng tôi sẽ không bao giờ biết họ còn có thể làm được gì.
Lời tạm biệt.
Chà… Thú thật là tôi vẫn chưa sẵn sàng cho lời tạm biệt. Vào tháng 7/2022 tại HRC, tôi nhớ anh Thành từng nói chơi nhạc là nghề vui nhất quả đất này. Anh hứa với khán giả, là chừng nào còn sống, chừng ấy anh vẫn chơi nhạc. Tôi vẫn nhớ lời hứa này đến tận bây giờ.
Là một người yêu nhạc, tôi hoàn toàn tôn trọng quyết định của họ, đầu tiên là anh Hiếu, rồi tới anh Đạt, và giờ là anh Thành và anh Minh, tôi nghĩ, có hợp có tan âu cũng là chuyện bình thường. Quan trọng là dù họ không còn làm nhạc cùng nhau trong chặng đường tới, nhưng những giá trị tinh thần quý báu họ đã để lại trên suốt hành trình qua, vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng những người hâm mộ. Tôi tin đây không phải là dấu chấm hết, mà chỉ là dấu chấm xuống dòng thôi. Âm nhạc sẽ vẫn còn được viết tiếp, Thành đã hứa vậy.
Cảm ơn và tạm biệt Cá Hồi Hoang. Xin được chúc những điều tốt đẹp nhất, và hẹn ngày tái ngộ.
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất