Phim tài liệu về trí tuệ nhân tạo tưởng như sẽ là một đề tài đã quá cũ kĩ và lỗi thời trên thực tế đã tạo ra được một hiệu ứng mạnh mẽ về cảm xúc, và cùng với đó là nhiều giá trị tiềm ẩn được truyền tải một cách khéo léo:
- Sự thay đổi về cảm xúc của con người trước và sau khi thi đấu với máy móc-từ tự tin đến tự cao quá mức cho đến vui mừng khôn xiết khi chỉ thắng được duy nhất một trận (nhưng lại xem điều đó quí giá hơn bất cứ thứ gì).
- Cảm xúc của những con người tạo ra AlphaGo từ cổ vũ cho đứa con tinh thần của họ cho đến khi quay sang cổ vũ cho con người.
- Khi Lee Sedol cố thay đổi lối chơi, thử để tìm cách chiến thắng AlphaGo, anh đã đánh mất chính mình. Liệu điều đó đại diện cho điều gì? Có phải nhờ đó mà trong ván thứ tư anh mới có thể thắng được?
- Khi thi đấu với đối thủ là con người, Lee thường nhìn vào biểu cảm của họ cũng như thể hiện thường xuyên cảm xúc của mình lên mặt (không biết có phải giả trân để lừa đối thủ hay không), từ đó những suy đoán về cách tiếp cận của đối thủ xuất hiện trong đầu anh. Dường như cảm xúc luôn là một phần không thể thiếu đối với con người, là sức mạnh và cũng là điểm yếu của họ? (Đấu với cỗ máy, không cảm xúc lẫn nét mặt nào để dò xét, những suy nghĩ về đối thủ sẽ trở thành những nghi vấn về chính bản thân mình, từ đó đè nặng áp lực lên Lee, có một câu rất hay mà tôi chưa thể giải thích nổi "AlphaGo như một tấm gương phản chiếu chính con người đối thủ, khi đã hoàn toàn trần như nhộng, họ không muốn phải suy nghĩ về nó, kiểu những suy nghĩ về tự thân tự vấn như vậy sẽ khiến ta nghi ngờ bản thân, mất tự tin và từ đó đánh mất chính mình")
- Đối với con người, cảm giác được vượt trội hơn người khác (một hệ quả của lòng đố kị-một trong thất đại tội) là động lực chính ẩn sâu trong hầu hết mọi trường hợp, giúp con người có được sự tập trung lẫn quyết tâm cao độ hơn. Vậy khi con người đấu với một cỗ máy (một thực thể vật chất không phải là con người, không có cảm xúc đố kị nào, từ đó không có va chạm về cảm xúc về lòng tự tôn của cả hai đối thủ), điều gì đã xảy ra? Lee thi đấu xong và thứ đợi anh là những cảm xúc trái chiều, một chiều, hoặc có thể là đa chiều. Là những đám đông chĩa máy quay vào mình, là những câu hỏi chất vấn anh mà anh không thể nào mà không trả lời cho được (dù thật hay giả).
- Ngược lại, AlphaGo được lập trình để "ăn một cách tối thiểu" mà thôi, lại có một câu rất hay "Con người nghĩ về mục tiêu này, mục tiêu kia, những thứ to lớn, xa vời, trong khi AlphaGo chỉ được lập trình vì lí do ngay trước mắt, chỉ để thắng duy nhất một trận đấu trước mắt". Điều đó lại làm dấy lên một câu hỏi là liệu suy nghĩ theo một chiến lược cao và xa liệu có phải là điểm yếu của con người? Làm ta xao nhãng khỏi mục tiêu trước mắt và trong nhiều trường hợp là sự thất vọng, sụp đổ khi đi chệch đường ray khỏi kế hoạch ban đầu. Hay đó lại chính là cái hay của con người khi giúp ta mở mang những nhận thức mới với một cái nhìn xa hơn?
