Âm Dương và ảnh hưởng của triết lý âm dương trong văn hóa Việt Nam
“Trong vạn vật, không có vật nào mà khỏng cõng âm và bồng dương” - Lão Tử
Sự ra đời của triết lý Âm Dương
Triết lý Âm Dương ra đời từ thời Ân - Thương ở Trung Quốc. Từ khi ra đời đến nay, triết lý này luôn được bổ sung, hoàn thiện bởi nhiều thế hệ. Bởi vậy, triết lý Âm Dương được người Trung Hoa xem như là “thiên thư", tức là có người phát hiện mà không có người sáng tạo.
Về khái niệm, triết lý Âm Dương là sản phẩm trừu tượng hóa từ ý niệm và những mối quan tâm của cư dân nông nghiệp nói chung và người dân nói riêng về sự sinh sôi nảy nở của hoa màu và con người. Những mối quan tâm này của họ xuất phát từ mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình đông đúc. Vì việc làm nông mang tính thời vụ rất cao nên cần nhiều sức người và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Quan tâm đến sự sinh sôi nảy nở của hoa màu và con người là quan tâm đến hai cặp đổi lập đồng thời bổ trợ cho nhau Đất - Trời và Mẹ - Cha.
Người ta cũng dần dần nhận ra rằng hai hình thái sinh sản này có cùng một bản chất: Đất được đồng nhất với Mẹ, còn Trời được đồng nhất với Cha. Từ hai cấp đối lập gốc đó, người xưa dần suy ra hàng loạt cặp đối lập như những thuộc tính của âm dương, cũng có thể coi giao hòa âm dương là nguồn gốc của mọi sự. Lối tư duy đó tạo nên ở người dân một quan niệm lưỡng phân lưỡng hợp, đó là cơ sở hình thành lên triết lý Âm Dương.
Vạn vật luôn vận động và biến hóa không ngừng, do sự giao cảm của âm dương mà ra, đồng thời coi âm dương là hai mặt đối lập với nhau nhưng cùng tồn tại trong một thể thống nhất trong mọi sự vật từ vi mô đến vĩ mô, từ một sự vật cụ thể đến toàn thể vũ trụ.
Quy luật của triết lý âm dương
Kinh Dịch kết hợp với những quan niệm từ xa xưa của người Á Đông đã hình thành nên Triết lý Âm Dương. Theo đó, mọi sự vật, hiện tượng đều vận động theo một vòng tuần hoàn: Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật.
Thái cực là khởi nguồn của vũ trụ, trong đó có cả âm và dương, nhưng là âm dương chưa tách biệt mà vẫn còn nhất thể. Lưỡng nghi là âm và dương. Tứ tượng là thái âm, thái dương, thiếu âm và thiểu dương. Bát quái là tám quẻ: Trời, Đất, Sấm, Gió, Nước, Lửa, Núi, Đầm – tượng trưng cho tám hiện tượng tự nhiên và tám trạng thái vận động cơ bản của vũ trụ.

Đuôi nhỏ phần đen tiếp với đầu lớn phần trắng biểu hiện dương trưởng âm tiêu, đuôi nhỏ phần trắng tiếp nối đầu lớn phần đen biểu hiện âm trưởng dương tiêu.
Phần trắng và phần đen bao giờ cũng bằng nhau biểu hiện âm dương luôn cân bằng trong quá trình tiêu trưởng.
Sự biến hoá không ngừng đó diễn ra theo các quy luật nhất định, triết lý Âm Dương gồm 5 quy luật cơ bản:
1. Âm dương đối lập là sự mâu thuẫn, ức chế và đấu tranh giữa hai mặt âm dương.
Ví dụ: Nóng – lạnh, vui - buồn, sáng - tối, lửa - nước,..
2. Âm dương hỗ căn là gốc của nhau, tức là hai mặt âm và dương tuy đối lập nhưng phải nương tựa vào nhau mới có thể tồn tại được.
