Ai đã ám sát John F.Kennedy?
Những giả thuyết đằng sau cái chết đầy bí ẩn của tổng thống Mỹ John Fitzgerald Kennedy
Không quá khi nói vụ ám sát John F.Kennedy là một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử loài người. Nếu cộng dồn tất cả các thuyết âm mưu, chúng ta sẽ có đến “42 tổ chức. 82 sát thủ và 214 người liên quan” đằng sau cái chết của vị tổng thống thứ 35 của nước Mỹ.
Đến nay, vụ án này vẫn được xem là “cụ tổ của thuyết âm mưu, do tính phức tạp, và hàng loạt giả thuyết càng ngày càng tinh vi hơn qua thời gian.Hàng chục năm trôi qua, và người ta vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho vụ ám sát.
Sự việc lại càng thêm phức tạp, khi vào năm 2017, cựu tổng thống Donald Trump đã công bố tới 2800 tài liệu mật về vụ ám sát từ Trung tâm lưu trữ quốc gia, hé lộ nhiều thông tin đằng sau sự kiện đau lòng này.
Vậy cuối cùng ai mới thực sự là kẻ chủ mưu đằng sau cái chết chóng vánh của Kennedy? Dưới đây, mình sẽ tổng hợp lại một số giả thuyết nổi bật nhất để trả lời câu hỏi này:
Ngày định mệnh
Nhưng trước khi đi vào nội dung chính, chúng ta cần ngược dòng quá khứ, để xem chuyện gì đã xảy ra trước khi Kennedy giã biệt cõi đời.
Một ngày nửa cuối năm 1963, John Fitzgerald Kennedy - tổng thống thứ 35 của nước Mỹ, quyết định thân chinh tới Texas. Chuyến đi này, ban đầu là để xoa dịu căng thẳng giữa thượng nghị sĩ Ralph Yarborough - một người theo chủ nghĩa tự do, và thống đốc John Connally - một người theo tư tưởng bảo thủ. Cả hai đều rất có tiếng nói tại bang Texas lúc bấy giờ.
Vì vậy, cuộc dạo chơi của Kennedy, còn là bước đà cho chiến dịch tái đắc cử của ông.
Trưa ngày 22/11/1963, tổng thống Mỹ cùng phu nhân - bà Jacqueline Kennedy, và vợ chồng thống đốc John Connally lên đoàn xe diễu hành. Họ dự định tới Trung tâm thương mại Dallas, một trong những khu phức hợp mua sắm lớn nhất nước Mỹ lúc bấy giờ.
12 rưỡi trưa, đoàn xe rẽ vào Dealey Plaza - một công viên xanh mát, nơi được coi là “đất mẹ của Dallas” Dân cư hai bên đường vỗ tay, phấn khởi ra mặt. Họ đang được nhìn thấy người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ, bằng xương bằng thịt. Kennedy cũng rất muốn được gần gũi với người dân; vậy nên, ông mới chọn xe mui trần.
Trong sự hân hoan của bà con lối xóm, Nellie vợ của cựu thống đốc John, quay ra nói với Kennedy:
“Thưa Tổng thống, giờ thì ai cũng phải công nhận là người dân Texas rất yêu quý và trân trọng ông rồi phải không ạ?”
“Đúng vậy.” Người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ đáp ngắn gọn.
Và đó cũng là những lời nói cuối cùng của ông.
Đoàn xe đang từ tử di chuyển dọc phố Elm, bỗng nhiên tiếng súng vang lên chát chúa.
Kennedy vừa đưa tay lên vẫy chào dân chúng, một viên đạn đã cắm thẳng vào phần lưng ngay gần gáy của ông, phá nát phần dưới thanh quản rồi chui ra. Trước phát súng quá bất ngờ, người đứng đầu nước Mỹ chỉ kịp đưa khuỷu tay lên ngang mặt, nghiêng người sang trái, rồi sang phải.
Thấy vậy, phu nhân Jackie quàng tay qua vai chồng, cố gắng che chắn cho ông. Vết thương ở cổ tuy rất nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức chí mạng.
Tiếng súng lại nổ vang trời. Lần này, viên đạn găm vào đầu Kennedy. Hộp sọ của tổng thống nước Mỹ bị thủng một lỗ lớn. Cơ thể ông giật bắn lên, máu và não văng như mưa, bắn cả ra phần sau xe. Bộ váy sang trọng, quý phái của Jackie, bỗng chốc vương đầy màu đỏ thẫm.
Hai phát siết cò quá dứt khoát, quá tàn nhẫn. Từ một người đàn ông hồng hào khỏe khoắn, sẵn sàng tiếp chuyện bất cứ ai, Kennedy chỉ còn là cái xác không hồn.
Đoàn xe tức tốc hướng tới bệnh viện Parkland Memorial, cách đó 4 phút di chuyển. Nhưng, họ chẳng thể làm gì cả. 1 giờ chiều hôm đó, John Fitzgerald Kennedy được xác nhận đã qua đời, hưởng dương 46 tuổi.
Ngay sau đó, kẻ thủ ác đã sa lưới. Gã là Lee Harvey Oswald, một tay cựu lính hải quân Hoa Kỳ. Oswald chẳng thù hằn, hay ghét bỏ gì với Kennedy. Gã bắn, đơn giản là để biến bản thân thành tâm điểm của sự chú ý, điều mà gã đã luôn khát khao từ ngày thơ bé.
Nhưng, mọi chuyện có thật sự là như vậy không? Vụ ám sát tai tiếng bậc nhất lịch sử nhân loại liệu có diễn ra đơn giản đến vậy?
Từ ngớ ngẩn nhất…
1, Người đàn ông cầm ô
Đầu tiên là giả thuyết người đàn ông cầm ô. Lưu ý, giả thuyết này đồng ý rằng Lee Harvey Oswald chính là người đã xuống tay với tổng thống, nhưng hắn không hành động một mình mà hắn còn có một kẻ tòng phạm. Gã này được cho là “kẻ cầm ô”, vì theo những giả thuyết gia, vào ngày vụ án xảy ra, có một kẻ cầm một chiếc ô màu đen bí ẩn giữa trưa hè, đứng ngay gần đoàn xe của Kennedy và ngay trước khi ông trúng đạn.
Theo giả thuyết, người này được cho là đã… bắn phi tiêu độc vào cổ tổng thống, khiến toàn thân ông bị tê liệt, tạo điều kiện để thủ phạm chính nhả những phát súng chí mạng.
Suy nghĩ này từng được củng cố vào năm 1991 trong bộ phim “JFK” - bộ phim nói về các sự kiện dẫn đến vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy, khi người đàn ông cầm ô ra dấu hiệu cho đồng phạm của gã.
Nghe có vẻ phiêu lưu, nhưng âm mưu này dường như không thật sự tồn tại. Đúng là có một người cầm ô xuất hiện ở Dealey Plaza ngày hôm đó, tên anh ta là Louie Steven Witt. Nhưng, mục đích của anh chỉ là… “chọc ghẹo” tổng thống mà thôi. Chiếc ô đen vốn là món phụ kiện đặc trưng của thủ tướng Anh Neville Chamberlain, một người theo chủ nghĩa phát xít được cha của tổng thống, ông Joseph Kennedy, đặc biệt ủng hộ và coi trọng;
Một số điều tra viên cho rằng Witt đã giấu vũ khí bên trong chiếc ô và chờ thời cơ để ám hại Kennedy. Thế nhưng người đàn ông này khẳng định anh chẳng biết gì về giả thuyết này. Thậm chí, có người còn thử mô phỏng lại hành động ám sát tổng thống bằng ô. Đương nhiên, điều đó không khả thi.
“Tôi mà làm vậy thật thì tôi đã lập kỷ lục Guinness cho hành động sai trái, sai thời điểm luôn mất. Không ai khùng thế đâu”
2, Người tài xế?!
Giả thuyết thứ hai không chỉ được giới trong nghề công nhận, mà còn được lan truyền trong cộng đồng người xem Youtube.
Để hiểu được nó, mời các bạn xem video sau:
Đoạn phim ghi lại cảnh Kennedy trúng hai phát đạn chí tử. Nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy người tài xế tên là William Greer đã vươn vai ra đằng sau, ngay khi viên đạn thứ hai cướp đi sinh mạng của Kennedy. Nói theo cách này, người đàn ông ấy chính là hung thủ. Rất nhiều người tin vào giả thuyết này, đặc biệt khi Greer từng là người phản đối niềm tin Công giáo của Kennedy.
Trong phần bình luận của video trên Youtube, rất nhiều người tin vào giả định trên.
Nhưng sự thật không như vậy, tay của Greer chưa một lúc nào rời vô lăng. Hiện tượng kỳ lạ mà khán giả nhìn thấy, rất có thể là do chất lượng hình ảnh của video thời đó mà thôi.
