Hôm nay Hắn có gửi cho thằng em 1 video mà hắn vừa xem trên youtube, đại loại là về Thành công thì không có công thức chung - của 1 người khá thành đạt và nổi tiếng trong kinh doanh.

- Ê! anh thấy ông này nói hay nè. 
+ Lại là lời khuyên về thành công hả anh?
- Ừ. Rảnh nghe thử coi.
+ Thôi em không nghe đâu. Toàn lừa á. Ổng thành công rồi thì ổng nói gì chả hay, chả đúng. Mình nghe cũng đâu có làm theo được.
- Bậy! hết sức bậy! Chú mày mới hơn 20 tuổi đầu thì biết gì. Anh nghe thấy câu nào cũng đúng hết á. Toàn lời khuyên có giá trị không à.
+ Nếu có giá trị thì ổng đâu có nói miễn phí như thế. Với cả ông nào nói cũng giống nhau hết á. Em nghe Steve Job, Jack Ma nói cũng vậy à. Mới đầu em hào hứng lắm, nhưng được thời gian đầu thôi. Đến khi thấy họ nói giống nhau là em không muốn nghe nữa. Vậy anh giải thích sao cho em hiểu là ổng khuyên đúng đi?
Hắn lặng yên suy ngẫm 1 chút... rồi chậm dãi gõ phím:
Đúng là ai khuyên em điều gì thì đều có thể có lừa dối trong đó. Lừa dối ở đây có 2 dạng:
- Người ta lừa em.
- Chính em tự lừa bản thân.
Khi nghe và làm theo, em kỳ vọng 1 điều gì đó. Đến khi thành quả của em không được như em kỳ vọng, em liền cho là họ lừa em. Nhưng thực chất là chính em đang lừa dối mình. Em đâu biết để nói ra 1 lời như thế họ đã trả giá như thế nào. Họ nói dễ dàng như thế bởi họ biết có nói người khác cũng khó mà thực hiện được như họ. Mục đích của câu nói đó chỉ là truyền động lực và khiến em hành động. Họ bảo: Em hãy làm đi, hãy trải nghiệm đi, tuổi trẻ được phép sai lầm... chỉ đơn giản là : làm thử thì biết.
Em làm thử và em biết sai. Sai xong em có làm lại không? Em có sửa chữa sai lầm đó không, hay em không tin vào điều đó luôn? Họ luôn luôn nói là làm sai rất nhiều lần rồi mới có 1 lần đúng, và lần đúng ấy là họ thành công. Ấy vậy mà em sai có 1 lần đã cho rằng họ nói sai. Người ta thật lạ, cứ cho rằng đúng là chắc chắn đúng. Còn mấy ông cho lời khuyên ấy, mấy ông đó chỉ nghĩ là có 1 lần đúng tức là đúng.
Chỉ khi em đã sai đủ nhiều, em mới biết rằng trong lời khuyên của người ta có 1 đường mà em chưa đi. Khi em đi vào thì em thấy có thể đúng, và kiên trì đi mới (có thể) gặp cái đúng ấy. Khi thành công rồi em nói gì chẳng được. Bởi người ta đâu có biết em thất bại ra sao, nhụt chí thế nào, người ta chỉ biết em đã thành công. Họ cũng chẳng biết thành công của em là lần đầu tiên hay lần thứ mấy. Nay thành công đấy, mai có khi lại thất bại. Nhưng khi em đang thành công thì họ vẫn tôn vinh em, nghe em nói, còn khi em thất bại thì không.
Anh từng nghe có người nói: Hãy học từ thất bại của người khác chứ đừng học từ thành công của họ. Bởi thất bại là quá khứ, chúng ta có thể nhìn vào những sai lầm của họ để né tránh những sai lầm đó.
Đùa, né sao được mà né. Sai lầm của họ chứ có phải sai lầm của em đâu. Chẳng ai cho ai bí quyết tránh sai lầm được, chỉ cho người khác bí quyết thành công thôi. Bởi sai lầm thì vô vàn, còn thành công đôi khi chỉ 1 lần. Nhìn họ thành công để ta có thêm động lực hành động, chứ nhìn thất bại của họ thì ta cũng không tránh được thất bại đâu. Với cả chỉ nghĩ đến tránh sai lầm, tránh thất bại thì làm sao nhìn được đường ra?
Học 1 đường đã khó, sức đâu mà học trăm ngàn đường.
...
+ Ông anh lại văn. Thế lúc anh suy ngẫm xong thì anh hành động theo tiêu chí nào?
- Là anh có thể làm được gì và điều đó có lợi cho người khác thì anh làm. Thêm vào đó là phải giữ được lập trường nữa.
+ Giữ lập trường à? Cái này khó vãi.
- Chỉ cần trung thực với bản thân mình thôi em.
+ Trung thực á? là sao anh?
- Đừng tự lừa dối mình và đừng nghĩ người ta lừa mình.
+ Anh nói cứ như Thạch Sanh ấy. Thời buổi này Lý Thông mới dễ sống á.
- Anh thấy làm như Thạch Sanh mới đáng làm, sống như vậy mới đáng sống em ạ...
---
04/06/2020