Ví dụ: Có phụ nữ mới có đàn ông và ngược lại,..
3. Âm dương tiêu trưởng - "tiêu là sự mất đi, trưởng là sự phát triển”. Quy luật này nói đến sự vận động theo hướng song song nhưng đối lập với nhau, cái này tăng thì cái kia giảm. Âm và dương luôn đạt được một trạng thái cân bằng bởi sự tương tác và kiểm soát lẫn nhau, đến một thời điểm nào đó, âm thịnh dương suy và ngược lại.
Ví dụ: Nước lạnh (âm) nếu được đun nóng sẽ thành nước nóng (dương). Đây là quá trình âm tiêu dương trường. Nếu chúng ta làm ngược lại sẽ được quá trình âm trưởng dương tiêu.
4. Âm dương chuyển hóa là sự vận động tiêu trưởng của hai mặt âm - dương phát triển đến giai đoạn nhất định sẽ chuyển sang quá trình chuyển hóa, nên âm dương chuyển hóa chính là kết quả của âm dương tiêu trưởng, nếu tiêu trường là quá trình lượng biến thì đây là quá trình chất biến.
Ví dụ: Từ 12 giờ đêm âm đạt cực thì dương sinh, lúc này trời bắt đầu sáng dần, bóng tối cũng bắt đầu lui dần. Đến giữa trưa, khi dương đạt cực thì âm sinh, lúc này ánh sáng nhạt dần.
5. Âm dương bình hành là hai mặt âm dương tuy đối lập, vận động không ngừng nhưng luôn luôn thiết lập được thế cân bằng. Sự cân bằng này không tĩnh và cũng không tuyệt đối, được duy trì trong một giới hạn nhất định, nếu sự cân bằng giao hoà âm dương bị phá vỡ thì sự vật có nguy cơ bị tiêu vong.
Ví dụ: Thân nhiệt của 1 người khỏe mạnh bình thường luôn duy trì quanh ngưỡng 37°, đây là mức cân bằng giữa sinh nhiệt và mất nhiệt.
Ảnh hưởng của Triết lý Âm Dương trong văn hóa Việt Nam
Sau khi được du nhập vào Việt Nam thì triết lý Âm - Dương đã ăn sâu vào trong đời sống các dân tộc. Triết lý quân bình* âm dương cũng toát lên từ cách sống và được chứng tỏ qua tư duy của người Việt từ xưa đến nay.
*Quân bình: . Quân có nghĩa là “đều đặn, cân xứng”. . Bình có nghĩa là “ngang bằng, hòa hợp". . Quân bình: Cân bằng, hòa hợp (triết lý về sự cân bằng và hòa hợp của âm dương).
1. Tư duy lưỡng phân lưỡng hợp (dung hòa hai phần trái ngược nhau), tư duy này được hình thành và minh chứng qua một số khía cạnh như:
Quan niệm về “cội nguồn” của người Việt bắt đầu từ truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên". Tiên - Rồng là một cặp đôi mang đậm triết lý âm dương từ giới tính (nam – nữ), nơi ở (đất – nước): “Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống Tiên, người ở trên đất, tuy rằng khi âm dương hợp lại mà có con, nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc..".
Trong quan niệm của người Việt, Tổ quốc là một khối âm dương thống nhất: Đất – nước (mà xét về độ cứng đất là dương, nước là âm). Ở Việt Nam, thường xuất hiện những thứ đi thành cặp âm dương hài hòa theo nguyên tắc “có âm có dương” như: ông Đồng bà Cốt, ngói đơn dương (loại ngói có viên sấp viên ngửa),..
Ngoài ra, các khái niệm du nhập từ nước ngoài về Việt Nam cũng trở nên có đôi có cặp. Ví dụ: Nguyệt Lão - một vị thần tình yêu ở Trung Quốc về Việt Nam trở thành ông Tơ bà Nguyệt. Biểu tượng của âm dương: vuông (âm) - tròn (dương), thể hiện ở tiền đồng cổ đại, hình vuông và tròn lồng vào nhau.
