Mỗi chúng ta ai cũng có sự nóng giận nhất thời, sự nóng giận đó sẽ đi về đâu nếu trong ta không kiểm soát được nó. Nó sẽ len lỏi, âm thầm mà đẩy chúng ta vào một miền đất tối, nơi mà sự thù địch, nơi mà những hiềm khích sẽ tràn ngập trong ta. Sự nóng giận, tức giận luôn là một điều nên tránh né trong cuộc sống, không những gây ra những hệ lụy không tốt mà còn làm cơ thể ta suy kiệt, sức sống ta giảm sút, tinh thần ta đi xuống từ từ rồi sẽ dẫn ta tới cái chết âm thầm mà đầy đau đớn. Kiếm, một thứ vũ khí sắt lạnh, nó được nung qua ngọn lửa nóng và rồi nó được dập tắt bởi dòng nước lạnh. Kiếm, thứ ta cầm trên tay có thể hại người bạn đi đường của ta, có thể hại những người thân yêu nhất của ta, để rồi ta phải chìm trong đau khổ và tủi nhục. Nhưng không, kiếm không phải là tội đồ, kiếm không phải là ác nhân, mà chính chúng ta là những kẻ tội đồ đã gây nên chuyện. Aiki-ken không phải là Kendo, Aiki-ken cũng không phải là một môn thể thao nào đó với đơn thuần là giúp ta khỏe mạnh mà Aiki-ken chính là nơi để ta tiết chế đi cơn nóng giận trong con người ta. Khi đã tập kiếm thì bài đánh cơ bản nhất là đòn Shomen, nhưng nó không chỉ là một nhát chém. Khi tâm ta không vững, khi lòng ta không yên, khi trong đầu ta vướng bận một thứ gì đó thì nhát chém sẽ không bao giờ hoàn hảo. Người Nhật luôn đề cao sự hoàn hảo và tôi tin chắc rằng, nhát kiếm đầu tiên ấy, nhát kiếm sắc lạnh ấy cũng phải hoàn hảo đến hoàn mỹ. Tại sao đòn đánh đơn giản ấy phải thật hoàn mỹ, tại sao muốn đánh một nhát kiếm “dễ” như thế lại phải hoàn mỹ, câu trả lời rất đơn giản, đó là tâm ta nghĩ gì và vì sao ta lại chém đòn đó. Shomen, một nhát chém lạnh lùng, một nhát chém có thể lấy đi một mạng người, nhưng nó cũng sẽ lấy đi những ưu tư trong bạn, bởi vì sao, bởi vì muốn được như thế, lòng ta phải tĩnh. Khi lòng ta đã tĩnh thì mọi ưu phiền sẽ tan hết theo khói mấy. Có những buổi tập, ta chỉ có thể tập được cái gọi là cái hình trong kiếm, đường đánh có thể thẳng, lực đánh có thể mạnh nhưng rồi ta được cái gì trong đường kiếm đó. Muốn có được một nhát kiếm tốt thì Aiki-ken sẽ giúp ta điều đó, đó là sự tập trung, đó là lòng bao dung và đó là sự thông thái mà nó mang lại. Lòng bao dung chỉ đến được với những người biết tiết chế chính bản thân họ, lòng bao dung cũng chỉ đến được với những người mà họ thấy được chính họ trong những người khác, trong đường kiếm, trong thanh kiếm. 
Với mỗi môn võ, sự thông thái luôn được đặt lên một ví trí rất trang trọng mà có thể nói là hàng đầu, đầu tiên, là tất yếu. Một người không có sự thông thái không phải là một người chậm hiểu khi đi tập võ, đó chẳng qua là cái tố chất trong họ mà thôi. Cái thông thái ở đây là nhờ học võ mà gần hơn là tập kiếm đem lại những gì. Tập kiếm về ta khoe khoang tự đắc, ta sẵn sàng dùng những thứ ta học để đi đánh người, đó không phải là sự thông thái. Sự thông thái đôi khi chỉ được thể hiện một cách từ nhẹ nhàng, một cách thật tế nhị trong mỗi hành động của chúng ta, chúng ta tiết chế bản thân, chúng ta không đứng nhìn một cách thụ động một người yếu đuối bị bắt nạt, chúng ta xử xự nhẹ nhàng để rồi hóa giải các hiềm khích, đó chính là sự thông thái mà kiếm mang lại.
Một thanh Katana không chỉ là một thứ vũ khí dùng để giết người, nó là sự thông thái, là sự anh minh, là lòng bao dung, là nhiệt huyết, là ý chí, là đạo đức mà người chủ của nó thể hiện. Cầm một thanh kiếm trong tay, người học kiếm sẽ luôn biết trân trọng nó, sẽ luôn nâng niu nó và sẽ luôn chăm sóc, bảo quản nó cẩn thận. Nhiều người thắt mắc tại sao lại đi cúi lạy một thanh kiếm vô tri, bởi người đó không hiểu được. Một thanh kiếm không chỉ đại diện cho người cầm kiếm, thanh kiếm không chỉ là người bạn tâm giao im lặng suốt đời của kiếm khách mà đó là một người thầy luôn nhắc nhở chính mỗi người cầm kiếm: “không phải lúc nào cũng được rút ra khỏi vỏ” bởi khi đã rút ra, biết bao tai ương sẽ ập đến không chỉ với người cầm kiếm mà cũng sẽ tìm đến với người đối diện. Vậy nên ta phải học kiếm, để làm gì, để tiết chế chính con quỷ trong mỗi chúng ta, để cho mỗi chúng ta biết được nên hay không nên đưa nó ra khỏi cái vỏ bảo vệ. Một thanh katana không thẳng, hình dáng nó hơi cong, tại sao lại thế, bởi vì đó chính là sự khôn ngoan mà người xưa dạy ta khi ta cầm kiếm. Không phải lúc nào cũng thẳng rồi nhận hết hậu quả, không phải lúc nào ta cũng đi được trên một con đường thẳng để đến với đích, rồi sẽ có những đoạn đường cong, những chông gai để rồi cái đích cuối cùng thật là đẹp, thật là vinh quang, thật là tự hào. Đôi khi niềm vui của người học kiếm chỉ đơn thuần là được như thanh kiếm, uy nghiêm, lặng lẽ nhưng đầy lạnh lùng và thông thái.
Học kiếm không chỉ là học một môn thể thao đơn thuần, mà đó là sự trưởng thành trong suy nghĩ, trong hành động và trong nhận thức./.