Quá nhiều việc phải giải quyết, quá nhiều điều bản thân không thể kiểm soát, quá bận tâm đến mọi thứ xung quanh, từ việc lớn đến việc nhỏ! Chuyện của quá khứ, chuyện của tương lai, chuyện của hiện tại, những mối quan hệ, những kế hoạch, những mục tiêu cứ lẫn lộn và rối tung lên, dễ dàng đẩy người trẻ chúng mình rơi vào bế tắc, vô định.
Đôi lúc mình nghĩ, phải chăng để cuộc sống “dễ thở” và “nhẹ nhàng” hơn với người trẻ bây giờ là quá khó? Phải chăng những áp lực, căng thẳng này không có cách nào có thể giải quyết được?
Với vô số lần trải nghiệm, vượt qua, nhìn lại những “quãng” bản thân cảm thấy mệt mỏi, áp lực, bế tắc giữa bộn bề cuộc sống, mình cũng đúc kết được những bài học, những kinh nghiệm nho nhỏ muốn chia sẻ với mọi người. Hy vọng, bài viết này có thể giúp cuộc sống của bạn trở nên dễ thở và nhẹ nhàng hơn trong năm mới sắp tới.

1. Học cách ngừng tạo ra thêm sự bế tắc và bỏ qua những điều quá “nhỏ nhặt” xảy đến với mình

Ngừng việc tạo ra thêm sự bế tắc chính là ngừng phức tạp hóa mọi vấn đề mọi thứ đang xảy đến với mình. Mình nhận ra khi bản thân càng bế tắc, mình càng không thể suy nghĩ ra bất cứ phương pháp nào để giải quyết vấn đề cả. Thay vào đó, mình học cách bình tĩnh nhìn nhận, chia nhỏ vấn đề và giải quyết từng cái một.
Điều sâu sắc mà mình nhận ra sau khi giải quyết được những bế tắc ấy là: Vấn đề là giải quyết vấn đề, chứ không phải là tìm ra người gây ra vấn đề hay vấn đề được tạo ra từ lúc nào. Hầu hết mọi việc đều có cách để giải quyết và chúng mình hoàn toàn có khả năng thực hiện nếu mình thực sự muốn bắt đầu.
Song hành với việc học cách ngừng tạo ra thêm sự bế tắc, mình đã học được cách bỏ qua những điều quá nhỏ nhặt xảy đến với mình. Quả thực, trong cuộc sống sẽ có nhiều thứ làm ta khó chịu và bực mình. Tuy nhiên, chúng mình nên cân nhắc xem việc đó có đáng để mình mất nhiều thời gian để suy nghĩ và bận tâm không.
Thay vì luôn để tâm đến những điều quá nhỏ nhặt, không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, công việc của mình, mình dành thời gian để làm những điều có ý nghĩa với cuộc sống của chính mình. Thay vì để tâm việc người khác đang nói không đúng về mình và phí thời gian giải thích hay so đo với họ, mình tập trung khiến cuộc sống của bản thân trở nên tốt đẹp, ý nghĩa, sâu sắc hơn. Đến một lúc nào đó, tự khắc bản thân sẽ thấy những điều nhỏ nhặt trước đây thật sự chẳng là chuyện gì đáng nói cả. Bên cạnh đó, việc bỏ qua những điều nhỏ nhặt không chỉ khiến bạn "dễ thở" hơn mà còn trở thành một người bao dung hơn trong mắt những người xung quanh.

2. Học cách chấp nhận quá khứ, ngừng tạo áp lực về tương lai và trân trọng hiện tại

Hối tiếc và hoài niệm về những điều trong quá khứ là một việc không ai là không trải qua. Nhưng hãy thử chiêm nghiệm, hầu hết những thứ đã xảy ra trong cuộc đời mình định sẵn là phải xảy ra ở một thời điểm nào đó, không sớm thì muộn. Mình cũng không có ý định cố sức để quên đi quá khứ, mà mình chọn cách chấp nhận và giữ chúng lại như những hoài niệm đáng nhớ, những bài học khiến ta trưởng thành hơn thay vì cứ mãi chìm sâu vào hối tiếc và muốn thay đổi quá khứ trong vô vọng.
Hết chuyện quá khứ rồi đến áp lực tương lai, đôi lúc mình nghĩ, phải chăng người trẻ chúng mình tự làm khổ bản thân quá nhiều?
Cảm giác lạc lối trong hành trình tìm kiếm tự do cá nhân và trống rỗng với những thứ vô định sắp đến trong tương lai đôi lúc khiến mình muốn trốn tránh mọi thứ thay vì đối mặt và hành động. Nếu lúc trước, để vực dậy tinh thần của bản thân, mình sẽ dùng những câu như: Hãy tự tin lên, hãy tìm kiếm cơ hội mới, hãy đương đầu với thử thách, hãy cố gắng để thành công thì bây giờ lời mình muốn nhắn nhủ với chính mình và những bạn trẻ như mình chính là hãy chấp nhận bản thân và sống trọn vẹn cho hiện tại! Dù quá khứ của bạn có tồi tệ như thế nào, dù tương lai có vô định ra sao, hãy luôn nhớ bạn vẫn còn có hiện tại, có những điều bạn đang có, hãy biết ơn và trân trọng những gì mình đang có!
"Đừng để cuộc đời bạn trôi qua một cách vô nghĩa khi mãi chìm đắm trong ký ức, lỗi lầm của quá khứ hay quá lo lắng về tương lai. Hãy sống trọn vẹn cho giây phút hiện tại bằng tất cả nhiệt huyết của trái tim mình."

3. Học cách nói “không”

Khi mình “có việc” quan trọng hơn cần phải làm, thì không có bất cứ lý do gì phải cả nể hay cảm thấy có lỗi mà không dám từ chối. Mình và người khác có lối sống, suy nghĩ và hơn hết một cuộc đời riêng mà không ai có thể chỉ dẫn hay sống thay được. Bất kì việc gì trong cuộc sống, bản thân mình mới là người biết cần phải ưu tiên điều gì để khiến cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn. Mình luôn tin tưởng những người hiểu biết và tinh tế quanh mình, trong xã hội văn minh như hiện tại, những người cũng từng trải qua những quyết định khó xử tương tự sẽ thấu hiểu, thông cảm với những lời từ chối chính đáng như thế.
Còn đối với những người "không hiểu chuyện", mình nhận ra cho dù chúng mình có cư xử đúng mực đến mức nào, họ cũng không thông cảm. Vì thế, điều tinh tế nhất chúng mình có thể làm là không quan tâm và không cần thiết phải quan tâm đến những trường hợp ngoại lệ này mà thôi. Năng lượng và thời gian của mỗi người là có giới hạn, mình không phải là người hoàn hảo, làm chuyện gì xứng đáng với lương tâm là đủ rồi.

4. Học cách chủ động điều chỉnh sự kỳ vọng của người khác về mình

Một vài điều mà mình đã học được từ trải nghiệm của bản thân mà bạn có thể làm để chủ động điều chỉnh sự kỳ vọng của người khác về mình:
- Đặt ranh giới cá nhân: Mình học cách rõ ràng về ranh giới cá nhân với người khác. Mình có thể làm những việc gì, ở thời điểm nào, cần bao nhiêu thời gian để hoàn thành một công việc,... Từ đó, mình luôn cố gắng trao đổi trước với những người làm việc cùng để tránh tạo ra kỳ vọng cho họ mà sau đó mình không thể đáp ứng được.
- Rõ ràng về ưu tiên của bản thân: Mình học cách lên một kế hoạch và phân bổ thời gian làm việc để có thể biết rõ ràng những gì dự định phải làm trong tuần này, hôm nay, để ước chừng mình có thể nhận thêm việc khác hay không. Việc không rõ ràng về các ưu tiên trước đây đã khiến bản thân mình đảm nhận những nhiệm vụ không thực sự là của mình, quá sức và khiến tất cả mọi việc rối tung lên một cách không kiểm soát.
- Sẵn sàng thương lượng: Điều mình nhận ra là hầu hết mọi thứ đều có thể thương lượng và việc thương lượng thời hạn hoàn toàn ổn, vì vậy hãy chuẩn bị để lên tiếng nếu cần thiết. Khi bản thân cảm thấy không thể thực hiện được trước một ngày nhất định, mình sẽ đề xuất thời điểm khác mà bản thân có thể làm được, cố gắng giải thích vì sao mình cần thêm thời gian để việc thương lượng trở nên dễ dàng hơn.

5. Học cách vượt qua nỗi bận tâm cách người khác nghĩ về mình

Việc quá bận tâm đến cách người khác nghĩ về mình không những lãng phí thời gian mà còn khiến sức khỏe tinh thần suy giảm. Mỗi ngày, bạn cứ phải nom nóp lo sợ xem có ai chê bai hay đánh giá mình, thật không dễ chịu chút nào. Điều mình nhận ra là trong cuộc sống, không có quá nhiều người vô duyên như mình nghĩ và cũng không có ai để ý đến mình nhiều đến thế. Họ cũng đang như mình thôi, chỉ quan tâm đến bản thân họ thôi cũng đã đủ mệt rồi.
Vì thế, thay vì lo sợ người khác phán xét, thì mình dành thời gian đó để tự hoàn thiện bản thân và xây dựng sự tự tin cho chính mình. Hãy thử cách này xem, bạn sẽ nhận ra mình không cần phải quá bận tâm đến cách người khác nghĩ gì về mình nữa.

6. Học cách tập trung hơn vào những điều bản thân có thể kiểm soát

Tất cả mọi người đều có khao khát kiểm soát mọi thứ quanh mình bởi vì nó làm cho ta cảm thấy tốt hơn trước sự phức tạp của cuộc sống. Tuy nhiên, cho dù có cố gắng cả đời, ta vẫn không kiểm soát được tất cả mọi thứ. Chính vì sớm nhận ra điều này, thay vì muốn kiểm soát tất cả mọi thứ, mình bắt đầu tìm ra những thứ bản thân có thể và không thể kiểm soát. Sau đó, mình chỉ tập trung vào những gì bản thân có thể gây ảnh hưởng và kiểm soát. Bằng cách này, mình đã tránh khỏi được việc lãng phí thời gian và năng lượng cũng như giảm bớt căng thẳng có thể ảnh hưởng sức khỏe tinh thần về lâu dài của bản thân.
Một trong những điều mà ta có thể kiểm soát là kiểm soát sự chú ý của mình, giúp bản thân đi đúng hướng mà không bị sao nhãng, dựa trên sự hiểu biết về các ưu tiên và mục tiêu của chính mình. Có 2 khía cạnh quan trọng mà ta có thể kiểm soát sự chú ý của mình:
- Kiểm soát các yếu tố gây sao nhãng bên ngoài:
Kiểm soát việc sử dụng các thiết bị công nghệ, phần mềm, mạng xã hội: Hãy nhắc nhở bản thân rằng tiến bộ công nghệ là để phục vụ con người, chứ không phải ngược lại. Một vài mẹo mình thường làm để kiểm soát được chúng là hãy giữ điện thoại im lặng, cách xa tầm tay khi làm việc, tắt các thông báo của các phần mềm gây sao nhãng hoặc xóa hẳn khi cảm thấy không cần thiết…
Kiểm soát môi trường xung quanh: Hãy biết cách đặt ranh giới với những người khác, đặc biệt khi bạn đang làm việc trong một môi trường mở. Gợi ý của mình là sử dụng tai nghe và bật chế độ "không làm phiền" trên khung chat khi bạn cần tập trung làm việc. Nếu bạn đang cảm thấy mình bị làm phiền trong suốt cả tuần và không thể tập trung làm việc, hãy thử dùng phương pháp “batching”, nhóm tất cả các buổi họp hay thảo luận vào chung trong 1 đến 2 ngày, sau đó dành các ngày còn lại trong tuần để hoàn toàn tập trung làm việc của mình.
- Kiểm soát các yếu tố gây sao nhãng bên trong:
Kiểm soát hành vi của bản thân: Cố gắng chỉ mở một cửa sổ trên màn hình máy tính và tập trung hoàn toàn vào một tác vụ cho đến khi nó hoàn thành. Cố gắng "rút phích cắm" các thiết bị công nghệ hoàn toàn khi không sử dụng. Bạn cũng có thể lên lịch cho những sao nhãng của mình, có thể dành một khoảng thời gian nhất định cho việc chơi game, lướt mạng xã hội, nhưng sau đó biết dừng lại đúng lúc và quay trở lại với công việc và học tập.
Kiểm soát suy nghĩ của bản thân: Hãy thường xuyên để tâm đến suy nghĩ của bản thân để có thể hướng suy nghĩ và sự tập trung trở lại nơi bạn muốn. Nếu mình bỗng dưng nghĩ về một số việc khác không liên quan gì đến việc đang cần tập trung làm, mình sẽ ghi chúng vào sổ tay hoặc notes trên điện thoại và quay lại sau khi đã làm xong việc. Bạn cũng có thể làm tương tự khi bạn đang tra cứu thông tin này và gặp phải những thông tin khác thu hút bạn nhưng không phải những điều bạn đang tìm kiếm ban đầu.

7. Học cách đương đầu và xử lý với những khối công việc "khổng lồ"

Ba cách đã giúp mình có thể “sống sót” khi phải xử lý những khối lượng công việc “khổng lồ” ngay trước mắt:
- Bỏ qua: Thực tế, chúng mình luôn có một số việc không thực sự cần thiết phải làm ngay lập tức trong danh sách các việc cần làm mỗi ngày. Vì vậy, nếu bạn có thể thoát khỏi chúng, bạn sẽ đỡ phải suy nghĩ phải làm nó khi nào và có nhiều thời gian hơn cho những việc còn lại.
- Tổ chức và sắp xếp: Mình thường ghi tất cả những việc cần làm ra sổ tay hoặc phần mềm quản lý để biết rõ ràng nhất những gì cần phải làm, số lượng bao nhiêu, deadline cho việc đó. Sau đó, đặt sự ưu tiên, phân bổ thời gian và năng lượng phù hợp để hoàn thành chúng từng cái một. Một số phương pháp mà bạn có thể kết hợp linh hoạt để quản lý thời gian hiệu quả hơn như: Quy tắc 4 lò lửa, Quy tắc 80/20, Eat that frog, Getting things done, Ma trận Eisenhower, Pomodoro, Time blocking, Time boxing,...
- Tối ưu hóa cách thực hiện: Bạn có thể tối ưu hóa công việc bằng cách sử dụng các công cụ tự động hóa, làm việc theo hệ thống,... Nếu còn đi học, bạn có thể tối ưu hóa việc học bằng cách học cách ghi chép tốt hơn, đọc tài liệu nhanh hơn,...

8. Học cách kết nối và thiết lập những mối quan hệ chất lượng

Có ai từng được khuyên rằng muốn thành công, chúng mình cần có thật nhiều mối quan hệ, như mình trước kia không? Thật sự để cuộc sống và công việc tốt hơn, chúng ta cần đến những mối quan hệ, nhưng đó phải là những mối quan hệ chất lượng và tốt đẹp.
Tuy nhiên, chuẩn mực của một mối quan hệ chất lượng đối với mỗi người là khác nhau, phần lớn phụ thuộc vào tính cách, trải nghiệm và góc nhìn của mỗi người. Có những người sẽ rất phù hợp với bạn nhưng không hề phù hợp với người khác và ngược lại. Vì thế, trước khi thiết lập bất cứ mối quan hệ nào, mình sẽ cân nhắc thật kỹ những gì phù hợp với mình, để tránh bị tác động từ bên ngoài. Sẽ không có chuyện mình nghe người khác nói bạn mình không tốt là tin liền, đi nghỉ chơi với bạn, cũng không có chuyện nghe một người nào đó tốt với bạn bè của họ thì mình sẽ kết thân với họ ngay.
Thực tế, việc mối quan hệ có tốt đẹp hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào chính bản thân mình. Muốn người khác đối xử tốt với mình thì mình cũng phải đối xử tốt với họ. Thay vì có rất nhiều mối quan hệ chẳng đâu vào đâu thì mình chọn cách đầu tư thời gian để cân nhắc, chọn lựa và thật sự vun đắp cho những mối quan hệ chất lượng.
Bên cạnh đó, bạn đừng nghĩ rằng khi mình cố gắng tỏ ra tốt đẹp thì sẽ qua mắt được người khác, vì đa số những người hiểu biết và trưởng thành đều có đủ khả năng nhìn nhận người khác. Họ đủ hiểu bạn có thực sự phù hợp để họ duy trì mối quan hệ lâu dài không. Nếu được, hãy ngừng lãng phí thời gian cho những mối quan hệ không chất lượng. Hãy đầu tư thời gian với những người bạn chân thành, hãy yêu thương người đứng đắn, hãy tìm những "mentor" thật sự muốn đồng hành trên chặng đường phát triển sự nghiệp của mình.

9. Học cách ứng xử với những lời chỉ trích, phê bình

Điều quan trọng mình luôn tự nhắc nhở bản thân là dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đừng phản ứng trong cơn tức giận vì điều này sẽ gây ra cảm giác tồi tệ cho chính mình. Mình luôn cố gắng giữ bình tĩnh và ứng xử với người kia bằng sự tôn trọng, thấu hiểu để có thể xoa dịu tình hình và ngăn nó trở nên tồi tệ hơn. Mình hiểu nếu mình phản ứng lại ngay lập tức, cả đôi bên có thể sẽ bắt đầu một cuộc tranh cãi không cần thiết. Và cách mình ứng xử với những lời chỉ trích phê bình:
- Quản lý cơn tức giận của bản thân: Nếu mình cảm thấy bản thân sắp nói hoặc làm điều gì đó có thể gây tổn hại cho chính mình và người khác, mình sẽ chọn cách rời đi để có thể lấy lại bình tĩnh. Mặc dù những phê bình, chỉ trích của người khác có thể gây tổn thương cho mình, nhưng mình hiểu sẽ việc phản ứng lại trong lúc tức giận không giải quyết được gì ngoài khiến mọi chuyện trở nên khó xử hơn.
- Tìm ra những mặt tích cực của sự chỉ trích, phê bình: Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm, đó là bản chất của con người. Khi đứng lên từ sai lầm, ta có rất nhiều cơ hội để học hỏi và cải thiện bản thân. Do đó, bất kể lời chỉ trích nhắm vào mình là gì, mình sẽ cố gắng nhìn nhận, phân tích nó để tìm ra điều gì đó mà mình có thể học hỏi và cải thiện. Thực tế, thường có một số sự thật trong những lời phê bình, ngay cả khi nó được đưa ra một cách gây bất bình, khó chịu cho mình. Hãy chậm lại một chút và cố gắng nhìn sự việc trên quan điểm của người khác, điều đó giúp bạn sử dụng lời chỉ trích, phê bình một cách khôn ngoan.
- Học cách chấp nhận sự khác biệt: Tôn trọng cả điểm tương đồng và khác biệt ở người khác sẽ mở ra nhiều cơ hội và mở rộng thế giới quan của chúng mình. Tuy nhiên, để cảm thấy thoải mái với những người khác biệt của người khác, ta phải chấp nhận bản thân mình. Nhưng khó có ai thích mình trông ngu ngốc hoặc cảm thấy mình kém cỏi trước người khác. Vì thế cách mình làm là bắt đầu chậm, và từ từ, chứ không quá ép buộc bản thân phải chấp nhận tất cả mọi sự khác biệt của người khác một sớm một chiều.
Giữa một thế giới bận rộn như hiện tại, thật dễ dàng để chúng mình rơi vào áp lực, căng thẳng và “bùng cháy” bởi hàng tá nhiệm vụ, từ công việc, học tập, chăm sóc bản thân cho đến việc dành thời gian cho các mối quan hệ xung quanh. Phải nói, dù có hơn 24h mỗi ngày đi chăng nữa, ta cũng khó có thể nào cân bằng, vui vẻ và không có một áp lực nào được. Mình cũng thế, có những ngày danh sách công việc của mình vượt khỏi con số 10, quá choáng ngợp và căng thẳng để có thể bắt đầu, nói chi đến việc hoàn thành hết. Nhưng chính nhờ những bài học trên đây, mình đã dần biết cách kiểm soát bản thân, sắp xếp thứ tự ưu tiên cho công việc, cuộc sống cá nhân,.. để có thể vượt qua hầu hết những áp lực và khó khăn xảy đến với mình.
Bạn cũng có thể đọc thêm những bài học cuộc sống khác trong blog của mình nhé!