- Nước đi thần thánh 37 và 78, một là của máy móc và một là của con người, những nước đi mà hầu hết mọi chuyên gia đều cho rằng là là nước đi xấu, là tự đào hố chôn mình, thực ra lại là những nước đi siêu thực với xác suất chính xác là 1/10.000. Điều này phê phán một cách trực diện hiệu ứng đám đông và tác động của nó lên con người, thứ mà một cỗ máy không thể bị ảnh hưởng (không có cảm xúc, tự nó đã là hiện thân của một sự tính toán với logic vô cực). Một góc nhìn khác đó là con người nếu có thể thoát ra khỏi hiệu ứng đám đông, tự tin là chính mình, như Lee trong ván đấu thứ 4, cũng có thể đi một nước cờ thần thánh đánh bại ngay cả một thứ máy móc tính toán siêu việt. Ẩn ý tiềm năng vô hạn của con người, nếu có thể thoát ra được khỏi cái hộp giam cầm những nhận thức do chính mình tạo nên, mà một trong số đó là sự ra đời của chính AlphaGo.
- "Những nước đi mà hầu hết con người nghĩ rằng là sáng tạo, thực ra đã lỗi thời". Câu nói của Lee, một người đã ngự trị trên đỉnh cao của nhân loại, rất có sức nặng, ám chỉ sự thay đổi của xã hội, của mọi thứ là vô cùng nhanh và mạnh, mà nếu chúng ta không cố để bắt kịp thì sẽ trở nên lỗi thời? Và những nhận thức mới thực ra không nằm đâu xa cả, ngay trước mắt chúng ta chỉ là nó quá khó để nhìn thấy? Hay là chúng ta không đủ kĩ năng và lòng dũng cảm dám thừa nhận để vượt qua nhận thức cũ để tiếp nhận những điều mới mẻ, những điều mà khi không hiểu, con người dễ dàng cho nó là "điên", "nhảm nhí", "xấu"... để bảo vệ cho chính kiến và cảm xúc của chính mình.
- Sau sự kiện trên thì bàn cờ vây đã cháy hàng. Thể hiện sức ảnh hưởng của truyền thông đến với đại chúng là lớn đến nhường nào. Lee Sedol ngự trị trên đỉnh cao cờ vây gần hai chục năm, ít người biết, lên tivi đấu năm trận trong một sự kiện đỉnh cao thì lại kích thích được sự tò mò và nhu cầu ẩn trong xã hội. Liệu bộ phim có đang bóp méo nhận thức của chúng ta theo ý đồ của nhà làm phim?
- Lee Sedol trả lời về nước đi thần thánh 78 sau khi chiến thắng ván bốn, "tôi không thấy bất kì một nước đi nào khác cả, đó là nước đi duy nhất mà tôi có thể nghĩ ra". Tại sao anh lại nói như vậy với nước đi có xác suất 1/10.000? Liệu những con số khô khan là gì khi đặt cạnh trực giác của con người, và rằng trực giác của con người đã bị ảnh hưởng như thế nào dưới áp lực của những định kiến, những kì vọng thông qua các con số vô nghĩa?
- Bộ phim cũng phần nào thể hiện "nationalism" và "imagined community" qua việc Lee đại diện cho "human", và khi con người quay sang cổ vũ Lee mà hầu như chẳng có ai cổ vũ cho AlphaGo cả.
- Trong vô thức, nhiều người đã gọi AlphaGo là "he" hay "she". "AlphaGo chơi cờ một cách sáng tạo, với nước đi tuyệt đẹp"- Lee Sedol. Báo trước một viễn cảnh máy móc có cảm xúc? Ảnh hưởng của nó sẽ là gì? Liệu rằng câu nói của Kasparov (hay của ai khác mà tôi không nhớ rõ) có đúng? "Một con người giỏi kết hợp với máy móc sẽ là ối ưu".