Trên thực tế, khi Kennedy trúng đạn, Greer đã hoảng loạn đến mức làm sai nguyên tắc, khi đi chậm lại, định tấp vào vỉa hè, thay vì tăng tốc để đưa Tổng thống đến bệnh viện chạy chữa.
Điều đó dẫn chúng ta đến một kế hoạch còn điên rồ hơn.
3, Phó tổng thống Lyndon B Johnson
Người ta còn tin rằng, người đứng sau tất cả, thực ra chính là phó tổng thống Lyndon B.Johnson, người sau đó cũng đã trở thành tổng thống thứ 36 của nước Mỹ, ông tuyên thệ nhậm chức ngay bên cạnh cựu đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy suy sụp đau khổ.
Craig Zirbel, một giả thuyết gia người Mỹ, đưa ra khá nhiều lập luận hướng về chi tiết này. Theo đó, ông khẳng định chỉ có Johnson là nắm đủ cả động cơ, cách thức và điều kiện để kết liễu Kennedy.
Động cơ thì quá rõ ràng rồi. Johnson muốn sở hữu quyền lực chính trị. Ông khát khao ngồi lên chiếc ghế nóng trong nhà trắng, trước khi cơ thể không cho phép làm điều đó nữa.
Cách thức thì cũng như giả thuyết đầu tiên: Không chỉ có 1 tay sát thủ bắn hạ Kennedy, con số thật có thể là 2, 3, thậm chí nhiều hơn thế. Tất cả đều là người mà Johnson thuê được, từ những đầu mối trong giới mafia.
Còn về điều kiện, thì có khả năng đồng minh của vị phó tổng thống đã can thiệp vào chuyến đi của Kennedy, để dễ bề thực thi kế hoạch.
Tất nhiên, những thông tin kể trên chỉ là phỏng đoán. Đến nay, vẫn chưa có ai cung cấp được bằng chứng thật sự thuyết phục về giả thuyết này.
4, Người Cuba, Xô viết và CIA
Giả thuyết nổi bật tiếp theo tập trung vào chính người được cho là thủ phạm của vụ ám sát - Lee Harvey Oswald. Cụ thể, người ta cho rằng anh làm việc cho 2 đất nước Cuba và Xô viết.
Oswald từng đặt chân đến liên bang Xô viết vào năm 1959, và định cư ở đó 2 năm rưỡi. Đến tháng 9/1963, anh lại tìm đến đại sứ quán của Xô viết và Cuba ở Mexico để xin định cư dài hạn ở 2 quốc gia Cộng sản này.
Trong quá trình đó, người đàn ông này được cho là đã gặp Valeriy Kostikov. một đặc vụ làm việc trong Ủy ban An ninh Quốc gia Nga (KGB). Kostikov trực thuộc phòng ban 13, nơi được CIA xem là “Bộ phận phụ trách huỷ hoại và ám sát.”
Động thái này khiến không ít nhà sử học cảm thấy nghi ngờ. Philip Shenon, cựu phóng viên của New York Times từng bày tỏ quan điểm, rằng chuyến đi của Oswald chắc chắn là một chi tiết ẩn bị bỏ quên đằng sau vụ ám sát.
“Oswald từng gặp đặc vụ của cả Xô viết và Cuba, FBI và CIA cũng theo dõi anh ta rất sát sao. Vậy mà họ không thấy dấu hiệu nguy hiểm nào của anh ta trước vụ ám sát ư?”
Nói cách khác, theo những giả thuyết gia, cả cục tình báo trung ương và cục điều tra liên bang cũng có trách nhiệm trong cái chết của Kennedy, vì họ đã cố tình không cảnh báo cho nhà trắng về mối nguy tiềm tàng.
Tuy nhiên toàn bộ suy nghĩ kể trên đều không được chứng thực, bởi CIA và FBI đều phối hợp tích cực trong công tác phá án. Bên cạnh đó, cả Cuba và Xoviet đều được các chuyên gia cho là thích làm việc với tổng thống Kennedy hơn là cánh tay phải của ông - Lyndon B.Johnson. Vậy nên, họ không có cơ sở nào để xuống tay với ông cả.
Nhưng, những dấu hỏi xoay quanh KGB vẫn chưa dừng lại ở đó/ Theo một số nhà giả thuyết, khi Oswald có mặt tại Xô Viết, cơ quan tình báo nước này đã huấn luyện một sát thủ trông… na ná anh. Chính người này mới bắn chết Kennedy, không phải Oswald thật.
