London, một ngày nắng rất đẹp. Những tia nắng ấm áp như muốn đánh thức đám chồi non xanh mơn man, tạo cho cảnh vật cái cảm giác rạo rực sức sống của ngày xuân. Vậy mà mới vài tiếng trước đây thôi, sương mù còn phủ kín mọi ngả đường (phải thôi, xứ sở sương mù mà). Cảm giác đi trong sương luôn có chút chênh vênh vô định, vì chẳng thể nào biết được cái gì có thể bất ngờ hiện ra trước mặt. Thế nên người ta thường phải đi chậm lại, cố sử dụng nhiều hơn những giác quan của mình như căng mắt nhìn, căng tai lắng nghe xem có gì sắp đến hay không.  
Thực ra du học cũng vậy. Việc đi sang một đất nước, một môi trường hoàn toàn mới thường khiến bạn có chút gì đó chênh vênh vô định trong khoảng thời gian đầu, có thể cả chút lạc lõng và cô đơn. Đơn giản vì bạn cũng đâu thể biết trước được chuyện gì sẽ đến, ai sẽ có duyên nhảy vào cuộc đời bạn và cùng bạn trải nghiệm những điều mới mẻ nơi đất lạ xứ người.
Vì vậy, series nho nhỏ này xin viết tặng các bạn đang sắp đi du học, hoặc có dự định này trong tương lai. Có lẽ bạn sẽ thấy nó tương đối khác với những bài cùng chủ đề, vì chính tôi lại gần như không chuẩn bị gì cho quá trình du học của mình, và điều đó khiến cho thời gian đầu có thể nói là vô vàn khó khăn, như việc bước từng bước chậm chạp trong sương mù vậy. Tất nhiên là tôi vẫn kiên cường mà gượng dậy được để có thể làm quen với cuộc sống mới (phải thôi, mấy ai không gượng dậy được chỉ vì du học đâu cơ chứ), nhưng điều mà tôi đúc kết được là có chuẩn bị (đặc biệt về những kỹ năng học thuật) chắc chắn sẽ khiến việc “du học - bước đi trong sương mù” của bạn vững vàng hơn rất nhiều, để bạn có thể tự tin vững bước và tích lũy thật nhiều trải nghiệm tuyệt vời nơi xứ người.  
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google

Phần 1: Những chuẩn bị trước khi đi

1. Đọc, đọc nữa, đọc mãi

Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất giữa hệ thống giáo dục phương Tây và Việt Nam là việc hầu hết các nước phương Tây đều tập trung nhiều hơn đến viết luận thay vì tiến hành những bài kiểm tra cuối khóa. Tất nhiên, mỗi thứ đều có cái hay của nó, và tôi không ở đây để tranh luận với bạn cách học nào tốt hơn cách nào. Thứ mà tôi muốn đề cập chỉ là sự khác biệt này có thể mang lại rất nhiều khó khăn cho bạn trong thời gian đầu tiếp cận với hệ thống giáo dục mới. Việc viết luận đòi hỏi bạn phải đọc và tổng hợp tài liệu rất nhiều, vì nếu không đọc bạn sẽ không thể viết trôi chảy, có ý và sử dụng hệ thống ngôn ngữ chuyên ngành một cách chính xác được. Không khó để phân biệt bài luận của những học sinh đọc nhiều và đọc ít, khi mà những người đọc ít thường viết khá ngượng và hời hợt, đồng thời không nêu được những luận điểm của mình là xuất phát từ đâu và đưa ra những dẫn chứng cho chúng.
Vì vậy, nếu có thể quay trở lại thời điểm trước khi du học, tôi ước có ai đó nói cho mình biết sự quan trọng của việc đọc tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh. Kỹ năng này đòi hỏi thời gian và sự kiên trì mỗi ngày. Lúc mới đầu có lẽ sẽ khá khó khăn: vì bạn chưa quen với hệ thống từ vựng chuyên ngành, nên việc đọc thường vừa chậm vừa đau đầu, dẫn đến khó tổng hợp kiến thức, đọc bài này bạn đã quên hết những thứ bạn đọc ở các bài trước đó. Nhưng nếu có thể kiên trì mỗi ngày, bạn sẽ thấy dần dần từ ngữ chuyên ngành không còn xa lạ nữa, và từ đó việc tổng hợp ý trở nên trôi chảy và đỡ tốn thời gian hơn rất nhiều. Đảm bảo nếu có thể cải thiện kỹ năng này trước khi đi du học, để tránh việc vừa phải luyện đọc vừa phải đối mặt với deadline và một loạt những áp lực khác của cuộc sống mới, đảm bảo những bước đầu của bạn ở phương trời mơ ước sẽ vững vàng hơn rất nhiều đấy.
Cách thức chuẩn bị: mỗi ngày hãy cố duy trì đọc 2-3 bài báo nghiên cứu (journal articles) về chuyên ngành của bạn (nên về cùng 1 chủ đề). Nếu được thì nên làm một hệ thống từ điển chuyên ngành cho bản thân, sẽ rất có lợi cho việc viết bài của bạn sau này.
Một số nguồn tài liệu: Google Scholar, các trang web cá nhân của những nhà nghiên cứu đầu ngành, Facebook 'VietPhD' (nơi các anh chị nghiên cứu sinh trên thế giới thường giúp các bạn tải các tài liệu quan trọng mà ở Việt Nam không tiếp cận được).

2. Tư duy hệ thống và kỹ năng viết phê bình tổng hợp về một đề tài nghiên cứu

Bên cạnh việc cải thiện kỹ năng đọc, một yếu tố khác có thể nói cũng khá lạ lẫm với sinh viên Việt Nam là cách viết bài phê bình tổng hợp về một đề tài (phần Literature review trong các bài luận, hay thậm chí là một bài luận hoàn chỉnh về topic review).
Về cơ bản, cấu trúc của một bài luận bao gồm phần mở đầu (Introduction), thân bài và kết luận (Conclusion). Trong đó, thân bài thường được chia nhỏ thành các phần: phê bình tổng hợp đề tài (Literature review), giới thiệu phương pháp nghiên cứu Methodology), và kết quả và tranh luận (Result and Discussion).
Rất nhiều bạn cho rằng phần phê bình tổng hợp không mấy quan trọng, chỉ nên tập trung vào việc nêu lên quan điểm của mình trong phần kết quả và tranh luận (Result and discussion) mà thôi. Có lẽ bạn sẽ rất bất ngờ khi biết được rằng việc tổng hợp và phê bình hệ thống kiến thức thực ra vô cùng quan trọng. Qua trao đổi với khá nhiều thầy cô tôi được biết thứ đầu tiên họ chấm trong bất cứ một bài luận nào là phần phê bình tổng hợp về đề tài (Literature Review) và trích nguồn (References) của bạn.
(Thậm chí còn có một quy tắc nho nhỏ là nếu 1 bài luận ở bậc đại học không có đến 10 references, hay 1 bài luận bậc thạc sĩ không có quá 1 trang references, thì điểm sẽ không quá mức 65/100. Nhưng đây là quy tắc trong ngành kinh tế học thôi nhé)
Tuy nhiên, điều này cũng không quá khó để giải thích. Một phần phê bình tổng hợp tốt dễ dàng cho thấy bạn nắm được cách tư duy hệ thống và hiểu được sự quan trọng trong tính tiếp nối của kiến thức. Cụ thể hơn, sự cần thiết của bài luận hay đề tài mà bạn đang viết/tìm hiểu không từ trên trời rơi xuống, mà nó là kết quả cả một quá trình từ lý thuyết tổng quan đơn giản ban đầu đến những vấn đề bất cập khi áp dụng vào thực tế và từ đó dẫn đến sự mở rộng của đề tài tính đến thời điểm hiện tại. Vì vậy, nếu phần phê bình tổng quan của bạn không tốt, dù chưa đọc thầy cô cũng có thể phán đoán được rằng những luận điểm trong bài của bạn sẽ không được chắc chắn hay có liên kết chặt chẽ với hệ thống kiến thức về đề tài.
Vậy, thế nào là một phần phê bình tổng quan tốt?
Về cơ bản, một phần phê bình tổng quan tốt cần 3 yếu tố: (i) cho thấy nguồn gốc của đề tài, (ii) cập nhật xu hướng nghiên cứu của đề tài trong thời gian gần đây, và (iii) được viết một cách tổng hợp thay vì liệt kê tóm tắt từng bài, đồng thời tập trung vào những vấn đề chính bạn sẽ bàn đến trong phần kết quả và bình luận sau đó.
Gợi ý: Làm thế nào để bạn có thể chuẩn bị cho việc viết phê bình tổng hợp này? Thứ nhất, tất nhiên, bạn nên thử đọc tham khảo một số bài báo (dạng phê bình tổng hợp) về một đề tài nào đó. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những bài báo dạng này qua việc tìm các bài báo với cú pháp – từ khóa + chữ review hay survey ở cuối. Ví dụ như nếu bạn muốn đọc bài phê bình tổng hợp về ảnh hưởng của lạm phát lên bất bình đẳng (một chủ đề đang rất hot trong kinh tế học), bạn có thể tìm kiếm với cụm từ: “inflation inequality review/survey”. Thứ hai, bạn có thể kết hợp với việc luyện đọc ở trên. Khi tìm hiểu về bất kỳ đề tài nào, hãy thử để ý thêm một chút xem những bài báo bạn đọc họ cùng trích dẫn ai đầu tiên (thường là người đề xuất ra lý thuyết, người mà bạn không thể bỏ qua trong phần phê bình tổng hợp của mình), và bài nào theo bạn tốt hơn bài nào nếu tính riêng phần phê bình tổng hợp (Literature review) của họ. Làm như thế sẽ rất có lợi cho khả năng tư duy hệ thống của bạn, đồng thời chắc chắn bạn cũng sẽ dần hấp thụ được cách viết trong phần này.

