Những ngày vừa qua, chúng ta đã thấy trên mạng xã hội bùng nổ từ tik tok một sự việc khá gây tranh cãi về vấn đề "ai là người dọn mớ hỗn độn của mình sau khi ăn-uống xong ở quán ăn". Xuất phát từ những video có chủ đề hài hước về việc khách hàng sau khi dùng bữa tại quán đã chủ động dọn dẹp "sản phẩm" của bản thân. Những bình luận mang tính tiêu cực hơn đã cho rằng cách làm việc như thế là không thoả đáng bởi trong số tiền họ đã chi trả cho việc ăn uống đã bao gồm chi phí dọn dẹp của nhân viên. Cao trào dần lên cao khi những người làm chủ đề giải trí khác có thêm một ý tưởng để "làm lố" vấn đề (không chỉ dừng lại ở việc tự dọn dẹp, khách hàng ăn xong cần tự vào quán rửa bát, lau sàn...). Đã có nhiều bài so sánh cho rằng văn hoá của họ đã tạo ra nhiều người mà ở đó họ thuờng xuyên tự dọn dẹp "sản phẩm" của bản thân sau khi ăn uống xong. Thế rồi những tranh cãi "từ thuở sơ khai" trỗi dậy khi họ gán ghép cho những người sẵn sàng du nhập cái văn hoá mới kia là cuồng tây.
Như vậy thì ai đúng ai sai? Trước hết ta nhìn lại khái niệm về sự tử tế. Theo các định nghĩa từ internet, sự tử tế có nghĩa là sự cẩn thận, kĩ lưỡng, thận trọng, chu đáo trong công việc, trong lối sống và trong cách đối xử với mọi người. Bản chất của sự tử tế là hành vi xuất phát từ bên trong bản thể của mỗi con người bởi lẽ chưa có bất kì hành vi cố định nào được quy định hay định nghĩa về sự tử tế cả. Không giống như phép lịch sự, sự tử tế từ lời cảm ơn là sự chân thành ghi nhận, biết ơn các hành vi, chủ đích, sự vật, sự việc mà khiến bản thân phải thốt lên lời cảm ơn thay vì chỉ để chiều lòng người khác.
Ví dụ về bản thân mình, lời cảm ơn mình dành cho người cô bán tạp hoá là vì mình đã nghĩ rằng nếu họ không tồn tại thì có thể mình đã phải đi một quãng đường rất xa để có thể mua được bịch đường hay thậm chí viễn tưởng như không mua được. Còn mình cảm ơn một người vì quen miệng mà bản chất không tự định nghĩa được lời cảm ơn của mình vì sao được thốt lên hay chỉ vì sợ người khác đánh giá hay buồn lòng thì đó chỉ là sự lịch sự. Thật sự mà nói chắc chắn các bạn cũng thấy sự tử tế từ khái niệm của nó đã mang đến cảm giác "khó làm" hơn một chút so với lịch sự rồi đúng chứ? hoặc có thể chỉ mỗi bản thân mình cảm thấy như thế :V.
Mình nhận thấy từ chính cảm nghĩ của bản thân rằng tại sao những người ở các quốc gia phát triển lại bình thuờng hoá sự tử tế thành thành một thói quen dễ thực hiện hơn là lịch sự là vì họ đã được dạy những điều đó từ bé nên họ chưa bao giờ phải dừng lại một giây để xem xét lại xem việc dọn dẹp sản phẩm của mình có đúng hay không và họ chỉ việc thuận tay làm thế như chúng ta nói lời cảm ơn với người mua hàng thôi. Còn ở văn hoá Việt Nam chúng ta đã quá quen với việc chiều lòng khách hàng để dễ hút khách rồi. Điều đó làm cho người Việt mình "bị chiều hoá hư" khi tiếp xúc với điều khó làm một chút sẽ nổi dậy cảm giác khó chịu, như những người sống gần những khu vực sông có mùi thối từ bé rồi quen luôn với cái mùi đó vậy. Nhiều người không biết vì điều gì mà có nhiều thái độ mà mình thấy là khá thiếu tôn trọng với các bạn nhân viên phục vụ trong khi một phần lớn các bạn nhân viên phục vụ là các sinh viên đại học, họ cũng có suy nghĩ riêng, có tri thức riêng, có "cái người" riêng của họ, nhưng sự tử tế dành cho họ bị xem là việc dư thừa.
Vậy kết luận là gì? rõ ràng hành vi tự dọn dẹp sản phẩm của bản thân sau khi ăn xong là sự tử tế, mà tử tế thì có người khác sẽ cảm thấy ấm lòng, vui vẻ. Còn không có thì tại xã hội Việt Nam cũng chẳng có mấy người để ý vì họ đã quen với "sông ngòi có mùi thối" rồi. Nhưng nếu dùng hành vi này ở những nơi có văn hoá và ý thức cao hơn sẽ hơi có vấn đề đó.