Giả thuyết này đi xa đến mức đã có nhóm người tin rằng thi thể của Oswald sau khi bị hạ sát không phải người thật, và yêu cầu gia đình cho phép kiểm tra. Đáng tiếc là vào thời điểm quật mộ (năm 1981), thi thể đã bị phân huỷ nặng nề, không thể nhận dạng được nữa.
Những giả thuyết vẫn còn trải dài, từ chuyện Mafia nhúng tay, cho đến chính Jacqueline đã bắn chết chồng mình, nhưng tất cả vẫn có những lỗ hổng đáng kể.
Để rồi, kết luận của lực lượng chức năng vẫn không hề thay đổi. Người bắn hạ Kennedy là Lee Harvey Oswald, chỉ mình y mà thôi.
Hung thủ thật sự
Lý giải cho kết luận trên, vào năm 2008, một nhóm nhà khoa học của chương trình Discovery đã thực hiện mô phỏng lại cuộc ám sát Kennedy. Họ đặt vấn đề như sau:
Dựa vào tình trạng vệt máu trên xe ô tô, và biết rằng đối tượng đang ngồi ở một nơi nhất định nào đó, chúng ta có thể làm gì để xác định vị trí xuất phát của viên đạn không?”
Từ đó, những nhà khoa học này tạo ra một hiện trường mô phỏng hệt như địa điểm ngày nào. Vẫn là lối đi, bãi cỏ đó. Họ còn bó cẩn hơn, khi đặt những mẫu hình nhân tương tự vóc dáng của Kennedy vào một chiếc ô tô, và đặt nó ngay giữa hiện trường.
Sau đó, những tay súng sẽ bắn hình nhân ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó có bãi cỏ ven đường, và cả Thư viện Texas School Book Depository, nơi được cho là địa điểm mà Lee Oswald đã chọn để hạ sát tổng thống.
Trước khi thí nghiệm bắt đầu, những nhà khoa học tham gia cũng không được biết về mục đích thật sự của nó, để tránh nảy sinh thiên kiến về những thuyết âm mưu vốn đã đầy rẫy trên Internet.
Một loạt súng nổ ra, ngay sau đó, những nhà khoa học bắt tay vào kiểm tra. Chỉ có viên đạn từ phía sau, tức trên toà thư viện Texas mới cho kết quả trùng khớp với những gì đã xảy ra, khi máu và não của Kennedy chủ yếu vương ở phía trước thân xe. Thực ra, Cũng có vệt máu bắn ra phần thân sau của xe, nhưng không đáng kể.
Từ đó, những người tham gia thí nghiệm cho rằng thủ phạm chỉ có thể là Lee Harvey Oswald Chẳng có người nào ở bãi cỏ, cũng không có tên sát nhân đồng phạm nào cả.
Đương nhiên, xét về khoa học thì lời giải này đã thỏa mãn được phần chân dung hung thủ. Tuy nhiên, nó cũng không thể hoàn toàn giúp khép lại bức màn của vụ án khi mà vẫn còn một số vấn đề không thể làm rõ, chẳng hạn như động cơ thực sự của Oswald.
Đáng tiếc rằng đến nay chúng ta cũng khó mà tìm hiểu được gì thêm, vì thủ phạm cũng đã bị hạ sát ít lâu sau đó, chôn vùi cơ hội để điều tra và phanh phui sự việc.
Kết
Dòng thời gian vẫn lạnh lùng trôi, mặc cho nỗ lực của con người trong việc tìm ra một lời giải ngọn ngành, thuyết phục về thủ phạm và động cơ đằng sau cái chết của tổng thống thứ 35 của nước Mỹ.
Dù có bao nhiêu thí nghiệm, bao nhiêu bài báo được đưa ra đi nữa, vẫn không ai biết câu chuyện đằng sau cái chết của Kennedy. Đây chắc chắn là vụ án gây đau đầu, và tốn nhiều giấy mực bậc nhất lịch sử Hoa Kỳ, bởi đến nay vẫn c ó đến 62% người dân xứ cờ hoa tin rằng đằng sau sự việc đau lòng này là một âm mưu cao siêu và phức tạp nào đó.
Nhưng, sự thật có lẽ sẽ mãi bị vùi chôn trong bóng tối. .
Nguồn tham khảo:
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất