8 giờ sáng ở Scotland như kiểu như 5 giờ sáng ở Hà Nội mình ấy, bầu trời ủ ê không muốn dậy, các bạn cùng nhà cũng không đứa nào muốn dậy luôn. Chỉ có xe cộ là vẫn tấp nập đi lại trong cái lạnh kèm theo gió rét rất đặc trưng của những buổi "sáng mà giống đêm" ảm đạm của vương quốc U Kê.
Mình là một sinh viên Tâm lý, đang theo học một khóa kiểu gọi là Thạc sĩ Tâm lý chuyển đổi (ừ cái vụ chuyển đổi này mình sẽ giải thích sau). Mình hay dậy sớm (dù 6h30 sáng cũng chả phải là sớm ở VN nhưng là quá sớm đối với mọi người ở đây) và não mình hiện tại không tắt đi được. OK, chừng ấy ý cũng đã đủ một cái dàn bài cho một bài viết tâm sự không chủ đích, bắt đầu thôi.

1. Sinh viên Tâm lý

Tâm lý là một thứ rất dễ thích, số người thích tâm lý nhiều như số người thích cafe vậy, mình nghĩ thế. Dĩ nhiên là cũng tùy định nghĩa "tâm lý" của bạn là gì, còn đối với mình, mình thích tâm lý vì mình muốn hiểu và muốn cảm thông. Hiểu được và cảm thông được thì mới thương được, mình nghĩ thế, mà mình lại thích thương mọi người, nên mình muốn học tâm lý.
Ừ thì dĩ nhiên chừng ấy lý do chưa đủ để mình bay tới một quốc gia cách quê nhà 10.000 km và bỏ ra tất cả số tiền tiết kiệm của mình từ trước đến giờ, kèm theo xx khoản nợ và tạm chia xa những người thân yêu nhất. Mình thích trẻ con, mình muốn làm việc với trẻ con, mình muốn giúp các em trở thành những người tốt hơn: được định hướng nghề nghiệp tốt hơn, có những kĩ năng học tập tốt hơn, và được yêu thương và lắng nghe nhiều hơn. Đây là điều mình đã nhận ra trong một chuyến tình nguyện ở Đồng Nai và làm việc với con nít nguyên 3 tháng.
Với kinh nghiệm làm việc trong ngành giáo dục tương đối, cộng với một tấm bằng ĐH chả liên quan, mình đã nộp hồ sơ vào một chương trình Thạc sĩ Tâm lý chuyển đổi. Chữ "chuyển đổi" ở đây có nghĩa là một chương trình kiểu như bắc cầu, để người không có bằng cấp về tâm lý có đủ nền tảng kiến thức tương đương với 4 năm ĐH. Nói ngắn gọn là người ta học 4 năm thì mình học 1 năm :D Quá đã heng.
Đọc đến đây chắc bạn sẽ có vài câu hỏi:
1. Học tâm lý thì học thôi chứ mắc gì phải đi du học? Học trong nước hong được sao?
2. Chừng ấy tuổi (三十) còn đi du học? Không tính lấy chồng hả bạn?
3. Học xong rồi thì tính làm gì tiếp? Ngành này đâu phải học cử nhân là đủ?
Hỏi hay quá, ừ thì về cơ bản là mình cũng không biết :) Hoặc đúng ra là lúc nộp hồ sơ thì mình đã từng có câu trả lời chắc chắn lắm á, nhưng sau khi học xong 3 tháng ở đây rồi thì ... mình thấy ít chắc hơn. Nhưng ngược lại, có một số điều mình lại cảm thấy chắc chắn hơn lúc trước khi đi:
1. Học tâm lý thực sự thực sự rất hay các bạn ạ. Mình thích mọi thứ mình được học ở đây.
2. Đi du học là một trải nghiệm mà người như mình buộc phải có. Chú thích: người như mình (danh từ) chỉ những người được bố mẹ bao bọc từ bé, sức khỏe hơi yếu và từ nhỏ luôn là một "đứa trẻ ngoan".
3. Thiên nhiên ở Scotland đã phá bỏ định kiến của mình về việc sống ở thành phố. Góc học bài ưa thích của mình nhìn ra một dòng sông lấp lánh, một bầu trời đỏ rực không bị che khuất bởi nhà cao tầng, và những đàn chim di cư về phương Nam tránh rét.
OK, đó là sương sương về những gì mình đang học, có lẽ mình sẽ kể chi tiết vào các bài viết sau.

2. Hay dậy sớm

Nếu có một điều phân biệt giữa người lớn và người sắp lớn, mình xin được khẳng định đó là khả năng dậy sớm.
Chẳng đi đâu xa, mình chỉ nghĩ nếu bạn dậy muộn thì ai gọi con bạn dậy đi học, ai nấu mì, chải tóc cho con, ai nhắc con mặc ấm và ai đưa con đến trường. Ở độ tuổi mình thì nhiều bạn bè đã có con đi học rồi (học mẫu giáo nhé chứ cũng chưa đến mức đi học cấp 2, trộm vía), tụi nó dĩ nhiên là dậy sớm. Nghe cũng kiểu như một nghĩa vụ, nhưng mà nghĩ kĩ ra thì cũng thấy vui chứ.
Còn cái này ít vui hơn: khi đã bắt đầu có tuổi rồi, bạn sẽ không yên tâm để ngủ dậy muộn được nữa.
Còn bài này chưa làm, còn cái kia cần đọc. Xong hết bài rồi thì lại nghĩ đến cần tìm việc, cần networking, cần đi tình nguyện, cần ra ngoài tận hưởng cuộc sống (cái này là wtf nhất nè, ở mục sau mình sẽ giải thích).
Ở tuổi này mới thực sự thấm thía câu nói, đời ngắn lắm đừng ngủ dài (hoặc đứa còn chênh vênh như mình mới càng thấm). Mình từ nhỏ đến lớn đều cần ngủ nhiều (mẹ mình bảo mình ngủ mà lớn chứ không phải ăn mà lớn), nhưng những năm gần đây, mình bắt đầu tập thói quen dậy sớm, và sau đó thì dậy sớm như một thói quen luôn. Chỉ dậy muộn khi rất mệt, ngoài ra thì mình luôn ưu tiên dậy sớm, kể cả vào ngày nghỉ.

3. Não không tắt đi được

Ừ đây chính là cái ý wtf như mình nói lúc nãy, tức là hiện tại, mình cảm thấy mình không nghỉ ngơi được. Nghe thì có vẻ kì quặc, muốn nghỉ thì lên giường, đắp chăn, nhắm mắt, bật nhạc ghibli không lời nếu cần, rồi 1-2 tiếng sau tỉnh dậy, chứ có gì khó khăn đâu?
Ủa vậy mà hiện tại sự nghỉ ngơi đúng nghĩa lại khá khó khăn với mình nha. Mình đang ốm, hôm qua đã xong deadline cuối cùng của học kì rồi, hôm nay đúng nghĩa là chẳng có việc gì và mình chỉ có một cái hẹn với thầy hướng dẫn vào thứ 4 tuần sau (gần 1 tuần nữa!). Vậy mà mình vẫn dậy lúc 6h30, loanh quanh nấu ăn và có một cảm giác như kiểu mình nên làm gì đó, mình cần làm gì đó, dù hôm qua đã tự hứa với bản thân là hôm nay sẽ không làm gì (hoặc ít nhất là sáng nay sẽ không làm gì).
Đã 3 tháng nay mình không có một ngày nghỉ đúng nghĩa, và hình như, mình bắt đầu quen tới mức ám ảnh với cái guồng quay này. Như thể, lúc bận quá thì mình vẫn nghĩ, ước gì có một ngày nghỉ đúng nghĩa, nhưng khi thực sự hết việc rồi thì mình lại trống rỗng và bất an.
Thú vị ghê ha, tâm lý.
Gần 9 giờ, trời tang tảng sáng rồi, mình ra ngoài đường đây. Có lẽ mình cần thay đổi không gian một chút (dù vẫn đang ốm và ở ngoài lạnh lắm huhu). Nhưng có lẽ cái đầu mình cũng cần được nghỉ ngơi không kém gì cái người.
Vậy nha, hẹn gặp bạn hôm khác tâm sự tiếp.
P/S: tính kiếm cái ảnh Xì cốt len đẹp đẹp cho vào cho bài đỡ nhạt mà lười lấy điện thoại quá, hoy hôm khác nhen.