Mỗi khi có sự kiện cặp đôi nào đó chia ly tràn lan trên truyền thông, cứ y như rằng bài ca thanh xuân đàn bà, thanh xuân con gái lại ca vang như một điệp khúc nhàm chán. Tôi chán nản nghĩ : Có khi nào chữ “thanh xuân” cứ dính mắc lấy phận đàn bà như một định nghiệp? 
Cho đến tận bây giờ, tôi - một phận đàn bà chính hiệu - vẫn cảm thấy cuộc chiến đòi thanh xuân của nhiều cô gái là cái gì đó rất kì lạ và làm giảm giá trị nữ quyền. 
Trên cuộc đời này, tan hợp của duyên phận cũng là sự thường tình, nhưng mỗi lần như thế, lại có nhiều lý lẽ  cho rằng người đàn ông phải “đền bù” những năm tháng thanh xuân tuổi trẻ cho phụ nữ. Thật kì lạ! Nếu đem cái lập luận ấy ra tòa án, ắt chủ tọa sẽ bắt người vợ cũng phải bồi thường những tháng năm bên nhau cho người chồng! 
Tuy cái lý lẽ đòi thanh xuân nó cực kỳ vô lý, nhưng lại đủ sức đại diện cho tâm lý chung một bộ phận phái nữ Việt Nam. Những người đứng về quan điểm ấy còn đưa ra luận điểm rằng: Giai đoạn vàng của nhan sắc phụ nữ là tuổi trẻ, sau đó tuổi tác sẽ tàn phai tất cả. Những tháng năm đẹp nhất của con gái họ đã để dành cho người đàn ông, nên từ đó họ có quyền đòi lại tất cả. 
Chính lý lẽ kiểu đó đã hình thành một lối suy nghĩ: NGƯỜI ĐÀN ÔNG PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO THANH XUÂN PHỤ NỮ.
Đó một lập luận cực kỳ phản cảm và sai luân lý, vì 3 lý do sau: 
Thứ nhất: Gán giá trị thanh xuân lên sự nở rộ của nhan sắc thì vô hình chung đã quy định phụ nữ là một món hàng mà nhan sắc quyết định chất lượng sản phẩm. 
Những người cho rằng đàn ông đã “lấy” đi những tháng năm rực rỡ của phụ nữ không hề hiểu rằng lập luận ấy đã quy phụ nữ thành một thứ “sản phẩm”  mà công năng của sản phẩm chỉ có xác thân mỹ miều, đồng thời còn là một mặt hàng có thời hạn sử dụng ngắn ngủi (tuổi xuân). Một khi đã qua tuổi xuân thì giá trị mặt hàng xuống giá dần với thời gian bởi sự xuống cấp của chất lượng (nhan sắc)? Thật phản cảm! 
Thứ làm nên tư chất đàn bà, không chỉ có vẻ ngoài mà còn là tư duy, trình độ, cốt cách, đức hạnh, trải nghiệm! Có những người phụ nữ, đã rời xa tuổi đôi mươi đã lâu, nhưng sân khấu cuộc đời vẫn cứ lấp lánh, vẫn cứ hoành tráng, tuổi xuân đàn bà cứ thế mà còn mãi. Cũng có cả những người phụ nữ, nhan sắc đã hằn dấu vết của thời gian nhưng phảng phất trong ánh mắt là sự lắng đọng của trải nghiệm, sự dày gió dạn sương của cốt cách và cả chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn. Những người như thế, chẳng cần đến “tuổi xuân” thì đàn ông cũng vạn lần kính nể.
Nhìn chung, việc quy định giá trị đàn bà chỉ là vẻ ngoài là một quan niệm phản cảm và cần thay đổi! 
Thứ hai: Việc đòi lại thanh xuân hay bắt đàn ông chịu trách nhiệm cho tuổi trẻ chính là làm mất khả năng tự định đoạt cuộc đời của đàn bà.
Kì lạ rằng, có những người kiên quyết cho rằng đàn ông “lấy đi thanh xuân” của họ nhưng quên mất người quyết định bước vào cuộc tình đó thực ra chính là bản thân! Thực chất, nếu sợ mất thanh xuân, thì ngay từ đầu, đừng quen con trai nhà người ta. 
Thời đại bây giờ mọi thứ đã khác, tại thế kỷ 21, nhân quyền hầu như đã len lỏi vào nhiều ngóc ngách, phụ nữ hoàn toàn có quyền tự định đoạt hạnh phúc của chính mình. Người thực sự bản lĩnh sẽ không bao giờ đòi thanh xuân, vì họ biết họ cho đi điều gì nằm ở sự lựa chọn của chính bản thân! Đồng thời cũng biết rằng con người già đi là quy luật tạo hóa, không phải lỗi tại đàn ông! 
Sự tự nguyện và ý chí cá nhân chính là thứ người ta căn cứ để truy trách nhiệm. Vậy tại sao việc bước vào một cuộc tình là “ sự tự nguyện” và “ý chí” của người phụ nữ nhưng trách nhiệm lại là người đàn ông phải chịu? Vô lý!!!
Thứ ba: Chính quan niệm đòi lại thanh xuân ấy đã quy tình cảm thiêng liêng thành một giao dịch lạnh lẽo, biến tình yêu thành hợp đồng mua bán.
Hai bên bước vào một cuộc tình, đều dành cho nhau tất cả những gì tinh túy nhất của bản thân, đó tuyệt đối không phải là một hy sinh đơn phương mà là tương tác hai chiều. Ngay cả thời gian bên nhau, dẫu có là 5 6 năm hay chục năm thì quỹ thời gian tuyến tính ấy vẫn tồn tại khách quan - không bên nào hơn bên nào để có thể đòi người đàn ông trả lại thời gian tuổi xuân cho mình. Rất vô lý!
Đứng trước một đổ vỡ, người ta hay cầm những con số về tháng năm bên nhau để làm cái cớ đay nghiến nhưng quên mất rằng toán học luôn là phạm trù khô khan, và những con số cũng thế. Đem sự khô khan của con số để nói về thứ thiêng liêng siêu hình như tình yêu là sự lắp ghép kệch cỡm và lệch lạc. 
Và nếu quy định những nồng nàn thương yêu kia là một dạng hợp đồng, thì sự bất lợi của hợp đồng nghiêng hẳn về phía người đàn ông. Tình cảm của phái nữ được chuyển giao cho nam giới theo điều kiện FOB (trách nhiệm của cô gái chấm dứt kể từ khi hàng giao lên tàu). Ngược lại, tình cảm của đàn ông được chuyển giao cho nữ giới theo điều kiện CIF, người đàn ông phải chịu tiền hàng, bảo hiểm, và cước phí vận tải (phí “thanh xuân”). Sự lạnh lẽo của cuộc giao dịch ấy tựa như đã áp dụng các điều khoản thương mại quốc tế (INCOTERM)CISG 1980 (Công ước Viên của Liên Hợp Quốc về mua bán hàng hóa) vào thứ thiêng liêng như tình cảm, làm mất đi bản chất đẹp đẽ vốn có của nó. 
Tình yêu là sẻ chia, là yêu thương từ đôi bên, nếu đôi bên không thể tiếp tục đan những đoạn tơ tình cảm thì nên dừng lại chứ tại sao lại nhân danh thanh xuân mà đòi quyền lợi ?????
—----------------------------------------------
Sẽ thật buồn cười khi chúng ta đóng khung giá trị đàn bà dựa trên đàn ông, với cái lý lẽ cho rằng hết tuổi xuân thì nhan sắc phai tàn, không còn đàn ông để mắt đến thì thành món hàng hết đát. Chính những quan niệm kiểu đó đã làm một số cô gái đặt sự son sắt của tuổi trẻ thành một mức giá, bắt người đàn ông rót tiền rót bạc, rót thời gian công sức để ngang hàng được cái mức giá đó. Tình cảm từ đó về với quy luật cung cầu lạnh lẽo của đồng tiền. 
Người ta gào lên rằng quen nhau 8 9 năm sao lại bỏ nhau, rồi thanh xuân tuổi trẻ các kiểu. Rõ ràng đâu có quy định nào cho thấy yêu nhau thì bắt buộc phải kết hôn, và quy định nào cho rằng kết hôn rồi thì không được ly hôn vì luyến tiếc tháng năm? 
Angelina Jolie và Brad Pitt - một cuộc hôn nhân 12 năm đi qua bao thị phi điều tiếng, nắm tay nhau nơi ánh đèn flash nhiều hơn ánh mặt trời, dìu nhau qua phú quý danh vọng, đan chặt bàn tay cùng chống chọi tử thần, vực nhau dậy trong tối tăm bệnh tật và cùng nhau nuôi dạy 1 đàn con. Thứ tình yêu ngọt ngào, gai góc, bền bỉ ấy đi qua bao thăng trầm, đơm hoa kết trái, song hành trên mọi bài báo. Vậy mà đùng một cái, Angelina đệ đơn ly hôn Brad Pitt, khép lại quãng hành trình yêu đương đẹp nhất nước Mỹ, cũng chính thức chấm dứt lý tưởng tình yêu cao thượng giữa lòng showbiz đầy rối ren. 
Nhưng 12 năm ấy, tuyệt đối Angelina không bao giờ nhân danh “thanh xuân” mà đòi lại. 12 năm bên Brad Pitt, đó là một hành trình dài đầy những khoảnh khắc, họ rời xa nhau nhưng vẫn còn có nhau trong từng tế bào. Duyên của con người, đôi lúc chẳng tính bằng đơn vị một cuộc đời, mà chỉ là một quãng thời gian, có khi chỉ là một khoảnh khắc mà thôi. Vậy nên đừng nhân danh thời gian, tuổi trẻ hay thanh xuân để ép nó có cái thời hạn vĩnh cửu, cũng đừng nghĩ bắt nó phải có đích đến là bao lâu. Tình yêu hay hạnh phúc, suy cho cùng chỉ là những rung động trong từng khoảnh khắc, và để trọn vẹn nhất, hãy tận hưởng từng khoảnh khắc ấy, chứ không phải cố sức kéo dãn nó ra cả một quãng dài.
—-------------------------------------------------
Một phút chạnh lòng chợt hỏi, thanh xuân là gì, đáng giá bao nhiêu?  Có lẽ nó đáng giá bằng chiều sâu nơi tâm hồn, bằng sự thấu hiểu của bước đi từ trải nghiệm chứ không đến từ sự rực rỡ của nhan sắc, từ gò má đỏ và lấp lánh môi son. Một lần đến kiếp này, chỉ có thể sống làm sao để mỗi ngày trôi qua đều là một mùa xuân. 
Lê Thảo Quỳnh