Lưu ý với độc giả: trong bài viết này, khi đề cập đến cuốn sách Hành Trình Về Phương Đông, nghĩa là người dịch muốn nói tới cuốn sách Hành Trình Về Phương Đông được dịch từ 6 tập Life and Teaching of the Masters of the Far East của Baird Spalding, dày hơn 900 trang do Huy Hoàng liên kết xuất bản, chứ không nói đến cuốn Hành Trình Về Phương Đông do Nguyên Phong phóng tác từ sách của Spalding.
<i>Cuốn Hành Trình Về Phương Đông dày hơn 900 </i><i>do Huy Hoàng liên kết xuất bản, </i>AnleBooks dịch.
Cuốn Hành Trình Về Phương Đông dày hơn 900 do Huy Hoàng liên kết xuất bản, AnleBooks dịch.

Baird T Spalding là ai?

Baird Thomas Spalding
Baird Thomas Spalding
Baird Thomas Spalding là bút danh của Bayard Spaulding, một tác giả người Mỹ sinh năm 1872 tại Cohocton, New York. Spalding tự xuất bản cuốn sách “Life and Teaching of the Masters of the Far East” (tựa tiếng Việt là “Hành Trình Về Phương Đông” do Huy Hoàng liên kết xuất bản) vào năm 1924, kể về một chuyến thám hiểm tuyệt vời đến Ấn Độ và Tây Tạng với mục đích nghiên cứu vào những năm 1890. Đoàn thám hiểm đã chứng kiến ​​những bậc thầy có thể thực hiện những công năng đặc dị, truyền đạt những chân lý tâm linh đơn giản theo một cách hấp dẫn đối với những độc giả phương Tây.
Cuốn sách đầu tiên của Spalding đã được tái bản bởi NXB DeVorss & Co và trở thành một tác phẩm ăn khách, bán được nhiều nghìn bản và biến Spalding trở thành diễn giả đi diễn thuyết khắp nước Mỹ. Spalding tiếp tục viết thêm ba tập Hành Trình Về Phương Đông nữa, và dẫn một nhóm nhỏ những người theo đạo đến Ấn Độ vào năm 1935. Ông mất năm 1953 tại Arizona, thọ 80 tuổi.
Bình chú của người dịch: ở đây chúng ta chú ý thông tin ông “dẫn một nhóm nhỏ những người theo đạo đến Ấn Độ vào năm 1935”, chứ không phải dẫn một phái đoàn khoa học của hoàng gia Anh như sách của ông đã kể cách đó 11 năm.

Sách của Spalding và nhà xuất bản NXB DeVorss & Co nói rằng ông sinh ra vào những năm 1850 ở Anh; cha và ông nội của ông đến từ Ấn Độ. Nguồn tin ở đâu mà lại nói khác đi?

Lịch sử gia đình của Baird T Spalding đã được công bố ở đây:
http://www.bairdtspalding.org/2009/12/the-many-names-of-baird-t-spalding-part-1/
Nó được lấy từ các nguồn đáng tin cậy như hồ sơ hộ chiếu, Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, cáo phó của gia đình Spalding.
Spalding không có mối liên hệ gia đình nào với Ấn Độ, nhưng ông có xu hướng gắn bó suốt đời với những câu chuyện hư cấu huyền hoặc liên quan đến Ấn Độ. Tiểu sử và dòng thời gian được cung cấp trong sách và trên trang web của NXB DeVorss & Co chủ yếu dựa trên những câu chuyện hư cấu ấy.

Những cuốn sách của ông là hư cấu hay phi hư cấu? Spalding có thực sự đến Ấn Độ vào năm 1894 không?

6 tập sách Life and Teaching of the Masters of the Far East (Hành Trình Về Phương Đông) của Spalding
6 tập sách Life and Teaching of the Masters of the Far East (Hành Trình Về Phương Đông) của Spalding
Nhiều độc giả sẽ thất vọng khi biết rằng Spalding đã không đến Ấn Độ vào năm 1894, và không có chuyến thám hiểm nghiên cứu như mô tả trong cuốn Hành Trình Về Phương Đông. Khi ấy, Spalding chỉ mới 22 tuổi, và ông đã dành phần lớn thời gian trong thập niên 1890 để khai thác vàng ở Yukon. Chuyến thăm đầu tiên của Spalding đến Ấn Độ là vào năm 1935 theo lệnh của nhà xuất bản NXB DeVorss & Co, sau khi phát hành Tập 3 của bộ Hành Trình Về Phương Đông.
Bộ sách kể những câu chuyện hư cấu có chất tâm linh theo mô-típ “những chuyến thám hiểm khoa học đến những vùng đất xa xôi và khám phá được những tài liệu quý hiếm”. Đây là một thể loại phổ biến lúc bấy giờ.
Bình chú của người dịch: ở đây chúng ta để ý rằng Spalding chưa từng đi Ấn, nhưng đã viết được 3 cuốn sách hư cấu về chuyến đi Ấn của ông cùng phái đoàn khoa học của Hoàng gia Anh. Mãi đến khi xuất bản được tập sách thứ 3, ông mới bị NXB ép đi Ấn. Có lẽ để NXB có bằng chứng (ảnh chụp từ chuyến đi Ấn của Spalding) quảng cáo cho những cuốn sách thêm phần đáng tin. Những hình ảnh của chuyến khởi hành này được in ở cuối cuốn sách Hành Trình Về Phương Đông bản tiếng Việt.

Tôi có thể có bản đồ về các chuyến đi của Spalding qua Ấn Độ hoặc tên của những người bạn đồng hành của ông ấy không? Có vị trí hay hình của Ngôi đền Im lặng, Ngôi đền Chữa lành, hay Ngôi đền Tau vĩ đại không?

Thật không may, vì Spalding không đến Ấn Độ như mô tả trong Hành Trình Về Phương Đông nên không có bản đồ, hình ảnh hoặc thông tin nào khác. Những độc giả tinh ý có thể nhận thấy cuốn sách thiếu mọi thông tin chi tiết về địa điểm, nhân vật điển hình trong các cuộc thám hiểm khoa học. Cuộc hành trình, các nhà nghiên cứu và những ngôi đền chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của Spalding mà thôi.

Sách của Spalding và thông tin từ nhà xuất bản nói rằng ông ấy đã học tại Berkeley, Stanford, Columbia và Đại học Heidelberg. Có đúng như vậy không?

Spalding đã đưa ra những tuyên bố đó, nhưng không có hồ sơ nào về việc ông ấy học tại Berkeley, Stanford hay Columbia (theo thông tin do phòng giáo vụ của các trường Đại học cung cấp). Vì Spalding không đến Đức bao giờ nên khả năng cao là ông ấy cũng không theo học tại Đại học Heidelberg.
Bình chú của người dịch: Trong sách của Spalding, người ta gọi ông là "Giáo sư". Rất có khả năng chức danh này là hư cấu vì không tìm ra trường đại học mà ông đã theo học, công tác, không tìm ra người nào từng là học trò của ông ở trường đại học. Ngoài ra, vào thời điểm phái đoàn bắt đầu chuyến hành trình về phương Đông như sách kể (năm 1894), Splading chỉ mới 22 tuổi. Hiếm có giáo sư nào trẻ như vậy. Chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng hào quang. Bởi vậy, để tăng tính thuyết phục của thông tin nhằm thao túng đối tượng nào đó, người ta thường tạo ra "hào quang" theo hai cách: đem thông tin nhét vào miệng những người có uy tín như Einstein, Đức Phật, Chúa... hoặc nguỵ tạo thân thế, thành tích cúa người cung cấp thông tin, gọi họ là: giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà vật lý, nhà khảo cổ, nhà cái đến từ Châu Âu…

Ủa vậy những câu chuyện tâm linh trong cuốn sách của ông đến từ đâu?

Phần lớn nội dung trong Hành Trình Về Phương Đông được lấy cảm hứng từ phong trào Tư tưởng Mới (New Thought). Spalding là thành viên của một nhóm Tư tưởng Mới ở San Francisco vào đầu những năm 1920 khi ông viết Hành Trình Về Phương Đông tập 1; các chương đầu tiên của cuốn sách đã được xuất bản trên tạp chí của nhóm này. Vợ ông, Stella Spalding, là một phụ nữ thông minh, có trình độ Đại học, người đã giúp đỡ Spalding rất nhiều khi viết sách. NXB Doug DeVorss được hỗ trợ bởi Nhà thờ Unity - một nhóm Tư tưởng Mới; có khả năng ông đã được nhóm này truyền cảm hứng ​​cho các tập Hành Trình Về Phương Đông sau đó.

Spalding là một người giàu phải không? Chẳng phải ông ấy sở hữu một số mỏ vàng sao?

Spalding giỏi về máy móc, và làm kỹ sư khai thác mỏ ở Alaska, Montana và California trong phần lớn thời gian của tuổi trẻ. Mặc dù ông ấy đã tham gia vào một số liên doanh khai thác vàng, nhưng chẳng có dự án nào thành công tốt đẹp, và ít nhất hai trong số đó đã phá sản hoặc gặp rắc rối pháp lý. Có vẻ như thu nhập chính của ông từ những năm 1930 cho đến khi ông qua đời vào năm 1953 là từ việc bán sách. Ông ấy mất với một ít tài sản đứng tên mình.

Còn mối quan hệ của Spalding với các nhà khoa học và nghệ sĩ nổi tiếng như Einstein, Tesla, Charles Proteus Steinmetz và Cecil B DeMille thì sao?

Hầu hết những danh nhân được Spalding nêu tên đã được các nhà viết tiểu sử nghiên cứu kỹ lưỡng, và có các kho lưu trữ lịch sử về thư từ và nhật ký của họ. Spalding không được đề cập trong các tài liệu ấy, dù là một chút quan hệ mỏng manh cũng không. Những mối quan hệ mà ông kể có thể là do năng lực hư cấu cao siêu của ông mà ra.
Bình chú của người dịch: Napoleon Hill, một người cùng thời với Spalding, cũng làm điều hư cấu tương tự. Trong những quyển sách dạy làm giàu của mình, Hill cũng nguỵ tạo sự nghiệp và thành tựu, khoe quen ông nọ bà kia, thậm chí tuyên bố từng làm cố vấn cho mấy đời tổng thống Mỹ... Hoá ra chỉ là hư cấu. Theo lý giải của người dịch, thông tin liên lạc vào thời đó còn nhiều hạn chế, việc xác minh thông tin rất khó khăn và tốn kém, chả bõ công, nên các tác giả tha hồ chém gió để bán sách, tổ chức hội thảo.

Vậy Spalding có viết cuốn sách nào khác nữa không?

Không. Bộ Hành Trình Về Phương Đông từ tập 1 tới tập 4 là tác phẩm duy nhất của ông. Tập 5 và 6 được DeVorss xuất bản từ các bài báo mà Spalding đã viết cho Tạp chí Mind và từ các ghi chép thu thập được của Chuyến du lịch Ấn Độ năm 1935.
Cuốn sách ở Việt Nam mang tên Hành Trình Về Phương Đông của Nguyên Phong, tự xưng là bản dịch từ một cuốn sách của Spalding viết năm 1924, là một tác phẩm hư cấu được viết vào những năm 1970 của một người mang bút danh Nguyên Phong.
(Dịch từ nguồn: http://www.bairdtspalding.org/frequently-asked-questions-about-baird-t-spalding/)

Bình chú của người dịch:

Nếu không có cuốn "Life and Teaching of the Masters of the Far East" của Spalding thì khả năng cao sẽ không có tác phẩm "Hành Trình về Phương Đông" của Nguyên Phong, một cuốn sách hư cấu được viết dựa trên một cuốn sách hư cấu. Có người cho rằng quyển "Life and Teaching of the Masters of the Far East" của Spalding bị thu hồi và cấm xuất bản nên Nguyên Phong không thể cung cấp được bản gốc của cuốn sách mà ông đã dịch. Sự thật là chẳng có cuốn sách nào của Spalding bị cấm cả. Thông tin sách bị cấm chỉ nằm trong bản phóng tác của Nguyên Phong, nên cũng là tin "hư cấu".
Vào năm 2016, một đoạn video trong dự án Blue Book xuất hiện trên Youtube, và nhanh chóng viral. Nó ghi lại cuộc phỏng vấn với một người ngoài hành tinh. Sinh vật đó tự xưng là "hậu duệ tiến hóa" của loài người đến từ tương lai. Đoạn video này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được chia sẻ chóng mặt trên internet, thông điệp của nó được người ta đem ra phân tích, mổ xẻ. Một cuốn sách tâm linh ở VN đánh giá rằng sự hiểu biết của sinh vật này rất sâu sắc, nằm ngoài tầm hiểu biết thông thường của con người… Hóa ra video này chỉ là hư cấu, nó là trò chơi khăm của một nghệ sĩ kỹ xảo điện ảnh người Canada tên là Aristomenis Tsirbas.
Người dịch cho rằng bản phóng tác Hành trình về phương Đông ra đời với mục đích tương tự như đoạn video trên: cuốn sách là “trò chơi khăm” của Nguyên Phong dành cho những người Việt có niềm tin về tâm linh. Từ thời điểm sách ra mắt(1975) đến nay, đã có rất nhiều độc giả tin những gì Nguyên Phong viết là sự thật (bản thân Nguyên Phong cũng chưa bao giờ nói rằng mình phóng tác), thậm chí có nhiều người còn dẫn chứng những điều viết trong sách để chứng minh rằng một niềm tin tâm linh nào đó của họ đã được khoa học công nhận… Truy ngược về bản nguyên tác, người ta lại phát hiện bản nguyên tác cũng chỉ là một sản phẩm hư cấu!
Không rõ những người từng tin vào đoạn video trên hay những cuốn sách sẽ nghĩ gì khi biết mình bị chơi khăm?

Bài liên quan nè: