GIỚI THIỆU
Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn 文昌帝君陰騭文, thường được gọi tắt là Âm Chất Văn. Bài văn này rất ngắn gọn, chỉ khoảng hơn 800 chữ, là một quyển sách khuyến thiện kinh điển của Đạo Gia.
Ở Việt Nam, trong kho sách Hán Nôm còn được lưu giữ hiện nay có nhiều bản dịch và chú giải Âm Chất Văn, như: tác phẩm Âm Chất Văn Chú của Lê Quý Đôn (1726-1784) trọn bộ hai quyển, khắc in năm Minh Mạng 20 (1839) và năm Tự Đức 16 (1863) tại đền Ngọc Sơn. Ngoài ra còn có Âm Chất Văn Diễn Ca của Lê Quý Thận, Âm Chất Giải Âm của Đỗ Dữ,…
Để hiểu sâu và rộng lời văn, nên xem thêm các bản chú giải. (Bản chú giải Âm Chất Văn của tác giả Chu An Sĩ ở quyển 01 & 02 trong bộ sách An Sĩ Toàn Thư được xem là hay nhất, người đọc có thể tham khảo)
Âm Chất Văn là một quyển thiện thư được phổ biến rộng rãi trong 3 nhà Nho-Thích-Đạo, mỗi câu mỗi chữ đều chỉ dẫn con người tránh ác làm lành, dẫn dắt nhân tâm con người trở nên tốt đẹp, thuần hậu. Đây thật sự là một quyển sách lợi ích nhân sinh!
Việt dịch
Dịch giả: Nguyễn Minh Tiến.
BÀI VĂN ÂM CHẤT CỦA VĂN XƯƠNG ĐẾ QUÂN ♪ - YouTube
Đế Quân nói rằng: “Ta trải qua 17 đời sinh ra làm kẻ sĩ có quyền thế, chưa từng bạo ngược với dân, tàn khốc với thuộc cấp; thường cứu người khi nguy nan, giúp người khi khẩn thiết, thương xót người cô độc, khoan thứ kẻ lỗi lầm, rộng làm những việc phúc thiện, tích âm đức, thấu tận trời xanh. Nếu ai có thể giữ tâm hiền thiện như ta, ắt được trời ban phước lành.[1] Do đó mà ta có lời răn dạy mọi người rằng:
Xưa Vu Công giữ việc xử án, xây cổng lớn đợi xe bốn ngựa; họ Đậu giúp đỡ muôn người, một cội sinh năm cành quế; Tống Giao cứu đàn kiến, trúng tuyển trạng nguyên; Thúc Ngao chôn xác rắn, sau làm tể tướng.[2] Muốn tạo ruộng phước rộng sâu, ắt phải dựa vào một tấm lòng này; thường không ngừng việc giúp người, âm thầm làm đủ mọi công đức; lợi người lợi vật, làm thiện tích phước. Chính trực thay trời hành đạo dạy người, mở rộng lòng từ, vì nước cứu dân.
Đối xử với người phải giữ lòng trung, với cha mẹ ông bà phải hiếu thảo; với anh em phải giữ lòng kính trọng, thương yêu lẫn nhau, với bạn hữu phải giữ lòng tin cậy. Hoặc phụng chân triều đẩu,[3] hoặc thờ Phật học kinh, thường nhớ nghĩ làm theo lời Phật dạy. Báo đáp bốn ơn sâu,[4] thực hành rộng khắp theo Tam giáo.
Giúp người khẩn cấp như cá mắc cạn; cứu người nguy nan như chim bị lưới siết. Xót thương trẻ mồ côi, giúp đỡ người góa bụa; kính trọng người già, thương kẻ nghèo khó; chu cấp cơm ăn áo mặc cho người lỡ đường đói rét; giúp quan quách cho nhà nghèo khó để thi hài người chết được ấm cúng. Nhà giàu sang phải nâng đỡ thân thích; mất mùa đói kém phải cứu giúp lối xóm. Cân đo phải công bằng, không được bán ra non, thu vào già. Với kẻ dưới phải khoan thứ, không nên khắc nghiệt, soi mói.
Nên góp phần in ấn rộng truyền kinh sách, xây dựng chùa chiền, tu viện. Giúp thuốc thang cứu người bệnh khổ, giúp nước uống giải cơn khát cho người. Hoặc bỏ tiền mua vật sống phóng sinh, hoặc ăn chay từ bỏ sự giết hại. Mỗi khi cất bước, phải chú ý quan sát để không giẫm đạp các loài côn trùng; không đốt lửa gây cháy rừng cháy núi. Đêm tối giúp người đi đường có đèn soi sáng; sông rộng giúp thuyền bè đưa người qua lại. Không dùng lưới bắt các loài chim thú trên cạn, không dùng thuốc độc bắt các loài cá tôm dưới nước.[5] Không giết thịt trâu cày; không vứt bỏ giấy có chữ viết. Không mưu mô lấy tài sản người khác; không ganh tỵ với người có tài năng kỹ xảo. Không tư tình tà niệm với vợ người. Không xúi giục người trong việc tranh tụng. Không hủy hoại đường danh lợi của người khác, không làm tan vỡ chuyện hôn nhân của người. Không vì chuyện thù oán riêng mà làm cho anh em nhà người sinh chuyện bất hòa; không vì chút lợi nhỏ mà khiến cha con người khác trở thành xung khắc. Không dựa vào quyền thế làm nhục kẻ hiền lương; không ỷ mình giàu sang khinh rẻ người cùng khốn.
Gặp người hiền thiện phải thân cận, gần gũi, vì có thể giúp ta tăng thêm đức tốt của tâm, hạnh lành của thân. Gặp người xấu ác phải xa lánh ngay, vì chỉ trong chớp mắt có thể mang đến cho ta tai họa khôn lường. Thường phải tu tập dẹp trừ điều xấu ác, phát huy những việc tốt lành; miệng nói ra những lời đúng thật thì trong lòng không được nghĩ điều sai quấy. Phát dọn gai góc lùm bụi chướng ngại đường sá, dọn sạch đá gạch ngăn giữa lối đi. Đường sá gập ghềnh đã lâu năm thì góp sức tu sửa, san phẳng; sông rộng có ngàn vạn người thường qua lại thì ra công bắc cầu.
Lấy tình thương ngỏ lời dạy bảo, sửa lỗi cho người. Quyên góp tiền bạc giúp người thành tựu những điều tốt đẹp. Làm việc gì cũng noi theo đạo trời, nói ra lời nào cũng thuận với lòng người. Kính ngưỡng bậc thánh hiền tiên triết, dù đi đứng nằm ngồi vẫn thường nghĩ nhớ; cẩn thận giữ gìn phẩm hạnh để lúc một mình tĩnh tâm không thấy có gì phải hổ thẹn với lòng. Hết thảy việc ác quyết không làm, hết thảy việc lành xin vâng theo.
Vĩnh viễn không gặp điềm dữ, thường thường được thiện thần giúp đỡ. Phước báo gần thì tự thân được hưởng, xa thì ảnh hưởng đến cháu con. Trăm điều phúc lành đồng thời đến, ngàn việc tốt đẹp hội tụ về, chẳng phải nhờ việc tích tạo âm đức mà được như thế đó sao?
.......
Chú thích:
[1] Trời ban phước lành: là cách diễn đạt theo thuyết Thiên mệnh hay Thiên định, cho rằng mọi việc họa phúc của mỗi người đều do trời định, vốn là thuyết của Nho gia. Tuy nhiên, khi đạo Phật được truyền rộng khắp Trung Hoa thì những người học Phật đã nhận hiểu thuyết này theo cách hơi khác đi, rằng tuy mọi việc họa phúc là do trời định, nhưng không phải một sự quyết định tùy tiện mà là căn cứ vào những việc thiện ác mỗi người đã làm. Hiểu theo cách này thì “ông trời” chỉ còn là một đại diện của nguyên lý nhân quả, vốn theo Phật dạy là tự nó vận hành. Những người theo Lão giáo (hay Đạo giáo) thì cụ thể hóa việc này qua niềm tin về sự ghi chép những việc thiện ác của mỗi người trong sổ Nam tào, để Ngọc hoàng căn cứ theo đó mà ban phúc giáng họa. Chính sự trộn lẫn giữa Nho - Phật - Lão như thế đã giúp cho các thuyết thiên mệnh và nhân quả đều đồng thời tồn tại mà không mâu thuẫn với nhau.
[2] Các sự tích này đều được Đại sư Ấn Quang trích lại từ các thư tịch cổ đưa vào đầy đủ trong phần bổ khuyết.
[3] Phụng chân triều đẩu: niềm tin của Đạo giáo cho rằng phải thờ phụng các bậc chân nhân, lễ bái các vị tinh tú, cho rằng các vị ấy được Ngọc Đế giao cho việc cai quản, dạy dỗ hoặc thưởng phạt người đời.
[4] Bốn ơn sâu (Tứ trọng ân): Kinh Phật dạy rằng mỗi người đều có bốn ơn sâu phải báo đáp, bao gồm: 1. Ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục, cũng bao gồm ông bà tổ tiên đã nhiều đời truyền nối để có thân ta; 2. Ơn chúng sinh tương trợ tương tác, để ta có cuộc sống như hiện nay, vì mỗi người quanh ta đều có sự đóng góp nhất định cho sự sống của ta, cũng có thể hiểu đơn giản hơn là ơn cộng đồng xã hội đã cho ta môi trường sống tốt đẹp; 3. Ơn quốc vương, hiểu theo ngày nay tức là những người lo việc giữ gìn giềng mối, trật tự trong xã hội, giữ cho đất nước ta được thanh bình, ổn định và phát triển; 4. Ơn Tam bảo, đã chỉ ra cho chúng ta con đường chân chánh để noi theo, để có thể làm người hiền thiện, đạt được an vui trong cuộc sống và hướng đến sự giải thoát khỏi luân hồi. Theo sách Thích thị yếu lãm (釋氏要覽) thì bốn ơn nặng của người xuất gia được giải thích hơi khác biệt hơn, bao gồm: 1. Ơn cha mẹ; 2. Ơn thầy tổ, sư trưởng; 3. Ơn quốc vương, người trị nước; 4. Ơn thí chủ, những người chu cấp cho ta tu hành. Tuy nhiên, ở đây cũng có thể hiểu ơn thí chủ tức là ơn chúng sinh như đã giải thích trên, và ơn thầy tổ cũng chính là ơn Tam bảo. Như vậy thì hai cách giải thích này cũng có sự tương đồng chứ không mâu thuẫn.
[5] Tuy cũng là sát sinh hại vật, nhưng hai hình thức này tàn độc hơn hẳn các hình thức săn bắt khác, vì giăng lưới thì chim thú các loài đều bị bắt, đánh thuốc thì tôm cá lớn nhỏ đều bị sát hại. Đánh bắt như vậy thì muôn vật trên cạn dưới nước đều phải nhanh chóng cạn kiệt, môi trường cũng do đó bị tàn hại không dễ khôi phục.
Giáo dục
/giao-duc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất