Tôi học tiếng Nhật được hơn ba năm, học từ ấy trong những bài sơ cấp đầu tiên, và chỉ cảm nhận được sau khi đọc kha khá sách truyện và dăm bộ phim với nhiều bối cảnh khác nhau.
僕 - "boku" - người xưng "boku" là một người thế nào
Ai là "boku" ai là "watashi"? (http://witch-sara.seesaa.net/article/239096950.html)
Quyển sách tôi và các bạn học, quyển sách tôi dùng khi đi làm thêm ở trung tâm dạy tiếng bảo chúng ta rằng, "boku" là từ dành cho nam giới tự gọi mình, và trong mối quan hệ thân thiết. Hết.
Khi tôi đi học cũng như khi vừa đi làm, tôi được học và dạy lại như vậy. Kết quả là tất cả sinh viên chúng tôi và học viên của những nơi tôi từng làm đều không dùng tới nó. Việc gì phải dùng khi chúng ta bắt đầu bằng thể lịch sự (masu) và một từ tương đương "tôi" trong tiếng Việt - "わたしwatashi"- là quá đủ cho mọi loại đối tượng?
Tôi không có ý phê phán gì đâu, thật đấy, du học sinh chúng tôi học cùng lớp, có anh học tám năm tại quốc và có anh đã học thêm hai ba năm trên chính đất Nhật, những anh đó và bọn học ba bốn năm nhưng lần đầu đến chính quốc "tu nghiệp" như chúng tôi vẫn xưng watashi cả đấy thôi.
Chỉ có một anh Brazil lai Nhật từ thời ông bà, anh ta xưng "boku". Cậu nhóc năm nhất người Nhật bé loắt choắt tinh nghịch học cùng cũng xưng "boku". Còn những thằng con trai người Nhật khác thì sao? Bạn hay xem phim thì bạn đã đoán đúng rồi đấy, dĩ nhiên chỉ có "ore" thôi.
Phân biệt từng cách xưng hô e là quá sức với tôi, xin nhường đất cho các cao nhân nghiên cứu tiếng. Tôi thì mê đọc, tôi chỉ hay tự nhìn lại cảm giác của mình khi tiếp xúc nhiều với "boku".
Muốn hiểu nhanh nhất bạn nên xem những bộ phim có mấy anh chàng ẻo lả, hoặc mấy cô gái mạnh mẽ một chút. Ở đây tôi lấy ví dụ trong Hanakimi nhé, "Hoa dạng thiếu niên thiếu nữ" bản Nhật ấy mà. Cái ep này, giây 14:16 tới cuối (https://www.youtube.com/watch?v=nd6G15t7avg).
Như bạn thấy, cả bọn học chung thì ông nào cũng là "ore", ông hơi ẻo lả và ông trẻ con thì "boku", riêng cái bạn nam thiếu điều chưa đi chuyển giới thì xưng là "watashi". Hơi cường điệu nhưng cảm giác là vậy :v Các bộ phim học đường đều tuân theo quy luật đó, phim nghệ thuật cho nhân vật xưng "tôi" kể chuyện thì sẽ là "boku" vì "ore" nghe như "tao" vậy, thiếu điểm thanh lịch. Các ông bố, một số ông thầy là "ore". Thầy dạy văn của bọn tôi thì "boku". Chú người Nhật học tiếng Việt với tôi xưng "boku". Còn khi họp hành hay nghe "watashi"... Tóm lại "watashi" nó lịch sự và trung tính đấy, nhưng đời sống bình thường mà "watashi" như các anh du học sinh trong lớp tôi chắc mấy anh Nhật và các giáo viên nghe như dân Hà Nội vào Sài Gòn học mà vẫn giữ "cậu - tớ". Chẳng ai quy định cả, chỉ là tôi cảm giác thế.
Quay lại câu chuyện của "boku". Tôi thân quen với "boku" hơn "ore" vì tôi chẳng mấy khi nói chuyện với người Nhật trừ lúc đi học. Phần lớn thời gian học tiếng Nhật, kể cả khi đã sang Nhật, là dành để đọc sách. Tiểu thuyết và sách lịch sử (chán nhỉ!). Tôi muốn kể bạn nghe ví dụ về tiểu thuyết bạn quen thuộc nhất - những quyển sách của Murakami Haruki. Nói riêng về tiểu thuyết thì từ quyển đầu tay cho đến "Kafka bên bờ biển" đều có nhân vật "boku", tức là "tôi" của bản tiếng Việt. Haruki có cả một đế chế "boku" của riêng mình với "hệ thống cá nhân" (privated system) mà độ đậm nhạt của "boku" là thứ gia vị ma thuật. Tôi sẽ lan man mất, nhưng bạn đọc "Xứ sở kỳ diệu tàn bạo và chốn tận cùng thế giới" chỉ thấy hai chương chẵn lẻ đều xưng "tôi", còn tôi thì há hốc mỏ khi biết trong 世界の終りとハードボイルド・ワンダーランド, nhân vật là hiện thân thật của Haruki xưng "boku" còn nhân vật sống trong đầu ông ấy xưng "watashi" đấy. Phức tạp ghê nhỉ! Nhưng tôi chọn nó làm đề tài lấy điểm cuối kỳ môn Văn học - Nghệ thuật và bất kể thầy chấm bao nhiêu điểm tôi sẽ luôn tâm đắc khi chạm được một tay vào sự vi diệu của một từ xưng hô - "boku" - trong quyển sách tôi thích.
Bây giờ khi viết những điều mà chưa chắc đã có ai đồng cảm này, tôi đang dịch một chương truyện của một tác giả nữ. Bà nhiều tuổi rồi và có vẻ thích khai thác những góc cạnh thường nhật của đời sống người Nhật. Tôi thì mang ơn bà khi cho nhân vật nam chính xưng "boku". Bà chỉ cho tôi biết thằng bé còn là trẻ con, còn đi học, gia đình có rạn nứt và dường như tâm hồn đã bị tổn thương. Tôi phải tưởng tượng tuổi tác, tính cách, thậm chí hình dáng thằng bé (xem có phải là "thằng bé" hay một ông học sinh cấp ba) để còn hiểu đúng động từ bà mô tả nó. Thật biết ơn khi bà cho nó nói vài câu trong đó nó xưng là "boku". Tôi đã có thể tưởng tượng được dáng vẻ đáng thương và bé nhỏ của nó rồi.
Sẽ cần thêm nhiều trải nghiệm để tôi hiểu thêm về những người chọn cho mình cách xưng hô "boku" thay vì rất rất rất nhiều cách xưng hô cho nam giới khác trong tiếng Nhật. Ít ra tôi có hai cái may mắn, một là tôi có thể tự tin dùng "watashi" mà không sợ kỳ thị như bọn du học sinh nam trong lớp :v, hai là sau này tôi có thể lắng nghe những bạn học tiếng chỗ tôi làm một cách rộng mở và công minh hơn.
Sau cùng, xin bỏ qua cái định nghĩa trên cùng về "boku" bạn nhé.