3. Chủ động để thu được nhiều nhất từ giao thoa văn hóa

Mở rộng ra một chút ngoài học tập, bạn cũng nên cải thiện khả năng diễn đạt ngắn gọn và rõ ràng quan điểm, suy nghĩ của bản thân bằng tiếng Anh (hoặc thứ tiếng bản địa nơi bạn sẽ sang học). Một trong những tư duy sai lầm của học sinh sinh viên khi đi du học là việc cho rằng giao thoa văn hóa sẽ đến một cách tự nhiên, bạn không cần làm gì cũng có thể trải nghiệm những suy nghĩ và hệ tư tưởng mới. Điều này chỉ đúng một phần mà thôi, vì nó sẽ xảy ra rất chậm. Nguyên nhân là vì sự hấp thụ những ảnh hưởng của giao thoa văn hóa diễn ra cả hai chiều, tức là khi bạn càng chia sẻ nhiều thì sẽ càng nhận lại được nhiều. Cụ thể hơn, chính bạn là người nên chủ động chia sẻ những quan điểm và suy nghĩ của mình, cùng nguồn gốc của những suy nghĩ đó (phong tục tập quán, nếp nghĩ, đặc điểm của nền giáo dục phương Đông). Có như vậy mọi người mới thấy được những khác biệt trong hệ tư tưởng, văn hóa và từ đó có thể đi sâu vào bàn luận ngọn ngành lý do dẫn đến những khác biệt ấy.
Kết: Trên đây là những thứ mình hy vọng có thể giúp ích cho mọi người trong khâu chuẩn bị trước khi đi. Bài tiếp theo sẽ là về thực chiến (cách học, sắp xếp thời gian biểu, và 'how to viết luận step-by-step'). Mong các bạn sẽ tiếp tục theo dõi nhé!
A Dreamer