- Những nhà thiết kế nên AlphaGo là hướng nội, không bao giờ được lên trang nhất trừ lần này. Ngược lại, họ cũng chỉ muốn làm công việc của mình, họ yêu thích nó, hơn là chiếm ánh đèn trung tâm. Liệu điều đó có nói lên rằng con người sẽ phát triển hơn, hạnh phúc hơn và làm được những điều phi thường nếu chúng ta tập trung làm tốt công việc của mình, kết nối sâu sắc với con người bên trong thay vì đâm chọt người khác và bị ảnh hưởng bởi định kiến xã hội?
- "You know what is allowed to do technically, but in reality, you do not know what you should do". Câu nói phản ánh không chỉ cờ vây mà cả cuộc sống, những thứ tưởng như đơn giản, trông thì đơn giản, tưởng tượng được sự đơn giản đó trong đầu nếu bắt tay vào làm, chỉ đơn giản khi chưa thử làm. Điều đó phản ánh rất nhiều thứ. Một là khi đứng trước quá nhiều sự lựa chọn, ta không biết nên chọn cái nào, dễ xao nhãng và lạc lối, thất bại. Hai là những thứ nhìn càng đơn giản nhiều lúc đơn giản thiệt, nhưng nhiều lúc là đỉnh cao của kĩ thuật mà không hiểu thì không thể nào cảm nhận được. Ba là tầm quan trọng của việc ra quyết định, trong mọi thứ, liên quan trực tiếp đến hiệu ứng cánh bướm khi mỗi nước đi sẽ ảnh hưởng đến những sự kiện rất xa về sau trong tương lai. Điều đó có đi ngược với quan điểm "không có quyết định nào là sai hay đúng"?
- "Sau khi thi đấu với AlphaGo thì tôi chợt nhận ra lí do tại sao mình chơi cờ vây. Thật may là tôi đã chọn nó"-Lee Sedol. Chẳng lẽ lâu nay Lee không thấy cờ vây ý nghĩa khi liên tục chiến thắng? Câu nói hàm ý sự buồn chán của kẻ đứng trên đỉnh cao danh vọng?
- Những nỗ lực, sự tuyệt vọng của Lee đã làm những người tạo ra AlphaGo đồng cảm. Họ không thể vui được khi thấy anh trong tình trạng như vậy. Cảm xúc, sự kết nối của con người nhiều lúc không cần nói thành lời, nó thiêng liêng và đầy tính biểu tượng, vượt qua cả những rào cản thông thường và định kiến xã hội.
- "Tôi thấy được sự tuyệt đẹp trong trận đấu của Lee"-Fan Hui. Điều này có nghĩa là gì? Góc nhìn của Fan Hui thay vì là mặc cảm tự ti lại trở thành sự ngưỡng mộ dành cho đồng nghiệp của mình và cuộc đời của anh dường như đẹp hơn dưới lăng kính đó, dưới góc nhìn đó. Có phải là vì anh đồng cảm được vì đã từng thất bại trước AlphaGo, hay vì anh và Lee đều là con người và đều là kì thủ cờ vây? Anh hạnh phúc có phải vì anh cảm nhận được sự hạnh phúc của Lee sau trận đấu? Hay xa hơn là anh đồng cảm được với Lee về cảm xúc, tất cả mọi thứ, vì thế anh cảm thấy thanh thản khi buông bỏ tham vọng của chính mình và thừa nhận những thiếu sót bản thân, qua đó sống trọn vẹn hơn nhờ hiểu mình hơn?
Bộ phim dường như vẫn còn nhiều thông điệp ẩn nữa mà có lẽ tôi đã không thể nhìn ra. Một bộ phim tuy ngắn đã đặt ra biết bao nhiêu câu hỏi không có câu trả lời cụ thể, giúp người xem trưởng thành hơn về nhận thức, kiến tạo nên một xã hội văn minh và giàu tính nhân văn hơn dù lấy đề tài là AI, nghe không hợp lí nhưng cực kì thuyết phục.