2. Văn hóa ẩm thực quân bình âm dương
Ẩm thực truyền thống Việt tuân thủ nghiêm ngặt theo quy luật âm dương, khi chế biến các món ăn thì gia giảm, nêm nếm gia vị, kết hợp các món ăn bổ trợ nhau về mùi và vị, pha trộn màu sắc để có được mâm cơm trọn vẹn, tốt cho sức khỏe.
Trong ẩm thực cần đảm bảo 3 nguyên tắc: Thức ăn hài hòa âm dương, cơ thể cân bằng âm dương, con người và môi trường tự nhiên cũng phải có sự cân bằng âm dương.
Ví dụ:
Thức ăn: Gừng cay mang tính nhiệt (dương) thêm vào các món canh tính hàn (âm) như bí đao, rau cải; cho muối (dương) trước khi luộc rau (âm) làm rau xanh và ngon hơn.
Cân bằng âm dương trong cơ thể: Người Việt quan niệm rằng cơ thể chỉ bị bệnh khi bị mất cân bằng âm dương, còn thức ăn chính là thứ giúp cân bằng lại để cơ thể khỏe mạnh. Vì vậy, bị cảm lạnh (trội âm) thì ăn cháo gừng (dương).
Cân bằng âm dương giữa con người và môi trường tự nhiên – tập quán ăn uống theo vùng miền và theo mùa:
. Theo mùa: Mùa hè nóng (dương) người Việt chuộng đồ chua, đắng, nhiều nước, ưu tiên rau củ (dưa chua, canh khổ qua, nước sấu, nước me,..) để giải nhiệt. Còn mùa đông thì thường ăn những món có mỡ, thịt chiên xào (bánh chuối, thịt đông,..) để chống lạnh.
. Theo vùng miền: Miền Bắc lạnh hơn (âm hơn) nên người miền Bắc thường ăn mặn nhiều, miền Nam thì thức ăn thường thiên ngọt vì thời tiết nóng hơn (dương).
3. Quân bình âm dương trong kiến trúc nhà cửa
Người Việt Nam rất coi trọng “phong thủy" khi xây nhà. Phong (gió) thuộc dương, thủy (nước) thuộc âm. Trong nhà quá lộng gió hay bị đọng quá nhiều nước đều không tốt. Vì vậy, người ta thường dựng các hòn non bộ để điều thủy và xây dựng các bình phong để chắn gió.
Văn miếu Quốc Tử Giám là một công trình mang đậm triết lý âm dương, đặc biệt là Khuê Văn Các với kiến trúc đối xứng, bệ chân cột hình vuông, cửa sổ hình tròn là biểu tượng của âm dương.
4. Quân bình âm dương trong tư tưởng, lối sống của người Việt
Với người Việt, quân bình âm dương vừa thể hiện sự hoàn thiện, viên mãn (Mẹ tròn con vuông), vừa được xem như là nguyên tắc ứng xử (Dĩ hòa vi quý). Cũng từ sự nhận thức về âm dương chuyển hóa (âm cực sinh dương, dương cực sinh âm) mà người Việt có lối sống lạc quan (Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời), ứng xử linh hoạt.
Tuy nhiên, trong quá trình hiện đại hóa ngày nay, một số quan niệm và cách ứng xử của người Việt đã bộc lộ một số mặt hạn chế. Vì trọng quân bình, hòa hợp dnn đến thái độ cả nể, nước đôi. Bên cạnh cách ứng xử linh hoạt là cách làm việc dang dở, không đến nơi đến chốn. Quá lạc quan dẫn đến tự mãn, thiếu thực tế. Điều đó đòi hỏi bản thân mỗi chúng ta phải tự điều chỉnh hành vi, quan niệm của mình để phù hợp với tình hình xã hội hiện nay.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất